LỄ HIỂN LINH
Hai hình ảnh đặc trưng của Mùa Giáng sinh là Hang đá và Ngôi sao lạ. Khi Chúa Giêsu sinh ra có một biến cố lịch sử là có một ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời và theo sự tin tưởng chung của tử vi thời đó thì Đấng Messia sinh ra dưới một ngôi sao hộ mệnh nào đó và Ngài chào đời khi vì sao này xuất hiện. Lời tiên tri của Bilơam trong sách Dân số càng củng cố điều này như sau: “Tôi thấy nó nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn nhưng chưa thấy nó kề bên: Một vì sao xuất hiện từ Giacob, một vương trượng trỗi dậy từ Israel (Ds 24,17)”
Tin Mừng Matthêô cho biết các đạo sĩ đã nhìn thấy Sao lạ xuất hiện ở Phương đông và họ đã lên đường. Được sao lạ soi chiếu dẫn lối tới nước Israel, nhưng họ cảm thấy chưa có sự chính xác về nơi sinh, nên đã vào kinh đô để hỏi: “Vua người Do thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương và chúng tôi đến để triều bái Người”. Câu hỏi này đã làm cho Vua Hêrôđê và cả kinh thành Yêrusalem bối rối. Sau đó các đại giáo trưởng và luật sĩ dựa vào kinh thánh để tư vấn cho họ: chính tại Belem là nơi đấng Messia Cứu thế sinh ra. Được sự soi sáng bởi Lời Chúa trong kinh thánh, các đạo sĩ tiếp tục cuộc hành trình và họ đã thành công là tới được đúng nơi, đúng chỗ: gặp được Hài nhi và Mẹ Ngài. Tin Mừng nói họ vào nhà tức là thánh gia lúc này không còn ở trong hang đá bò lừa nữa! Nhưng thánh Giuse và Đức Mẹ đã tìm được một căn nhà cho Chúa Hài nhi. Có lẽ nhiều người đặt câu hỏi sao Tin mừng Matthêô chỉ nói tới Hài nhi và Mẹ ngài mà không nói tới thánh Giuse như trong Tin Mừng Luca. Có lẽ thánh Matthêô muốn đề cao vai trò Đức Mẹ trong việc giới thiệu Chúa Giêsu cho các đạo sĩ nên không nhắc tới thánh Giuse.
Thánh Matthêô cũng lưu ý tới việc vua Hêrôđê giả nhân giả nghĩa khi cặn kẽ hỏi các đạo sĩ về thời gian ngôi sao lạ xuất hiện và dặn: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài nhi rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người” nhưng khi nói như vậy, ông đã ủ sẵn trong lòng kế hoạch giết hài nhi này. Lịch sử cho biết Hêrôđê là một con người đa nghi và tàn ác: Ông đã giết một người vợ của ông cùng với các con riêng của vợ và anh em vợ. Ông cũng đã giết nhiều người biệt phái khi ông nghi họ làm phản lại ông nhất là ông đã giết 14 trẻ em Do thái khi dân chúng phá tượng con ó vàng mà ông cho đặt ở đền thờ Giêrusalem vì thế chúng ta không lạ khi ông ra lệnh giết tất cả trẻ thơ Do thái ở Belem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống khi thấy các đạo sĩ không trở lại với ông.
Các đạo sĩ vào nhà gặp được Chúa Giêsu và Mẹ Ngài: họ không ngã lòng khi đứng trước một Hài nhi và một bà mẹ trẻ đơn sơ khó nghèo. Lòng tin đã nở rộ trong tâm hồn họ: họ đã quì gối xuống sụp lạy và dâng lên Chúa Hài nhi lễ vật mà họ trân trọng đem từ quê hương tới là vàng, nhũ hương và mộc dược. Các giáo phụ đã nói lên ý nghĩa của ba lễ vật như sau: Vàng để chỉ Chúa Giêsu Hài nhi là Vua, Nhũ hương chỉ Hài nhi này là Thần linh, là Thiên Chúa và Mộc dược nói lên Hài nhi cũng là con người: cũng sẽ phải chết vì mộc dược dùng để ướp xác người chết. Niềm vui tràn ngập tâm hồn họ vì họ đã nhận ra Đấng Thiên sai Cứu thế. Cuộc hành trình của họ có khó khăn nhưng Chúa đã cho thành công đúng như lời Chúa Giêsu rao giảng sau này: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ gặp, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho (Mt 7,7)”. Vì thế khi được mộng báo “đừng trở lại với Hêrôđê,” họ đã vâng lời kiếm đường khác để trở về xứ sở mình. Con đường khác cũng là con đường tin theo Chúa, con đường của bác ái yêu thương, chứ không phải con đường gian ác của thế gian mà Hêrôđê là tượng trưng.
Câu chuyện: Có một người lái xe con trên con đường đồi núi vắng vẻ ở tây nguyên, tới một khúc quanh, ông gặp thấy một gia đình đi trên một chiếc xe bị chết máy mà tài xế bó tay không sửa được. Họ rất lo sợ vì còn xa thành phố và đoạn đường này hay có trộm cướp mà trời đã nhá nhem tối. Ông tài xế chiếc xe con dừng lại tình nguyện đến sửa chữa chiếc xe hỏng máy này, ông phải chui nằm xuống gầm xe để tháo ra bộ phận hư hỏng, chừng nửa giờ sau thì xe nổ máy! Chủ gia đình đó mừng quá xin ông nhận tiền công nhưng ông không nhận. Người chủ gia đình cám ơn rối rít và xin địa chỉ để có dịp tới thăm. Sau ông được biết vị ân nhân đã sửa xe cho mình chính là Đức Giám mục Paul Seitz Kim đang cai quản giáo phận Kontum trong thập niên 1960. Gương bác ái hi sinh của vị Giám mục đã khiến gia đình này xin theo đạo công giáo.
Chúng ta noi gương các đạo sĩ là đại diện cho chúng ta thuộc các dân nước tìm đến Chúa Giêsu Hài Nhi, chúng ta cũng hãy đến với Chúa theo lời kêu gọi của Phụng vụ: “Venite adoremus: Các bạn hãy đến và chúng ta cùng thờ lạy Chúa” và nguyện xin ánh sáng Cứu độ của Chúa Giêsu lan tỏa trên nhiều anh em lương dân còn chưa nhận biết Chúa. Amen
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn