KHÔNG AI CÓ THỂ YÊU THƯƠNG HAY LÀM TỔN THƯƠNG CHÚNG TA NHƯ GIA ĐÌNH
Terrance Klein
Lễ Thánh Gia thất
Hc 3,3-7.14-17a; Cl 3,12-21; Lc 2,22-40.
Không ai có thể yêu thương, và làm tổn thương chúng ta như gia đình.
Có lẽ chúng ta đã đứng ở giữa chuỗi thức ăn [1] nếu Thiên Chúa Nhân Lành không ban trí thông minh cho chúng ta. Lý trí mà Thiên Chúa phú ban đã đưa chúng ta lên hàng đầu, gần như bất khả chiến bại giữa mọi thụ tạo, thế nhưng Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta một con tim, khiến chúng ta dễ bị tổn thương theo cách mà các thụ tạo khác không có.
Và vì vậy, một đặc điểm nền tảng của con người là chúng ta càng rộng mở trái tim cho tình yêu và cuộc sống mà nó mang lại, thì càng bộc lộ mình nhiều hơn, càng trở nên người hơn. Chúng ta chỉ có thể trở nên người khi ra khỏi chính mình. Con tim sẽ dẫn đường, và khi mọi việc trở nên tồi tệ, nó sẽ chịu tổn thương nặng nề nhất.
Chúng ta đều bắt nguồn từ gia đình, và hầu hết chúng ta vẫn tìm cách tạo nên gia đình. Hay nói đúng hơn, chúng ta là gia đình vì chúng ta chưa bao giờ thực sự rời xa gia đình. Gia đình nằm trong ADN, trong phong thái và trong cách làm việc của chúng ta. Trớ trêu thay, ngay cả những người muốn chối bỏ gia đình gốc gác của họ thì cũng có khuynh hướng chối bỏ theo cách mà họ đã được cai sữa.
Tôi nhớ một sinh viên đã nói rằng cô không thể tham dự đến hết lớp thần học vì bố mẹ cô với suy nghĩ hạn hẹp đã áp đặt niềm tin tôn giáo trên cô. Chúng tôi trò chuyện khi đang đứng trên cầu thang, và tôi đã hỏi khi nào cô ấy sẽ nộp bài. Tôi hiểu là cô miễn cưỡng khi tham gia lớp đặc biệt danh dự này, nhưng tôi cũng tìm cách gợi ý nhẹ nhàng rằng lập trường khép kín hiện tại của cô đối với tôn giáo cũng có thể xem là hạn hẹp giống như của cha mẹ cô.
Không ai có thể yêu chúng ta như gia đình, và cũng không ai có thể làm tổn thương chúng ta như gia đình. Câu ngạn ngữ này phù hợp với một giá trị bất biến của đời sống thiêng liêng: Lời chúc lành và chúc dữ thường là hai mặt của cùng một đồng xu. Điều mang lại sức mạnh cho chúng ta đều chứa đựng rủi ro, và ngược lại, sự xấu hổ của chúng ta có thể bắt nguồn từ điều gì đó khát khao trở nên tốt đẹp, điều gì đó vẫn đang tìm hướng đi cho chính mình.
Simêon là một người công chính, kính sợ Thiên Chúa và đang mong đợi niềm an ủi của Israel (Lc 2,25). Gia đình mới, thánh thiện và bé nhỏ đã gặp gỡ cụ Simêon trong đền thờ, khi Con của họ được hiến dâng cho Thiên Chúa của Israel.
Cụ già Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria, mẹ của con trẻ, rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!” (Lc 2,34-35).
Các giáo phụ và lòng sùng kính Công giáo sau này đã coi đây như là lời tiên tri dành cho Mẹ Maria, báo trước những khổ đau sẽ đến với Mẹ. Một số học giả, muốn hạ thấp vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ, đã cho rằng bản văn này chỉ nói Đức Maria, giống như mọi tâm hồn khác khi gặp Hài nhi, cũng sẽ buộc phải quyết định ủng hộ hay chống lại Người. Những người khác lại cho rằng với tư cách là một người nữ tử trung tín của Israel, Mẹ sẽ trải qua đau đớn tột cùng khi chứng kiến dân tộc của mình bị chia rẽ vì câu hỏi về Đấng Mêsia. Mặc dù nếu đó là tất cả những gì đang được nói đến, và nếu Maria không hơn gì các tâm hồn khác, tại sao lại chọn Mẹ Maria?
Một cách chú giải không nhất thiết loại bỏ những cách chú giải khác. Bản văn Kinh thánh vốn có nhiều tầng, nhiều nét đặc trưng khác nhau cần được nghiên cứu để tìm ra ý nghĩa. Nhưng chúng ta nên lưu ý trong bối cảnh này, một tâm hồn đã bị tổn thương bởi tình yêu, đang hướng về một tâm hồn khác, vốn đang yêu sâu đậm.
Đức tin là một hành vi nhân linh sâu sắc, bởi vì đó không phải là một rủi ro khi chỉ có lý trí hoạt động. Quả thực, con tim phải dẫn đường. Tại sao? Bởi vì những gì lý trí thấy được trong kinh nghiệm đức tin là sự trao tặng của tình yêu, và do đó, chính con tim phải quyết định xem có nên mạo hiểm chấp nhận tình yêu này hay không.
Simêon là một người của đức tin. Ông đã liều lĩnh “mong đợi niềm an ủi của Israel” (Lc 2,25). Simêon đã lui tới đền thờ bao nhiêu năm? Thánh Luca nói cho chúng ta biết rằng “Thánh Thần ngự trên ông” nhưng đôi khi chính bản chất hiện diện nội tại của Thánh Thần mà tâm hồn chỉ nhìn thấy bên ngoài chứ không cảm nhận Thánh Thần đang ngự bên trong. Tâm hồn nhìn ngày càng sâu xa hơn vào thế giới tội lỗi sa ngã này. Do đó, dù được tràn đầy Thánh Thần nhưng một người vẫn phải chịu nỗi buồn vô tận, một nỗi khắc khoải khát khao Thiên Chúa và đau buồn về số phận các thụ tạo của Ngài.
Vì vậy, một con tim tổn thương nhưng vẫn đập, một tâm hồn bị đau khổ nhưng tràn đầy ân sủng, cảnh báo cho người khác về cái giá của tình yêu cao cả là một nỗi đau khôn cùng. Và ai sẽ yêu Hài Nhi Giêsu Kitô hơn Mẹ Maria? Thật đúng đắn biết bao khi các giáo phụ tôn vinh Mẹ là vị tử đạo vì tình yêu!
Hài Nhi không có ý định làm tổn thương Mẹ Maria. Chẳng phải điều đó thường xảy ra với các gia đình hay sao? Chúng ta không có ý gây đau khổ cho nhau, nhưng sức mạnh mà chúng ta có được từ gia đình thường đi đôi với việc làm tổn thương nhau.
Tuy nhiên, Hài nhi phải là chính mình. Ngay cả khi được nuôi dưỡng trong một gia đình hầu như không bị ảnh hưởng của tội lỗi, Hài Nhi vẫn phải ra đi từ đó. Theo lời một bài thánh ca về Đức Mẹ mà tôi yêu thích:
Hát mừng Giêsu, con Đức Maria,
Tại ngôi nhà ở Nazareth.
Lao công vất vả quản ngại chi
Tình yêu bền vững cho đến chết.
là tình yêu liên lỉ Ngài trao cho Mẹ,
Dù Ngài đã rời bỏ Mẹ,
Ra đi rao giảng, chữa lành và chịu đau khổ,
Cho đến khi Ngài hiến tế trên đồi Canvê.
Chẳng ngạc nhiên gì khi hai tâm hồn phải chịu đau khổ của cái chết tại Canvê. Chúa Kitô chịu đóng đinh là con ông Giuse và bà Maria. Cách yêu thương mà Ngài học nơi cha mẹ mình, tính dễ bị tổn thương trong tình yêu của gia đình, đã đưa Ngài đến nơi tối tăm và chết chóc này.
Ngay cả khi Thiên Chúa đã gọi thánh Giuse đi trước, Mẹ Maria vẫn trung kiên đứng dưới chân thập giá. Trái tim Mẹ đã bị đóng chặt vào đó. Tình yêu vĩ đại sẽ không từ chối trả giá đắt cho nỗi đau tột cùng này.
Cha mẹ của Chúa Kitô đều hiện diện nơi thập giá vì họ vẫn còn ở trong Ngài. Nhờ ân sủng kỳ diệu và huyền nhiệm của Thiên Chúa, các ngài đã sinh ra Con Thiên Chúa trong bản tính nhân loại như Ngài là. Tình yêu dịu dàng của các ngài đã chuẩn bị sẵn sàng cho Chiên Con Hiến Tế.
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (27/12/2023)
---------------------
[1] là một dãy gồm nhiều loài sinh vật có quan hệ dinh dưỡng với nhau, loài đứng trước là thức ăn của loài đứng sau. Mỗi loài được coi là một mắt xích trong chuỗi thức ăn, vừa là sinh vật tiêu thụ mắt xích phía trước nhưng cũng bị sinh vật mắt xích phía sau tiêu thụ. Các chuỗi thức ăn dày đặc tạo nên các mạng lưới thức ăn. Chú thích từ wikipedia.