Suy niệm Lời Chúa, Chúa Nhật XIV Thường Niên – Năm B
Thiên Chúa qua mỗi thời mỗi buổi, qua nhiều cách thế diễn tả khác nhau, vẫn luôn tạo mọi cơ hội tốt để ban ơn, soi sáng, hướng dẫn và thánh hóa con người, hầu giúp con người nhận ra những dấu chỉ sự hiện diện và tình thương của Thiên Chúa trong mỗi thời đại. Một trong muôn vàn cách thế đó chính là Chúa đã tuyển chọn, thánh hóa và sai các Ngôn sứ đến với dân của Ngài. Vậy thì, Ngôn sứ là ai? Thưa: họ là những con người như tất cả chúng ta, nhưng họ được tuyển chọn để làm sứ giả, Chúa đã sai họ đi, gởi họ đến để thay mặt Chúa, để nói lời của Chúa, để giúp chuyển tải sứ điệp, ơn thánh Chúa cho tha nhân. Ngôn sứ đích thực, mặc dầu vẫn dùng ngôn ngữ của con người, nhưng là người nói Lời của Thiên Chúa, chứ không phải nói bằng lời của chính mình. Ngôn sứ lắng nghe, tiếp nhận thánh ý Chúa và rao truyền những gì mà Chúa đã ủy thác cho.
Trong bài đọc một, hơn bất cứ ai khác, Ngôn sứ Êzêkiel là người được tuyển chọn, người đã được Chúa đặt Lời của Chúa vào trong miệng lưỡi của ông. Đặc biệt hơn, Chúa còn thánh hóa Êzêkiel được bằng lửa và thần khí, để sai ông ra đi, thay mặt Chúa mà nói cho dân biết thánh ý và kế hoạch yêu thương của Ngài. Câu hỏi là: Tại sao Chúa không trực tiếp nói mà lại nói qua Ngôn sứ, vị sứ giả của Ngài? Chúng ta biết, theo Kinh Thánh, trong Cựu ước, không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa và lại càng không thể đối diện trực tiếp với Thiên Chúa mà có thể tồn tại, vì dung nhan, sức mạnh và uy quyền của Thiên Chúa, ngay cả như Môsê cũng chỉ được nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa từ phía sau lưng mà thôi. Tuy nhiên, với lòng khoan dung nhân hậu và rất mực công minh, Thiên Chúa qua trung gian của Ngài là những Ngôn sứ, để Chúa vẫn luôn nói với con người chúng ta, luôn đồng hành-hướng dẫn, minh chứng, trao ban và ký kết với chúng ta giao ước tình yêu của Ngài. Qua sứ vụ của Ngôn sứ Êzêkiel, cũng cho chúng ta ý thức hơn về con người thật và sứ vụ đặc biệt của Ngôn sứ, mặc dầu được tuyển chọn, được thánh hóa, được thay mặt Chúa nói và rao giảng ý Chúa cho dân, nhưng đồng thời, những Ngôn sứ đó cũng mang thân phận của con người với những giới hạn, yếu đuối và bất toàn.
Thế nên, Thánh Phaolô trong bài đọc hai, với chính những kinh nghiệm của bản thân, hơn bất cứ ai khác, từ con người yếu đuối, tội lỗi, kém tin nhưng khi đã được Chúa yêu thương tuyển chọn và sai đi làm Tông đồ và Ngôn sứ, Chúa đã dùng con người này để tôn vinh danh Chúa, đem ơn ích cho mọi dân mọi nước. Chính vì lẽ đó mà Phaolô đã nói: “Vậy tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ngự trong tôi”. Điều gì mà Phaolô có được chính là do ơn Chúa ban cho, từ việc được sai đi rao giảng, hay bất cứ sứ vụ gì mà Ngài lãnh nhận, tất cả là do sức mạnh và ân sủng của Thiên Chúa, chứ không do công trạng, tài năng hay sức lực của con người. Qua kinh nghiệm quý báu này của Phaolô, khi Ngài chia sẻ về ơn thánh Chúa trên sự yếu đuối của con người, thật đã ứng nghiệm điều Chúa phán với Phaolô: “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”.
Được tuyển chọn, được sai đi và dùng ngay cả những yếu đuối của con người cho thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện. Thật vậy, Chúa có những cách thế rất tuyệt diệu, điều mà bài Tin mừng theo Thánh Marcô hôm nay đã minh chứng cho chúng ta. Thiên Chúa trong thời sau hết, đã dùng chính Người Con Một Yêu Dấu của Ngài mà nói với chúng ta. Ngài vừa chính là Thiên Chúa, là Lời Hằng Sống, giờ đây là Đấng nói trực tiếp với chúng ta về Thiên Chúa và chương trình, kế hoạch yêu thương của Ngài. Thế nhưng, Con Thiên Chúa, Đấng Thánh của Thiên Chúa lại nói với con người trong một cung cách rất khiêm tốn, đơn sơ: “Con của ông Giuse, bác thợ mộc”. Thật không ai có thể hiểu được thánh ý này của Thiên Chúa, tại sao Chúa lại rao giảng và nói trực tiếp với chúng ta qua cách thế này. “Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?”
Nơi con người thật và sứ vụ của Chúa Giêsu, giờ đây Thiên Chúa đang biểu lộ, đối diện trực tiếp với con người, Ngài nói và minh chứng cho chúng ta qua những cách thức rất khiêm tốn và những yếu đuối của con người. Ngài đã sinh ra trong thân phận khó nghèo, lớn lên-sinh trưởng trong địa vị là con của ông thợ mộc nơi làng quê Nazareth…thế nhưng, từ những điều khiêm tốn đơn sơ như vậy, Thiên Chúa đang muốn hiện diện, gần gũi cách hữu hình, để ban ơn thánh hóa cho chúng ta. Đồng thời, Ngài cũng đang nói trực tiếp với chúng ta qua những cách thức, công việc và ngôn ngữ rất bình dị của con người. Chỉ những ai tin và có lòng khiêm tốn, mới có thể nhận ra thánh ý nhiệm mầu và tốt lành mà Chúa dành cho mình. Với những ai chưa biết khiêm tốn, mở lòng và tín thác, thì cho dù họ có nghe Lời Chúa nói, có trầm trồ, khen ngợi, thán phục…thì vẫn không thể chấp nhận và họ sẽ khước từ những cách thế mà Chúa đã dùng để nói và trao ban ơn thánh cho con người.
Hôm qua, hôm nay và mãi về sau, Chúa vẫn còn đang nói với chúng ta qua những cách thế và dấu chỉ khác nhau; vì tình thương, Chúa luôn gởi đến cho chúng ta những vị ngôn sứ thừa tác để rao giảng và nói Lời Chúa cho chúng ta. Đồng thời, trong chức vụ ngôn sứ cộng đồng, một khi đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy, Chúa đã chọn, trao ban và sai tất cả chúng ta ra đi, để mỗi người trong phận vụ riêng của mình, nhất là các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và những người hữu trách luôn biết nói và chuyển trao thánh ý tốt lành của Chúa cho người khác.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết khiêm tốn, tin tưởng, cậy trông vào ơn Chúa để luôn nhận ra thánh ý Chúa, hầu cố gắng thực thi, sống tốt, sống chu toàn bổn phận Chúa trao. Nhờ đó, mà qua lời nói và hành động của chúng con, luôn làm đẹp lòng Chúa, tôn vinh danh Chúa và đem lại ơn ích cho tha nhân. Amen.