Quan điểm của Hannah Arendt về làm việc và làm người

Thứ ba - 19/04/2022 09:48  1490
 

 

QUAN ĐIỂM CỦA HANNAH ARENDT VỀ LÀM VIỆC VÀ LÀM NGƯỜI
Lao động, tạo tác và hành động[1]

A. Matthias
Chuyển ngữ: Nhóm Sao Biển
Nguồn: Daily Philosophy (28/11/2020)

WDCVSBNT (13/4/2022) –  Nữ triết gia Hannah Arendt (1906–1975) đã có nhiều đóng góp cho nền triết học châu Âu thời hậu chiến của thế kỷ XX. Nhưng ở đây chúng tôi muốn tập trung vào một trong những câu hỏi của bà: Điều gì làm chúng ta thành người? Nhân tính liên quan như thế nào đến hoạt động hàng ngày của chúng ta? Có hoạt động nào thúc đẩy và có hoạt động nào làm suy giảm nhân tính? Và làm sao chúng ta có thể phân biệt được khi nào nó thúc đẩy hặc làm suy giảm nhân tính?

Hannah Arendt phân biệt ba loại hoạt động: Lao động (labor) là hoạt động để sinh tồn. Tạo tác hay sản xuất (work) là để tạo ra sản phẩm, hay một “tác phẩm nghệ thuật”. Cuối cùng, hành động (action) là hoạt động sáng tạo nhằm tạo ra cái mới nhờ sự tự do để sáng tạo vì lợi ích sáng tạo. Do đó, hành động là loại hoạt động cao nhất, thể hiện sự tự do căn bản của con người.

Hannah Arendt nói: Nếu nhìn vào hoạt động của con người, chúng ta có thể xác định rõ ràng ba loại khác nhau. Ba loại này cũng có những tác động rất khác nhau đối với nhân tính.

Đầu tiên là về loại hoạt động mà bà gọi là “lao động”. Lao động là hoạt động mà chúng ta thực hiện để sinh tồn. Chẳng hạn như giặt giũ, nấu ăn hoặc mua sắm. Nếu nhìn vào lao động, chúng ta nhanh chóng nhận ra rằng nó không bao giờ kết thúc. Bạn có thể đầu tắt mặt tối cả ngày chỉ để giặt giũ, mua sắm, nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa, nhưng ngày hoặc tuần lễ tiếp theo, bạn cũng phải làm lại cùng những việc vặt đó. Lao động duy trì cuộc sống, nhưng nó không tạo ra kết quả nào ngoài mục đích này. Không còn gì y nguyên từ một ngôi nhà đã từng được dọn sạch cho đến khi nó bẩn trở lại. Và nếu bạn dọn sạch nó một lần nữa (như bạn phải làm), thì một tuần sau nó sẽ vẫn tiếp tục trông bẩn như thế. Lao động kiểu này hầu như không phải là thứ có thể nâng cao những phẩm chất người. Nó thật vất vả, giống như kiểu con vật, và không mang lại kết quả lâu dài nào ngoài việc sinh tồn.

Tiếp theo là “tạo tác”. Đôi khi chúng ta sử dụng từ này để mô tả sự vật, sản phẩm [work: động từ có nghĩa là tạo tác, nhưng danh từ còn có nghĩa là sản phẩm]: một tác phẩm nghệ thuật (a work of art), công trình của đời bà (her life’s work), bộ sưu tập các tác phẩm của một nhà văn (a writer’s collected works). Tạo tác là một quá trình dẫn đến một sản phẩm, một kết quả, một thứ hữu hình và sẽ tồn tại. Tạo tác tạo ra giá trị vượt lên trên việc thuần tuý sinh tồn. Ngoài ra, tạo tác tạo ra một di sản, một thứ có thể truyền lại cho thế hệ sau: những ngôi đền cổ, thánh đường, những bức tượng, tranh ảnh, những quyển sách, bài hát, bản giao hưởng. Di sản văn hóa của nhân loại là sản phẩm của tạo tác.

“Bạn đang tạo tác à?” – “Không, tôi đang lao động”. Bạn biết sự khác biệt chứ.

Trong xã hội của chúng ta, lao động đe dọa tạo tác. Một thế giới muốn tiêu thụ những thứ [sản xuất] nhanh và rẻ sẽ ưa chuộng lao động hơn tạo tác. Tại sao phải tạo ra những thứ trường tồn? Chủ nghĩa tư bản tưởng thưởng những thứ dùng xong rồi bỏ: mua một chiếc tủ lạnh và bỏ đi sau khi hết hạn bảo hành hoặc mua một chiếc điện thoại và ném đi khi có mẫu mới. Vì vậy, việc tạo tác ra tủ lạnh, hay điện thoại, bị hạ thấp trở thành lao động, vì những thành quả của tạo tác đã mất đi tính trường tồn. Hannah Arendt cho rằng, tính trường tồn là kẻ thù của chủ nghĩa tiêu dùng. Để giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển, tạo tác phải được chuyển đổi thành lao động. Các nghệ sĩ và thợ thủ công phải quay lại làm những người lao động và nô lệ, những người tạo ra những món hàng dùng xong rồi bỏ trong một chu kỳ luôn luôn liên tục sản xuất và tiêu hủy.

Nhưng dẫu cho giữa chúng có những khác biệt, cả lao động và tạo tác đều bắt nguồn từ cùng một nhu cầu sinh tồn. Xét về nhu cầu cần thiết thì một kiến trúc sư xây nhà cũng không cần thiết hơn một người lao động chỉ dọn dẹp nhà cửa. Cả hai đều không có tự do, bởi vì họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm những gì mà họ đang làm, dù là lao động hay tạo tác. Tạo tác cũng phải phù hợp theo những ràng buộc khác: nhà xuất bản yêu cầu một loại sách đặc biệt, bảo tàng viện muốn một loại tác phẩm nghệ thuật kia và v.v.. Tạo tác bị sự cần thiết hạn chế. Tự do chỉ được thể hiện trong loại hoạt động thứ ba, mà Hannah Arendt gọi là “hành động”.

Đối với Arendt, hành động là bắt đầu một điều gì mới. Tạo ra thứ gì đó, không phải giống như việc đáp lại sự cần thiết, nhưng chỉ từ ước muốn tạo ra những thứ mới và đưa chúng vào thế giới cho mọi người cùng thấy. Do đó, hành động biểu đạt sự tự do của một người. Và bởi vì tôi tự do lựa chọn cách thức hành động, nên khi tôi chọn một hướng hành động, lựa chọn này thể hiện tôi là ai: những điều mà tôi ưu tiên và xem là quan trọng. Về điều này, Hannah Arendt không đi quá xa Erich Fromm (1900–1980), người cũng đưa ra sự phân biệt cốt yếu như vậy giữa sự bận rộn (busy-ness) và hành động thực sự tạo năng suất (truly productive action).

Một hành động thực sự, theo Erich Fromm, có nghĩa là hoàn toàn sử dụng tài năng và khả năng để phát triển trong tư cách một con người. Theo ý kiến của ông, việc chỉ tỏ ra bận rộn không cho thấy một công việc có năng suất. Xã hội hiện đại vốn dựa trên cấp bậc và lao động bị tha hóa [hay gây vong thân, ông chịu ảnh hưởng bởi Karl Marx], có khuynh hướng ưa chuộng sự bận rộn hơn là hoạt động tạo năng suất.

Hãy nhìn xung quanh chúng ta. Khi thế giới ưa chuộng lao động hơn tạo tác, nó cũng mang đến ngày càng ít cơ hội hơn để hành động tự do và sáng tạo. Việc thể hiện sự sáng tạo cá nhân đã trở thành một thứ xa xỉ mà chỉ một số ít người mới có thể đáp ứng. Arendt nhìn lại thời kỳ Hy Lạp cổ đại, khi đó người ta tự do hành động và công khai thể hiện những sáng tạo và lựa chọn. Ngày nay các lựa chọn của chúng ta thường bị quyết định bởi tập quán, quảng cáo, luật pháp, tính đúng đắn chính trị [hay cách biểu đạt tránh gây ra sự kì thị] hoặc kiểm duyệt.

Arendt nói: Chúng ta sắp đánh mất điều khiến chúng ta là người: sự tự do thể hiện bản thân. Chúng ta sắp quen với việc trở nên kém hơn con người, kém hơn điều chúng ta nên là. Chúng ta quen với việc trở thành đám đông, một lực lượng lao động, những nguồn nhân lực, những sự vật.

Chúng ta có muốn đầu hàng khi chưa chiến đấu?

Nguồn: stellamaris.edu.vn 

[1] Xem thêm Bùi Văn Nam Sơn, “Giới thiệu tác phẩm Giữa quá khứ và tương lai”, trong Hannah Arend, Giữa quá khứ và tương lai: Tám bài tập tư duy chính trị, Nguyễn Thị Minh dịch – Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính và giới thiệu (Hà Nội: NXB Tri thức, 2019), 6­–22.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập130
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm120
  • Hôm nay25,049
  • Tháng hiện tại226,765
  • Tổng lượt truy cập52,395,713

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây