Một Đấng Cứu Thế cần được chở che

Thứ bảy - 06/01/2024 00:31  409
MỘT ĐẤNG CỨU THẾ CẦN ĐƯỢC CHỞ CHE
Victor Cancino, S.J
Chúa nhật Lễ Hiển linh-Năm B
Is 60, 1-6; Tv 72; Ep 3,2-6; Mt 2,1-12


 


Ngay sau trình thuật về cuộc hạ sinh của Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ, hình ảnh chiếm vị trí trọng tâm trong khung cảnh Giáng sinh là cảnh các nhà đạo sĩ đến triều bái Hài nhi Giêsu mang theo những lễ vật sang trọng. Có thể suy niệm tập trung vào viên mãn phổ quát được thực hiện nơi Hài nhi được xức dầu, “Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi” (Is 60,3). Trong chu kỳ phụng vụ năm B, việc nhấn mạnh một khía cạnh khác trong nhãn quan thần học của Mátthêu hẳn sẽ rất hữu ích. Các nhà đạo sĩ, là những nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm ra ý nghĩa của những chuyển động của những ngôi sao và hành tinh, đã đến để “triều bái” vị vua mới sinh này, Đấng được xức dầu để chiến đấu trong suốt cuộc đời.

Các nhà đạo sĩ nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Và chúng tôi đến để triều bái Người” (Mt 2,2). Các bản dịch tiếng Anh thường dịch từ Hy Lạp “proskyneo”  là “tỏ lòng tôn kính” hoặc “thờ lạy” . Đâu là ý nghĩa của từ này? Thánh Matthêu có đang cố gắng mô tả hành động thờ lạy Hài nhi hay sự quy phục hoàn toàn của lòng trung thành nơi một người với một người có quyền thế cao không? Câu trả lời mang nhiều sắc thái trong bài Tin mừng Chúa nhật Hiển linh. Thánh Matthêu rất có thể nghiêng về hành động thờ lạy Hài nhi. Mặt khác, những nhà đạo sĩ này đến từ “Đông phương”, một nơi được biết đến là nguồn gốc của sự khôn ngoan, nhiều lần nhấn mạnh đến hành động thờ lạy như là mục đích duy nhất của họ trong trình thuật này (x. Mt 2,2.8.11). Nói chính xác, “proskyneo” là một hành động giống như quỳ hôn chân một người, vốn chỉ dành cho những bậc thần linh hay những người giữ một vai trò thần linh trong xã hội, như hoàng đế trong thế giới cổ đại. Hành động này còn hơn cả một sự tôn thờ  vì nó còn hàm ý sự trung thành hoàn toàn với người được thờ lạy.

Trong thế giới cổ đại, hành động “triều bái” tượng trưng cho sự quy phục hoàn toàn của ý chí. Một người nào đó triều bái một vị vua thì cũng hứa lắng nghe và tuân theo mọi mệnh lệnh của nhà vua. Việc các nhà đạo sĩ đến triều bái Chúa Giêsu cũng mang một ý nghĩa như thế. Điều đó có nghĩa là sự thờ lạy mà họ dành cho Hài nhi trở nên trọn vẹn khi đi theo Ngài, nói cách khác là khi trở thành môn đệ của Ngài.

Chính bối cảnh này đã khiến cho vua Hêrôđê cảm thấy “rất bối rối” (Mt 2, 3). Nỗi ám ảnh của vua Hêrôđê muốn thoát khỏi những mối đe dọa đến quyền lực của mình có vẻ như được tô vẽ thêm, nhưng điều đó có lý về mặt lịch sử. Vua Hêrôđê được gọi là “Đại đế” để phân biệt ông với một số vị vua khác cùng tên, đã mang trong mình một cái tôi quá lớn.

Trong bài Tin mừng, Hêrôđê Đại đế đã hoàn toàn nhượng bộ niềm kiêu hãnh chết người. Các cung điện của vua sánh ngang với bất kỳ cung điện nào trong số các vương quốc ở Địa Trung Hải. Cung điện của ông ở Xêdarê Maritima được xem là một kỳ quan, được xây rộng ra biển hướng về chân trời phía tây. Ông đã khởi xướng một cuộc trùng tu quy mô lớn Đền thờ Giêrusalem, từ việc gây quỹ nơi những khách hành hương và thần dân đang tuân phục quyền lực của ông, cũng như từ những kiều bào trung thành với đức tin Do Thái đang sống ở phương xa. Khi về già, vua Hêrôđê ngày càng mắc chứng hoang tưởng và đã xây dựng nhiều cung điện để nghỉ dưỡng, trong đó có một cung điện ở thành Herodium cách Bêlem khoảng ba dặm. Gần cuối đời, ông sợ bị ám sát đến mức chưa bao giờ ở quá ba ngày liền trong bất kỳ cung điện nào của mình.

Vì vậy, Tin mừng Mátthêu đã thật đúng khi mô tả Hêrôđê như vị vua hết sức bối rối. Trái lại, trình thuật này cũng mô tả cuộc tranh đấu thực sự của Thánh gia để sống  còn. Đoạn Tin mừng đầy đủ hơn của biến cố Chúa Hiển linh bao gồm việc trốn sang Ai Cập (Mt 2,13-15), vụ sát hại các trẻ sơ sinh (Mt 2,16-18) và trở về từ Ai Cập (Mt 2,19-23). Bài Tin Mừng hôm nay chỉ là phần đầu của nhiều trình thuật cho thấy sự mỏng manh của Hài Nhi. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Tinh được sinh ra trong thế gian và Ngài luôn cần sự bao bọc che chở. Thánh Mátthêu minh họa điều này bằng cách nhấn mạnh sự lệ thuộc hoàn toàn của Chúa Giêsu vào Mẹ Ngài. Việc thánh Mátthêu lặp lại chi tiết “Hài Nhi và Mẹ Người” cho thấy thánh sử hiểu rằng cả hai phải đi đôi với nhau vì sứ mạng của họ trong lịch sử cứu độ. Để hài nhi sống sót, Mẹ Maria phải bảo đảm những gì cần thiết cho Hài nhi. Trong khi Đức Maria chu cấp cho Chúa Giêsu, cả “Hài Nhi và Mẹ Người” đều cần đến sự bảo vệ liên tục của thánh Giuse khi họ phải di cư sang xứ khác. Cuối cùng, thánh Giuse sẽ hoàn toàn lạc lối nếu ngài không nhận được hàng loạt những mặc khải thần linh qua các giấc mơ.

Trong suốt trình thuật này, thánh Mátthêu nêu bật cuộc tranh đấu mãnh liệt để sống sót trước những mối hiểm họa xảy đến liên tục. Ngoài ra cũng có một tia hy vọng nơi niềm phó thác của Thánh Giuse vào sự quan phòng của Thiên Chúa đã giúp ngài bảo vệ Đức Maria và Con Mẹ. Việc phó dâng hoàn toàn cho sự quan phòng của Thiên Chúa như vậy là điều mà ngày nay Giáo hội nên suy ngẫm trong khi đang tự hỏi làm thế nào để vượt qua những khó khăn mà mình phải đối mặt lúc này.

CẦU NGUYỆN
Giống như vua Hêrôđê, chúng ta có cảm thấy “hết sức bối rối” về bất cứ điều gì lúc này không?
Chúng ta có nhận ra ý nghĩa trong những khó khăn mà chúng ta đối mặt ngày hôm nay không?
Chúng ta có thể nói về ước mơ hoặc viễn tượng của mình về Giáo hội ngày nay như thế nào?

 

Bài đọc: Thanhlinh.net

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (04/01/2024)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập149
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm112
  • Hôm nay28,545
  • Tháng hiện tại711,864
  • Tổng lượt truy cập52,880,812

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây