Cải cách phụng vụ - Kỳ 2

Thứ ba - 03/05/2022 08:57  1622
TIN VUI VỀ CÔNG ĐỒNG VATICAN II
 
Timothy P. O’Malley
Nhóm Sao Biển Chuyển ngữ từ Our Sunday Visitor (osvnews.com)

 

 
Đây là bài thứ hai trong loạt bài khám phá quà tặng và triển vọng từ cuộc cải cách Phụng vụ của Vatican II.

(Xem thêm: "Tại sao Công đồng Vatican II thấy cần phải cải cách phụng vụ?")



Nếu bạn hỏi một người Công giáo bình thường về những gì đã xảy ra tại Công đồng Vatican II, tôi cho rằng hầu hết sẽ tập trung vào việc cải cách phụng vụ – nhất là cách ngôn ngữ phụng vụ đã chuyển từ tiếng Latinh sang tiếng địa phương và Thánh lễ có nhiều bài thánh ca hơn.

Một số người thậm chí có thể nhận ra những thay đổi về cấu trúc trong phụng vụ của Giáo hội diễn ra sau Công đồng. Thánh lễ được đơn giản hóa, có thêm một bài đọc Cựu ước[1] và những Kinh nguyện Thánh Thể mới từ truyền thống phụng vụ.

Tất nhiên, vấn đề là Công đồng Vatican II đã không chỉ đơn giản thay đổi phụng vụ. Vâng, cuộc cải cách mang tính giáo hội học đưa đến hệ quả là việc áp dụng rộng rãi hơn tiếng bản địa. Thánh lễ đã thay đổi. Người ta thường quên là Vatican II không chỉ lo thay đổi phụng vụ. Đúng hơn, Công đồng này quan tâm đến việc đề xuất lại cho Giáo hội một giáo hội học phụng vụ hoặc bí tích.

Một “sự tham dự tích cực”

Có từ 2.000 đến 2.500 giám mục tham dự mỗi phiên họp của Công đồng Vatican II, được tổ chức từ năm 1962 đến năm 1965. Công đồng đã ban hành 16 văn kiện mang tính bước ngoặt.

Giáo hội học phụng vụ hay bí tích là gì? Trong những đoạn mở đầu, Hiến chế về Phụng vụ thánh (Sacrosanctum Concilium) mô tả phụng vụ như liên kết chặt chẽ với ý nghĩa của hạn từ “Giáo hội”. Phụng vụ của Giáo hội không chỉ là một chuỗi các nghi lễ do linh mục thực hiện. Đúng hơn, căn tính sâu xa nhất của Giáo hội đang được thể hiện trong trong mọi cử hành phụng vụ hoặc bí tích.

Như văn kiện lưu ý, Giáo hội có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, hiện diện nơi trần gian nhưng hướng đến phúc kiến trên trời. Tất cả yếu tố nhân loại phải quy hướng và lệ thuộc vào yếu tố thần linh, và trong phụng vụ thánh, Giáo hội qua con cái mình thực thi sự canh tân mang tính vũ trụ này. Do đó, để là Giáo hội, cần phải cử hành phụng vụ, thi hành chức vụ tư tế của mình. Qua cử hành phụng vụ, các tín hữu lãnh nhận sức mạnh loan truyền Chúa Giêsu Kitô đến tận cùng trái đất.
Nơi hành động phụng vụ, thế giới nhìn thấy Giáo hội như chính ý nghĩa mà Giáo hội mong muốn: sự hiệp thông con người dành riêng  cho việc phụng thờ Thiên Chúa hằng sống, quy tụ quanh Đức Kitô là tư tế, ngôn sứ và vua.

Vì vậy, văn kiện này ủng hộ “sự tham dự tích cực và ý thức trọn vẹn” (Sacrosanctum Concilium, số 14) vào hành động phụng vụ. Các tín hữu không phải chỉ là những người có mặt trong nghi lễ phụng vụ mà họ được mời đến chiêm ngắm. Đúng hơn, trong các cử hành phụng vụ của Giáo hội (đặc biệt nơi Bí tích Thánh Thể), các tín hữu thực thi chức tư tế do phép rửa của họ.

Nuôi dưỡng đức tin

Chỉ sau khi mô tả một tầm nhìn về Giáo hội mang tính phụng vụ và bí tích, văn kiện mới đề cập đến việc cải cách phụng vụ. Việc Cải cách phụng vụ không giống như một công việc của các nhà khảo cổ. Đó không phải là phục hồi thời vàng son của cử hành phụng vụ. Cải cách phụng vụ nhằm nuôi dưỡng đức tin theo kiểu tham dự vào hành động phụng vụ giúp các tín hữu loan truyền mầu nhiệm cứu độ của Đức Giêsu Kitô đến tận cùng trái đất.

Phần còn lại của Sacrosanctum Concilium đưa ra các hướng cách thức thực hiện cuộc cải cách này. Nó phải cổ võ sự tham dự tích cực của các tín hữu, trong khi vẫn lưu tâm đến Truyền thống kinh nguyện phụng vụ của Giáo hội. Nếu đọc những phần này nơi văn kiện, ta sẽ thấy các Nghị phụ Công đồng đã cẩn thận nêu rõ các nguyên tắc thực hiện cuộc cải cách này.

Trong bài viết này, tôi không thể đi vào từng nguyên tắc ấy, một số nhắm cụ thể đến cuộc cải cách, và số khác dành riêng cho việc cải cách nơi mỗi nghi điển trong Giáo hội. Hãy đọc văn kiện!

Tôi muốn tập trung vào ba câu hỏi. Thứ nhất, tại sao việc Công đồng Vatican II cải cách phụng vụ Giáo hội là tin vui? Thứ hai, phải chăng toàn bộ cuộc cải cách đã được thực hiện? Thứ ba, cải cách nào thuộc hoặc không thuộc Vatican II?

Một thụ tạo mang chiều kích phụng vụ

Đầu tiên, nên biết rõ là việc Giáo hội cải cách phụng vụ tại Vatican II về cơ bản là một tin vui. Bởi vì Giáo hội ngày càng nhận biết chính mình trước hết là một thụ tạo mang chiều kích phụng vụ.  Giáo hội được thiết lập không phải để tranh luận chính trị mà để trở thành một biểu tượng (icon) cho tình yêu tự hiến của Đức Kitô. Để tham gia vào phụng vụ thì mọi tín hữu buộc phải tham dự cả nội tâm lẫn bề ngoài vào kinh nguyện Giáo hội.

Vì vậy, Sacrosanctum Concilium là một văn kiện mang tính ngôn sứ cho Giáo hội, các nhà lãnh đạo Giáo hội và mọi tín hữu. Đạo Công giáo không phải là một tôn giáo riêng tư, nơi một tầng lớp giáo sĩ cử hành các nghi thức trọng đại của đời người cho dân chúng. Người Công giáo được kêu gọi để biến đổi vũ trụ trong tình yêu, và việc năng tham dự phụng vụ tạo nên tư thế  hiến dâng để thực hiện việc biến đổi ấy. Sự tham dự này không thể bị giản lược thành việc chiêm ngắm thụ động, nhưng đòi hỏi cả thân xác (máu-thịt) của chúng ta.

Người ta có thể nhận thấy tại sao việc Vatican II tập trung vào giáo hội học phụng vụ và bí tích là một tin vui, đặc biệt đối với những ai quan tâm đến Tân Phúc âm hóa. Như Đức Thánh cha Phanxicô đã lưu ý trong Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin mừng), mỗi người chúng ta đều được kêu gọi trở thành môn đệ thừa sai. Tư cách môn đệ này tuôn chảy từ phụng vụ, cho phép chúng ta biến đổi mọi vết nứt kẽ hở của vũ trụ và dẫn chúng ta đến với phụng vụ, nơi chúng ta dâng mọi sự lên Thiên Chúa Ba Ngôi.

Một Giáo hội sống động


Thứ hai, văn kiện chứng thực rằng có thể thực hiện việc cải cách phụng vụ trong tương lai. Một số giải thích về Vatican II dường như ngụ ý rằng mọi cải cách phụng vụ đã thực hiện trong giai đoạn sau công đồng sẽ luôn đứng vững. Chúng tôi không cho là như vậy. Hãy nhớ lý do căn bản của mọi cải cách phụng vụ là tạo điều kiện cho mọi tín hữu đã rửa tội tham dự sâu rộng hơn vào phụng vụ.

Sự tham dự này là gì? Tôi sẽ cụ thể hóa câu hỏi. Với Vatican II, nghi thức rửa tội trẻ nhỏ đã có những cải cách quan trọng, bao gồm việc đơn giản hóa nghi thức. Ví dụ, không còn bỏ muối trên môi của trẻ. Hành động này từng có ý nghĩa với người xưa nhưng nay xem ra không còn ý nghĩa. Hơn nữa, bản văn được thêm vào nghi thức khuyến khích linh mục hoặc phó tế giải thích những gì đang diễn ra cho cha mẹ của  em được rửa tội.

Tuy nhiên, cải cách này có thể có vấn đề liên quan đến việc tham dự. Đầu tiên, nó không nhận ra khả năng của con người thời nay hiểu lý do “tại sao” sử dụng muối. Tất nhiên, sự hiểu biết không thể giản lược vào trí tuệ. Khi thấy linh mục/phó tế bỏ muối trên môi đứa trẻ, cha mẹ em có thể hiểu nhiều hơn những người cải cách của Giáo hội về ý nghĩa của muối. Hơn nữa, việc sử dụng lời nói trong nghi thức [hiện nay] có thể cản trở thay vì khuyến khích sự tham dự sâu xa nhất vào nghi thức mà Hiến chế Sacrosanctum Concilium cổ võ. Nghi thức này trong tương lai có thể bị xem là cản trở hơn là thúc đẩy sự tham dự. Vì lý do này, một cuộc cải cách trong tương lai đối với nghi thức rửa tội trẻ nhỏ có thể chú ý đến bối cảnh hậu công đồng và lấy lại các thực hành từ trước Vatican II.

Các tham số không đổi của Vatican II

Thứ ba, chúng ta phải nhận ra đâu là phần Vatican II đã cải cách hay không cải cách. Công đồng không nói rằng tiếng Latinh không còn được sử dụng, nhưng cho các Hội đồng Giám mục yêu cầu được phép sử dụng tiếng bản địa. Việc sử dụng này đến nay vẫn tốt. Nhưng khi tiếng Latinh xuất hiện trong phụng vụ, thì đó không phải là trở về thời trước Vatican II. Đối với bình ca cũng vậy. Như Đức Thánh cha Phanxicô đã nhắc nhở, bình ca vẫn là âm nhạc thánh thiêng của Giáo hội. Có thể sử dụng các bài thánh ca, nhưng việc bãi bỏ hoàn toàn bình ca ở hầu hết các giáo xứ nói đúng ra không phải là ý định của Công đồng.
Trong bài viết tiếp theo, tôi muốn sử dụng ba phạm trù này để xem xét sâu xa hơn một số cải cách do Vatican II đề xuất và thực hiện. Điều gì là tin vui? Điều gì có thể thay đổi? Và những áp dụng nào trong các giáo xứ không thực sự thuộc Vatican II?

* Tiến sĩ Timothy P. O’Malley là giám đốc học vấn tại Viện McGrath về Đời sống Giáo hội tại Đại học Notre Dame.
________________________________________
[1] Trước Vatican II, bài đọc trích từ Cựu ước chỉ có trong lễ Vọng Phục sinh, Vọng lễ Hiện xuống, lễ Hiển linh và Tuần bát nhật Giáng sinh, Tuần Thánh và một số ngày trong tuần.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập156
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm130
  • Hôm nay21,650
  • Tháng hiện tại218,586
  • Tổng lượt truy cập50,631,193

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây