Ý nghĩa của “đại kết”
Chủ nhật - 16/01/2022 21:04
2458
Ý NGHĨA CỦA “ĐẠI KẾT”
Tính từ “đại kết” (ecumenical) liên quan đến ý nghĩa “toàn thể thế giới”, và diễn tả niềm khao khát “nên một” của các Kitô hữu.
Việc tái hiệp nhất các Kitô hữu đã được nhấn mạnh nhiều trong thế kỷ qua. Đây là một công việc khó khăn bởi vì các Kitô hữu đã phân tán vô vàn hướng khác nhau trong một ngàn năm qua.
Tuy nhiên, mỗi năm chúng ta vẫn hy vọng sẽ tiến gần hơn đến sự hiệp nhất vĩnh viễn.
Thông thường, hạn từ “đại kết” được sử dụng để diễn tả bất kì nỗ lực nào để tái hiệp nhất các Kitô hữu.
Hạn từ này mang ý nghĩa gì?
Trang mạng Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB) đưa ra một định nghĩa súc tích:
Đại kết (Ecumenism) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “oikoumene”, nghĩa là “toàn thể thế giới”, là việc cổ võ sự hợp tác và hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Đức Kitô Giêsu đã thành lập một Giáo hội duy nhất, và trong cuộc Thương Khó, Người đã cầu nguyện “để tất cả nên một” (Ga 17,21).
Công đồng Vatican II đưa ra một định nghĩa tương tự trong Sắc lệnh về Đại kết Unitatis redintegratio:
“Rất nhiều người ở khắp nơi được khích lệ bởi ơn này, và nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động, một phong trào nhằm tái lập sự hợp nhất tất cả các Kitô hữu được khởi phát, ngày càng lan rộng hơn nơi những anh em đang ly tán khỏi chúng ta. Tham gia phong trào tìm về hợp nhất này, cũng được gọi là phong trào Đại Kết, gồm những người cầu khẩn Chúa Ba Ngôi và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Thế, không những từng cá nhân riêng rẽ, mà còn tụ họp nơi những cộng đoàn, trong đó họ đã được nghe Phúc Âm, và mỗi nhóm gọi đó là Giáo Hội của mình và của Thiên Chúa. Mặc dầu bằng những cách thức khác nhau, nhưng hầu như tất cả đều mong ước một Giáo Hội duy nhất và hữu hình của Thiên Chúa, một Giáo Hội thực sự phổ quát và được sai đến cho toàn thế giới, để thế giới trở về với Tin Mừng và nhờ đó được cứu rỗi để làm vinh danh Thiên Chúa” (Số 1).
Hơn nữa, hạn từ này thường gắn liền với “những phong trào đại kết” như được giải thích trong Sắc lệnh về Đại kết.
Thuật ngữ “phong trào đại kết” nói đến các sáng kiến và hoạt động được hoạch định và thực hiện, tùy theo các nhu cầu khác nhau của Giáo hội và là những cơ hội thúc đẩy sự hiệp nhất Kitô giáo (Số 4).
Giáo hội tiếp tục hành trình và khao khát đại kết này như ý muốn của Đức Kitô “xin cho tất cả nên một” (Ga 17,21).