SỨ GIẢ NIỀM HOAN LẠC
Nhìn lại thời khắc được thụ phong chức linh mục hay thời gian được khấn trọn, chắc hẳn ai trong chúng ta đều cảm nghiệm sự bất toàn, không xứng đáng của bản thân trước ơn cao cả, nhưng không của Thiên Chúa. Hơn nữa, anh chị giáo dân, gia đình, bạn bè còn trầm trồ khen tặng hết lời, và ra công cầu nguyện liên lỉ cho ứng viên luôn được trung tín với ơn gọi sứ mạng thánh hiến.
Tuy vậy, quả thật Thiên Chúa không chỉ mời gọi một số người ‘đi làm vườn nho truyền giáo cho Ngài mà thôi, nhưng Ngài còn kêu mời mọi người – những người mang danh Ki-tô hữu, được lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy – dấn thân lên đường, ra đi trở nên sứ giả của Niềm hoan lạc, của sự bình an đã được Thiên Chúa ban tặng, như thánh Phao-lô xác tín trong thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô “...Đấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Đức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương” (Ep 1, 4). Với lòng cảm tạ ơn Chúa sâu xa, và quyết tâm trở nên sứ giả của Người, chúng ta nên có ít nhất ba tâm tình: Tín thác, Đơn sơ, và Trung thành (TĐT) được rút ra từ đoạn Phúc Âm ngày hôm nay (x. Mc 6, 7-13)
Đầu tiên, tâm tình Tín thác được diễn tả rõ rệt qua đời sống đức tin, niềm cậy trông, lòng phó thác vào Chúa, và vào chương trình của Người, “…không mang lương thực, túi tiền, hai áo, mang bị…” (x. Mc 6, 8-9). Nhưng thử hỏi: Sao Chúa lại quá khắt khe như vậy? Những thứ này không mang theo thì làm sao mà sống, làm sao mà an tâm để chia sẻ niềm vui được? Dĩ nhiên, những gì cần thiết cho cuộc sống của con người thì không thể thiếu; nhưng dù có như vậy đi nữa, người hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa thì cho dẫu một lời than phiền, ỉ ôi hay trách móc cũng không đọng lại trên môi miệng họ. Người mà biết cậy trông, tín thác hoàn toàn vào Chúa thì chẳng bao giờ bồn chồn, lo lắng quá mức như câu danh ngôn này chỉ ra: ‘Nếu đã tin tưởng thì không lo âu, than phiền; nhưng nếu lo âu, phiền muộn thì không thể tin tưởng vào ai’. Mặc khác, người sứ giả có tâm tình Tín thác, biết phân định những gì cần thiết, không thể thiếu với những gì mình muốn sở hữu nhưng chưa hẳn là cần kiếp! Là con người, chúng ta có vô vàn ước vọng ‘bất thành văn’ và mong muốn ‘miễn bàn luận’! Vì thế, để rõ ràng nhận ra điều này, chúng ta phải chìm sâu trong đời sống thân mật với Chúa, và qua tâm tình cầu nguyện, phó dâng, Người sẽ gạn đục khơi trong tâm hồn, ước vọng chồng chéo, chất chồng nơi cùng lòng sâu thẳm của ta.
Thứ đến, người sứ giả Tin mừng phải mặc lấy tâm tình Đơn sơ, chân thành, giản dị khi ra đi rao truyền, sống chứng tá, “…đi dép…đến đâu các con vào nhà nào thì ở lại nhà đó cho đến khi ra đi” (x. Mc 6, 9-10). Ở đây, chúng ta không nên nhìn theo nghĩa từ ngữ mà so sánh như: thời nay, các Dì, các Thầy, các Cha, v.v… toàn là mang giày thời trang, giày cao cấp, hàng đắt tiền, chứ chẳng thấy họ ‘mang dép’!? Hình ảnh ‘đi dép’ này lột tả sự giản dị, lối sống giản đơn, không cầu kỳ, yêu sách, đòi hỏi được trả công. Và khi đi rao truyền, thăm viếng tha nhân thì hãy ân cần, chăm chú gia cảnh, trạng huống, môi trường sống, v.v… của họ, chứ không ‘đứng đồng xanh này, mà trông bên đồng xanh rì kia’, vì “những ai lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không” (x. Mt 10, 8)
Sau cùng, tâm tình Trung thành được diễn tả qua việc đáp trả lời mời gọi, ghi khắc lời dạy, và rao truyền sứ điệp Chúa trao. Là người sứ giả Tin Mừng, không ai trong chúng ta phủ nhận tầm quan trọng của việc đào sâu, trải nghiệm, nếm mùi vị của Tin Mừng. Và khi gặp gỡ Chúa, đọc Kinh Thánh, chúng ta biết để Lời Chúa biến đổi con người yếu đuối, mỏng dòn của ta; chứ đừng chỉ lấy thông tin để loan truyền, hay uốn nắn Lời Chúa theo ý riêng ta! Hơn nữa, lòng trung thành với sứ điệp loan truyền này đòi hỏi sứ giả của Niềm Vui khắc ghi, sống trọn cốt lõi của lời mời gọi “rao giảng sự thống hối, trừ quỷ, xức dầu bệnh nhân” (x. Mc 6, 12-13), nghĩa là trở nên sứ giả của niềm hoan lạc, bình an, an ủi đích thực từ chính Chúa. Trong bậc sống thánh hiến, đời sống hôn nhân gia đình, nhiều lần chúng ta trở nên sứ giả của sự ganh ghét, thay vì trở nên sứ giả của lòng yêu thương; nhiều lần chúng ta trở nên sứ giả của tin buồn, thay vì tin mừng vui; nhiều lần chúng ta trở nên sứ giả của sự hiềm tị, ganh đua, thay vì xây dựng tình hiệp nhất, đỡ nâng; nhiều lần chúng ta trở nên sứ giả của sự chia rẽ, bất an, thay vì vun trồng tình huynh đệ, mang lại sự bình an, v.v…
Để kết thúc bài chia sẻ này, con kính mời tất cả quý cộng đoàn cùng con dâng lên Chúa lời nguyện ước chân thành sau: (Ra Đi Rao Truyền, thơ Lm. Xuân Hy Vọng)
Chúa mời con lên đường san sẻ
Đáp lời Người, nhanh nhẹn bước đi
Đơn sơ, chân thành, con phó thác
Giữ trọn câu thề, mãi sắt son.
Bình an cõi lòng con xin nhận
Nung nấu tâm hồn người khắc ghi
Trần đời này chỉ tựa bóng câu
Vùn vụt trôi, tháng ngày xa vắng.
Ra đi gieo rắc lòng hoan hỉ
Người người tề tựu ngợi khen Cha
Tâm hồn ngập tràn bao hạnh phúc
Lòng thành này, ngàn lời tán dương.
Chặng đường dài dẫu ngàn nguy khó
Chúa cùng con nên chẳng ngại chi
Vai mang thập tự, lòng suy gẫm
Triều thiên vinh phúc lấp lánh chào.
Lm. Xuân Hy Vọng
ĐẶT NIỀM XÁC TÍN VÀO ĐẤNG HẰNG TRUNG TÍN VÀ YÊU THƯƠNG CHÚNG TA
Quý ông bà, anh chị em rất thân mến! Hôm nay, Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta nhớ lại giao ước được Thiên Chúa ký kết với chúng ta trong Máu Đức Ki-tô. Giao ước mới này được diễn tả một cách tuyệt diệu và cụ thể nhất qua bí tích Tình yêu, bí tích Thánh thể mà chúng ta được tham dự mỗi ngày. Hơn nữa, nơi giao ước mới này, chúng ta được múc lấy ân sủng dồi dào từ nguồn thánh ân vô biên và ước mong sao đời sống đức tin của mỗi người ngày càng trưởng thành, kiên định vào Đấng hằng trung tín, yêu thương chúng ta vô bờ bến.
Thật ra, chúng ta chẳng phải là người chọn Thiên Chúa, yêu Ngài và đặt hết niềm tin nơi Ngài trước tiên; ngược lại, chính Thiên Chúa đã đi bước trước, Ngài yêu thương, tin tưởng vào chúng ta và mời gọi chúng ta thông phần vào sứ mạng loan truyền Tin mừng cho mọi dân nước. Lòng thành tín này được diễn tả thật hùng hồn qua gương chứng tá của tiên tri A-mốt trong bài đọc I. Dưới thời vua Giê-rô-bô-am đệ nhị (k. 786-746 TCN), Thiên Chúa sai một người chăn chiên thành Tê-kô-a tại Giu-đê-a tên là A-mốt (theo tiếng Híp-ri, A-mốt có nghĩa là “vô danh”) đến cùng dân Is-ra-en, nhắc nhở họ hãy sống vâng phục, thực thi giao ước đã ký kết với Thiên Chúa. Mặc dù, A-mốt đơn thuần là một kẻ chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung; A-mốt cũng chẳng phải là một tiên tri “chuyên nghiệp” theo đúng nghĩa ngôn sứ; mà A-mốt đơn giản chỉ là một người vô danh, tiểu tốt; nhưng Thiên Chúa đã để mắt tới ông, yêu thương ông, đặt niềm tin nơi ông và mời gọi ông trở nên “sứ giả” của Ngài. Và để đáp lại lòng thành tín vô biên ấy, A-mốt đã vâng phục, tín thác vào Thiên Chúa, ra đi thực hiện sứ vụ ngôn sứ, nhắn nhủ dân Is-ra-en lời cam kết đã được ghi tạc trong tâm khảm họ, đó là: Thiên Chúa - Đấng tín trung và công bình.
Hơn nữa, lòng từ bi của Thiên Chúa vượt trên sự chờ mong của con người, thậm chí vượt trội hơn đức công bình của Ngài. Chính vì lòng nhân ái, yêu thương nhân loại không thể diễn tả hết bằng ngôn từ, mà thánh Phao-lô đã vận dụng nét đặc trưng ngợi ca của thánh thi mà tán tụng Thiên Chúa qua dòng lịch sử cứu độ nhân loại (x. Ep 1, 3-14): Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã tạo dựng nên ta,
Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế
hầu giải thoát con người đắm chìm trong vòng tội lỗi, nô lệ của sự chết;
Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa rộng lòng từ bi
đón nhận và cho ta làm con cái của Ngài;
Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta;
Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa ban cho ta ân sủng, sự khôn ngoan
hầu biết thiên ý và kế hoạch yêu thương của Ngài trong Đức Ki-tô;
Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa quy tụ mọi loài
dưới quyền thủ lãnh của Đức Ki-tô, qua sứ vụ của Mẹ Giáo Hội;
Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân;
Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa ban Thánh Thần xuống
ngõ hầu chúng ta được sống trong ân tín với Ngài;
Và vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Qua hình ảnh tiên tri A-mốt và lời ngợi khen Thiên Chúa mà thánh Phao-lô mời gọi giáo đoàn Ê-phê-sô cùng với thánh nhân chung lời tán tụng Đấng hằng trung tín, công bình và hết mực yêu thương nhân loại. Hơn hết, lòng thành tín này được diễn tả cụ thể trong bài Phúc Âm hôm nay. Đức Giê-su gọi Mười hai Tông đồ, và sai từng hai người một ra đi rao truyền nước Thiên Chúa, giới thiệu khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa, chương trình cứu độ của Ngài cho mọi loài thụ tạo khắp cùng bờ cõi trái đất. Mười hai Tông Đồ được mời gọi, được chọn, được Đức Giê-su đặt niềm tin và được sai đi tiếp tục sứ vụ “sứ giả”, sứ vụ "môn đệ”. Vì vậy, bước theo chân Giê-su, giống như các Tông đồ, mỗi người trong chúng ta được Người căn dặn chớ lo lắng nhiều sự trần đời, xao xuyến với cuộc sống bon chen từng ngày. Chớ mang nhiều thứ mà quên đi phần cốt yếu của sứ mạng làm người môn đệ của Thiên Chúa, đó là: đặt hết niềm tin tưởng nơi Ngài — Đấng luôn luôn thành tín, trung tín với sứ vụ loan truyền Tin mừng Cứu độ, sống trong bình an của Thiên Chúa và sẵn sàng chia san bình an ấy cho hết mọi người, mọi dân nước.
Để kết thúc bài chia sẻ này, con xin kể một câu chuyện thực sự đã xảy ra tại thành phố Ta-gay-tay, nước Phi-luật-tân. Được biết dòng họ của quý bà này rất được kính nể, và được trọng vọng từ thời Nhật Hoàng đô hộ Phi-luật-tân, kể cả đến bây giờ. Được biết quý bà này hết mực lo cho công cuộc truyền giáo, đặc biệt cho trẻ mồ côi và các bà góa bụa. Khi bà nhận được tin từ Đức Giám Mục Giáo Phận I-mus (hiện tại là Hồng Y, Chủ tịch Thánh Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân tộc) hoan nghênh đón tiếp các sơ dòng Nữ Tử Bác Ái Truyền Giáo (dòng do Thánh Tê-rê-sa Cal-cu-ta sáng lập) đến giáo phận làm việc và các sơ đang tìm cơ sở để có thể phục vụ, hầu đóng góp vào công cuộc xây dựng Giáo hội nói chung và giáo phận I-mus nói riêng; bà đã không ngần ngại dâng hiến hết gia sản, đất đai cho quý sơ dòng Nữ Tử Bác Ái Truyền Giáo, không kèm theo điều kiện nào cả. Còn phần bà, bà chỉ giữ lại cho mình một phòng nhỏ để sinh hoạt như bao nhiêu nữ tu khác. Thưa quý cộng đoàn, khi được nghe câu chuyện này, chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng: thật không dễ dàng chút nào để đi đến một quyết định táo bạo như vậy. Nhưng thiết nghĩ, quý bà này đã cảm nghiệm được lòng thành tín, tin tưởng và yêu thương của Thiên Chúa trong đời sống thường nhật. Và chính vì thế, bà đã không ngần ngại dâng hiến tất cả cho công cuộc truyền giáo; bà đã đặt hết niềm thành tín vào Đấng hằng yêu thương, đồng hành với bà. Trong sự trung tín ấy, bà đã sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, là: hãy trở nên môn đệ tín thác vào Ngài, trở nên sứ giả của Đấng yêu thương và khí cụ bình an cho hết mọi người, đặc biệt những ai đang trải qua với muôn vàn bất an trong cuộc sống ngày nay.
Lm. Xuân Hy Vọng