Tông thư dưới dạng Tự sắc MINISTERIA QUAEDAM của Đức Thánh cha Phaolô VI

Thứ ba - 03/05/2022 09:16  2090
Tông thư dưới dạng Tự sắc MINISTERIA QUAEDAM
của Đức Thánh cha Phaolô VI
Cải cách qui định về nghi thức cắt tóc,
các chức nhỏ và chức phụ phó tế trong Giáo hội Latinh

 
Ministeria Quaedam (adoremus.org)
Chuyển ngữ: Chủng sinh Giuse Huỳnh Thanh Thịnh
Ngay từ rất xa xưa Giáo hội đã thiết lập một số thừa tác vụ để thờ phượng Chúa một cách thích hợp và phục vụ các nhu cầu của dân Chúa. Qua các thừa tác vụ này, các chức vụ trong phụng vụ và việc thực hành bác ái theo những hoàn cảnh khác nhau được giao cho các tín hữu. Việc trao ban những chức vụ này thường diễn ra theo một nghi thức đặc biệt, trong đó, sau lời cầu xin ơn lành của Chúa, người Kitô hữu được xếp vào một tầng lớp hay cấp bậc đặc biệt để hoàn thành một công việc nào đó của Giáo hội.

Một số công việc này, vốn liên kết chặt chẽ hơn với việc cử hành phụng vụ, dần dần được coi như một việc huấn luyện để chuẩn bị cho việc tiếp nhận các chức thánh. Do đó, các chức giữ cửa, đọc sách, trừ quỷ, và giúp lễ được gọi là các chức nhỏ trong Giáo hội Latinh liên quan đến chức phụ phó tế, phó tế, và chức linh mục vốn gọi là các chức lớn. Nói chung, mặc dù không phải ở mọi nơi, những chức nhỏ này được dành cho những ai lãnh nhận như là những bước tiến tới chức linh mục.

Tuy nhiên, như hiện nay, vì các chức nhỏ không phải luôn luôn giống nhau và nhiều công việc liên quan đến các chức nhỏ cũng đã do giáo dân thực hiện, nên việc duyệt xét lại và điều chỉnh thực hành này cho phù hợp với nhu cầu thời đại được xem là cần thiết. Do đó, những gì đã lỗi thời nơi các chức vụ này sẽ bị loại bỏ và những gì hữu ích được giữ lại; cũng như bất cứ điều gì mới mà cần thiết sẽ được giới thiệu và đồng thời các yêu cầu đối với những ứng viên cho chức thánh sẽ được thiết lập.

Trong quá trình chuẩn bị Công đồng Vatican II nhiều giám mục trong Giáo hội đã yêu cầu duyệt xét lại các chức nhỏ và chức phụ phó tế. Mặc dù Công đồng không có sắc lệnh nào liên quan đến vấn đề này cho Giáo hội Latinh, nhưng Công đồng đã nêu một số nguyên tắc để giải quyết vấn đề. Không còn nghi ngờ gì nữa, các quy tắc do Công đồng đặt ra liên quan đến việc cải tổ chung và trật tự của phụng vụ (SC 62; 21) cũng bao gồm những lĩnh vực liên quan đến các thừa tác vụ trong cộng đoàn phụng vụ, để chính việc sắp xếp cử hành phụng vụ làm cho Giáo hội nổi bật như được hình thành trong cơ cấu các chức vụ và thừa tác vụ khác nhau.[1] Vì vậy, Công đồng Vatican II đã ra sắc lệnh rằng “trong các cử hành phụng vụ, mỗi người, dù là thừa tác viên hay giáo dân, người có chức vụ để chu toàn phận sự của mình, nên thi hành trọn vẹn, nhưng chỉ những phần liên quan đến chức vụ đó theo bản chất của nghi thức và những qui định của phụng vụ” (SC 28).

Sự khẳng định này cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ với những gì đã được viết trước đó một chút trong cùng một Hiến chế: “Giáo hội tha thiết ước mong toàn thể tín hữu được hướng dẫn tham dự các cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động đầy đủ do chính bản chất của phụng vụ đòi hỏi. Việc người Kitô hữu tham dự như thế với tư cách là giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân thánh, dân riêng của Chúa (1Pr 2,9; xem 2,4-5) là quyền và nghĩa vụ vì bí tích Rửa tội của họ. Việc cải tổ và cổ võ phụng vụ, sự tham gia đầy đủ và tích cực này của mọi người là mục tiêu cần được xem xét trước hết. Vì đó là nguồn gốc chính yếu và không thể thiếu để các tín hữu thể hiện tinh thần Kitô giáo đích thực. Do đó, các chủ chăn phải sốt sắng cố gắng trong mọi công việc mục vụ của mình để đạt được sự tham gia như vậy bằng sự hướng dẫn cần thiết” (SC 14).

Trong số các chức vụ cụ thể được duy trì và thích nghi với nhu cầu thời đại, có những chức vụ được liên kết chặt chẽ hơn với các thừa tác vụ Lời Chúa và bàn thờ, và trong Giáo hội Latinh được gọi là chức đọc sách và chức giúp lễvà chức phụ phó tế. Thật là phù hợp để duy trì và điều chỉnh những chức này theo cách mà từ nay sẽ có hai chức là: đọc sách và giúp lễ, vốn sẽ bao gồm công việc của phụ phó tế.

Ngoài các chức vụ phổ quát trong Giáo hội Latinh, các Hội đồng Giám mục có thể yêu cầu những chức vụ thuộc quyền Tông tòa, nếu nhận xét việc thành lập các thừa tác vụ như vậy trong vùng miền của họ là cần thiết hoặc rất hữu ích vì những lý do đặc biệt. Chẳng hạn, những thừa tác vụ người giữ cửa, trừ quỷ, giáo lý viên (AG 15; 17), cũng như những thừa tác vụ khác sẽ được trao cho những ai tận tâm với công việc bác ái, nơi mà thừa tác vụ này không được giao cho các phó tế.

Phù hợp với thực tế và với cách nhìn đương thời, các thừa tác vụ nói trên không còn được gọi là các chức nhỏ; việc trao các tác vụ này sẽ không được gọi là phong chức (ordination), mà là ban thừa tác vụ (institution). Tuy nhiên, chỉ những ai đã lãnh nhận chức phó tế mới là giáo sĩ theo đúng nghĩa và mới được nhìn nhận như vậy. Việc phân chia sắp xếp này sẽ làm rõ hơn sự phân biệt giữa giáo sĩ và giáo dân, giữa những gì thích hợp và dành riêng cho giáo sĩ và những gì có thể được ủy thác cho giáo dân. Điều này cũng sẽ làm rõ hơn sự tương hỗ mà qua đó “chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, mặc dù chúng khác nhau về bản chất và không chỉ về mức độ, nhưng vẫn có mối quan hệ với nhau: mỗi chức vụ này theo cách đặc biệt của riêng nó là sự thông phần vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô” (LG 10).

Sau khi cân nhắc mọi khía cạnh của vấn đề, hỏi ý kiến của các chuyên viên, tham vấn và cân nhắc quan điểm của các Hội đồng Giám mục và sau khi tham khảo ý kiến của những người anh em đáng kính của Tôi là thành viên các Bộ có thẩm quyền về vấn đề này, bởi quyền Tông tòa, Tôi ban hành các qui định sau để sửa đổi - nếu và trong chừng mực cần thiết - các điều khoản của Bộ Giáo luật hiện có hiệu lực, và Tôi ban hành các qui định thông qua Tự sắc này.

I. Trước hết, nghi thức cắt tóc không còn nữa; việc gia nhập hàng giáo sĩ nay được gắn với chức phó tế.

II. Những gì cho đến nay gọi là các chức nhỏ thì được gọi là các thừa tác vụ.

III. Các thừa tác vụ có thể được trao cho các Kitô hữu giáo dân; do đó, chúng không còn được coi là dành riêng cho các ứng viên lãnh nhận Bí tích Truyền chức nữa.        

IV. Hai thừa tác vụ, được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu hiện nay, sẽ được giữ lại trong toàn thể Giáo hội La tinh, cụ thể là thừa tác vụ đọc sách và thừa tác vụ giúp lễ. Các công việc trước đây dành cho phụ phó tế nay được giao cho thừa tác viên đọc sách [độc viên] và thừa tác viên giúp lễ; do đó, chức phụ phó tế không còn trong Giáo hội La tinh. Tuy nhiên, không có lý do gì mà thừa tác viên giúp lễ không thể được gọi là phụ phó tế ở một số nơi, tùy theo sự suy xét của Hội đồng Giám mục.

V. Độc viên Sách Thánh được chỉ định cho một công việc thích hợp với họ, đó là đọc Lời Chúa trong cộng đoàn phụng vụ. Theo đó, họ được công bố các bài đọc Sách Thánh, ngoại trừ bài Tin mừng trong Thánh lễ và các cử hành thánh khác; họ đọc thánh vịnh giữa các bài đọc khi không có ca viên hát thánh vịnh; họ được đọc các ý nguyện của lời nguyện chung khi không có phó tế hoặc ca viên; họ điều khiển việc ca hát và sự tham gia của các tín hữu, hướng dẫn các tín hữu về việc lãnh nhận các bí tích một cách xứng đáng. Trong chừng mực cần thiết, độc viên Sách Thánh cũng có thể chuẩn bị cho các tín hữu khác, những người được chỉ định tạm thời để đọc Kinh thánh trong các buổi cử hành phụng vụ. Để có thể hoàn thành các công việc này một cách phù hợp và hoàn hảo hơn, độc viên Sách Thánh phải siêng năng suy gẫm Kinh thánh.
Nhận thức được chức vụ mà mình đã đảm nhận, độc viên Sách Thánh phải cố gắng hết sức và sử dụng các phương tiện thích hợp để có lòng yêu mến ngày càng nồng nhiệt, sống động (SC 24; DV 25) và sự hiểu biết về Kinh thánh sẽ khiến họ trở thành môn đệ Chúa cách hoàn hảo hơn.

VI. Thừa tác viên giúp lễ được chọn để phụ giúp phó tế và linh mục. Vì vậy, bổn phận của họ là tham dự vào việc phục vụ bàn thờ và giúp phó tế và linh mục trong các cử hành phụng vụ, đặc biệt là cử hành Thánh lễ; họ cũng sẽ cho rước lễ với tư cách là thừa tác viên ngoại thường khi các thừa tác viên được nói đến ở điều 845 của Bộ Giáo luật[2] vắng mặt hoặc bị ngăn trở do đau yếu, tuổi tác, hoặc do một tác vụ mục vụ khác không thể thực hiện công việc này, hoặc khi số lượng người rước lễ quá đông khiến việc cử hành Thánh lễ bị kéo dài quá mức. Trong những trường hợp ngoại thường tương tự, thừa tác viên giúp lễ có thể được giao phó cách công khai việc đặt Thánh Thể để giáo dân thờ phượng và sau đó đem cất, nhưng không ban phép lành cho giáo dân. Trong chừng mực cần thiết, thừa tác viên giúp lễ cũng có thể đảm nhận việc hướng dẫn các tín hữu khác, những người tạm thời được bổ nhiệm giúp linh mục hoặc phó tế trong các cử hành phụng vụ bằng việc mang sách lễ, thánh giá, nến, v.v., hoặc bằng việc thực hiện các nhiệm vụ khác như thế. Thừa tác viên giúp lễ sẽ thực hiện những công việc này một cách xứng hợp hơn nếu họ tham dự bí tích Thánh Thể với sự gia tăng lòng thành kính nhiệt thành, nhận được sự nuôi dưỡng và đào sâu hiểu biết từ Thánh Thể.

Vì được dành riêng cho việc phục vụ bàn thờ, thừa tác viên giúp lễ cần tìm hiểu mọi vấn đề liên quan đến việc thờ phượng chung và cố gắng nắm bắt ý nghĩa tâm linh bên trong của chúng: bằng cách đó, mỗi ngày họ có thể dâng mình hoàn toàn cho Chúa, làm gương cho tất cả mọi người bởi sự trang nghiêm và tôn kính của họ trong nhà thờ, và có một tình yêu chân thành đối với Nhiệm thể Chúa Kitô, dân Thiên Chúa, đặc biệt là đối với những người đau yếu và bệnh tật.

VII. Theo truyền thống xa xưa của Giáo hội, thừa tác viên đọc sách và thừa tác viên giúp lễ được dành riêng cho nam giới[3].

VIII. Sau đây là các yêu cầu để lãnh nhận các thừa tác vụ này: a) người xin lãnh thừa tác vụ trình đơn được viết và ký cách tự do lên Đấng Bản quyền (giám mục và bề trên trong các dòng giáo sĩ) là người có thẩm quyền chấp nhận lời thỉnh cầu; b) độ tuổi thích hợp và những phẩm chất đặc biệt do Hội đồng Giám mục qui định; c) ý chí kiên định trung thành phụng sự Chúa và dân Thiên Chúa.

IX. Đấng Bản quyền (giám mục và bề trên các dòng giáo sĩ) ban các thừa tác vụ qua nghi thức phụng vụ De Institutione lectoris De Institutione acolythi được Tòa thánh tu chỉnh.

X. Tòa thánh hoặc các Hội đồng Giám mục xác định một khoảng cách thời gian giữa việc trao ban thừa tác vụ đọc sách và thừa tác vụ giúp lễ khi hơn một thừa tác vụ được trao ban cùng lúc cho một người.

XI. Các ứng viên cho việc truyền chức phó tế và linh mục phải lãnh nhận các thừa tác vụ đọc sách và thừa tác vụ giúp lễ và phải thi hành các chức vụ này trong một thời gian thích hợp, để được chuẩn bị tốt hơn cho việc phục vụ Lời Chúa và bàn thờ trong tương lai, trừ khi họ đã thi hành như vậy. Việc các ứng viên được miễn trừ lãnh nhận các thừa tác vụ này được dành cho Tòa thánh.

XII. Việc trao ban các thừa tác vụ không đi kèm với quyền nhận hỗ trợ hoặc thù lao từ Giáo hội.

XIII. Cơ quan có thẩm quyền của Giáo triều Rôma sẽ sớm công bố nghi thức thiết lập thừa tác vụ đọc sách và thừa tác vụ giúp lễ.

Thời gian các quy định này có hiệu lực là ngày 01/01/1973.

Tôi truyền cho mọi điều Tự sắc này đã quy định phải được coi là bền vững và được phê chuẩn, bất chấp những điều trái ngược.

Ban hành ở Rôma, tại Đền thờ Thánh Phêrô, vào ngày 15/08/1972, Lễ Trọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, năm thứ mười triều đại Giáo hoàng của tôi.

+ Giáo hoàng Phaolô VI

________________________________________
[1] Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, 58-59

[2] Bộ Giáo luật 1917. Bộ Giáo luật 1983 là điều 910.

[3] Tự sắc Spititus Domini của Đức Phanxicô ban hành ngày 10/01/2021 thay đổi điều 230 triệt 1 của Bộ Giáo luật 1983, cho phép nữ giáo dân được lãnh thừa tác vụ đọc sách và thừa tác vụ giúp lễ. Thay vì chỉ “những nam giáo dân nào đủ tuổi và đủ những đức tính cần thiết do sắc lệnh của Hội đồng Giám mục ấn định có thể lãnh những thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ cách cố định, trong một nghi thức phụng vụ đã được quy định”, thì với Tự sắc này, Đức Thánh cha quy định rằng “các giáo dân có đủ tuổi và đủ những đức tính cần thiết do sắc lệnh của Hội đồng Giám mục ấn định có thể lãnh những thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ cách cố định, trong một nghi thức phụng vụ đã được quy định”, nghĩa là các nữ giáo dân cũng có thể lãnh những thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập110
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm74
  • Hôm nay29,714
  • Tháng hiện tại613,463
  • Tổng lượt truy cập54,513,872

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây