CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN
Chủ đề Chúa Nhật XV Thường Niên năm B này là Sứ Vụ. Sứ vụ đem lại cho các vị thừa sai sự cao cả, niềm hân hoan, nhưng cũng không thiếu nỗi buồn phiền, vị đắng cay.
Am 7: 12-15
Trong Bài Đọc I, ngôn sứ A-mốt, vốn xuất thân từ vương quốc miền Nam, vương quốc Giu-đa, được Thiên Chúa sai đi truyền đạt sứ điệp của Ngài cho vương quốc miền Bắc, vương quốc Ít-ra-en. Hoàn cảnh thật khó khăn, nhưng ngôn sứ A-mốt cũng đã hoàn thành sứ vụ ngôn sứ của mình.
Ep 1: 3-14
Trong phần mở đầu thư gởi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô cho biết ý định muôn thuở của Thiên Chúa là cứu độ nhân loại. Sứ vụ này được Đức Ki-tô hoàn thành và chuyển giao cho Giáo Hội.
Mc 6: 7-13
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su sai nhóm Mười Hai ra đi thi hành sứ vụ với lời căn dặn phải có tinh thần siêu thoát triệt để, cũng như báo trước những thất bại có thể có.
BÀI ĐỌC I (Am 7: 12-15)
Các sự việc được trình thuật trong đoạn trích hôm nay diễn ra ở vương quốc miền Bắc, dưới triều đại của vua Gia-róp-am II (787-747 tCN). Để hiểu rõ hoàn cảnh lịch sử ở đó ngôn sứ A-mốt được Thiên Chúa sai đi thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình, xin được nhắc lại, sau khi vua Sa-lô-môn băng hà, vào năm 931 trước Công Nguyên, mười hai chi tộc Ít-ra-en chia rẽ nhau. Hai chi tộc vẫn trung thành với vương triều Đa-vít, tức vương quốc miền Nam, còn gọi là vương quốc Giu-đa. Mười chi tộc còn lại tách ra khỏi vương triều Đa-vít, tự chọn cho mình một vị vua mới, vua Gia-róp-am, và thiết lập vương quốc miền Bắc, còn gọi là vương quốc Ít-ra-en.
Vương quốc miền Nam có lợi thế là Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Đối lại, vương quốc miền Bắc phục hồi tính thánh thiêng của hai thánh địa xưa: đền thánh Ghin-gan nằm ở cực bắc xứ Pa-lê-tin, và đền thánh Bết Ên nằm ở cực nam cách Giê-ru-sa-lem khoảng chừng 15 cây số, để mà dân chúng miền Bắc quên đi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Quả thật, khi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem đã được xây dựng và được coi như Đền Thờ quốc gia, thì những đại lễ Do thái đều được tập trung cử hành tại đó. Do đó, các thánh địa mất đi vị thế của mình. Đền thánh Bết Ên, nơi mà A-mốt thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình, có ưu điểm là nhắc nhớ tổ phụ Gia-cóp. Chính ở nơi đây mà ông Gia-cóp đã có một giấc mơ trong đó ông thấy một chiếc thang nối liền trời với đất. Vì thế, vị tổ phụ đã gọi nơi nầy là Bết-Ên, nghĩa là “Nhà Thiên Chúa” (St 28: 19).
Hai đền thánh nầy, cũng như các tư tế phục vụ chúng, hoàn toàn phụ thuộc vào vương triều, như ông A-mát-gia, tư tế đền thánh Bết Ên, nói với ngôn sứ A-mốt: “Đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều” (7: 13).
1.Sứ vụ của ngôn sứ A-mốt:
Vốn là người sinh trưởng ở vương quốc miền Nam, ông A-mốt được Thiên Chúa sai đến vương quốc miền Bắc để thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình. Ông xuất thân từ một thị trấn Bết-lê-hem, làm nghề chăn nuôi súc vật và chăm sóc những cây sung để chúng sinh ra những trái sung ngon ngọt (phải chăng đây cũng chính là ý nghĩa sứ vụ ngôn sứ của ông?).
Sứ mạng của vị ngôn sứ gặp nhiều khó khăn. Ông phải ngỏ lời với dân chúng đang sống trong cảnh thanh bình, thịnh vượng và phú túc. Tuy nhiên, xã hội đầy dẫy những chuyện bất công. Những kẻ “lắm tiền nhiều của” liên kết với những kẻ “có thế có quyền” áp bức bốc lột những người nghèo hèn trong xứ. Sứ điệp của ngôn sứ gởi đến vương quốc miền Bắc thịnh vượng nầy thật nghiêm khắc:
“Chúng ghét người sửa trị nơi cửa công
và thù oán kẻ ăn ngay nói thật.
Vậy, bởi các ngươi chà đạp kẻ yếu hèn
và đánh thuế lúa mì của họ,
nên những ngôi nhà bằng đá đẻo các ngươi đã xây,
các ngươi sẽ không được ở;
những gốc nho ngon ngọt các ngươi đã trồng,
các ngươi sẽ không được uống rượu của chúng.
Bởi Ta biết tội ác các ngươi nhiều vô kể,
tội lỗi các ngươi nặng tầy trời:
nào áp bức người công chính, lại đòi quà hối lộ,
nào áp bức kẻ nghèo hèn tại cửa công” (5: 10-12).
Vị ngôn sứ phẩn uất trước những lễ hội xa hoa, những đám rước linh đình do tiền đóng góp của những kẻ làm giàu trên xương máu đồng bào của mình. Ông nhận thấy ở nơi những lớp vỏ thịnh vượng vật chất giả tạo là thực chất của một xã hội bất công thối nát. Vì thế, vào thời buổi nầy, cách đối nhân xử thế khôn ngoan nhất là “Dĩ hòa vi quý”, nhắm mắt làm ngơ trước hiện trạng bất công xã hội mà mình đang sống:
“Bởi thế thời buổi nầy, ai cẩn trọng thì làm thinh,
vì đây là một thời khốn quẩn” (5: 13).
Tuy nhiên, ngôn sứ A-mốt không như thế, ông đã nhân danh Thiên Chúa tuyên sấm tố cáo lối sống giả tạo của vương quốc nầy:
“Vào ngày Ta trị tội Ít-ra-en
Ta sẽ triệt hạ các bàn thờ của Bết-Ên:
các sừng của bàn thờ sẽ bị bẻ gãy và quăng xuống đất.
Biệt thự mùa đông, biệt thự mùa hè, Ta sẽ triệt phá;
điện ngọc đền ngà sẽ sụp đổ,
lâu đài dinh thự cũng tan hoang” (3: 14-15).
2.Sấm ngôn của A-mốt:
Thật ra, khi thấy hiểm họa xâm lăng của các đạo quân Át-sua, ngôn sứ A-mốt ra sức cảnh báo ngăm đe ngõ để mà vương quốc Ít-ra-en, vương quốc miền Bắc, có thể hồi tâm trở lại cùng Thiên Chúa của mình, thay đổi đời sống mà tránh khỏi án phạt:
“Hãy tìm điều lành chứ đừng tìm điều dữ,
rồi các ngươi sẽ được sống,
và như vậy Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh
sẽ ở cùng các ngươi, như lời các ngươi nói” (5: 14).
Khi cảnh báo cuộc xâm lăng của đế quốc Át-sua sắp đến, ngôn sứ A-mốt không nêu đích danh, nhưng đơn giản chỉ gọi là “quân thù”:
“Quân thù sẽ bao vây lãnh thổ,
sẽ triệt hạ sức mạnh của ngươi,
và đền đài của ngươi sẽ bị cướp phá” (3: 11).
Rảo khắp các thành thị và các đền thánh, vị ngôn sứ nêu lên câu hỏi với dân chúng: liệu Thiên Chúa sẽ gìn giữ dân của Ngài, nếu dân vẫn cứ ngoan cố trong tội ác của mình? Sấm ngôn của ông càng lúc càng vang dội lời cảnh báo nghiêm khắc:
“Quả thế, Đức Chúa phán thế này với nhà Ít-ra-en:
Hãy tìm Ta thì các ngươi sẽ được sống.
Nhưng đừng tìm đến Bết Ên,
đừng đi vào Ghin-gan, chớ qua Bơ-e Se-va!
Vì Ghin-gan sẽ bị đày biệt xứ,
và Bết Ên sẽ thành chốn không người” (5: 4-5).
Sấm ngôn của ông được ứng nghiệm. Vương quốc miền Bắc bị tiêu diệt dưới những cuộc tấn công của đế quốc Át-sua và biến mất vĩnh viễn khỏi lịch sử vào năm 721 trước Công Nguyên.
3.Phẩm chất của ngôn sứ A-mốt:
Trước đó, tư tế A-mát-gia đã tố cáo ngôn sứ A-mốt với vua Gia-róp-am: “A-mốt âm mưu chống đức vua ngay trên lãnh thổ Ít-ra-en, và đất nước nầy không còn chịu nổi bất cứ lời nào của ông ta nữa. Vì A-mốt nói như thế nầy: Gia-róp-am sẽ chết vì gươm, và Ít-ra-en sẽ bị đày biệt xứ” (7: 10-11). Trong đoạn trích hôm nay, tư tế A-mát-gia, hoặc thừa hành lệnh vua, hoặc nhân danh quyền lãnh đạo của mình là tư tế của thánh địa Bết-Ên, ra lệnh cho ngôn sứ A-mốt: “Nầy thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giu-đa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm!” (7: 12).
Tư tế A-mát-gia vu khống ngôn sứ A-mốt khi đồng hóa ông với các ngôn sứ mạo danh, những kẻ xem việc tuyên sấm như một nghề để làm ăn, để kiếm tiền. Trước lời vu khống nầy, ngôn sứ A-mốt đáp lại: ông không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải xuất thân từ trường lớp ngôn sứ, nhưng chỉ là người chăn súc vật và chăm sóc vườn cây. Chính Đức Chúa “đã bắt lấy” ông khi ông đang làm công việc thường ngày của mình, nghĩa là, chính Thiên Chúa đã gọi ông và trao gởi sứ mạng cho ông: “Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta” (7: 15). Đó là cứu thoát dân Ít-ra-en khỏi án phạt của Thiên Chúa sắp đến (7: 14-15).
4.Sự nghiệp của ngôn sứ A-mốt:
Phải chăng lệnh truyền của tư tế A-mát-gia đã chấm dứt sự vụ của ngôn sứ A-mốt? Chúng ta không biết chính xác; nhưng xem ra sứ vụ ngôn sứ của A-mốt chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, sứ điệp của ông vẫn được lưu truyền muôn thuở.
Ngôn sứ A-mốt là vị ngôn sứ bút ký sớm nhất mà sứ điệp của ông vẫn còn được bảo tồn bằng văn tự cho đến ngày nay. Ông đã khai sáng “độc thần giáo luân lý”, đây là nét đặc trưng của truyền thống ngôn sứ Ít-ra-en: “đưa đạo vào đời”. Ở nơi sứ điệp của ông, chúng ta gặp thấy âm vang lời dạy của Công Đồng Va-ti-can II: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Ki-tô, và không có gì thật sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thật vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được quy tụ trong Chúa Ki-tô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận Tin Mừng cứu rỗi đem đến cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhận thấy mình thực sự liên đới mật thiết với loài người và lịch sử loài người” (Vui Mừng và Hy Vọng, số 1).
BÀI ĐỌC II (Ep 1: 3-14)
Thánh Phao-lô viết thư nầy khi ngài bị giam cầm ở Rô-ma vào những năm 61-63. Thư nêu bật ý định muôn thuở của Thiên Chúa không gì khác hơn là cứu độ nhân loại. Thiên ý này được Đức Giê-su mặc khải, hoàn thành và chuyển giao cho Giáo Hội.
1. “Chúc tụng Thiên Chúa…”
Đoạn văn mà chúng ta đọc là phần đầu của thư ngay sau lời chào hỏi mở đầu. Thánh Phao-lô diễn tả tâm tình tạ ơn theo cách thức cầu nguyện của truyền thống Do thái, được gọi “berakah”: “Chúc tụng Thiên Chúa”. Dù với tư cách cá nhân hay cộng đoàn, lời nguyện nầy bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, không trừu tượng, nhưng luôn luôn vì những ân phúc rõ ràng. “Lời chúc tụng” nầy có thể là lời cầu nguyện tự phát cá nhân, điển hình như những lời kinh nguyện của bà An-na, mẹ ông Sa-mu-en, của ông Tô-bi-a, của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Đây cũng là lời kinh nguyện gia đình trước bữa ăn và đặc biệt long trọng vào bữa ăn Vượt Qua. Đức Giê-su đã đọc “lời chúc tụng” trên bánh và rượu. Sau cùng, lời chúc tụng là hình thức tuyệt vời nhất của kinh nguyện hội đường.
Thánh Phao-lô, trước đây là một Pha-ri-sêu, vẫn trung thành với hình thức chúc tụng nầy. Toàn bộ bài thánh thi nầy kể ra muôn phúc lộc mà Thiên Chúa đã tuôn đổ trên nhân loại. Thánh nhân cũng bắt đầu thư thứ hai gởi các tín hữu Cô-rin-tô theo cùng một cách như vậy: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi nhân ái, và là Thiên Chúa hằng sẳn lòng ủi an những ai lâm cảnh gian nan khốn khó…” (2Cr 1: 3).
2.Ý định muôn thuở của Thiên Chúa:
Trước tiên, thánh Phao-lô nhắc nhở rằng Thiên Chúa, nguyên lý và nguồn mạch của muôn phúc lộc, đã chuẩn bị kế hoạch muôn thuở của Ngài cho nhân loại.
Chúng ta ghi nhận rằng “bài ca chúc tụng” này được xây dựng theo kỷ thuật đóng khung rất quen thuộc với thánh Phao-lô, bắt đầu: “Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (1: 3) và kết thúc: “Trong Đức Ki-tô, cả anh em nữa, anh em đã nghe chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Đức Ki-tô, một khi đã tin, anh em đã được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (1: 13-14).
Như vậy, bài ca chúc tụng này bắt đầu trong Đức Ki-tô, trong Ngài Thiên Chúa ban xuống muôn vàn phúc lộc của Thánh Thần cho chúng ta, để rồi kết thúc cũng trong Đức Ki-tô mà chúng ta nghe được Tin Mừng cứu độ và cũng trong Đức Ki-tô mà Thiên Chúa đóng ấn chúng ta bằng Thánh Thần, là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta. Nói theo ngôn ngữ của Tin Mừng Gioan:
“Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận
hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1: 16).
3.Đức Ki-tô và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa:
Trong nhiệm cục xưa, mọi sự đều nhằm chuẩn bị cho cuộc giáng trần của Đức Ki-tô; trong nhiệm cục mới, mọi sự đều khởi đi từ Đức Ki-tô. Thánh Phao-lô đặt ở trung tâm lời chúc tụng của mình là công trình cứu độ của Đức Ki-tô. Chính nhờ Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, mà kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện. Việc mặc khải thiên ý mầu nhiệm nầy là một sự khai mở diệu kỳ, cao vời khôn ví, vượt quá sự khôn ngoan thông hiểu của loài người (chúng ta nhận ra ở đây một đề tài rất tâm đắc của thánh nhân).
Sau cùng, thánh Phao-lô gợi lên vai trò của Đức Giê-su, “Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (1: 10). Ở đây, động từ Hy lạp “quy tụ” được thánh Phao-lô dùng một lần khác trong thư gởi tín hữu Rô-ma để nói lên rằng Đức Ái “thâu tóm” tất cả mọi giới luật khác (Rm 13: 9). Trong đoạn trích này, Đức Giê-su “thâu tóm” toàn thể vũ trụ vì ở nơi Người mà muôn loài trên trời dưới đất đều quy hướng về để gặp thấy sự hiện hữu của chính mình và ý nghĩa sự hiện hữu của mình. Theo sau thánh Phao-lô, động từ “thâu tóm” đã đi vào trong từ vựng thần học, nhất là với thánh I-rê-nê, và trở thành đối tượng của biết bao sự khai triển.
Nói một cách chính xác, thánh Phao-lô không gán cho Đức Ki-tô vai trò vũ trụ, nhưng triển khai khái niệm “Nhiệm Thể”. Theo cách nầy, thánh nhân chống lại vũ trụ quan của Do thái như trong thư gởi các tín hữu Cô-lô-xê, đồng thời cũng chống lại vũ trụ quan của phái khắc kỷ. Quả thật, trong vài môi trường Do thái, người ta gán cho các thiên thần một vai trò đặc biệt và xem các ngài là những người tổ chức và điều hành vũ trụ. Các Ki-tô hữu xuất thân từ Do thái giáo duy trì những niềm tin như thế có nguy cơ giảm nhẹ vai trò của Đức Ki-tô. Thánh Phao-lô sửa sai vũ trụ quan này. Đối với phái khắc kỷ, họ thấy sự hòa điệu và trật tự của vũ trụ qua tác động của các thần thiêng. Những cách nói của thánh Phao-lô rất gần với phái khắc kỷ, nhưng thánh nhân loại bỏ tất cả khuynh hướng phiếm thần. Về điểm nầy, thánh nhân định vị tư tưởng của mình vào trong truyền thống minh triết Cựu Ước, nghĩa là thánh nhân mượn vài đề tài ở nơi trường phái khắc kỷ, nhưng định vị chúng vào trong viễn cảnh của Đức Chúa cao siêu mầu nhiệm (x. Hc 43: 26-28; Kn 1: 7; 7: 22-23; 12: 1, vân vân).
4.Kế hoạch của Thiên Chúa được diễn tiến trong lịch sử:
Lúc đó, thánh Phao-lô nhắm đến kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại diễn tiến trong lịch sử, được gọi là “Lịch Sử Cứu Độ”. Lịch sử cứu độ này được bày tỏ qua ba giai đoạn: Chúa Cha hoạch định, Chúa Con thi hành, Chúa Thánh Thần tác động.
Trước tiên, thánh nhân gợi lên ơn gọi của Ít-ra-en: Ít-ra-en được Thiên Chúa tuyển chọn là để làm nhân chứng về việc trông đợi cuộc giáng trần của Con Ngài. Ở đây, thánh nhân ngỏ lời với các tín hữu gốc Do thái mà ngài kể mình vào trong số họ với đại từ “chúng tôi”: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Ngài, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người…” (1: 11-12). Tiếp đến, thánh nhân ngỏ lời với các Ki-tô hữu gốc lương dân bằng đại từ “anh em”: “Trong Đức Ki-tô cả anh em nữa, anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em…” (1: 13-13). Sau cùng, thánh Phao-lô hiệp nhất hai nhóm Ki-tô hữu xuất thân khác nhau này lại với nhau qua đại từ chung: “chúng ta” khi thánh nhân đề cập việc Chúa Cha sai phái Chúa Thánh Thần một cách nào đó như là thực hiện lời cam kết theo đó Ngài đã hứa ban gia nghiệp, nghĩa là được sống bên Ngài để “ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (1: 14). Diễn ngữ “ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” lập lại đến ba lần (1: 6, 12, 14) như một điệp khúc trong bài ca chúc tụng nầy. Đó là mục đích tối hậu của kế hoạch Thiên Chúa và đó cũng là cứu cánh của nhân loại.
TIN MỪNG (Mc 6: 7-13)
Trong chương trước, thánh Mác-cô đã tường thuật việc Đức Giê-su “thiết lập nhóm Mười Hai” với hai mục đích: “để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (3: 14).
1.Nguồn gốc sứ vụ của các môn đệ:
Sau một thời gian chuẩn bị: “nhóm Mười Hai” đã sống với Người, đã nghe giáo huấn của Người và được Người giải thích mọi điều, đã thấy quyền năng của Người qua các phép lạ, cũng như những thất bại của Người như ở Na-da-rét, Đức Giê-su cho rằng đã đến lúc đặt các ông vào trong thử thách khi sai các ông đi thi hành sứ vụ.
Việc sai các môn đệ đi thi hành sứ vụ thật sự là điều mới mẽ. Vào thời của Người, các kinh sư quy tụ chung quanh mình một nhóm môn đệ để chia sẻ cuộc sống của thầy; tuy nhiên, họ không bao giờ nghĩ đến việc sai các môn đệ ra đi và ủy quyền cho họ thi hành sứ vụ. Chính Đức Giê-su đích thân sai các ông đi và ủy quyền cho các ông thi hành sứ vụ, như sau nầy Người sẽ lập lại với họ trước khi từ giả các ông: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20: 21).
2.“Từng hai người một”:
Chúa Giê-su bắt đầu sai các ông đi “từng hai người một” (6: 7). Thánh Mát-thêu đã bảo tồn cho chúng ta nhóm từng hai người một nầy khi kể tên nhóm Mười Hai theo từng cặp: Phê-rô và An-rê, Gia-cô-bê và Gioan, Phi-líp-phê và Ba-tô-lô-mê-ô, Tô-ma và Mát-thêu, Gia-cô-bê và Ta-đê-ô, Si-mon và Giu-đa (x. Mt 10: 2-4).
Có phải ở đây Đức Giê-su quan tâm đến tâm lý? Chắc chắn, công việc dễ dàng hơn nếu có hai người cùng nhau bàn bạc, bổ túc cho nhau và giúp đỡ nhau trên dặm đường truyền giáo. Nhưng con số “hai” cũng là biểu tượng cộng đoàn, nghĩa là các vị thừa sai không làm việc đơn lẻ một mình, nhưng làm việc cùng nhau theo từng nhóm. Ngoài ra, theo quy định của Lề Luật, một lời chứng chỉ có giá trị nếu có hai nhân chứng (x. Đnl 17: 6; 19: 15; Ds 35: 30). Các môn đệ sẽ làm chứng từng hai người một về những dấu chỉ của Vương Quốc Thiên Chúa: trước hết, qua quyền năng trên những thế lực sự Dữ; thứ nữa, qua cuộc sống siêu thoát khỏi những bận lòng trần thế để nhắm đến những của cải tinh thần.
3.Hành trang của vị thừa sai.
Những căn dặn của Đức Giê-su cho các vị thừa sai nhắm đến hành trang thật gọn nhẹ, hay đúng hơn không trang bị gì cả: không lương thực, không bao bị, không tiền giắc lưng, không áo để thay đổi. Có vài chi tiết khác biệt giữa các Tin Mừng Nhất Lãm, tuy nhiên bài học thì rõ ràng: đức khó nghèo và sự phó thác hoàn toàn vào ơn Quan Phòng của Chúa phải là những dấu ấn mà các vị thừa sai để lại trong lòng mọi người. Phong thái của họ cực kỳ đơn giản giống như những lữ khách lòng không vương vấn bất cứ điều gì cả. Họ được mô tả như những lữ khách luôn luôn sống trong tư thế lên đường, không tìm cách định cư ở một nơi nào nhất định, bởi vì còn có những nơi khác nữa cần đến sứ điệp của họ. Chỉ thị của Đức Giê-su ở câu 8 và câu 9 gợi nhớ chỉ thị của Đức Chúa cho Ít-ra-en trong tư thế sẵn sàng lên đường khi ăn lễ Vượt Qua tại Ai-cập: “Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy” (Xh 12: 11). Vào lúc dùng bữa sau cùng với các môn đệ, Đức Giê-su sẽ hỏi các ông: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?”. Mọi người đồng thanh đáp: “Thưa không” (Lc 22: 35).
Quả thật, truyền thống hiếu khách của người Đông Phương tạo cơ hội thuận tiện cho việc thi hành sứ vụ của các các vị thừa sai lữ hành. Tuy nhiên, Đức Giê-su căn dặn họ: “Khi anh em vào nhà nào mà người ta đón tiếp, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi”. Vị thừa sai phụ thuộc vào lòng hiếu khách của các cộng đồng địa phương, vì thế tránh mất thời gian và năng lực không cần thiết vào việc tìm kiếm nơi ở tốt hơn. Phải trân trọng lòng hiếu khách hơn nơi lưu trú.
4.Giũ bụi chân:
Vì là những người được sai đi rao truyền sứ điệp một cách vô vị lợi, nên họ được tiếp đón một cách vô vị lợi từ những gia đình mà họ viếng thăm. Nhưng Đức Giê-su cũng tiên liệu sứ điệp kêu gọi hoán cải mà họ rao giảng có thể có những người khước từ: “Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ” (6: 11).
Đây là tập tục của người Do thái sau cuộc hành trình trở về từ nước ngoài. Khi đặt chân lên đất thánh, họ giũ bụi đường khỏi giày dép để không đưa bụi phàm trần vào đất thánh của mình. Trong lời căn dặn của Đức Giê-su, không có bất kỳ một sự khinh bỉ nào đối với những người khước từ sứ điệp, nhưng hành động “giũ bụi chân” nói lên lời cảnh cáo mạnh mẽ đối với những ai khước từ Tin Mừng cứu độ.
Lời rao giảng của các môn đệ chưa trọn vẹn vì họ chưa rao giảng con người của Đức Giê-su. Vả lại vào giây phút này họ chưa có thể hiểu đầy đủ về Ngài, nhưng chỉ chuẩn bị các tâm hồn: kêu gọi hoán cải. Như Đức Giê-su, lời rao giảng của họ kèm theo những dấu chỉ: trừ quỷ, xức dầu bệnh nhân và chữa lành bệnh tật.
5.Xức dầu bệnh nhân:
Vào thời Cựu Ước, người ta xức dầu để làm dịu vết thương. Các Tông Đồ xức dầu, không như một phương thuốc, nhưng như một dấu chỉ biểu tượng cho một tác động siêu nhiên. Công Đồng Tren-tô đã thấy trong cử chỉ của các Tông Đồ một trực giác, một phác thảo bí tích xức dầu bệnh nhân. Thánh Gia-cô-bê chứng thực rằng bí tích nầy đã được thực hành ngay từ thời các Tông Đồ: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội , thì sẽ được Chúa tha thứ” (Gc 5: 14-15).
Bệnh nhân được chữa lành, ma quỷ bị trục xuất, những cử chỉ này của các thừa sai được ghi khắc trên cùng bình diện với các cử chỉ của Đức Giê-su. Các sự dữ được gán cho tội lỗi, vì thế, việc chúng bị khai trừ loan báo thời đại lòng xót thương của Chúa.
6.Ý nghĩa:
Bài diễn từ sai các môn đệ lên đường nầy rất cổ kính vì mang đậm nét các phong tục tập quán thời xưa. Tuy nhiên, sứ điệp của nó rất hiện thực. Tin Mừng được truyền bá bằng những cuộc sống đơn sơ giản dị và trao ban một cách vô vị lợi, vì thế, mời gọi mọi người đón nhận nó cũng một cách vô vị lợi. Sứ điệp kèm theo các dấu chỉ cho thấy chiến thắng của Đức Ki-tô trên sự Ác và Tử Thần là sứ điệp muôn thuở của bài trình thuật cổ kính nầy.