Tuần Thánh và Tam Nhật Vượt Qua tại Đại Chủng viện Sao Biển

Thứ năm - 21/04/2022 22:10  2086
TUẦN THÁNH VÀ TAM NHẬT VƯỢT QUA TẠI ĐẠI CHỦNG VIỆN SAO BIỂN
 
“Vui mừng và hy vọng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.” (x. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 1)
 
Năm 2022, thế giới và Giáo hội chứng kiến nhiều biến động trong đời sống lịch sử nhân loại. Hiệp thông với “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của thế giới”, cộng đoàn Đại Chủng viện Sao Biển cùng nhau cử hành các hoạt động phụng vụ và thiêng liêng trong Tuần lễ trọng đại nhất của Năm Phụng vụ với tinh thần cầu nguyện và liên đới với toàn thế giới.
 
CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Chúa nhật Lễ Lá được cử hành để tưởng nhớ việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem một cách trọng thể như vị Cứu Thế, và để khai mạc việc tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Kitô.
  
LL
 
LL

Buổi cử hành phụng vụ hôm nay bắt đầu nghi thức làm phép lá gợi lại việc Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia (x. Dcr 9,9-10). Tiếp đến, toàn thể cộng đoàn rước lá trọng thể tiến vào nhà nguyện. 
      
LL
 
LL
 
LL

LL
         
LL
     
LL

Ngay sau đó cộng đoàn nghe công bố Bài Thương khó theo thánh Luca. Trong bài giảng, cha linh hướng Giuse Nguyễn Thường mời gọi cộng đoàn chiêm ngắm mầu nhiệm tử nạn và phục sinh nơi hình ảnh nổi bật suốt Tuần Thánh là thập giá Chúa Kitô. Thập giá là khuôn mẫu đời sống môn đệ, vì họa lại chân dung tự hạ của Con Thiên Chúa. Toàn thể đời sống môn đệ là hiệp thông và tiếp nối con đường khổ giá mà Chúa Kitô đã đi qua.
   
LL
   

--------------------------------
Ngoài ra, trong Tuần Thánh, chủng viện còn tổ chức hai buổi nghe thuyết trình về Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI (2021-2023) về tính hiệp hành của Giáo hội.
 
 
Hoạt động này góp phần tạo nên chất liệu suy tư về thiêng liêng và mục vụ cho các chủng sinh, gợi mở các thao thức nội tâm trước những chuyển động trong đời sống Giáo hội và thế giới. Nhờ đó, chiều kích hiệp thông trong tiến trình đào tạo được thể hiện cách hài hoà viên mãn ngay giữa tuần lễ trọng đại nhất của Năm Phụng vụ. 
   

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Thánh lễ chiều nay khai mở việc cử hành ba ngày trọng đại nhất của Năm Phụng vụ, mà “trong đó Chúa Kitô sẽ chịu đau khổ, đã an nghỉ và đã phục sinh” (thánh Ambrôsiô). Tam Nhật Vượt Qua bắt đầu từ thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh và kết thúc vào Kinh Chiều Chúa nhật Phục Sinh, liên hệ đến đời sống thâm sâu nhất của mỗi cộng đoàn Kitô hữu, vì toàn thể dân Thiên Chúa đều cùng với Chúa Kitô thực hiện cuộc vượt qua đi về với Chúa Cha. 
 
 

Chúa Giêsu đã khai mạc cuộc thương khó mà Người sắp thực thi, khi cùng với các môn đệ dùng bữa ăn Vượt qua mà người Do Thái cử hành hằng năm. Cùng với tấm bánh và chén rượu trở thành Mình và Máu Người, bữa ăn này cũng trở thành bữa tiệc của giao ước mới. Từ đây, chính Chúa Giêsu thiết lập nghi thức tưởng niệm cuộc hiến tế mà hôm sau Người sẽ dâng trên thập giá. 
         
 
 
  
 

Giảng trong thánh lễ, Cha Linh hướng Giuse nhắc lại ý nghĩa hệ trọng của ngày lễ hôm nay đối với chức linh mục. Ngài trưng dẫn những chứng từ tâm linh sâu sắc, để hướng cộng đoàn đến với đòi buộc về sự thánh thiện phải có đối với những người đang thi hành tác vụ linh mục, và với cả những linh mục tương lai. 
     

