Ý HƯỚNG SỐNG TRONG MƯỜI HAI NGÀY MÙA GIÁNG SINH
Các bài đọc Tin mừng mỗi ngày từ lễ Giáng Sinh đến lễ Hiển Linh mời gọi chúng ta suy niệm.
Mầu nhiệm Nhập thể có ý hướng và chủ đích rõ ràng. Hãy suy nghĩ điều này. Thiên Chúa muốn mình được nhận biết không phải như một vị vua chinh phạt, một bạo chúa hung hăng, hoặc thậm chí như một nhà lãnh đạo chính trị hay xã hội. Thay vào đó, Ngài chọn cách thức rất dễ bị tổn thương và hoàn toàn khiêm hạ của một trẻ sơ sinh. Hơn thế nữa, Hài nhi Giêsu sinh ra trong hoàn cảnh mà nhiều người cho là rất nghèo nàn và xuất thân từ một nơi chẳng có gì tốt đẹp hay đáng nhớ. Nathanaen ngay đầu Tin mừng Gioan thậm chí còn đặt câu hỏi: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46).
Điều thật sự quan trọng là thực tại của việc nhập thể vượt ra ngoài bối cảnh lịch sử và văn hóa. Mặc dù việc nhận ra các yếu tố thời gian của hành vi tự trao ban này thật quan trọng, nhưng còn có một thực tại cao vời hơn đặt nền cho toàn bộ bản chất của căn tính Kitô giáo: Thiên Chúa trở nên một người trong chúng ta. Qua nhập thể – việc Thiên Chúa làm người – con người được mời gọi chia sẻ cách mật thiết thần tính của Thiên Chúa. Chủ đích của hành vi khiêm hạ và ngay cả sự dễ bị thương tổn của Thiên Chúa thấm nhuần cuộc sống của chúng ta suốt mùa Giáng Sinh và thời gian sau đó nữa.
Thế nhưng chúng ta thường vội vã thổi tắt ngọn nến Giáng Sinh. Vào cuối ngày lễ Giáng Sinh, khi các lễ lạc, vui chơi chấm dứt, chúng ta lại chú ý đến công việc, học hành và cuộc sống. Đó là một ngày hoặc thậm chí vài ngày tuyệt vời nếu chúng ta bắt đầu mừng lễ từ ngày vọng Giáng Sinh. Tuy nhiên, dù với ý hướng hay mục đích gì thì lễ Giáng Sinh cũng kết thúc khi đài phát thanh chuyển từ những giai điệu ngày lễ về các bản nhạc rock nhẹ cổ điển của thập niên 80.
Tuy nhiên, nếu sống đúng phụng vụ, thì ngày lễ Giáng Sinh chỉ là khởi đầu của cả một mùa dành riêng cho thực tại Nhập thể, Thiên Chúa ở cùng và ở giữa chúng ta. Tất nhiên, mùa phụng vụ nào cũng diễn tả điều đó, nhưng mười hai ngày dịp Giáng Sinh, giữa lễ Giáng Sinh và Hiển linh, đề cao trước tiên thực tại này. Chúng ta có thể chuyển ý hướng Nhập thể này vào cuộc sống của bản thân bằng cách sống những ý hướng cụ thể trong mùa Giáng Sinh. Các bài đọc Tin mừng trong những ngày này mời gọi chúng ta tự ý thức suy ngẫm ý nghĩa này.
LỄ GIÁNG SINH (25/12/2021)
Lời Chúa: Lc 2,1–14
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa tình yêu, cảm tạ Chúa đã chia sẻ chính mình với chúng con. Xin giúp chúng con sống có ý thức, biết chọn hy vọng hơn sợ hãi, vui mừng hơn u buồn, sự sống hơn sự chết. Xin cho chúng con tự nhận mình đã để cho sợ hãi dẫn dắt đời sống và công việc, để nỗ lực tín thác vào những lời thiên thần nói với các mục đồng cũng là những lời Chúa nói với mỗi người chúng con: “Đừng sợ!”
Thánh sử Luca là chuyên viên nâng đỡ những người nghèo khổ hoặc bị đặt bên lề cuộc sống. (Hãy xem những câu chuyện Tin mừng chỉ có trong Luca: người phú hộ và anh Ladarô, đứa con hoang đàng, người Samaritanô nhân hậu, trong số những câu chuyện khác). Chúng ta nhận ra điều này có lẽ trực tiếp nhất trong trình thuật thời thơ ấu theo thánh Luca, khi những người đầu tiên được nghe tin mừng tình yêu nhập thể của Thiên Chúa là những mục đồng tầm thường, người dân du mục được cho là thiếu ổn định và không có địa vị xã hội. Những lời thiên thần nói với các mục đồng đặc biệt đánh động: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một Tin mừng trọng đại, cũng là Tin mừng cho toàn dân” (Lk 2,10). Chúng ta có thể tưởng tượng thiên thần cũng nói điều tương tự với chúng ta vào ngày lễ Giáng Sinh: "Đừng sợ".
Đâu là những nỗi sợ trong cuộc sống ngăn cản chúng ta sống như người được kêu gọi và cản trở chúng ta thuộc về Đấng kêu gọi mình? Đã khi nào chúng ta đưa ra quyết định vì sợ hãi thay vì hy vọng? Có bao giờ chúng ta che giấu con người thật của mình vì sợ bị từ chối hay bị tổn thương? Đã khi nào những suy nghĩ, niềm tin hay hành động của chúng ta buộc người khác phải sống trong sợ hãi?
Hành động: Không thể nào quan niệm về sự nhập thể ngoài thực tại không gian và thời gian, bởi vì Thiên Chúa nhập thể đã sống, làm việc và hít thở trong chính bản tính nhân loại của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ dàng xem thực tại này là đương nhiên, đặc biệt trong sự hối hả và nhộn nhịp của mùa Giáng Sinh. Hãy dành chút thời gian để làm một chiếc hộp lưu giữ khoảnh khắc mùa Giáng Sinh cho gia đình. Mỗi thành viên có thể lấy một món đồ (hoặc một vật đại diện) đặc biệt quan trọng trong lễ Giáng sinh và đặt vào một chiếc hộp nhỏ. Niêm phong hộp, đề chữ “Giáng Sinh 2021” ở mặt trên hoặc bên cạnh, rồi đặt trong tủ đồ. Hãy xem lại chiếc hộp này vài năm một lần và suy ngẫm về thực tại Thiên Chúa chia sẻ chính Ngài cho chúng ta trong quá khứ và hiện tại.
LỄ THÁNH GIA: CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA, VÀ THÁNH GIUSE (26/12/2021)
Lời Chúa: Lc 2,41–52
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa tình yêu, cảm tạ Ngài đã ban cho chúng con mẫu gương Thánh Gia. Ước gì chứng tá của Chúa Giêsu, Mẹ Maria, và thánh Giuse dạy chúng con biết kiên nhẫn, hiền hòa để tìm thấy niềm ủi an khi nhận ra chính Thánh Gia thật sự là một gia đình nhân loại. Xin cho chúng con nỗ lực sống tình yêu nhập thể của Chúa, tìm kiếm sự hòa giải khi cần thiết và cố gắng lớn lên trong sự thánh thiện, luôn nhớ rằng gia đình mang nhiều hình thức phong phú và đa dạng.
Hãy tưởng tượng Đức Maria và thánh Giuse đã cảm thấy sợ hãi như thế nào khi họ biết đã lạc mất Chúa Giêsu. Không chỉ đi đường xa với một nhóm đông người (việc này đã đủ gây căng thẳng!), Đức Maria và thánh Giuse phải trải qua một loạt các cảm xúc khác nhau – lo lắng, nghi ngờ và thậm chí tức giận. Bây giờ, hãy tưởng tượng Đức Maria cảm thấy như thế nào khi Chúa Giêsu đáp lại thiếu kính trọng câu hỏi đơn giản của Mẹ. Đức Maria: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48). Dường như thật thất vọng với tình cảnh này, tôi tưởng tượng ra Đức Maria không cần phải đánh giá cao câu trả lời của Chúa Giêsu: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Tôi biết mình sẽ không xong nếu trả lời kiểu đó với mẹ tôi!
Khi nào chúng ta để cho lời nói của mình gieo rắc sự chia rẽ thay vì hiệp nhất, sợ hãi thay vì bình an? Đã bao giờ chúng ta đối xử với các thành viên trong gia đình bằng lời giễu cợt và mỉa mai đầy tổn thương thay vì cổ vũ và ủng hộ? Có bao giờ chúng ta để cho những cảm xúc và tức giận hoặc sợ hãi của mình định hình cách chúng ta hành xử với người khác? Đã bao giờ chúng ta hành động ích kỷ, đặt nhu cầu của bản thân trước nhu cầu của những người mình yêu thương? Có khi nào những hình ảnh và kỳ vọng của chúng ta về gia đình là vô ích hoặc không lành mạnh?
Hành động: Trong mùa Giáng Sinh, chúng ta thường nhớ đến những người thân trong gia đình và bạn bè đã qua đời. Chúng ta cũng nhớ rằng những người đã an nghỉ trong Đức Kitô sẽ nhập đoàn đông đảo các chứng nhân, những tín hữu nam nữ đã ra đi trước chúng ta. Lễ Thánh Gia là một ngày tuyệt vời để kết một vòng hoa các chứng nhân. Hãy lấy một trong những vòng hoa Giáng Sinh hiện có của bạn và đặt những thứ gợi nhớ các thành viên yêu quý trong gia đình xung quanh vòng hoa. Những đồ vật này có thể là bất cứ thứ gì, từ trâm cài, thẻ bóng chày, cho đến một thanh kẹo cao su, thậm chí là những tấm hình nếu bạn muốn. Những dấu hiệu và biểu tượng hữu hình này gợi nhớ đến tổ tiên trong gia đình và trong đức tin. Hãy đặt vòng hoa đó ở nơi dễ nhìn thấy trong nhà, ngay cả có thể dùng nó như một tâm điểm khi cầu nguyện. Đây cũng là một cách để sử dụng lại vòng hoa Mùa Vọng bằng cách đơn giản thay thế những ngọn nến màu tím và hồng bằng những ngọn nến màu trắng, rồi thêm những vật kỷ niệm về các chứng nhân đức tin của gia đình.
LỄ THÁNH GIOAN, TÔNG ĐỒ VÀ THÁNH SỬ (27/12/2021)
Lời Chúa: Ga 20,1a.2–8
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa tình yêu, cảm tạ Chúa đã hiện diện trong cuộc sống của chúng con. Xin cho chúng con chấp nhận lời mời gọi nhận biết Chúa bằng cách lớn lên trong tương quan với tất cả anh chị em. Chúng con biết rằng Nước Chúa “ở đây nhưng chưa hoàn tất”, vì thế xin cho chúng con đừng quá ngã lòng khi thấy sự dữ dường như phổ biến, nhưng xin giúp chúng con nhớ rằng nhờ sự phục sinh của Chúa, sự sống và tình yêu luôn luôn chiến thắng.
Trình thuật phục sinh trong bài Tin mừng hôm nay thoạt đầu có vẻ như bị đặt nhầm chỗ giữa những câu chuyện trong những ngày vừa qua về việc Chúa Giêsu giáng sinh. Thật vậy, đây là bài Tin mừng mà chúng ta công bố vào Chúa nhật Phục Sinh. Nếu chúng ta sẵn lòng suy nghĩ thời gian theo nghĩa kairos (thời gian của Thiên Chúa/ thời gian cơ hội/ cánh chung/ thời gian định tính) thay vì theo nghĩa chronos (thời gian theo niên đại / thời gian định lượng), chúng ta nhận ra rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu gắn kết mật thiết trong việc nhập thể. Thật vậy, toàn bộ mầu nhiệm vượt qua – cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô – có thể xảy ra vì Thiên Chúa đã trở nên con người. Trong bài Tin mừng hôm nay, người môn đệ Chúa yêu “đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Giữa những đau thương và cái chết dường như quá bình thường trong thế giới hôm nay, chúng ta có thể đặt vấn đề về ý niệm niềm tin, tự hỏi mình "Tại sao một Thiên Chúa toàn năng lại cho phép sự dữ tồn tại và tiếp diễn mãi?" Nhưng mùa Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta rằng chính vị Thiên Chúa này là Đấng khiêm nhường hạ mình để nên một với chúng ta. Tuy nhiên, nhờ thông phần vào Thiên Chúa, chúng ta có khả năng và trách nhiệm làm vơi bớt nỗi đau, quan tâm đến đau khổ, và mang lấy gánh nặng của người khác. Nước Thiên Chúa vừa ở đây vừa chưa ở đây. Vì khi nhập thể, Thiên Chúa hiện diện cách mật thiết trên trần gian, nhưng chúng ta cũng trông chờ ngày Thiên Chúa ngự trị dưới đất cũng như trên trời.
Có khi nào chúng ta cảm thấy thật khó để thấy và tin? Đã bao giờ chúng ta không chịu thừa nhận nỗi đau của chính mình hay của người khác? Có khi nào chúng ta đã có thể ý thức làm điều gì đó hầu Nước Chúa trị đến nhưng lại không làm? Đã bao giờ chúng ta chọn gây tổn thương thay vì chữa lành?
LỄ CÁC THÁNH ANH HÀI (28/12/2021)
Lời Chúa: Mt 2,13–18
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa tình yêu, cảm tạ Chúa vì món quà cộng đoàn. Qua mẫu gương của Đức Kitô, xin cho chúng con đặt nhu cầu của người khác trên nhu cầu bản thân, không phải theo cách tự hạ thấp mình, nhưng bằng cách thừa nhận thực tại cộng đoàn. Xin giúp chúng con không sống cô lập nhưng trở thành một gia đình chung khi biết nỗ lực phá bỏ những cơ cấu, hệ thống tội lỗi và bất công.
Bài Tin mừng hôm nay gây khó chịu. Thật vậy, “khó chịu” là một cách nói giảm nhẹ. Cảm thấy bị một đứa trẻ đe dọa, vua Hêrôđê ra lệnh sát hại tất cả bé trai ở Bêlem và toàn vùng phụ cận. Tại sao? Ông ta mù quáng bám víu vào quyền lực đến mức sẵn sàng giết người. Tôi ước chúng ta có thể nói đây chỉ là một sự kiện thuộc về lịch sử, nhưng không phải vậy. Chúng ta chứng kiến cảnh sát nhân để giành quyền lực khi những người yếu thế bị sát hại. Chúng ta chứng kiến cảnh sát nhân để tranh giành quyền lực khi người ta vũ khí hóa vắc-xin và khẩu trang, hô hào và ngụy trang sự quan trọng bản thân là tư do. Chúng ta chứng kiến cảnh giết hại để giành quyền lực khi các chính trị gia và lãnh đạo các tập đoàn tiếp tục tàn phá môi trường vì lợi nhuận. Chúng ta chứng kiến cảnh giết chóc vì quyền lực trong những cuộc chiến phi nghĩa kéo dài hàng năm, hủy hoại cuộc sống của những người vô tội. Lạm dụng quyền lực diễn ra thường xuyên ở khắp nơi trên thế giới đến nỗi chúng ta thực sự đang sống trong những hệ thống áp bức, quá thông thường đến nỗi những kẻ gây ra thường thậm chí không hề nhận thức được.
Có khi nào chúng ta bám víu quyền lực, thậm chí với cái giá là làm hại người khác? Đã bao giờ sự ngạo mạn ngăn cản chúng ta nỗ lực vì ích chung? Có khi nào chúng ta đặt mong muốn của mình trên nhu cầu của người khác? Đã bao giờ chúng ta hành động ích kỷ?
Hành động: Dịp Lễ Các Thánh Anh Hài này, chúng ta nhớ rằng vẫn còn tồn tại những hệ thống bất công rất phổ biến trong Giáo hội và thế giới mà chúng ta thường thậm chí không nhận thức được. Hãy để hôm nay trở thành cơ hội thúc đẩy công lý, ngay cả bằng những cách nhỏ bé như viết thư kêu gọi bảo vệ sự sống, bênh vực người yếu thế.
NGÀY THỨ NĂM TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH (29/12/2021)
Lời Chúa: Lc 2,22–35
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa tình yêu, cảm tạ Chúa đã hứa ban ơn cứu độ, không chỉ cho một số ít được chọn, nhưng cho hết thảy chúng con. Xin cho mẫu gương của Đức Kitô đón nhận tất cả, tiếp thêm sức mạnh để chúng con gỡ bỏ đi những gì ngăn cản chúng con nên một trong Ngài. Xin cho chúng con “chào đón mọi người như chính Chúa Kitô”, như lời của thánh Bênêđictô đã nói.
Một trong những lời nguyện luôn ưa thích của tôi là bài ca của cụ Simêon, trong bài Tin mừng hôm nay. Khi Chúa Giêsu được đem đến Đền thờ [để được Thanh tẩy] theo luật Môsê, cụ Simêon liền chúc tụng rằng:
"Muôn lạy Chúa, giờ đây, theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài" (Lc 2,29–32). Những lời của cụ Simeon nhắc nhở chúng ta rằng kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Dù vậy, đặc biệt trong Giáo hội, chúng ta lại nhanh chóng tạo ra “những người khác”. Điều chị tin khác với tôi: Chị là người khác. Anh cầu nguyện theo cách mà tôi không hiểu hoặc không đồng ý: Anh là người khác. Chúng ta tạo ra sự chia rẽ và phân biệt vốn rõ ràng không thuộc về Thiên Chúa khi chúng ta cứ mãi giữ lấy những giả thiết và định kiến.
Có khi nào chúng ta nuôi dưỡng sự chia rẽ và mất đoàn kết? Đã bao giờ chúng ta cố tình loại trừ người khác? Khi nào chúng ta giữ mãi những định kiến và chia rẽ gây tổn thương? Đã bao giờ chúng ta gạt bỏ cách người khác cầu nguyện, sinh sống và yêu thương?
Hành động: Bài ca của cụ Simêon mà chúng ta nghe trong bài Tin mừng hôm nay được Giáo hội cất lên trong giờ Kinh Tối. Cố gắng đưa giờ Kinh Tối này vào thói quen của gia đình. Tìm kiếm nhanh trên Google, bạn sẽ tìm được tất cả các bản kinh nguyện cần thiết. Thậm chí còn có các ứng dụng điện thoại cho giờ kinh này. Ngay cả đơn giản cùng nhau cầu nguyện bằng bài ca của cụ Simêon cũng là một cách tuyệt vời để khép lại một ngày sống!
NGÀY THỨ SÁU TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH (30/12/2021)
Lời Chúa: Lc 2,36–40
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa tình yêu, cảm tạ Chúa vì hồng ân Thánh Lễ, một cử hành tạ ơn có nền tảng từ tình yêu tự hiến. Xin cho chúng con trao ban bản thân cho người khác mà không tính toán hoặc mong được chú ý hay tán thưởng. Xin ban cho chúng con sức mạnh để nhìn bằng đôi mắt biết ơn và với trái tim tri ân, không riêng gì những của cải vật chất nhưng cả những mối tương quan của chúng con.
Giống như cụ Simêon trong bài Tin mừng ngày hôm qua, bà tiên tri Anna cũng dành cả cuộc đời sống trong Đền thờ để chờ đợi lời Chúa hứa được thực hiện. Hôm nay chúng ta thấy bà “ . . . tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (Lc 2,38). Hành vi cảm tạ của bà Anna có thể đóng vai trò như cột mốc thích hợp cho mỗi chúng ta khi tiếp tục hành trình qua mùa Giáng Sinh. Mặc dù hầu như chắc chắn là chúng ta sẽ nói lời tri ân và cám ơn về những món quà hay lòng hiếu khách mà chúng ta nhận được, nhưng tạ ơn không thể giới hạn trong một khoảnh khắc hoặc sự kiện duy nhất. Thay vào đó, việc tạ ơn và biết ơn đích thực phải là một cách sống. Nhà thần học người Đức Meister Eckhart lưu ý: "Nếu lời cầu nguyện duy nhất bạn từng nói trong suốt cuộc đời là cảm ơn, như vậy là đủ rồi". Vì vậy, những lời cầu nguyện hàng ngày của chúng ta thường gồm những hàng dài nhu cầu và lời xin, dĩ nhiên tất cả đều tốt lành và thánh thiện. Nhưng chúng ta cũng phải dành thời giờ, giống như bà Anna, để cảm tạ Thiên Chúa đã ban sự sống cho mình. Nếu chúng ta ý thức thực hành lòng biết ơn và cảm tạ Thiên Chúa vì những hồng ân mà Ngài ban cho, chúng ta sẽ trở thành mẫu người mà chúng ta được kêu gọi: Đức Kitô cho người khác. Hạn từ Thánh Thể (eucharist), phát xuất từ tiếng Hy Lạp eucharistia, có nghĩa là tạ ơn. Nếu chúng ta tuyên xưng rằng cuộc sống của mình được xây dựng trên Bí tích Thánh Thể, thì chúng ta phải thừa nhận rằng điều đó có nghĩa là sống Bí tích Thánh Thể với lòng biết ơn.
Khi nào chúng ta rất dễ quên tạ ơn? Điều gì ngăn cản chúng ta thể hiện lòng biết ơn đối với bản thân, người khác và Thiên Chúa? Đã bao giờ chúng ta kêu ca và phàn nàn về đồng nghiệp, bạn bè hoặc thành viên trong gia đình? Có khi nào chúng ta cứ khẳng định chính mình đến mức quên mất tất cả những người đã giúp đỡ chúng ta trong cuộc sống?
NGÀY THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH (31/12/2021)
Lời Chúa: Ga 1,1–18
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa tình yêu, cảm tạ Chúa vì món quà ánh sáng. Xin cho ánh sáng Chúa chiếu rọi vào bóng tối cõi lòng chúng con, mời gọi chúng con hoán cải và xây dựng các tương quan. Xin làm tràn ngập cảm giác thiếu thốn và sự xét đoán nơi chúng con bằng ánh sáng rực rỡ của tình yêu Chúa.
Hôm nay chúng ta nghe Tựa Ngôn tuyệt đẹp từ Tin mừng Gioan. Ngay cả giữa mùa Giáng Sinh, đối với một số người trong chúng ta ở Bắc bán cầu, những ngày này thường vẫn còn u buồn và ảm đạm. May thay, thánh Gioan cho chúng ta biết ông “đến để làm chứng và làm chứng về ánh sáng” (Ga 1,7), và nhấn mạnh “ánh sáng thật, chiếu soi mọi người, đã đến trong thế gian” (Ga 1,9). Khi chúng ta thấy những ánh đèn Giáng Sinh trên cây cối và nhà cửa, chúng ta có nhớ đến Ngôi Lời – Ánh sáng thế gian đến với chúng ta giữa bóng tối của cuộc đời không? Hay chúng ta dán mắt vào ánh sáng bên ngoài vốn được nuôi dưỡng bởi sự cạnh tranh và niềm kiêu hãnh? Tôi không có ý gợi ra là cách tiếp cận này đúng và cách kia sai, nhưng có lẽ cảnh tượng và ánh đèn của mùa Giáng Sinh là cơ hội để chúng ta quy chiếu bản thân mình vào Đức Kitô.
Có khi nào chúng ta ưu tiên những sự vật, lời cam kết và con người hơn Thiên Chúa? Đã bao giờ chúng ta tôn sùng quyền lực, uy tín và sự giàu có? Chúng ta coi trọng điều gì? Chúng ta làm gì với thời gian, tài năng và tài sản của mình?
LỄ TRỌNG ĐỨC TRINH NỮ MARIA, MẸ THIÊN CHÚA (01/01/2022)
Lời Chúa: Lc 2,16–21
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa tình yêu, cảm tạ Chúa vì đã đến gặp chúng con ngay trong hoàn cảnh của con người. Xin cho chúng con noi gương Chúa, biết gặp gỡ tha nhân ngay trong hoàn cảnh của họ, tiến đến với họ không phải bằng quyền lực cao sang hay đặc quyền, nhưng bằng vẻ đẹp của tình người sẻ chia. Xin hãy lấp đầy trái tim chúng con bằng niềm vui Tin mừng của Chúa.
Các mục đồng vội vã đi đến Bêlem để xem những gì đã báo trước cho họ. Sau khi gặp Chúa Giêsu, họ rời đi trong sự ngỡ ngàng để chia sẻ sứ điệp Tin mừng. Cũng giống như các mục đồng, cuộc gặp gỡ với Đức Kitô cần sai phái chúng ta ra đi trong hân hoan và vội vã để chia sẻ Đức Kitô cho người khác. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng cuộc gặp gỡ đó là lắng nghe và hiện diện. Nó liên hệ đến tình liên đới và không xét đoán. Đó là mối tương quan và sự chân thành. Là một điểm nhấn đặc trưng trong sứ vụ giáo hoàng và mục tử, gần đây Đức Thánh cha Phanxicô đã nói: “Cuộc khủng hoảng liên tục y tế toàn cầu đã phơi bày một cách đau đớn nhu cầu cấp thiết phải thúc đẩy một nền văn hóa gặp gỡ cho toàn thể gia đình nhân loại, và tất cả mọi người phải 'say mê gặp gỡ nhau, tìm kiếm sự tương tác, xây dựng những cầu nối’”.
Có khi nào chúng ta sử dụng người khác, xem họ như đồ vật vì một mục đích hay lý do nào đó, rồi bỏ mặc họ? Đã bao giờ chúng ta nuôi dưỡng các mối quan hệ giao dịch thay vì các mối quan hệ dựa trên sự gặp gỡ chân thành? Đã bao giờ chúng ta từ chối xây dựng cầu nối? Có bao giờ chúng ta chia sẻ đức tin với việc lên án thay vì với niềm vui?
LỄ CHÚA HIỂN LINH (02/01/2022)
Lời Chúa: Mt 2,1–12
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa tình yêu, cảm tạ Chúa đã chọn mỗi người chúng con như là sở hữu của Ngài. Xin cho chúng con tiếp tục nhận ra rằng Chúa chọn chúng con cho Ngài, ngay cả khi sự hoài nghi bản thân đóng kín các giác quan chúng con. Xin cho chúng con tự tin và không sợ hãi để dõi theo ánh sáng Chúa, và được mãi biến đổi nhờ mối tương quan tuyệt vời này, một mối tương quan bắt nguồn từ biến cố nhập thể, nơi đó Chúa trở nên Đấng ở cùng chúng con.
Thật thú vị khi biết rằng Lễ Hiển Linh trong Giáo hội sơ khai không tập trung vào ba vua và lễ vật mà vào việc Chúa Giêsu chịu phép rửa. Dù vậy, không thể bỏ qua sự liên kết ngày lễ hôm nay với ánh sáng và sự sống mới trong Đức Kitô. Trong trình thuật việc Chúa Giêsu chịu phép rửa theo Tin mừng Matthêu, các tầng trời mở ra và chúng ta nghe thấy tiếng nói: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, Ta hài lòng về người” (Mt 3,17). Thiên Chúa cũng nói như vậy với mỗi người chúng ta trong Bí tích Rửa tội: “Con là con yêu dấu của Ta; Ta rất hài lòng về con". Mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa song hành với việc tìm kiếm Hài Nhi của ba đạo sĩ trong Tin mừng hôm nay. Các đạo sĩ tìm kiếm một thực tại mà sau cùng đòi hỏi chính họ thay đổi hướng đi và ước mơ. Tương tự, như Thiên Chúa nhìn nhận chúng ta cho chính Ngài, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi cuộc sống. Chắc chắn đây là một thách thức, nhưng ánh sáng và tình yêu của Đức Kitô trong mầu nhiệm nhập thể, cho chúng ta thấy rằng điều đó có thể làm được và cần thiết. Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận lời mời gọi ngôn sứ này không?
Có khi nào chúng ta từ chối lời mời đi vào tương quan với Thiên Chúa? Đã bao giờ chúng ta từ chối yêu thương chính mình? Đã bao giờ chúng ta không coi người khác là những người được Thiên Chúa yêu quý? Đã bao giờ chúng ta chọn bóng tối khó chịu thay vì ánh sáng tinh tế?
Hành động: Nhiều Kitô hữu mừng Lễ Hiển linh bằng cách dùng phấn viết lên dầm phía trên cửa ra vào. Sử dụng phấn đã làm phép, thường có sẵn nơi giáo xứ, viết các ký tự 20 + C + M + B + 22 phía trên cửa. Nó bao gồm năm (2022) và tên gọi theo truyền thống của ba đạo sĩ trong Tin mừng Matthêu: Caspar, Melchior và Balthazar. Các chữ cái CMB cũng là chữ viết tắt của lời chúc lành trong tiếng Latinh: “Christus mansionem benedicat”, nghĩa là "Xin Chúa chúc lành cho nhà này". Khi bắt đầu năm mới, đây là cơ hội cầu nguyện tuyệt vời trong gia đình, nó cho thấy ngôi nhà quan trọng như là nơi cầu nguyện chính yếu và là không gian thánh thiêng dành cho Thiên Chúa.
(12 ngày Mùa Giáng Sinh tính từ 25/12 (Lễ Chúa Giáng Sinh) đến 6/1 (Lễ Hiển Linh); tuy nhiên Lễ Hiển linh có thể thay đổi để cử hành vào Chúa nhật từ 2-8/1 hằng năm).