LỜI KHUYÊN TIN MỪNG VỀ CÁCH ĐỔI XỬ VỚI KẺ THÙ
Jaime L. Waters
Chúa Nhật Lễ Lá năm C
Is 50,4–7; Pl 2,6–11; Lc 23,1–49
Đọc bài Tin mừng Chúa nhật Lễ Lá trong bối cảnh chiến tranh tàn bạo hiện nay trên thế giới cho chúng ta biết cách đáp trả trước các thế lực thù địch, bạo lực bất công cũng như vấn nạn tin giả và thông tin sai lầm.
Trong bài Tin mừng theo thánh Luca hôm nay, chúng ta nghe tường thuật về Bữa Tiệc ly, việc Đức Giêsu bị phản bội, bị bắt tại núi Ôliu, bị quan tổng trấn Philatô và vua Hêrôđê xét xử, chịu đóng đinh và chết trên thập giá. Tin mừng Luca có nhiều chi tiết cho thấy khả năng lãnh đạo của Đức Giêsu, đặc biệt vào những giờ phút căng thẳng, cũng như làm nổi bật sự đau khổ và bất công trong cuộc khổ nạn của Ngài.
Khi Đức Giêsu nói cho các môn đệ biết một người trong nhóm sẽ phản bội Ngài, các ông lại tranh luận xem ai là người lớn nhất, có lẽ vì họ cần có người lãnh đạo các môn đệ sau khi Chúa chết. Cắt ngang dòng suy nghĩ đó của các môn đệ, Đức Giêsu nhấn mạnh rằng việc lãnh đạo đích thực đòi hỏi sự phục vụ các nhu cầu của cộng đoàn.
Khi các nhà lãnh đạo tương lai hiện diện lúc Đức Giêsu bị bắt, họ đã cố gắng bảo vệ Thầy mình, rút gươm và thậm chí tấn công cả các thượng tế cùng trưởng vệ binh dẫn đầu cuộc vây bắt. Một môn đệ chém đứt tai người đầy tớ của vị thượng tế, để bảo vệ Thầy Giêsu và tỏ dấu sẵn sàng chiến đấu chống lại bất công. Tuy nhiên, giữa lúc hỗn loạn, Đức Giêsu lên tiếng, “Thôi, đủ rồi”, Ngài kêu gọi chấm dứt bạo lực. Theo như Luca thuật lại, sau đó, Đức Giêsu đã chữa lành tai của người đầy tớ, để nêu gương cho việc quan tâm, phục hồi và tha thứ trong bối cảnh bị chống đối và tấn công.
Tin mừng đã đưa ra hai hình ảnh trái ngược về việc sẵn sàng chiến đấu với quân thù và sẵn lòng thể hiện tình thương ngay cả khi bị tấn công. Việc chữa lành người đầy tớ có thể cho thấy Đức Giêsu nhận ra anh không chống lại Ngài, do đó không nên trừng phạt anh vì đã xuất hiện ở đó.
Tiếp theo trong trình thuật Thương khó, Luca hướng độc giả chú ý đến sự bất công trong việc vây bắt Đức Giêsu. Ngài bị nhạo báng và đánh đập, bị cáo gian và điệu ra trước quan Philatô, sau đó là vua Hêrôđê, và chỉ có Luca nói đến sự hiện diện của Hêrôđê trong cuộc khổ nạn. Cả hai nhà lãnh đạo này đều tuyên bố Đức Giêsu vô tội, họ không thấy lý do gì để kết án tử, nhưng đám đông vẫn tiếp tục la ó: “Đóng đinh nó”, cho thấy họ để lòng thù hận vượt trên sự lương thiện cũng như họ đã thất bại khi không vâng theo lẽ phải.
Thật không may, vô tình hay hữu ý, nhiều người đã bị che mắt bởi tin giả, cơn nóng giận và việc tuyên truyền, và chúng ta đang sống giữa sự phân rẽ của những người chưa suy nghĩ, phân tích kỹ vấn đề. Đức Giêsu nhận ra sự bất công trong khổ hình thập giá đến từ sự vô tri của đám đông, nên Ngài nói “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm,” câu nói này chỉ có trong vài thủ bản của Luca. Chúng ta biết có nhiều mức độ vô tri và liên quan đến các vấn đề gây tranh cãi. Bài Tin mừng nhắc nhở chúng ta không nên thiếu cân nhắc khi tán thành hay chấp nhận bạo lực, nhưng biết tìm kiếm sự thật và phản đối bất công.
Cùng với việc suy gẫm về những thực tế trong cuộc sống hiện nay, cách sắp xếp của sách Bài đọc mời gọi chúng ta đọc Bài Thương Khó với tâm thế của bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước. Hãy nhớ lại câu chuyện người phụ nữ ngoại tình mà Đức Giêsu đã không lên án, nhưng đã đối xử với phẩm giá và tôn trọng. Khi bị kết án, chế giễu và lăng nhục, Đức Giêsu đã nêu gương bằng những hành động trái ngược hoàn toàn với những gì mình phải chịu. Các nhà lãnh đạo Do Thái tố cáo người phụ nữ phạm tội ngoại tình, và họ cũng chính là những người cầm quyền đã vu khống cho Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay.
Khi chuẩn bị tâm hồn để tưởng niệm những ngày cuối cùng của Đức Giêsu, Tin mừng hôm nay mang đến cho chúng ta những cách thức ứng xử và đối phó trước bất công, đó là chiến đấu, cầu nguyện và tạo điều kiện cho việc chữa lành. Chúng ta cũng được mời gọi để nhận ra tầm quan trọng của sự thật và công bình bằng cách ngăn chặn và hàn gắn những bất công trên thế giới.