Sau bài giảng là nghi thức rửa chân, nhắc nhớ cử chỉ phục vụ và giới luật mới mà Chúa Giêsu trối trao cho các môn đệ cùng toàn thể Giáo hội của Người.
 

   

Sau khi đã lãnh nhận Mình Máu Thánh được thánh hiến trong chính ngày lễ hôm nay, toàn thể cộng đoàn cùng cung nghinh Thánh Thể về nơi lưu giữ tại bàn thờ phụ. 
 
 
 
Đoàn rước được thêm long trọng và sốt sắng khi cộng đoàn cùng hoà ca bài thánh thi nổi tiếng của thánh Tôma Aquinô – “Pange lingua gloriosi” (Miệng lưỡi tôi hãy ngợi khen vinh quang ngài)
 

 
Trước Thánh Thể, mỗi người thinh lặng suy gẫm những lời tâm sự cuối cùng của Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước khi vào vườn Ghêtsêmani, nhất là suy gẫm lời trối long trọng nhất: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”. 
 

Sau đó, các chủng sinh từng khối lớp trong chủng viện thay phiên thực hiện giờ thánh tôn kính và chiêm ngắm Thánh Thể cho đến gần nửa đêm. 
 
     
 

Toàn chủng viện chìm đắm trong bầu khí linh thánh, cùng ôn lại những biến cố trọng đại trong cuộc đời Chúa Cứu Thế, cùng sống tâm tình gắn kết với Thầy của người môn đệ, và cùng nguyện cầu cho các nhu cầu của Giáo hội và thế giới.
 
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
 
Trong lễ nghi hôm nay Giáo hội tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Kitô, Chiên Thiên Chúa hiến tế trên Thập giá vì nhân loại, qua việc đọc Lời Chúa và tôn vinh Thánh giá. Đồng thời Giáo hội cũng tưởng nhớ nguồn gốc của mình phát sinh từ cạnh sườn Chúa Kitô chết trên Thập giá. Tin cậy vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô, Giáo hội cầu bầu cho phần rỗi của nhân loại. 

 

  

Những ngày này toàn chủng viện làm các việc đạo đức truyền thống có giá trị đi như đi Đàng Thánh giá, suy gẫm về mầu nhiệm Vượt qua, và nhất là các buổi ngắm 15 sự Thương khó của Chúa Giêsu như truyền thống lâu đời của các tín hữu Việt Nam. 
 
 
Ngắm đứng, kết hợp các bài dân ca cổ truyền với kinh nguyện Kitô giáo, là một sự thích ứng và hội nhập văn hóa sáng tạo của các thừa sai ngoại quốc trong bối cảnh bản xứ, và là một hình thức nối quá khứ với hiện tại. 
 

 Việc ngắm và lắng nghe ngắm các cung điệu tràn đầy bản sắc dân tộc Việt Nam là phương tiện giúp anh em vừa chiêm ngắm sâu xa cuộc thương khó của Chúa Giêsu, vừa cảm nhận được vẻ đẹp truyền thống đạo đức của cha ông.

Theo đúng tinh thần phụng vụ, các sinh hoạt đạo đức trong chủng viện đều được được phân chia cách hợp lý, hầu giúp cho việc cử hành phụng vụ cuộc Thương khó của Chúa trong ngày Thứ Sáu Thánh hôm nay có vị trí quan trọng và ý nghĩa trổi vượt.

 

 Mở đầu nghi thức, Linh mục chủ sự thinh lặng tiến vào phủ phục trước cung thánh giản đơn không hoa nến, mọi người quỳ xuống thinh lặng cầu nguyện. Cử chỉ phủ phục này chỉ dành riêng cho nghi thức hôm nay, biểu lộ vừa là sự nhục nhã của “con người trần tục”, vừa là sự sầu khổ và đau buồn của Giáo hội. (x. Thông tư Paschale Solemnitatis, số 64)
  
 
 
Các bài đọc Lời Chúa trong nghi lễ chiều nay đều qui hướng về mầu nhiệm thập giá. Hình ảnh Đức Kitô vị tôi trung mà Cựu Ước tiên báo, vị Thượng Tế cam chịu thử thách và là căn nguyên ơn cứu độ được làm nổi bật.
     

Trong bài giảng sau khi hát Passio, cha giáo Phêrô Trần Ngọc Anh quảng diễn ý nghĩa của Bài Thương khó theo thánh Gioan. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng đã vui lòng chịu chết theo kế hoạch cứu độ yêu thương của Chúa Cha. Đối với truyền thống Do Thái, cái chết là một hình phạt và “Sheol” như một âm phủ giam hãm cả người lành kẻ dữ mà không bao giờ thoát ra được. Trong Kinh Tin Kính, giáo hội tuyên xưng “Người đã xuống ngục tổ tông”, nghĩa là Chúa Giêsu đã đi vào nơi thâm u sự chết, đến cõi thất vọng tột cùng, để đồng hành và ban niềm hy vọng cho thân phận phải chết của nhân loại.
 
   
Đối với nhà thần học Karl Rahner, thì khi con người bắt đầu sinh ra tức là đã bước dần đến cái chết. Trong bí tích Thánh tẩy, chúng ta thực sự chết với Đức Kitô, chết một cách “có ý thức”. Còn đối với Đức Bênêđictô XVI, nếu con người sống mãi trên trần thế này thì đó rất có thể là một gánh nặng bất hạnh (x. Thông điệp Spe Salvi). Chính tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nơi Con Một đã biến đổi sự chết, mở lối dẫn vào sự sống thần linh cho con người.

 
Đặc biệt, cái chết do lòng vâng phục Cha đến cùng của Con là biểu trưng trọng thị nhất cho lời khấn hứa vâng phục của các linh mục tu sĩ. Người môn đệ Chúa, sống trọn vẹn đức vâng phục, là chấp nhận đòi hỏi về những “cái chết” mà mình phải bước qua trong từng ngày sống, như gương mẫu Chúa Giêsu.
 
 
Sau bài diễn giảng là các lời nguyện chung trọng thể, vốn đã có từ truyền thống phụng vụ cổ xưa và chỉ mới được thực hiện lại từ Công đồng Vatican II. Các lời nguyện được sắp xếp theo lĩnh vực nhằm biểu thị cách rõ ràng cuộc Thương khó của Chúa Kitô có giá trị cứu độ cho toàn thế giới. Một chủng sinh đọc lời kêu mời nói lên ý cầu nguyện, toàn thể cộng đoàn thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, rồi linh mục chủ sự dang tay đọc lời nguyện. 
 

Tiếp đến là nghi thức suy tôn Thánh giá. Với lễ nghi này, Giáo hội biểu lộ lòng tôn kính đối với Đấng đã thực hiện ơn cứu rỗi của nhân loại và kêu mời tất cả quy phục Thánh giá Chúa Kitô như là giá chuộc nhân loại. 
 
 
“Đây là gỗ Thánh giá đã mang Đấng Cứu độ trần gian!” – “Ta hãy đến thờ lạy!”
 
 

Trong buổi họp mừng này, điều nổi bật hơn cả không phải là các đau khổ nhục nhằn của cuộc Thương khó, nhưng là vinh quang của Thánh giá, vì mỗi lần Giáo hội tưởng niệm Chúa đã chịu chết thì đồng thời cũng tuyên xưng Người đã Phục Sinh. 
 
 
       
 
 
 

Cuối cùng, với việc lễ rước lễ, toàn thể cộng đoàn được tham dự trọn vẹn vào hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô. Từ rất xa xưa, trừ bí tích Hoà giải và Xức dầu bệnh nhân, Giáo hội không hề cử hành bí tích nào, kể cả bí tích Thánh Thể trong ngày Thứ Sáu Thánh (x. Thông tư Paschale Solemnitatis, số 61). Mình Thánh Chúa mà cộng đoàn lãnh nhận hôm nay đã được thánh hiến và lưu giữ từ Thánh lễ Tiệc ly, chiều Thứ Năm Tuần Thánh.
     

ĐÊM CANH THỨC VƯỢT QUA

Trong ngày hôm nay Giáo hội còn thinh lặng ở bên mộ Chúa để cùng tưởng niệm Chúa chôn trong mồ, xuống ngục tổ tông; đồng thời trong đêm canh thức, Giáo hội đợi chờ vị Phu quân của mình là Chúa Kitô sống lại.

Theo truyền thống rất lâu đời, đêm nay là “đêm canh thức của Đức Chúa”, Lễ Vượt Qua được cử hành trong đêm nay để tưởng nhớ Đêm Thánh Chúa sống lại từ cõi chết ; và đêm nay được coi là “mẹ của mọi buổi canh thức phụng vụ”. Trong đêm Vượt Qua này, Giáo hội tiếp tục canh thức để mong đợi Chúa Phục Sinh và cử hành mầu nhiệm Vượt Qua ấy trong các bí tích khai tâm Kitô giáo.  (x. Ps. 77)

 
 
“Chúng ta sẽ cùng nhau chăm chú nghe Lời Chúa, và sốt sắng cử hành những bí tích tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, với niềm hy vọng sẽ được cùng Người chiến thắng sự chết, và cùng Người luôn sống kết hợp với Chúa Cha.”
 

Lễ nghi Đêm Canh thức bắt đầu bằng việc làm phép lửa mởi, thắp nến phục sinh và kiệu nến phục sinh biểu trưng của chính Chúa Kitô Ánh Sáng chiếu soi thế gian.
   

“Xin Đức Kitô, Đấng phục sinh vinh hiển, chiếu giãi ánh sáng của Người để phá tan bóng tối đang bao phủ lòng trí chúng ta.”
 
 

Đoàn rước với nến sáng đi đầu và cộng đoàn theo ánh sáng đó tiến vào nhà nguyện. Như dân Israel được dẫn đường bằng cột lửa vào ban đêm, thì người tín hữu cũng được Chúa Kitô Phục Sinh dẫn đường. Mọi người chuyền lửa từ ánh sáng của cây Nến Phục Sinh để thắp sáng cây nến của tất cả mọi người đang cầm trong tay. (x. Ps. 83)
 

    
   
         
 
 
 
 

Nghi thức tiếp tục với việc Công bố Tin mừng Phục sinh (Exsultet), là một bài thánh thi vĩ đại gói trọn tất cả ý nghĩa mầu nhiệm Phục sinh trong toàn thể nhiệm cục cứu độ. (x. Ps. 84) 
   

“Ôi kỳ diệu thay, lòng Cha yêu thương đoàn con, lòng Cha yêu thương không ai hiểu được. Để cứu dân lầm than nô lệ Cha đã hiến Con Một rất quý yêu. Ôi tội Ađam thật là cần thiết, tội đã được xoá bỏ nhờ cái chết của Đức Kitô. Ôi tội đã hoá thành hồng phúc, vì nhờ tội mà chúng con có được Đấng cứu chuộc rất cao sang!”
 
   

Năm nay, thứ tự các bài đọc đã được sắp xếp gồm 4 bài trích từ Cựu ước, được chọn từ sách luật và sách các ngôn sứ, được sử dụng khắp nơi theo truyền thống xa xưa của phương đông và phương tây; 1 bài từ thánh thư Phaolô, và bài Tin mừng theo thánh Luca. 
     
   

     

Như vậy, Giáo hội ‘bắt đầu từ ông Môsê và các ngôn sứ’ để diễn giải mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Vì thế, Giáo hội khuyến khích đọc tất cả các bài đọc, tuy kéo dài thời gian, song việc đọc Lời Chúa là phần căn bản của Đêm Canh Thức Vượt Qua.
 

Những bài đọc này cho thấy những kỳ công của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ. Rồi tín hữu được hướng dẫn để suy niệm cách nhẹ nhàng với việc hát thánh vịnh đáp ca, thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, và lời cầu nguyện của linh mục. (x. Ps. 85)
 

 

     Bài đọc thánh thư là một huấn dụ căn bản về Bí tích Thánh Tẩy; trong phép rửa, chúng ta được sáp nhập vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.
 
 

Sau khi công bố bài Tin mừng là đỉnh cao của Phụng vụ Lời Chúa đêm nay, Cha Giám đốc Gioan Baotixita Ngô Đình Tiến giúp cộng đoàn ôn lại kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa theo các bài đọc phụng vụ. 
 

