CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN B
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II lập lễ kính Lòng Thương xót Chúa vào năm 2000, rồi Đức giáo hoàng Fanxicô đã chọn năm 2015 làm năm thánh ngoại thường về Lòng Thương xót, Ngài nói: "Lòng Thương xót Chúa là Sứ điệp cần loan báo hằng ngày". Chúng ta không cần tìm ở đâu xa mà có thể thấy ngay trong Tin Mừng hôm nay: khi Chúa tỏ Lòng Thương xót đối với các tông đồ và Lòng Thương Xót cho cả dân chúng nữa.
- Các tông đồ: sau chuyến đi truyền giáo đầu tiên, các ông vui mừng tụ lại bên Chúa để tường trình lên Chúa kết quả rất đáng khích lệ, Chúa lắng nghe các ông rồi Chúa nói: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Qua lời này, chúng ta thấy Chúa Giêsu quan tâm tới sức khỏe của các tông đồ. Các ông cần được tĩnh dưỡng nghỉ ngơi. Làm việc và nghỉ ngơi là hai nhịp của đời sống con người chúng ta. Nghỉ ngơi cho thân xác và cũng là dịp để bồi dưỡng tâm hồn khi các ông được ở bên Chúa. Vì thế Chúa và các môn đệ xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ để thực hiện dự định này.
- Dân chúng: thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới trước các ngài. Tin Mừng kể tiếp: Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông thì động lòng thương vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều. Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ được nghỉ ngơi và chính Chúa cũng cần nghỉ ngơi nữa, nhưng khi thấy dân chúng thật đông: họ đã vất vả đi đường xa tìm tới Chúa nên Chúa Giêsu không có la rầy dân vì làm hỏng chương trình nghỉ ngơi của Chúa và các tông đồ, mà Chúa động lòng thương họ rồi Chúa sẵn sàng bỏ chương trình nghỉ ngơi để giảng dạy cho họ nhiều điều, và như thánh Luca cho biết là Chúa tiếp đón dân, rao giảng Nước Thiên Chúa cho dân và còn chữa lành bệnh tật cho họ nữa (Lc 9, 11). Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu biểu lộ trước hết qua ánh mắt, qua cái nhìn của Chúa: Chúa nhìn thấy họ bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt. Khi đó dân Do thái có vua quan, có đền thờ, có hàng tư tế, có các kinh sư, luật sĩ nhưng dân vẫn cảm thấy bơ vơ vì những giới chức này không quan tâm tới họ mà chỉ lợi dụng họ. Chúa Giêsu hơn giới lãnh đạo Do thái là Chúa có tấm lòng, có tình thương và sự quan tâm tới đời sống tinh thần và vật chất của dân hay nói tóm lại là Chúa có Lòng thương xót. Lòng Thương xót là động lực thúc đẩy Chúa Giêsu hi sinh cho dân, như người mục tử tốt lành hiến mạng sống mình vì đàn chiên (Ga 10,11) và như vậy các tông đồ cũng học được gương sáng đó ở nơi Chúa nên họ cũng vui lòng bỏ qua chuyện nghỉ ngơi để cùng với Chúa đón tiếp dân.
Trịnh công Sơn trong bài ca "Để gió cuốn đi"có viết: "Sống trong đời sống cần một tấm lòng". Căn bệnh của xã hội ngày nay là sự vô cảm, là thiếu lòng thương xót nhiều khi gặp thấy người bị nạn như trường hợp người Samari nhân hậu gặp thấy thì đã cứu giúp còn tư tế và Lê vi cứ vô tâm bỏ đi.
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam trong thư gởi cho cộng đồng dân Chúa với đề tài: "Thương lắm Sàigòn ơi!' đã kêu gọi lòng thương của mọi người đối với dân Saigon đang phải đối phó với dịch bệnh ngày một gia tăng. Chúng ta hãy hưởng ứng bằng lời cầu nguyện và lòng quảng đại giúp đỡ vật chất nữa. Tuy nhiên hiện tại chúng ta thấy nhiều người có lòng giúp đỡ các gia đình bị đói khổ trong thời gian dịch bệnh bằng những sáng kiến rất đáng trân trọng như làm những cây ATM gạo, như đoàn xe honda tình nguyện đem các bữa ăn tới những địa điểm cần sự giúp đỡ hoặc có những bàn để các gói thực phẩm ghi hàng chữ: ai cần thì lấy ai dư thì cho...
Câu chuyện minh họa: Một nhà dưỡng lão ở Thụy điển được tổ chức khá tốt, có nhà cửa tiện nghi, phong cảnh đẹp, thức ăn ngon và sự chăm sóc chu đáo của các nhân viên. Có thể nói đây là một nơi lí tưởng cho các người già về hưu. Một bữa kia Mẹ Têrêsa tới thăm, mẹ đi một vòng, thăm hết 40 người già hưu tại đó, Mẹ thấy không có ai mỉm cười và thấy họ cứ nhìn ra ngoài cổng. Mẹ hỏi một chị điều dưỡng, chị này trả lời: Họ nhìn ra ngoài cổng vì họ mong có người nhà đến thăm. Họ nghĩ có lẽ hôm nay con trai, hay con gái, hoặc một người thân nào đó sẽ tới thăm họ nhưng rồi không có ai đến và ngày nào họ cũng mong như vậy. Mẹ Têrêsa kết luận: "Cảm giác bị bỏ rơi là nỗi đau khổ nhất của họ".
Chúng ta noi gương Chúa Giêsu, học nơi Chúa có một tấm lòng như lời Chúa dạy: "Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương" (Mt 5, 7) để môi trường chúng ta đang sống dù trong thời gian dịch bệnh cũng có được niềm vui và trở nên đáng sống hơn. Amen
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn