NGUYỄN KIM BINH
Người Công giáo không xa lạ gì với câu kinh: “Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn” (Năm sự Vui); nhưng thử hỏi, chữ “nghĩa” trong câu trên có ý nghĩa gì hoặc “giữ nghĩa cùng Chúa” là gì, thì không phải lúc nào ta cũng dễ dàng trả lời. Một số bạn đọc có nền tảng “Anh ngữ Công giáo” có thể cho là “lòng sốt mến” (piety), số khác xem “nghĩa” đồng nghĩa với “sự vâng lời” (obedience), hay “lòng hân hoan đi tìm Chúa” (joy in finding Jesus), v.v
Thật ra, chữ “nghĩa” trong tiếng Việt mang trọng trách sâu sắc trong nhiều nền văn hóa và hệ tư tưởng khác nhau. Sự đa dạng trong ý nghĩa và ứng dụng của chữ “nghĩa” không chỉ phản ánh sự phong phú các truyền thống tư tưởng mà còn là sự kết nối giữa lý tưởng đạo đức và thực tiễn cuộc sống. Trong triết lý Đông phương, nhất là trong Nho học, “nghĩa” đóng vai trò trung tâm. Khổng tử đã coi “nghĩa” như một nguyên tắc đạo đức cơ bản, là hành vi đúng đắn, xuất phát từ lòng trung thực và tinh thần trách nhiệm, không chỉ liên quan đến hành động cá nhân mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quan hệ xã hội, từ gia đình đến cộng đồng và quốc gia. Mở rộng hơn, Mạnh tử xem “nghĩa” là nền tảng của việc lãnh đạo và thực thi chính sách. Chữ “nghĩa” còn xuất hiện trong Đạo giáo và Phật giáo và có những cách hiểu khác nhau. “Nghĩa” trong Đạo giáo liên quan đến sự hòa hợp với thiên nhiên và tự nhiên, còn Phật giáo xem “nghĩa” là một phần của con đường tu hành và đạt được giác ngộ, liên quan đến việc hành xử theo đạo đức và từ bi.
Tại Việt Nam, hòa quyện sâu sắc vào đặc trưng văn hóa và xã hội và triết Tam giáo, chữ “nghĩa” không chỉ là một khái niệm, phạm trù triết học mà còn là phương thế ứng xử trong đời sống, một phần của các giá trị văn hóa. Các truyền thống như hiếu thảo, lòng trung thành và trách nhiệm xã hội đều phản ánh tầm quan trọng của chữ “nghĩa” trong đời sống hàng ngày. Văn học dân gian, thơ ca, và các phong tục tập quán đều thường xuyên nhấn mạnh và đề cao chữ “nghĩa” như một chuẩn mực đạo đức và nhân cách.
Khi chuyển sang đức tin Công giáo, chữ “nghĩa” đã đạt được ý nghĩa trong tầm cao mới, mang giá trị luân lý, giá trị đạo đức đặc trưng của Công giáo Việt Nam. Qua Kinh Thánh, sách giáo lý và học thuyết giáo lý Công giáo, “nghĩa” thường được hiểu và diễn giải mối quan hệ mật thiết giữa Thiên Chúa với con người. “Nghĩa” cũng chính là “ phẩm tính” của Thiên Chúa. Chính vì thế, trong đời sống đức tin Công giáo, “nghĩa” là biểu tượng cho mọi nhân đức mà người tín hữu cần có.
Tìm hiểu về sự chuyển biến và ứng dụng của chữ “nghĩa” trong các bối cảnh văn hóa khác nhau không chỉ giúp ta hiểu rõ hơn các hệ tư tưởng, nhận ra những điểm tương đồng và khác biệt trong quan điểm về đạo đức và triết lý nhân sinh mà còn giúp nhìn thấy được sự kết nối sâu xa giữa lý tưởng đạo đức và thực tiễn cuộc sống đến nội dung ngữ nghĩa đời sống đức tin Công giáo.
I. Nguồn gốc, nội dung và triết lý về chữ “nghĩa”
Dù bạn có chối bỏ những giá trị tư tưởng văn hóa Trung Hoa đi chăng nữa thì một thực tế vẫn xảy ra: Chữ viết, tư tưởng, văn học và văn hóa truyền thống của Việt Nam luôn có sự tác động và ảnh hưởng từ Trung Hoa, nhất là Nho giáo. Chữ Hán (chữ Hán Nôm còn gọi là chữ Nho), được sử dụng và tồn tại hơn “nghìn năm Bắc thuộc” và trong các triều đại phong kiến Việt Nam sau này. Đó là thứ chữ được sử dụng chính thức trong các văn bản hành chính và trong sáng tác văn học,… có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn hóa, tư tưởng của người Việt.
1. Chữ “nghĩa” qua Hán tự
Chữ “nghĩa” (義) có âm đọc tiếng Trung và lối viết giản thể ( yì 义), còn chữ “nghĩa” phồn thể thì có 13 nét viết, thuộc bộ “dương” (羊). Về cấu trúc, chữ “nghĩa” gồm bộ thủ “dương” (羊) - chỉ con dê; phần dưới là chữ "ngã" (我) là tôi, ta - chỉ con người .
Chữ 羊 (dương) còn âm đọc khác là “tường” trong “cát tường”: 吉 羊 (祥) để chỉ sự may mắn, tốt lành. Bộ thủ “dương” còn cho ta những “nét nghĩa” chính có trong các chữ Hán sau đây: “tường” (祥): điềm lành, tốt lành; mỹ (美): đẹp; 善 thiện: tốt lành, thiện hảo; quần (群): quần : bầy, đàn, nhóm, quần thể, bè bạn, v.v. Những chữ này mang bộ thủ “dương” thể hiện nhiều sắc thái ý nghĩa trong ngôn ngữ và văn hóa thuộc Hán, phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống và tư duy con người. Trước hết, dương (con dê) có tập tính sống ăn cỏ, sống bầy đàn gợi liên tưởng ý nghĩa: bầy, đàn, nhóm (như trong chữ “quần”: quần chúng, quần thể). Đó cũng là ý nghĩa biểu trưng cho “mối quan hệ, sự tương giao” thường hằng trong cuộc sống. Dê là một trong ba con vật “tam sinh” mà người xưa thường đem ra tế thần linh, trời đất. Chữ “sinh” (牲) có nghĩa là con vật bị giết chết thay thế cho giống loài để tế lễ cho thần linh, không phải chữ (生)“sinh” (trong “sinh sống”).
Xưa kia, các con vật bị giết để “hiến dâng”, “hiến tế” cho thần linh còn được gọi là “hy sinh” (犧 牲 ). Ý nghĩa của chữ “sinh”( 牲) biểu thị cho còn vật bị giết; còn “hy” ( 犧, có bộ dương) thì biểu trưng ý nghĩa của sự hy sinh, vật đền tội. Như thế, hành động “hy sinh”, chết cho người khác (chết vì nghĩa) có ý biểu trưng cho hành động tốt đẹp, có ý nghĩa nhất của con người.
Thuật ngữ “hy sinh” trong văn hóa Trung Hoa có phần tương đồng trong nghi lễ của Do Thái giáo. Nơi ấy, người ta cũng giết chiên, cừu, bò,… làm hy tế dâng lên Gia-vê. Ý nghĩa của chữ “sinh” (牲) biểu thị cho con vật bị giết; còn “hy” (犧, có bộ dương) thì biểu thị sự hy sinh - việc “chết vì nghĩa”. Thuật ngữ Công giáo dùng “hy sinh” (犧 牲) để dịch từ “sacrifice” trong tiếng Anh.
Chữ “ngã” (我) bên dưới, bao gồm bộ “qua” (戈 - binh khí), và bộ “thủ” (手 - cái tay). Chính bộ “qua” (can qua – chiến tranh) cho ta cho ta liên tưởng đến hình ảnh: con người cầm vũ khí để chiến đấu. Đây cũng là “nét nghĩa” cho ta ý nghĩa các chữ Hán khác: “giới” (戒 - giới răn); chữ “thú” (戍 - lính thú); “nhung” (戎 - quân nhung, quân đội); chữ chiến (戰 - chiến tranh, chiến đấu, tranh giành). Như vậy, chữ “ngã” (我) trước hết có ý biểu trưng cho “con người” trong danh xưng (tôi, ta, tớ, v.v - ngôi thứ nhất) đồng thời là con người đang chiến đấu vì những lý tưởng tốt đẹp nhất.
Thông qua kí hiệu văn tự, “nghĩa” đã trở thành biểu tượng cho sự “hy sinh”, sự hiến tế cao cả. Đó là hành động đạo đức cao cả và chính nghĩa: quên đi cái tôi, hướng đến vị tha, là nghĩ tới người khác và duy trì đạo nghĩa, đạo lý, lợi ích tập thể, v.v. Ngoài ra, “nghĩa” (義) còn là biểu thị sự tương giao, tương tác giữa con người trong cuộc sống, mang khái niệm luân lý như “tam cương”, “ngũ luân”, “ngũ thường” của Nho giáo. Đó cũng là chân giá trị, là đạo đức của bậc quân tử, người mẫu lý tưởng của kẻ sĩ.
2. Nội dung và hàm ý của chữ “nghĩa”
2.1. Hàm ý chữ “nghĩa” thời cổ đại ở Trung Hoa
Thời Trung Hoa cổ đại, “nghĩa” (義) là biểu thị cho nghi thức xuất chinh uy vũ của quân đội như đã phân tích “biểu ý” trong chữ “ngã”(我), và chữ “thiện” (善 - tốt đẹp, lương thiện). Cho nên, việc chinh phạt, với mục đích “thiện” thì mới là có “nghĩa”. Một số tác phẩm như: Phong Thần diễn nghĩa, Tam quốc diễn nghĩa, Tuỳ Đường diễn nghĩa, v.v khá quen thuộc với Việt Nam có nội hàm “thiện” như thế. Từ đó, có ý kiến cho rằng: sở dĩ, gọi những tác phẩm này là “diễn nghĩa”, còn những tác phẩm khác không kém phần đồ sộ như Tây du ký, Thuỷ Hử truyện, Hồng lâu mộng, v.v thì chỉ dừng lại ở “truyện” hay “ký”. Bởi lẽ, Phong Thần diễn nghĩa nhắc đến việc Khương Tử Nha phò tá nhà Chu, đánh Thương dẹp Trụ, ông là một vị quân sư chính nghĩa, phản ánh lòng dân, để người dân làm chủ đất nước; còn Tam quốc thì mở đầu bằng câu chuyện “kết nghĩa vườn đào” của ba anh em Huyền Đức, Quan Vũ, Dực Đức. Trong đó, nhân vật Lưu Bị (Huyền Đức) được mô tả nổi bật như một biểu tượng về lòng khoan dung, nhân từ. Do cái “nghĩa” này mà chúng được mệnh danh là “diễn nghĩa”. Còn trong Thủy Hử truyện, các vị hảo hán Lương Sơn, tuy là “thay trời hành đạo”, anh hùng thật đấy nhưng cũng chỉ là một bang cường bạo, không có nhân tố “thiện” nên vẫn gọi là “truyện”; Tây du ký thì dù có hay ho, hấp dẫn với độc giả lắm lắm thì âu cũng là chuyện tu luyện, không liên can gì với chiến tranh “chính nghĩa”. Cho nên, chỉ có chiến đấu vì chính nghĩa mới gọi “diễn nghĩa” mà thôi. Thực ra, nếu chỉ căn cứ vào tên gọi tác phẩm để đánh giá tác phẩm ấy có “nghĩa” hoặc không thì e có phần quá chủ quan. Bởi lẽ, ngay chính trong Thủy Hử vẫn có “cái nghĩa” của nó. Đó các hành động cao thượng, nhân ái và sự hy sinh bản thân vì lợi ích chung của cộng đồng của các nhân vật trong truyện. Vả lại, trong truyện, họ còn có cả một “Tụ nghĩa đường” kia mà! Riêng Tây du ký của Ngô Thừa Ân thì Tôn Ngộ Không có bao giờ dám lơ là bỏ rơi Đường Tăng, thầy mình đâu? Tôn Hành giả luôn bên cạnh để bảo vệ và giúp đỡ trong suốt hành trình thỉnh kinh, rất đúng với “nghĩa thầy trò”. Còn Sa Tăng, Lão Trư,… thì đều sẵn sàng hy sinh cho lợi ích chung, làm đúng và tròn trách nhiệm của mình. Đó cũng là biểu tượng cho “nghĩa” (nghĩa vụ). Tác phẩm đồ sộ như Đông Chu liệt quốc vẫn không có được cái tiêu đề “diễn nghĩa”, nhưng các nhân vật thường được đánh giá qua sự trung thành với triều đại mình, vua chúa của mình. Họ có lòng trung hiếu và sẵn sàng hy sinh bản thân để bảo vệ quốc gia và các bậc vương đế. Nói như thế để thấy rằng, khái niệm “nghĩa” cũng liên quan đến sự công bằng và đức tính tốt trong hành động của các nhân vật, đặc biệt là trong việc quản lí và cai trị quốc gia. Cách khác, đọc lại những chi tiết và tình tiết, tình huống đối mặt và quyết định của các nhân vật trong các tác phẩm Trung Hoa, ta càng hiểu và xác định rõ về khái niệm “nghĩa” trong nền văn hóa và lịch sử của nước này chứ không phải chỉ căn cứ trên “tên gọi” của tác phẩm.
Trong triết lý Đông phương mà điển hình là Trung Hoa, “nghĩa” mang ý nghĩa rất sâu rộng và đa dạng, phản ánh những nguyên tắc đạo đức và luân lý của các hệ tư tưởng lớn như Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo.
2.2. Nội dung chữ “nghĩa” trong Nho giáo Trung Hoa
Trong Nho giáo, chữ "nghĩa" mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, bao hàm một loạt các giá trị đạo đức. Bởi, cổ nhân tin rằng “nghĩa” phù hợp với giá trị phổ quát của con người. Đó chính là “ngũ thường”, “ngũ đức” (Nhân, Nghĩa, Lễ , Trí, Tín) của Nho gia.
Thoạt đầu, Khổng tử chỉ xem “nghĩa” như “điều mà người quân tử phải làm”; hay “điều mà người quân tử cần làm” trong bất cứ tình huống nào. "君子喻於義,小人喻於利" (Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi). Tức là, “Người quân tử hiểu rõ về nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu rõ về lợi.” Trong quan điểm của Khổng tử, chữ “nghĩa” đối lập với “lợi” (lợi ích, lợi lộc).
Vậy, “điều mà quân tử cần phải phải làm” là gì? Đó là hành động đúng đắn, phù hợp với các nguyên tắc đạo đức và luân lý. Hành động đúng đắn này không chỉ dựa trên lợi ích cá nhân mà còn phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và lợi ích chung. “Quân tử cầu nghĩa, tiểu nhân cầu lợi” (君子求義,小人求利), có nghĩa là, người quân tử hành động dựa trên nghĩa, còn kẻ tiểu nhân thì chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân. Nói cách khác, “nghĩa” chính là nguyên tắc ứng xử, tiêu chuẩn đạo đức, là trách nhiệm những đức tính cần phải có của một người quân tử. Dựa trên chữ “nghĩa”, Khổng tử phân biệt giữa “quân tử” với tiểu nhân. Người quân tử, theo Khổng tử, phải là người “đạt đạo”, “đạt đức” (người ngay thẳng hiếu thảo, nhân nghĩa). Tranh luận về “cái đạt” của người quân tử với Phàn Trì, Khổng tử cho rằng: “Đạt dã giả, chất trực nhi hiếu nghĩa”( 達也者,質直而孝義), nghĩa là, người đạt được đạo là người chân chất ngay thẳng mà ưa thích việc nghĩa.
Không chỉ là một nguyên tắc, tiêu chuẩn đạo đức mà còn là trách nhiệm và bổn phận của mỗi người đối với gia đình, xã hội và quốc gia, trong Nho giáo, người quân tử được yêu cầu “trung với vua”, điều này được Tử Lộ, một học trò xuất sắc của Khổng gọi là “Quân thần chi nghĩa” (Luận ngữ, chương Vi tử). Đó là “cái nghĩa trong mối quan hệ vua – tôi”, một trong ba quan hệ cơ bản trong Nho giáo sau này gọi là “tam cương” (三綱)(vua – tôi; thầy – trò; cha – con).
Như vậy, “nghĩa” đã thành nguyên tắc chính để duy trì trật tự xã hội và đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa các thành viên trong xã hội. Trong mỗi mối quan hệ, “nghĩa” là tiêu chuẩn để xác định các vai trò và trách nhiệm tương ứng. Chẳng hạn, trong quan hệ vua – tôi thì vua phải đối xử công bằng, chăm sóc, và lãnh đạo đúng đắn; còn quan (thần, tôi) phải trung thành, tôn trọng và tuân theo chỉ dẫn của vua, của bề trên. “Vô thiên vô pha, tuân vương chi nghĩa”.
Ý niệm về “nghĩa” ban đầu của Khổng có phần thiên về hình thức, ý niệm “nhân” mới có tính chất cụ thể. Bản chất của “bổn phận, nhiệm vụ, điều ta phải làm” là “thương người” (nhân nghĩa) (Luận ngữ, XII). Trong quan hệ cha – con, nếu là cha thì phải cư xử theo lối người cha thương con phải làm (cái nghĩa của người cha), nếu là con thì phải thảo hiếu với cha. Khổng tử nói về “nghĩa” qua việc thực thi “đạo nhân” nhưng không nói “tại sao người quân tử phải làm như vậy”, thì Mạnh tử đã triển khai qua “thuyết tính thiện” (善 - thiện). Ông đưa ra nhiều lí do: “thấy trẻ sắp rơi xuống giếng , ai mà không thương xót, đó không phải là người; không có lòng hổ thẹn, từ nhượng, biết phải trái...thì đó không phải là “người”. Ông cho rằng: Lòng thương xót là đầu mối của “nhân”; “hổ sợ là đầu mối của “nghĩa”.
Mạnh tử cho rằng mọi người đều có sẵn “tứ đoan” (bốn mối, tứ đức) khi ông nhận định: “Nhân chi sơ tính bản thiện” (Mạnh tử). Ông cũng dựa vào đó để phân biệt người và vật. “Người khác cầm thú chẳng có chi nhiều,thứ dân thì bỏ mất, quân tử thì giữ lấy” (Mạnh tử, IV.b). Kể từ đây, “nghĩa” trong quan điểm của Mạnh tử không chỉ là về hành động cá nhân của người quân tử mà còn liên quan đến việc điều hành quốc gia và thực thi chính sách. Theo Mạnh tử, khi một ông vua không làm “nghĩa”, thì bá tánh không còn tin tưởng vào ông vua đó nữa. “Không còn lễ nghĩa” thì ắt “thiên hạ tắc loạn” (無 禮 義 則 上 下 亂 - vô lễ nghĩa tắc thượng hạ loạn). Trong các tác phẩm, ông đã nhiều lần nhấn mạnh rằng “nghĩa” (nghĩa vụ, đạo nghĩa) là một phần không thể thiếu của đạo đức và giáo dục. Mạnh tử nhấn mạnh: một vị vua hay người cầm quyền phải hành động một cách công bằng và trung thực, không thiên vị, đặt "nghĩa" lên trên lợi ích cá nhân. “Vương chi ư đại sự, tất tiên cầu chí thành dã” (Người làm vua khi xét đến việc lớn, phải trước tiên cầu sự thành thật). Mạnh tử mở rộng khái niệm "nghĩa" trong bối cảnh chính trị và lãnh đạo. Ông cho rằng các nhà lãnh đạo phải hành động theo “nghĩa” để duy trì sự công bằng và lợi ích của nhân dân. Đó là, “Thượng hiếu nghĩa, tắc dân mặc cảm bất phục”, nghĩa là, nếu bề trên (nhà cầm quyền) hiếu nghĩa, thì dân chúng chẳng bội lẽ công chính.
Tuân tử, thế hệ sau của Khổng, thì cho rằng “nghĩa” là những hành động đúng đắn, phù hợp với các quy tắc lễ nghi và đạo đức xã hội. “Nghĩa” phải dựa trên “lễ” và “lễ” là phương tiện để con người điều chỉnh hành vi và tương tác xã hội. Trong tác phẩm của mình, Tuân tử viết: “Lễ, nghĩa dã; nghĩa, lễ dã”. Câu này có nghĩa là “lễ” là “nghĩa” mà “nghĩa” cũng là lễ." Ông lập luận như thế là bởi ông cho rằng con người vốn dĩ có bản chất xấu (tính bản ác), cần phải được giáo dục và rèn luyện thông qua lễ nghi và đạo đức để trở thành người có nghĩa, hành xử đúng đắn và phù hợp với các giá trị xã hội. Đề cao giáo dục, ông viết: “nhân bất học bất tri đạo; nhân bất học bất tri nghĩa” (Người không học thì không biết nghĩa, không học thì không biết lễ). Tuân Tử coi “nghĩa” là sự công bằng và đúng đắn trong việc hành xử vì lợi ích chung. Ông nhấn mạnh rằng một người có nghĩa phải biết đặt lợi ích của xã hội và cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân.
Gắn liền với “nhân” (仁 - lòng nhân ái, từ bi), “nghĩa” giúp hướng dẫn hành vi của con người sao cho đúng đắn và công bằng. Khổng tử cho rằng: “Nhân giả ái nhân, nghĩa giả tôn nhân”, tức là người có lòng nhân thì yêu thương người, người có nghĩa thì kính trọng người.
Trong quan hệ với “đức”, “nghĩa” luôn hướng dẫn “đức”, là nền tảng của “đức”. “Nghĩa đức vi thiện. Đức dẫn nhân, nghĩa dẫn đức”, tức là, đức dẫn đến hành động thiện; còn thi hành thiện dẫn đến sự tốt đẹp.
Gắn liền với chữ “dũng” thì người quân tử cần thi hành “việc nghĩa”: “Nghĩa bất vi, vô dũng dã”. Tức là, thấy việc nghĩa mà không làm, là không có “dũng” vậy. “Nghĩa” cùng với "nhân" tạo thành nền tảng hệ thống đạo đức và triết lý của Nho giáo, góp phần xây dựng một xã hội hài hòa và công bằng.
Nhìn chung, “nghĩa” trong Nho giáo đã trở thành khái niệm đạo đức phong phú và phức tạp. “Nghĩa” được xác định như: nguyên tắc, lẽ phải, hành động đúng đắn, công bằng, trách nhiệm, lòng trung thành, và sự hy sinh. “Nghĩa” không chỉ hướng dẫn con người cách hành xử trong các mối quan hệ xã hội mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của công lý và đạo đức trong mọi khía cạnh đời sống.
2.3. Một số quan niệm khác về chữ “nghĩa”
2.3.1. Quan niệm của phái Mặc gia
Phái Mặc gia được xem như là “đối thủ” của Nho gia. Khác về “nhân” và “nghĩa”, Mặc tử chủ trương “kiêm ái" hay “ái vô sai biệt”, nghĩa là yêu thương mọi người một cách bình đẳng, không phân biệt giữa người thân và người ngoài, mở rộng ra toàn nhân loại. Về “nghĩa”, Mặc gia hiểu "nghĩa" là hành động đúng đắn và công bằng dựa trên nguyên tắc lợi ích chung. Ông nhấn mạnh, hành động của con người nên được hướng dẫn bởi nguyên tắc “lợi ích tối đa cho toàn xã hội” - “lợi thiên hạ” (利天下), tức là làm điều gì có lợi nhất cho cộng đồng, xã hội và quốc gia. “Nghĩa” ở đây không chỉ là trách nhiệm đạo đức cá nhân mà còn là sự cân nhắc đến hậu quả của hành động đối với xã hội. “Nghĩa” được giải thích rất rõ: “Nghĩa, lợi dã” (nghĩa, ấy là lợi) (Quý nghĩa, Kiêm ái).
Như vậy, nếu Nho gia coi trọng “nhân” như tình yêu và sự quan tâm giữa người với người, giới hạn mối quan hệ gia đình và xã hội (cha con, vua tôi, bạn bè) thì Mặc gia mở rộng khái niệm này ra toàn nhân loại với thuyết “kiêm ái”. Nho gia nhấn mạnh “nghĩa” như sự đúng đắn về mặt đạo đức trong các mối quan hệ xã hội thì Mặc gia lại hướng “nghĩa” đến việc làm sao để hành động của mình mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
2.3.2. “Nghĩa” trong Đạo giáo
“Nghĩa” trong Đạo giáo (Taoism) không được nhấn mạnh như trong Nho giáo, nhưng vẫn có vai trò quan trọng trong việc định hình các giá trị đạo đức và cách sống. Với triết lý dựa trên tự nhiên và sự hài hòa, Đạo giáo có cách tiếp cận độc đáo với khái niệm “nghĩa”. Đạo giáo quan niệm: Hành động theo “nghĩa” được hiểu là hành động tự nhiên, không cưỡng ép, phù hợp với Đạo (道). Trong Đạo đức kinh, chương 51, Lão tử viết: “Đạo sinh chi, đức súc chi, vật hình chi, thế thành chi”. Nghĩa là, đạo sinh ra vạn vật, đức nuôi dưỡng chúng, vật chất hình thành chúng, và hoàn cảnh hoàn thiện chúng. Điều này ám chỉ rằng “đức” là sự nuôi dưỡng và bảo vệ, và hành động theo “nghĩa” là sống phù hợp với quy luật tự nhiên và đạo lý của “đạo”. Đây là sự tuân thủ theo tự nhiên, chứ không phải ép buộc hay chống lại nó. Hơn nữa, “nghĩa” trong Đạo giáo có thể được hiểu thông qua khái niệm “vô vi”, tức là hành động mà không hành động, hay hành động tự nhiên mà không ép buộc. Đây là cách sống không tranh đấu, không can thiệp vào quá trình tự nhiên của vạn vật, nhưng vẫn đạt được kết quả tốt đẹp và phù hợp với Đạo. “Vô vi” không phải là không làm gì, mà là hành động theo đúng “đức” và “nghĩa”, không trái với tự nhiên và đạo lý. Trong chương 2 của Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Thánh nhân vô vi nhi vô bất vi.” (Người thánh nhân hành động theo vô vi mà không việc gì không hoàn thành). Thánh nhân (người khôn ngoan) hành động không làm gì cả (vô vi), nhưng không có gì là không làm. Như vậy, “nghĩa” không phải là việc áp đặt ý chí của con người lên tự nhiên, mà là việc làm theo quy luật tự nhiên và duy trì sự cân bằng. Điều này nhấn mạnh rằng “nghĩa” trong Đạo giáo là sự kết nối và hòa hợp với nguyên lý vũ trụ hơn là tuân theo các quy tắc đạo đức cụ thể.
Triết gia sáng lập Đạo giáo cho rằng, “nghĩa” và các giá trị đạo đức khác như “nhân” và “lễ” chỉ xuất hiện khi “Đạo” và “Đức” đã suy thoái, tức là khi con người không còn sống theo tự nhiên và đạo lý tự nhiên nữa. Trong chương 18 của Đạo đức kinh, ông viết: 大 道 廢, 有 仁 義 ; 智 慧 出 ,有 大 偽; 六 親 不 和,有孝慈;國家昏亂,有忠臣 (Đại đạo phế, hữu nhân nghĩa; trí huệ xuất, hữu đại ngụy; lục thân bất hòa, hữu hiếu từ; quốc gia hôn loạn, hữu trung thần), nghĩa là, khi đạo lớn bị bỏ rơi, mới có nhân và nghĩa, khi trí tuệ xuất hiện, mới có giả dối lớn, khi gia đình không hòa thuận, mới có hiếu và từ, khi quốc gia rối loạn, mới có trung thần. Còn trong chương 19 có đoạn: “Tuyệt thánh khí trí, dân lợi bách bội; tuyệt nhân khí nghĩa, dân phục hiếu từ; tuyệt xảo khí lợi, đạo tặc vô hữu”. Câu này được hiểu: Loại bỏ sự thánh thiện và trí tuệ, dân sẽ được lợi trăm lần; loại bỏ nhân và nghĩa, dân sẽ trở lại hiếu từ; loại bỏ sự khéo léo và lợi ích, trộm cướp sẽ không còn.
Ông tin rằng, khi mọi người sống hòa hợp với Đạo (道) – con đường tự nhiên và nguyên lý tối cao của vũ trụ, thì không cần đến các giá trị nhân tạo như “nhân”, “nghĩa”, “lễ”. Những giá trị này chỉ cần thiết khi đạo lớn đã mất đi, và chúng chỉ là những biện pháp tạm thời để khắc phục sự mất cân bằng.
Trong Đạo đức kinh, “nghĩa” được xem là một mức độ của đạo đức, thấp hơn so với “Đạo” và “Nhân”. Ở chương 38, ông viết: “Thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ”, nghĩa là, mất đạo rồi đến đức, mất đức rồi đến nhân, mất nhân rồi đến nghĩa, mất nghĩa rồi đến lễ.
Như thế, theo thứ tự, “Đạo” là lớn nhất, bao trùm tất cả, rồi đến “nhân”, đến “nghĩa”, “lễ” thì xếp sau cùng. Nho giáo không xếp thứ tự như vậy.
Đạo giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống tự nhiên và theo Đạo, đồng thời cảnh báo về sự nguy hiểm của việc đặt quá nhiều niềm tin vào các giá trị đạo đức nhân tạo như “nghĩa”. Điều này cũng cho thấy: “nghĩa” được đặt nặng ở Nho giáo còn những trường phái, học thuyết khác ở Trung Hoa thì chưa hẳn, có khi là “loại trừ” hay “thứ yếu”. Thân Bất Hại, thuộc Pháp gia, được biết đến nhiều nhất với lý thuyết pháp trị (Pháp gia). Tư tưởng của ông nhấn mạnh vào việc cai trị thông qua luật pháp, quyền lực và chiến thuật chính trị thay vì đạo đức và nhân nghĩa . Quan điểm về “nghĩa” được bộc lộ: “Nghĩa giả, vô đạo nhiên nhân. Nghĩa thật, vô nghĩa nhiên danh.” (義者, 無道而然. 義實,無義而名). Dịch nghĩa: “Người có nghĩa, không cần đạo lý mà vẫn đúng. Người có nghĩa thực sự, không cần danh nghĩa mà vẫn có nghĩa.” Nói chung, Pháp gia coi trọng sự tuân thủ pháp luật và sự quản lý bằng quyền lực nhà nước hơn là các giá trị đạo đức như “nhân” hay “nghĩa” của Nho gia. “Nghĩa” trong quan điểm của Pháp gia có thể được hiểu là sự công bằng và chính trực trong việc thực thi pháp luật, đảm bảo rằng mọi người đều tuân thủ luật pháp và nhận được sự trừng phạt hoặc khen thưởng thích đáng dựa trên hành vi của họ.
Nói chung, khái niệm “nghĩa” trong Đạo giáo có một cách tiếp cận khác so với Nho giáo, tập trung vào sự hài hòa với tự nhiên, hành động không ép buộc, và sống theo Đạo. “Nghĩa” trong Đạo giáo không chỉ là hành động đúng đắn theo chuẩn mực xã hội mà còn là sự tuân thủ theo tự nhiên, giữ cân bằng và sống một cuộc sống giản dị. Điều này phản ánh triết lý sâu sắc của Đạo giáo về cuộc sống và vũ trụ, nơi mọi thứ đều liên kết và phụ thuộc lẫn nhau, trong đó sự hài hòa là mục tiêu cao nhất.
2.3.3. “Nghĩa” trong Phật giáo
Phật giáo có nguồn gốc ở Ấn Độ và được truyền vào Trung Hoa. Khái niệm “nghĩa” trong Phật giáo Trung Hoa không được nhấn mạnh một cách rõ ràng như trong Nho giáo, nhưng “ý niệm” và giá trị tương đương của nó có thể được tìm thấy trong các khái niệm và thực hành khác nhau. Các giá trị tương tự như “nghĩa” chủ yếu được thể hiện qua các nguyên tắc đạo đức, lòng từ bi, và trí tuệ, bao gồm việc thực hành “Tứ Diệu Đế”, “Bát Chánh Đạo” và các phẩm hạnh như “từ bi” và “trí tuệ”. Những nguyên tắc này giúp người tu hành đạt được sự giác ngộ và giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Nói đến từ bi (Karuna) là nói đến lòng thương xót và mong muốn giảm bớt đau khổ cho tất cả chúng sinh. Kinh Tập (Sutta Nipata) đã nhấn mạnh giá trị cốt lõi trong Phật giáo, tương đương với việc hành động theo “nghĩa vụ đạo đức” để giúp đỡ người khác. Kinh Đại Bát Niết Bàn (Maha Parinirvana Sutra) nói về lòng từ bi và lòng nhân ái, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển những phẩm chất này để đạt đến giác ngộ. Đó là tình yêu thương vô điều kiện và lòng từ bi với mọi chúng sinh, không phân biệt (Metta). Còn “bố thí” (Dana) là một hành động mang tính nghĩa vụ đạo đức cao trong Phật giáo, bao gồm: chia sẻ tài sản, kiến thức, và công đức với người khác, giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Bố thí không chỉ giúp người nhận mà còn giúp người cho phát triển lòng từ bi và trí tuệ. Trí tuệ (Prajna) là khả năng thấy rõ bản chất thực sự của các hiện tượng, thoát khỏi “vô minh”. Trong bối cảnh này, hành động theo “nghĩa” có thể được hiểu là hành động theo trí tuệ, nghĩa là hành động với sự hiểu biết đúng đắn về nghiệp (karma) và quả báo (vipaka). Từ góc độ Phật giáo, “nghĩa” liên quan đến việc thực hành các phẩm hạnh và nguyên tắc nhằm đạt được sự giác ngộ và giải thoát khỏi khổ đau.
Nói chung, tuy không được đề cập trực tiếp như trong Nho giáo nhưng khái niệm “nghĩa” của Phật giáo vẫn thể hiện qua các giá trị như: từ bi, bố thí, trí tuệ, và giới luật. Các hành động đạo đức trong Phật giáo luôn hướng đến việc giảm bớt khổ đau và mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh, phù hợp với tinh thần "nghĩa" trong văn hóa phương Đông.
2.3.4. Chữ “nghĩa” trong “góc nhìn” của phương Tây.
i. Khái niệm “nghĩa”
Khái niệm “nghĩa” trong ngôn ngữ học được Ferdinand de Saussure đưa ra hai khái niệm liên quan: (1) Signifier (Cái biểu hiện) - dạng vật chất của tín hiệu (âm thanh, hình ảnh, v.v). Chẳng hạn, trong tiếng Việt, âm thanh /kei/ và chữ viết “cây” chính là cái biểu hiện của tín hiệu đó. (2) Signified (Cái được biểu hiện) - khái niệm cái biểu hiện đại diện, được gọi là phần “nội dung” hoặc ý tưởng mà cái biểu hiện truyền tải. Ví dụ, “cây” có nội dung: loài thực vật có thân gỗ, lá, rễ,… Theo ông, “nghĩa” không tồn tại độc lập, mà phụ thuộc vào mối quan hệ giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện, tức là, phụ thuộc vào mối quan hệ của nó với các từ khác trong ngôn ngữ và một khái niệm được gọi là giá trị (value). Ví dụ, “cây” trong “cây vàng”, “cây văn nghệ”,… thì cái “giá trị” hay khái niệm đó đã thay đổi, không còn nội dung “thực vật” nữa.
Trong ngôn ngữ, “nghĩa” của từ hay một câu thường được hiểu là ý nghĩa, nội dung, ý tưởng và cả mối quan hệ của nó. “Nghĩa” còn được nghiên cứu dưới nhiều nhiều góc độ khác nhau: phân tích ngữ nghĩa, so sánh ngữ nghĩa giữa các ngôn ngữ, sự thay đổi ý nghĩa của từ với thời gian và trong các bối cảnh văn hóa khác nhau.
Trong lĩnh vực triết học," “nghĩa” thường là mối liên hệ giữa ý nghĩa và giá trị. Nói cách khác, những gì mang “ý nghĩa” có thể được xem là những gì có giá trị và quan trọng trong cuộc sống và trong xã hội. Cả Ferdinand de Saussure và Ludwig Wittgenstein đã phân tích cấu trúc và chức năng của ngôn ngữ để hiểu ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày. Triết gia Martin Heidegger, trong tác phẩm "Being and Time" (Sein und Zeit), đã nghiên cứu sâu sắc về “nghĩa của sự tồn tại” (meaning and existence) và ý nghĩa của việc tồn tại trong thế giới hiện đại.
Nhìn chung, “nghĩa” dưới “góc nhìn” của Tây phương là một khái niệm phức tạp và đa chiều, liên quan đến nhiều lĩnh vực: ngữ nghĩa, giá trị, sự tồn tại và ngôn ngữ. Các triết gia đã nghiên cứu và đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về “nghĩa” để giải thích sự hiểu biết và thực tế xung quanh chúng ta.
ii. Biểu hiện “nghĩa” qua một số tác phẩm văn học tiêu biểu phương Tây
Khái niệm “nghĩa” (meaning) trong các tác phẩm kinh điển của phương Tây thường được khám phá qua các chủ đề như: quá trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống, trách nhiệm đạo đức, sự chuộc lỗi, công lý và bất công, và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên.
Trước tiên, “lòng trung thành và danh dự” luôn được đề cao trong những tác phẩm văn học kinh điển của phương Tây. Iliad của Homer là một ví dụ về biểu tượng của “nghĩa”. Đó là nghĩa vụ bảo vệ thành Troy, sẵn sàng hy sinh bản thân vì quê hương. Tác phẩm Le Morte d'Arthur (Cái chết của vua Arthur) của Sir Thomas Malory là cảm hứng cho hàng loạt phim miêu tả lòng trung thành của các hiệp sĩ “bàn tròn” đối với Vua Arthur. Các nhân vật trong truyện và phim đều thể hiện “nghĩa vụ và danh dự” trong quan hệ vương thần.
“Nghĩa” còn ở biểu hiện tình bạn cao cả và sự hy sinh. Ở Don Quixote của Miguel de Cervantes, Sancho Panza chấp nhận làm giám mã cho Don Quixote và tham gia vào những cuộc phiêu lưu, dẫu biết những hành động của Don Quixote thường là kỳ quặc và nguy hiểm, song Sancho không bao rời bỏ Don Quixote, bất kể những khó khăn và hiểm nghèo. Còn Huckleberry Finn của Mark Twain (Mỹ) thì mô tả tình bạn giữa Huck và Jim. Chính Huck đã giúp Jim trốn thoát khỏi kiếp nô lệ. Đó chính là biểu tượng của sự “trung thành” và lòng “nghĩa hiệp” thường thấy trong văn học phương Tây.
Ở góc độ đạo đức và trách nhiệm xã hội, Les Misérables (Những người khốn khổ) của đại văn hào Pháp Victor Hugo trình diễn nhân vật Jean Valjean như là biểu tượng của sự chuộc lỗi, lòng nhân ái và nghĩa vụ giúp đỡ người khác, bất chấp khó khăn và nguy hiểm. Trong nền văn học Nga, “nghĩa” chính là lòng yêu nước và sự hy sinh vì tổ quốc, như trong War and Peace (Chiến tranh và Hòa bình) của Leo Tolstoy, khi ông để cho nhân vật Andrei Bolkonsky thể hiện sự trung thành và hy sinh vì quê hương đất nước trong cuộc chiến với Napoléon.
Nhìn chung, khái niệm “nghĩa” trong các tác phẩm Tây phương được thể hiện như một khái niệm phức tạp và đa diện, bao gồm lòng trung thành, sự hy sinh, trách nhiệm đạo đức và xã hội. Các nhân vật và câu chuyện trong những tác phẩm này không chỉ khám phá “nghĩa” (ý nghĩa) mà còn thách thức chúng ta suy nghĩ sâu sắc về vai trò và trách nhiệm của mình trong cuộc sống. Những bài học về “nghĩa” trong văn học phương Tây vẫn còn nguyên giá trị, góp phần xây dựng và duy trì các giá trị nhân văn trong xã hội hiện đại.
2.4. Vài so sánh quan niệm về “nghĩa” giữa Đông và Tây.
Nếu xét “nghĩa” ở khía cạnh “trung thành và trách nhiệm”, thì trong văn học phương Đông, cách riêng là ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, “nghĩa” thường gắn liền với lòng trung thành và trách nhiệm đối với vua chúa, gia đình và bạn bè. Đó là “lòng trung thành” của các võ sĩ đạo Nhật Bản (samurai) hay sự trung nghĩa của các hiệp sĩ Trung Quốc như Quan Vũ trong Tam Quốc. Tương tự, trong văn học phương Tây, lòng trung thành và danh dự cũng là những giá trị quan trọng. Các hiệp sĩ trong Le Morte d'Arthur của Sir Thomas Malory hay lòng trung thành của nhân vật Hector trong Iliad của Homer đã thể hiện điều này. Tuy nhiên, phương Đông thường đề cao sự hy sinh vì gia đình, quê hương. Ví dụ, nếu ở Truyện Kiều của Nguyễn Du, Thúy Kiều hy sinh hạnh phúc cá nhân để cứu lấy gia đình, thì văn học phương Tây cũng ca ngợi sự hy sinh vì cộng đồng, điển hình như Jean Valjean trong Les Misérables của Victor Hugo đã hy sinh bản thân để giúp đỡ người khác, cụ thể là Fantine.
Có thể nói, nội dung “nghĩa” của phương Đông và phương Tây đều đề cao những giá trị đạo đức, lòng trung thành, trách nhiệm và nhân ái. Những điểm tương đồng này cho thấy một nền tảng chung về đạo đức nhân văn trong văn hóa toàn cầu, trong khi những khác biệt lại phản ánh sự đa dạng và phong phú của các truyền thống văn hóa riêng biệt.
Trong hệ thống pháp lý và đạo đức của phương Tây, “nghĩa” được thể hiện qua các nguyên tắc như nghĩa vụ đạo đức, quyền tự nhiên, và công bằng. “Nghĩa” được hiện thực hóa qua việc bảo vệ quyền con người, tuân thủ luật pháp, và thiết lập các quy tắc công bằng và phổ quát. “Công bằng” theo phương Tây là “Việc thừa nhận và tôn trọng quyền và phẩm giá con người.” Marietta Stepanyants – tác giả câu nói trên khẳng định “công bằng” được biểu diễn bằng một chữ tượng hình “nghĩa” (義). Chữ này là phạm trù cơ bản của triết học Trung Hoa, cụ thể là Nho giáo. “Nghĩa” được dịch ra không chỉ là “công bằng” (rightness, justice, fairness) mà còn được hiểu là “nghĩa vụ” (duty, responsibility). So sánh với văn hóa Hồi giáo Ả rập, bà đánh giá “công bằng” có liên quan đến “nghĩa vụ” nhưng lại không có nội dung ý nghĩa “quyền” (trong ngôn ngữ Sankrit) và liên quan đến phạm trù “không” (sunhiata) và tự giác ngộ trong Phật giáo. Trong văn hóa Hồi giáo Ả rập, “công bằng” được hiểu là đồng nghĩa với “ban thưởng công vụ” hay “khẳng định chân lý”, còn đối với Trung Hoa, “công bằng” (nghĩa) thuộc phạm trù đạo đức có xu hướng nghiêng về “trách nhiệm” hơn là pháp luật.
Khái niệm “công bằng” của phương Tây được M. Stepanyants ví von như chiếc “đĩa cân” mà chúng ta thường thấy ở các tòa án. Bà nhận xét: “Ý thức phương Tây chú trọng vào hình dáng “cái đĩa cân” và những gì chứa đựng trong đĩa đó, còn ý thức Ả rập cổ điển lại chú trọng vào “điểm giữa” của cái cân và quan sát kim của nó đã đạt được sự thăng bằng hay chưa”.
Bà rút ra nhận xét, rằng “công bằng” ở phương Tây thuộc cơ quan luật pháp. Trong khi ấy, “công bằng” Ả rập không phải là xác lập mà là “khôi phục” sự hài hòa đã bị mất. Ta thấy điều này có sự tương đồng với phạm trù “nghĩa” ở Trung Hoa khi Khổng tử tuyên bố với những trước tác của mình là “thuật nhi bất tác” (thuật lại chứ không sáng tác).
Nhìn chung, nội dung chữ “nghĩa” của phương Đông mang đậm màu sắc của “đạo đức”, đầy tính “lễ nghi”, “quy tắc”, hay sự trung thành với tiền nhân, nhưng không phải là không có màu sắc của “dấu ấn cá nhân” (nghĩa vụ) hay sự tự do cá nhân. Hãy xem Nguyễn Công Trứ ở Việt Nam thốt lên “Phải có danh gì với núi sông”(Đi thi tự vịnh). Nhân vật Giả Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng luôn theo đuổi tự do cá nhân và mong muốn thoát khỏi những ràng buộc xã hội và gia đình để sống một cuộc đời tự do, thể hiện một giá trị cá nhân mạnh mẽ của tác phẩm. Như thế, sự tuân thủ các quy tắc xã hội, lễ nghi và lòng trung thành trong biểu hiện “nghĩa” của văn học phương Đông vốn là một “điểm son” nhưng cũng cần được bổ sung từ khía cạnh văn hóa khác như lợi ích cá nhân và xã hội, chủ nghĩa cá nhân và trách nhiệm cá nhân.
Có thể nói, quan niệm về “nghĩa” không nhất thiết phải đồng nhất trong mọi bối cảnh nhưng có thể thay đổi theo quan điểm và giá trị của từng cá nhân và xã hội khác nhau.
(Còn tiếp).
Fagnant-MacArthur, Patrice. “The Fruits of the Mysteries of the Rosary.” Catholic Exchange, 04/02/2020, catholicexchange.com/fruits-mysteries-of-the-rosary/
“The Fifth Joyful Mystery, the Finding in the Temple: Jesus Teaches Us About Humble Service.” The Divine Mercy, 17/10/2014, thedivinemercy.org/articles/jesus-teaches-us-about-humble-service
“Joyful Mysteries.”, Marians of the Immaculate Conception, marian.org/mary/rosary/joyful-mysteries
x. Thiều Chửu, Hán Việt Từ Điển, Nhà in Hưng Long, 1966, tr.505-506
feature meaning - hình vị mang nghĩa từ vựng
x. Luận ngữ, Tập 1, Chu Hy tập chú – dịch giả Lê Phục Thiện. Bộ Quốc gia Giáo dục Xuất bản, 1962, tr.124
x. Phùng Hữu Lan, Đại cương Triết học sử Trung Quốc (Nguyễn Văn Dương dịch). NXB Thanh Niên, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, tr.58
Lý Nhân & Đoàn Trung Còn, Luận ngữ, tr.58
x. Đoàn Trung Còn, Tứ thư, NXB Thuận Hóa, tr.192
“Ngũ luân” là năm mối quan hệ cơ bản trong xã hội: Quân thần, Phụ tử, Phu thê, Huynh đệ, Bằng hữu, có thêm 2 mối quan hệ so với “tam cương” thời Chiến Quốc; Ngũ Thường gồm năm đức tính cơ bản: Nhân, Nghĩa, Lễ , Trí, Tín. Đó là sự phát triển và mở rộng của các giá trị đạo đức đã được đề cập trong các tác phẩm cổ điển của Nho gia như Luận ngữ của Khổng tử và Mạnh tử. Đổng Trọng Thư đã củng cố và hệ thống hóa các “khái niệm” này thế kỷ 2 TCN, kết hợp chúng với lý thuyết về "Thiên mệnh" (天命) để làm nền tảng cho đạo đức và chính trị của triều đại Hán
x. Khổng tử, Lã Thị Xuân Thu (chương Mạnh xuân kỷ)
x. Phùng Hữu Lan, Ibid. (Nguyễn Văn Dương dịch). NXB Thanh Niên, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, tr.84
x. Dịch giả Nguyễn Thượng Khôi, Mạnh tử, Tập hạ, NXB Bộ Văn hóa giáo dục, 1968, tr.293
Luận ngữ, (chương Vi chánh)
x. GS Ngô Vinh Chính (chủ biên), GS Vương Miện Quý, Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc (GS Lương Duy Thứ dịch), NXB.VH-TT, tr.36
Saussure, Ferdinand de. Course in General Linguistics. Roy Harris dịch. New York: Open Court, 1986
x. Stepanyants M., Triết học phương Đông, (Trần Nguyên Việt dịch), NXB. KHXH – H, 2003, tr.128