Diễn tiến của những nghi thức trang trọng đêm canh thức này cho thấy đêm nay là đêm chan hoà ánh sáng, đêm giải thoát và tràn đầy ân sủng. Biến cố phục sinh mang một ý nghĩa then chốt với Kitô giáo, bởi vì nếu Đức Kitô không sống lại thì niềm tin chúng ta thật hão huyền. Việc Chúa sống lại như thách thức định mệnh con người. Các môn đệ đã thất vọng tan rã, nhưng chính Chúa Kitô Phục sinh lại mở ra một sứ mạng mới cho họ, riêng các phụ nữ thì trở thành những tông đồ đầu tiên loan tin Chúa sống lại. Biến cố phục sinh làm thay đổi lịch sử nhân loại và cũng mời gọi mỗi người phải thay đổi chính mình. Việc Chúa sống lại đã minh chứng tình yêu cao cả của Thiên Chúa, giải thoát các môn đệ khỏi những âu lo buồn tẻ của ngày Thứ Sáu Thánh. Chúa phục sinh mang lại cho chúng ta niềm tin vào tình yêu của Ngài, mời gọi con người bước qua mọi âu lo để tin cậy Ngài. Đức Kitô Ánh sáng chiếu soi thế gian vẫn đang sống với chúng ta, chúng ta cũng hãy sống xứng đáng là con cái Ánh sáng.
 

   

Sau bài diễn giảng, Linh mục chủ tế kêu gọi cộng đoàn lặp lại lời tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và rảy nước thánh trên mọi người. 
 
 

Mọi cách thức cử hành và ngôn từ sử dụng gợi lại cho mỗi người ý nghĩa bí tích Thánh Tẩy mà mình đã lãnh nhận. Trong khi đó cộng đồng cùng hát điệp ca “Tôi đã thấy nước” (Vidi aquam). (x. Ps. 89)
 

         
 
 
 
 
 
 
 
 

Phụng vụ Thánh Thể là đỉnh cao của toàn bộ cử hành Đêm Canh thức, diễn tả cách viên mãn nhất bí tích Vượt Qua. Cử hành Thánh Thể là tưởng niệm cuộc khổ nạn trên thập giá của Chúa và là sự hiện diện của Chúa Kitô Phục sinh, là hoàn thành việc khai tâm Kitô hữu, và là nếm trước cuộc sống vĩnh hằng. (x. Ps. 90)
 

           

Trong buổi canh thức huy hoàng này, các bài thánh ca được cả cộng đoàn chung lời hoà vang càng nâng cao tâm tình cầu nguyện của mỗi người và làm cho các nghi thức phụng vụ thêm phần linh thánh.
 
 
 

Thánh lễ là hy tế vượt qua, và hôm nay trong đêm Vọng Phục sinh, hy tế này mang một tầm quan trọng đặc biệt, vì là tột đỉnh của tất cả nghi thức vọng Vượt qua.

CHÚA NHẬT PHỤC SINH
 
Sau những lễ nghi rạng rỡ và sốt sắng của đêm canh thức, toàn thể chủng viện cùng tề tựu trong nguyện đường ngay trước bình minh của sáng Chúa nhật Phục sinh, để sống lại tâm tình của những chứng nhân đầu tiên đến mộ Chúa Kitô khi trời còn chưa tỏ.
 

 

    

    

   

   
 




Giảng trong Thánh lễ hôm nay, Cha Phó Giám đốc Gioan Bosco Cao Tấn Phúc diễn tả lại tâm trạng bi ai sụp đổ của các tông đồ trước cái chết thập giá của Thầy Giêsu. Đứng trước ngôi mộ trống, Gioan đã thấy và đã tin. Niềm tin vào Đấng Phục sinh của con người hôm nay cũng phải trải qua nhiều thử thách. Phục sinh nào cũng đòi hỏi những hy sinh và chung phần với con đường thập giá. Làm chứng cho niềm tin Kitô cũng là chấp nhận mạo hiểm, dám hy sinh vì những điều thiện hảo, cho dù có bị thế gian phản bội hay đánh lừa. 
              
 

       


   



 
 
 
 

Ước gì mỗi thành viên trong cộng đoàn chủng viện dám can đảm làm chứng cho Đấng Phục sinh, hiệp thông liên đới với mọi âu lo và hy vọng của nhân loại theo tiếng gọi của Chúa Kitô, ngõ hầu được cùng Người sống lại trong vinh quang. Alleluia!
 
Truyền thông ĐCV Sao Biển
https://stellamaris.edu.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập89
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm78
  • Hôm nay20,069
  • Tháng hiện tại217,005
  • Tổng lượt truy cập50,629,612

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây