Suy Niệm Thánh Vịnh 122 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ ba - 29/06/2021 05:34  1054
Suy Niệm Thánh Vịnh 122
Dân Ít-ra-en bị áp bức đặt hy vọng nơi Thiên Chúa
1     Ca khúc lên Đền. 
    Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa, 
    Đấng đang ngự trên trời.
2     Quả thực như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, 
    như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, 
    mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên CHÚA 
    là Thiên Chúa chúng ta, 
    tới khi Người xót thương chút phận.
3     Dủ lòng thương, lạy CHÚA, xin dủ lòng thương, 
    bởi chúng con bị khinh miệt ê chề ;
4     hồn thật quá ê chề vì hứng chịu 
    lời nhạo báng của phường tự mãn, 
    giọng khinh người của bọn kiêu căng.

Cùng Đọc Với Israel
Đây là thánh vịnh hành hương, hoặc thánh vịnh lên đền. Bài thơ này là một viên ngọc văn học nhỏ, trong đó nhịp điệu câu được cắt tỉa bằng lối điệp ngữ hết sức ý nghĩa: mắt, tay hướng về…xót thương, khinh miệt…Dân Israel ý thức mình là một dân bé nhỏ, nghèo hèn, bị đàn áp, bị khinh miệt. Tất cả những điều đó cô đọng trong từ do thái ‘anawim’ mà ta dịch là nghèo, hoặc là khiêm nhu. Thay vì bị đè bẹp bởi tình trạng đó, người do thái tựa vào đó để quay về với Thiên Chúa mà thôi: không có lấy một chút quyền lực chính trị hay quân sự, họ ‘hướng mắt nhìn lên trời cao’.
Hình ảnh ‘gia nhân’ và ‘bà chủ’ tương ứng với một nền văn minh mà nay chúng ta không còn thấy nữa. Đây không có ý chỉ mối liên hệ chủ-tớ mà Karl Marx đã phân tích. Trái lại đây là một loại hình tương quan mang tính cách gia đình: người gia nhân được nêu lên đây đầy lòng kính trọng yêu thương đối với ông chủ và chỉ chờ một dấu hiệu nhỏ của chủ để sẵn sàng hành động.
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
‘Mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên CHÚA là Thiên Chúa chúng ta, tới khi Người xót thương chút phận’. Lời kinh nguyện thinh lặng và tha thiết này thật đẹp: chỉ có đôi mắt biết nói…như trẻ thơ ngước đôi mắt đầy khát vọng nài xin mẹ mình trong thinh lặng. Đức Giêsu thường dạy ta phải cầu nguyện ‘với lòng kiên trì’, đến độ thành kẻ ‘quấy rầy’ (Lc 18,5; 11,5). Hãy cầu nguyện không ngừng. 
‘Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa, Đấng đang ngự trên trời’. Nhiều lần trong Tin mừng, Đức Giêsu đã ngước mắt lên trời cầu nguyện (Mt 14,19; 15,35-36; Mc 6,39-41; Lc 9,14-16). ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’. 
Còn đối với lời than van của những người nghèo ‘bị khinh miệt ê chề’, đừng quên rằng Đức Giêsu cũng đã sống tình cảnh đó và uống cạn chén đắng: Ngài đã chết trần trụi, trước những lời khinh miệt nhạo cười, bị đóng đinh như một tên nô lệ.
Sau cùng, như hình ảnh ‘người tôi trung’ tỉnh thức, lắng nghe, Đức Giêsu cũng đã thường xuyên lập lại như một mệnh lệnh: ‘Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm  người phục vụ anh em’ (Mt 20,16). ‘Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành…Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh’ (Mt 25,21). ‘Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ’ (Lc 12,37). Đức Giêsu tự ví mình như người Tôi tớ của Thiên Chúa: ‘Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?’ (Lc 2,49).
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Thời bị khinh miệt. ‘Quá ê chề vì hứng chịu lời nhạo báng của phường tự mãn, giọng khinh người của bọn kiêu căng’. Ta có thể cầu nguyện với thánh vịnh này nhân danh tất cả những người bị khinh miệt nhân phẩm, nhân danh những ‘quyền con người’, như người ta nói ngày nay, nhân danh những ai không có tiếng nói, nhân danh những ai âm thầm đau khổ vì họ không có cách nào để làm cho thế giới ồn ào này lắng nghe tiếng họ.
Hãy cầu nguyện với thánh vịnh này, nếu ta không muốn mình rơi vào ảo tưởng hoặc thói giả hình, cũng chính là tự hỏi mình có tham dự vào ‘thời bị khinh miệt’ này không. Tôi có khinh miệt người nào không? Đâu là những người và những nhóm mà tôi khó lòng tôn trọng và yêu mến họ? Có thể được xem là ‘môn đệ Đức Giêsu’ không nếu vẫn còn giữ trong lòng một chút kỳ thị, thù hận, khinh miệt, đối với một ai đó, ngay cả thù địch mình? ‘Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?’ (Mt 5,43-48; Lc 6,27).
Tinh thần khó nghèo: những người anawim. Là người tây phương, thường sống trong hoàn cảnh vật chất dư thừa so với phần còn lại của thế giới. Có lẽ nên áp dụng trước tiên việc lên án cho chính mình vì ‘lời nhạo báng của phường tự mãn, giọng khinh người của bọn kiêu căng’ đối với người nghèo.
Hình ảnh người nghèo, đầy dẫy trong các thánh vịnh, đến độ ta có thể nói rằng thánh vịnh là lời kinh nguyện của những kẻ nghèo (Tv 9,13-19; 110, 9-12; 14,6; 18,28; 22,5-27; 25,9; 34,3-7; 35,10; 37,11-14; 40,18; 69,30-33; 70,13-14...). Nơi các ngôn sứ xưa, người nghèo tượng trưng một tầng lớp xã hội, là hạng người bị đàn áp và chẳng có gì, do lỗi của những kẻ bóc lột (Am 2,6-7; 5,10; 8,4; Is 3,14-15; 5,8-9; 10,2; Mk 2,1-2; 3,3-4; 6,12). Nhưng suốt dòng lịch sử dân Israel, nhất là từ thời lưu đày, ý nghĩa ‘kinh tế và xã hội’ của từ anawim, dĩ nhiên không bao giờ biến mất, có khuynh hướng ẩn sau hậu cảnh, để nhường chỗ cho ý nghĩa ‘tôn giáo’. Những người nghèo lúc bấy giờ trở thành những người mà nổi thống khổ của họ giúp họ ý thức sự tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa...là những người mong chờ lòng thương xót của Người...những người không được mãn nguyện, những người có một lý tưởng không bao giờ đạt tới và luôn luôn nghèo và rất sẵn lòng...những người tìm kiếm một thành toàn, một hoàn thiện lớn lao hơn nữa...những người cảm thấy trái đất này không đủ...Trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là những kẻ nghèo, anawim. Nhưng ta có thể không ý thức điều đó... ‘Phúc cho ai có tinh thần khó nghèo vì Nước Trời là của họ’. Theo nghĩa đó, từ ‘nghèo’ ít đối lại với từ ‘giàu’ hơn là những từ ‘kiêu căng’, ‘kẻ gian ác’, ‘kẻ dữ’, ‘kẻ cười nhạo’, ‘kẻ khinh miệt’, ‘kẻ thỏa mãn với đời sống vật chất’. ‘Lời nhạo báng của phường tự mãn, giọng khinh người của bọn kiêu căng’.
Sự thật là sự khó nghèo vật chất không phải vô ích vì nó giúp ta khám phá sự nghèo khó là thiết yếu: khi ta có dư tràn mọi thứ ở đời này, khi ta có được sự an ủi, khi ta cảm thấy thỏa mãn, ta ít chuẩn bị để lắng nghe những lời mời gọi tinh thần của trời cao. Và Đức Giêsu, cũng đã cảnh giác chúng ta về ‘sự giàu sang’. Đừng lấy làm ngạc nhiên vì chính cái tây phương này, là lục địa duy nhất giàu sang, lại đồng thời cũng là chiếc nôi của chủ nghĩa vô thần vĩ đại. Người đầy ứ có nguy cơ tự khép kín mình lại trong thế giới riêng, không biết rằng họ còn thiếu điều thiết yếu. Nhà triết gia hy lạp đã mạnh mẽ đóng ấn cho lý tưởng ấy là ‘đồ lợn thối tha’ biểu tượng những người theo chủ nghĩa vật chất. 
Tinh thần phục vụ. ‘Như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ’. Chúng ta sống trong một nền văn minh hoàn toàn khác. Những từ ngữ trên hầu như chẳng nói cho ta điều gì, nhiều lúc lại mang đến ý nghĩa phản diện. Tuy vậy, nếu ta cố vượt lên những mô hình ý thức hệ, ta có thể khám phá ra một lý tưởng hết sức hiện đại: tinh thần biết lắng nghe và quan tâm đến người khác, điều này là tâm điểm cho các khoa học về con người. Tận đáy lòng, ta thấy mình đầy tràn chính mình và ta không biết làm sao ‘đón nhận’ kẻ khác. Những đôi mắt hướng nhìn về một bàn tay! Hình ảnh hết sức tế nhị về tâm lý.
‘Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng…phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới’. Đức Maria đã sống lý tưởng được diễn tả trong thánh vịnh 122 này: Mẹ tự cho mình là nữ tỳ, quan tâm đến việc thi hành ý Chúa. Và, là điều nghịch lý, việc phục vụ khi ấy đã bị đảo lộn, chính Thiên Chúa với cái nhìn chăm chú của Ngài làm no thỏa cả những khát vọng bé nhỏ nhất của nữ tỳ Ngài.
Tinh thần cầu nguyện. ‘Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa’. ‘Con nâng hồn lên tới Chúa, lạy Chúa’. Đôi mắt chúng ta nói. Đôi mắt ta có thể giúp ta cầu nguyện…khi nhìn một ảnh thánh, thánh giá, nhà tạm, hướng nhìn Bánh hằng sống là Mình Đức Kitô.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours,Tome II
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập90
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm64
  • Hôm nay28,423
  • Tháng hiện tại709,673
  • Tổng lượt truy cập57,497,706

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây