NHỮNG CÁM DỖ CỦA ĐỨC GIÊSU
NHẮC CHÚNG TA RẰNG NGÀI LÀ CON NGƯỜI
Jaime L. Waters
Chúa Nhật Tuần I Mùa Chay Năm C
Đnl 26, 4–10; Rm 10, 8–13; Lc 4, 1–13
Chúng ta đang sống trong Mùa Chay, khoảng thời gian 40 ngày để khám phá và củng cố đức tin cũng như chuẩn bị cho việc cử hành cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu. Khi bắt đầu hành trình Mùa Chay, bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta chú ý đến những thử thách có thể gặp phải trên chặng đường này.
Trong trình thuật của thánh Luca về cơn cám dỗ, Đức Giêsu đầy tràn Thánh Thần, được dẫn vào hoang địa trong 40 ngày và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong Kinh thánh, việc ở trong hoang địa một khoảng thời gian nhất định có thể tượng trưng cho thời kỳ thử thách và trưởng thành, chẳng hạn như thời kỳ dân Israel trong sa mạc sau cuộc Xuất hành. Thời gian 40 ngày cũng mang ý nghĩa Kinh thánh, như khi Môsê và Êlia đã dành 40 ngày chay tịnh trên núi Sinai/Khôrép.
Theo Tin mừng Luca, sau khi ăn chay, Đức Giêsu thấy đói, và cám dỗ đầu tiên của Ngài là làm ra bánh ăn. Dù cảm thấy đói, Đức Giêsu vẫn không nhượng bộ ma quỷ nhưng đã trích dẫn Kinh thánh để chống lại khiến kẻ cám dỗ đổi hướng.
Cơn cám dỗ thứ hai của Đức Giêsu theo thánh Luca là bái lạy ma quỷ để nhận được quyền năng, vinh quang và uy quyền. Đức Giêsu cự tuyệt cơn cám dỗ này khi trích dẫn Đệ Nhị Luật: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4,8; Đnl 6,13).
Cơn cám dỗ thứ ba được xếp đặt như một thử thách khả năng cứu rỗi của Thiên Chúa, khi ma quỷ bảo Đức Giêsu gieo mình xuống khỏi Đền Thờ để được các thiên sứ cứu. Đức Giêsu tuyên bố không được thử thách Thiên Chúa, sau đó ma quỷ bỏ đi, vì Đức Giêsu đã hoàn thành những thử thách và chống lại các cơn cám dỗ.
Tại sao lại mô tả Đức Giêsu bị cám dỗ? Ở đây, chúng ta hãy tập trung vào nhân tính của Đức Giêsu khi Ngài đối diện với những thử thách và khát vọng mà con người phải trải qua như: cơn đói, việc tìm kiếm quyền lực hay mong muốn được bảo vệ. Mỗi sách Tin mừng nhất lãm đều có một truyền thống về việc Đức Giêsu chịu cám dỗ trước khi bắt đầu sứ vụ, mô tả Ngài phải đối diện và vượt qua thử thách trước khi kêu gọi các môn đệ và rao giảng Tin mừng bằng lời nói và hành động.
Bài trình thuật của thánh Matthêu gần giống với Tin mừng của thánh Luca hôm nay, ngoại trừ việc các cơn cám dỗ diễn ra theo một trật tự khác. Thánh Maccô không đưa ra chi tiết những cơn cám dỗ, nhưng ngài nói rằng khi ở trong hoang địa, Đức Giêsu sống giữa loài dã thú và có các thiên sứ hầu hạ. (Mc 1,13). Maccô đặt Đức Giêsu trong tương quan với động vật và thế giới thần linh để xếp đặt và làm nổi bật trải nghiệm nhân tính của Ngài. Những câu trả lời của Đức Giêsu đưa ra một mẫu mực hành động để giữ vững quan điểm và chống trả các hành động gây tổn hại, ngay cả khi hành động đó đáng mong muốn.
Khi bước vào Mùa Chay, bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy suy ngẫm về những thử thách mà chúng ta phải đối diện và vượt qua. Mùa Chay thường được liên kết với cầu nguyện, chay tịnh và bố thí – những việc làm chính trong bài Tin mừng Thứ Tư Lễ Tro. Hãy nhớ lại điều quan trọng mà Đức Giêsu nói với các môn đệ là phải làm những điều này cách kín đáo, không thu hút sự chú ý của người khác.
Khi suy tư về hành trình Mùa Chay, Tôi tớ Chúa Julia Greeley (1833–1918) cho chúng ta nguồn cảm quan trọng. Cuộc sống của cô đầy những khó khăn khác nhau, khởi đi từ trải nghiệm bị ngược đãi khi làm nô lệ ở Missouri. Sau khi được tự do, Greeley chuyển đến Colorado và dành phần lớn cuộc đời mình để phục vụ cộng đoàn. Là một thành viên Phan sinh tại thế, được xem như “Thiên thần Bác ái” hay “Thiên thần của lòng thương xót” ở Denver, Greeley đã cống hiến cuộc đời mình để giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn, chuyển giao thực phẩm, quần áo và nhu yếu phẩm. Tương truyền rằng cô đã kéo một xe đẩy màu đỏ chở đầy hàng hóa và thường giao hàng vào ban đêm để các gia đình da trắng cảm thấy bối rối khi nhận được sự giúp đỡ từ một phụ nữ da màu. Đối diện và vượt qua nhiều thử thách cam go, sự kiên trì, đức tin và việc phục vụ của Greeley có thể truyền cảm hứng cho chúng ta tận dụng Mùa Chay cho việc thăng tiến bản thân, nhờ đó chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa và anh chị em hơn.