Suy niệm Chúa Nhật 2 Thường Niên B - Lm. Xuân Hy Vọng
Thứ năm - 11/01/2024 04:47
312
ĐẾN mà XEM, HỌC mà SỐNG
Trong cuộc đời, không ai trong chúng ta chưa từng trải qua việc đi đến đâu đó để xem một kỳ thú, một chuyện rợn rùng, lạ lùng nào! Cụ thể nhất là chúng ta thường hay nói “đến nhà thờ xem lễ” như thể tương đồng với hành vi ‘đến rạp chiếu bóng xem phim’ hay ‘đến quán cà phê (phòng trà) xem ca nhạc’! Tuy nhiên, ở đây chúng ta không bàn luận chi tiết về ngôn từ, cho bằng chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa sâu sắc từ lời mời của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay ‘đến mà xem’ (x. Ga 1, 39), và như bài trình thuật hôm nay Thánh Gio-an viết rõ ràng ‘họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều’ (Ga 1, 39).
Thật ra, thời đại hôm nay với những tiến bộ vượt bậc của phương tiện truyền thông, thiết bị dụng cụ thông tin tân tiến một mặt đưa chúng ta xích lại gần nhau, xoá tan khoảng cách địa lý, nhưng mặt khác cũng đẩy đưa chúng ta xa lìa với thực tại, với những anh chị em đang hiện diện một cách thể lý bên ta hằng ngày! Và với cách thức nào đó, khoa học kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ ngày nay giúp chúng ta đến và xem những gì chúng ta muốn, tuy rằng chúng xa xôi tận phương trời, cách biệt khỏi chúng ta! Dù vậy chăng nữa, ‘trăm lần đến xem trên mạng không bằng một lần đến xem tận mắt mình’. Sau khi được Gio-an Tẩy Giả giới thiệu ‘đây là Chiên Thiên Chúa’ (Ga 1, 36), một trong hai môn đệ, đó là An-rê (anh của Si-mon Phê-rô) bước theo Chúa Giê-su; hơn nữa, khi Chúa Giê-su mời gọi một câu quá đơn giản, nhưng lại thâm sâu ‘đến mà xem’, thì hai môn đệ ấy ‘đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy’ (x. Ga 1, 39). Khác với ba Thánh sử kia, trong Phúc Âm theo thánh Gio-an, động từ ‘đến’, ‘xem’, ‘ở lại’ có ý nghĩa rất đặc biệt mà chúng ta cần phải suy ngẫm.
Đến mà Xem: ơn gọi của người Ki-tô hữu chúng ta là năng đến với Chúa qua lời kinh nguyện, qua việc lắng nghe, qua việc học hỏi Lời Chúa, qua việc bái ái, mến Chúa yêu người, qua việc nhận ra và đáp lời theo Thánh ý Chúa (x. 1Sm 3, 9. 19 ‘lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe’, ‘Phần Sa-mu-en ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu’). Khi hai môn đệ của Thánh Gio-an Tẩy Giả đến với Chúa Giê-su, họ ước muốn và mong mỏi chân thành, đến chỗ cư ngụ, nơi sinh hoạt của Chúa Giê-su như Tin Mừng Nhất Lãm miêu tả ‘con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu’ (x. Lc 9, 58). Chỗ như vậy thì có gì để xem! Nói cách khác, Chúa Giê-su không có một chỗ cố định, an vị, thư giãn sau một ngày sinh hoạt, mà nơi Người lưu trú thật sự ở khắp nơi, nơi đâu có lòng thiện chí, nơi đâu có tâm hồn rộng mở, nơi đâu có yêu thương, nơi đầu khao khát tìm kiếm Thiên Chúa…Khi chúng ta đến nơi đâu, hoặc đến với một người nào đó thì điều hiển nhiên, đầu tiên là chúng ta phải có khát vọng, và chính nhờ sự thích thú, mong muốn này khiến chúng ta ít nhiều khiêm tốn, hạ mình, ra khỏi ‘nơi chăn ấm nệm êm của cung cách sống cá nhân’, can đảm bước ra khỏi những gì quen thuộc, thân thuộc và thoải mái đối với chính bản thân để đến một nơi khác hoặc đến chỗ người khác. Sau đó, chúng ta xem không chỉ bằng đôi mắt thể lý, mà xem với cả tâm tư, đặt tâm hồn vào. Xem ở đây không chỉ là hành vi quan sát, hay vì hiếu kỳ mà mở to tròn đôi mắt để nhìn, để biết, mà hơn thế nữa đó là hành động cần kiếp của người môn đệ, của người học trò tầm sư học đạo. Hai môn đệ trong bài Tin Mừng đã ước ao trở nên học trò, môn đệ của Chúa Giê-su nên đã đến xem cách sống của Người, đến xem sinh hoạt của Người để tháp nhập, để học hỏi trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Trên thực tế, chúng ta muốn xem, học, bắt chước, trở nên khuôn dạng với thần tượng thời trang, diễn viên nổi tiếng, ăn mặc, cư xử, nói chuyện, sống như họ với những trào lưu phản Ki-tô giáo, với thái độ viễn vông, xa rời cách sống của Chúa Giê-su! Chúng ta dường như tin vào những trào lưu này, thông điệp kia trên mạng truyền thống hơn là đào sâu, tin tưởng, tín thác và loan truyền thông điệp từ Lời Chúa! Chúng ta dường như chia sẻ những gì thế gian muốn hơn là giới thiệu ý định, chương trình hay những gì Thiên Chúa ước mong! Chúng ta chưa noi gương sống như một môn đệ ‘đến với Chúa, nhìn ngắm, xem, học hỏi và sống như Chúa Giê-su’! Chúng ta lãng quên tấm gương đơn sơ, sẵn sang khẳng khái chia sẻ của An-rê cho người em mình trong bài Tin Mừng ‘chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a, nghĩa là Đức Ki-tô. Rồi dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su’ (x. Ga 1, 41- 42).
Học mà Sống: hành vi xem ‘chăm chú ngắm nhìn học hỏi’, và học ở đây không phải là học về phần tri thức, kiến thức cho bằng học để sống theo cách đối nhân xử thế của Chúa Giê-su, học sống thái độ yêu thương, không định kiến, không phân biệt dù chỉ trong tư tưởng mà Thánh Gio-an diễn đạt qua việc ‘ở lại với Người’ (x. Ga 1, 39). Học để nhận biết đáp trả và bước theo tiếng Chúa mời gọi! Học để hướng dẫn, dạy dỗ con cái trong đời sống đức tin, mang chúng đến gần với Chúa hơn qua việc dạy con cái biết cầu nguyện, biết thưa chuyện với Chúa, đồng hành với con cái không những đưa con cái đến trường hằng ngày mà còn chở con cái đến nhà thờ, nhà nguyện chầu Thánh Thể; mỗi ngày phải chuẩn bị cơm phần hay cơm hộp (obento) cho con cái thì cũng biết chuẩn bị tâm hồn, lo nuôi dưỡng phần đời sống thiêng liêng cho con cái như khuyến khích con cái học giáo lý, năng lãnh nhận bí tích Thánh thể, bí tích Hoà giải…Hơn nữa, biết dùng những gì mình đang có để ca tụng, thờ lạy, kính tin Thiên Chúa nơi cuộc sống thường nhật của mình như Thánh Phao-lô nhắc nhở: ‘Vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh chị em. Vậy anh chị em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác mình’ (x. 1Cr 6, 20).
Lạy Chúa, xin cho chúng con năng đến mà xem, học mà sống theo Lời Ngài trong thời đại dường như đề cao trọng vọng, tin thờ công nghệ, tôn sùng thần tượng chóng qua. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng