Ý nghĩa và mục đích của chuyến đi ad limina

Thứ bảy - 24/02/2018 05:16  2848
VIẾNG MỘ HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ
(VISITA “AD LIMINA SANCTORUM APOSTOLORUM PETRI ET PAULI”)

I. Diễn tiến cuộc viếng mộ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô
Cuộc viếng thăm này được quy định rõ ràng trong các luật lệ chính thức của Bộ Giáo Luật. Khoản Giáo luật 400 định rõ là các giám mục giáo phận có bổn phận chính mình phải thực hiện cuộc viếng thăm này và quy định những việc ngài phải làm trong cuộc Viếng thăm chính thức này. Khoản giáo luật nói như sau: (1) “Vào đúng năm đệ nạp bản phúc trình lên Đức Giáo Hoàng, nếu Tông Tòa không ấn định cách khác, giám mục giáo phận phải về Rôma để viếng mộ các thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và phải yết kiến Đức Giáo Hoàng. (2) Giám mục phải tự mình chu toàn nghĩa vụ nói trên, trừ khi bị ngăn trở chính đáng; trong trường hợp này, ngài phải nhờ giám mục phó, nếu có, hoặc giám mục phụ tá, hay một tư tế khác có khả năng xứng hợp thuộc linh mục đoàn hiện đang cư ngụ trong giáo phận của ngài để thay thế ngài chu toàn nghĩa vụ đó. (3) Vị đại diện tông tòa có thể nhờ một người đại diện để thay thế ngài chu toàn nghĩa vụ đó, ngay cả khi họ đang ở Rôma; vị phủ doãn tông tòa không có nghĩa vụ này1 .
Trong vòng năm năm, giám mục giáo phận, vị đại diện tông tòa phải gửi một bản tường trình2 về tình hình giáo phận gửi lên Đức Giáo Hoàng. Khoản giáo luật 399, 1 nói về bản phúc trình 5 năm như sau: “Cứ năm năm một lần, giám mục giáo phận phải đệ nạp lên Đức Giáo Hoàng bản phúc trình về tình trạng của giáo phận đã được ủy thác cho ngài, theo biểu mẫu và vào thời điểm theo Tông Tòa ấn định”. Các điều khoản này cũng được nhắc lại vào năm 1988 trong Tông hiến Pastor Bonus về việc cải tổ Giáo triều Rôma3.
Ngoài việc gặp Đức Giáo Hoàng, các giám mục cũng lo gặp các Bộ4 hay các cơ quan khác của Giáo triều Rôma5. Điểm này Bộ Giáo Luật không nói tới, nhưng Tông hiến Pastor Bonus đã ghi nhận thêm như sau: “Các cuộc viếng Mộ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô cũng liên hệ tới các Bộ và các cơ quan khác của Giáo Triều Rôma. Quả thế, nhờ các cuộc tiếp xúc này, mà một cuộc đối thoại giữa các giám mục và Tòa Thánh được tiến triển và đào sâu, các thông tin hỗ tương từ hai bên cũng được trao đổi, các lời cố vấn cũng như gợi ý thiết thực cũng được đưa ra từ hai phía để mưu cầu lợi ý lớn nhất và sự tiến triển cũng như việc tuân thủ kỷ luật chung của Giáo Hội”6.
Tóm lại qua các văn kiện trên đây, chúng ta thấy các điểm kỷ luật liên hệ tới cuộc Viếng mộ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Các điểm này là:
– Những người có bổn phận thực hiện cuộc viếng thăm này: là giám mục giáo phận, giám quản tông tòa; hoặc giám mục phó, giám mục phụ tá thay cho giám mục giáo phận, hay một linh mục khác trong giáo phận (trong trường hợp không có giám mục phó hay không có giám mục phụ tá), khi giám mục giáo phận bị ngăn trở. Vị phủ doãn tông tòa không bị bắt buộc thi hành nghĩa vụ viếng mộ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.
Công việc tại Rôma: khi tới Rôma, giám mục giáo phận phải gặp Đức Giáo Hoàng. Riêng về việc gặp các Bộ và các Cơ quan trung ương của Tòa Thánh, thì đây là điều được khuyến khích vì ích lợi chung cho cả giám mục và cho các cơ quan này, vì ích lợi lớn hơn cho Giáo Hội. Các giám mục thuộc Nghi lễ Đông phương thực hiện cuộc gặp gỡ với Bộ các Giáo Hội Đông Phương. Bộ này có thẩm quyền bao gồm hầu hết các vấn đề, mà trong Nghi lễ Latinh, thì thẩm quyền thường được chia ra cho các Bộ và các Cơ quan khác nhau. 
– Các lễ nghi: biến cố giáo hội Viếng Mộ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô được biểu lộ cách cụ thể qua hành vi và lễ nghi thực hiện tại hai Vương Cung Thánh đường lớn tại Rôma, đó là Nhà thờ Thánh Phêrô, nơi có mộ Thánh Tông đồ Phêrô, và Nhà thờ Thánh Phaolô ở ngoại thành Rôma, nơi có mộ Thánh Tông đồ Phaolô. Đây là thời điểm đặc biệt của sứ vụ cầu nguyện7 mà giám mục phải thi hành, riêng một mình và với các giám mục anh em khác, cũng như với cộng đoàn giáo dân của mình. Vì thế các buổi cử hành phụng vụ và cầu nguyện tại Mộ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô mang một ý nghĩa mục vụ sâu xa8. Các giám mục liên hệ có thể cử hành Thánh Lễ trên mộ Hai Thánh Tông đồ cả, hay cử hành một lễ nghi phụng vụ, lễ nghi đạo đức nào khác tại đây. Sau đó các giám mục vào trong Phòng Thánh của hai đền thờ này để ký sổ ghi nhận cuộc Viếng Mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô của tất cả các giám mục trên thế giới. Các nơi này cũng có thể gửi tới mỗi vị một chứng chỉ đã thi hành bổn phận này.
– Đoàn dân trong giáo phận: trong khi phân tích diễn tiến và các yếu tố của cuộc viếng thăm chính thức này, người ta thấy nói tới các giám mục mà thôi. Đúng thế, vì đó là phận vụ các ngài phải thi hành. Tuy nhiên các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân của các  giáo phận của các giám mục có liên hệ gì tới biến cố giáo hội này không? Câu trả lời là: có liên hệ. Vì đây là biến cố của giám mục giáo phận, vì thế cũng liên hệ tới sinh hoạt của toàn thể giáo phận. Điều này được hiểu trong khía cạnh hiệp thông và khía cạnh cụ thể thực tế. Tất cả giáo phận cùng hiệp thông với giám mục của mình trong khi ngài đến Rôma để tỏ tình hiệp thông với Giám mục Rôma và với Vị Thủ lãnh của toàn thể Giáo Hội. Trong hành động này ngài cũng nói lên với Đức Giáo Hoàng trọn vẹn sự hiệp thông của giáo đoàn được trao phó cho ngài coi sóc. Trong khía cạnh cụ thể và thực tế, việc giám mục đi Rôma cần được thu xếp và thông báo cho tín hữu trong giáo phận biết để các việc mục vụ cần tới thừa tác vụ giám mục không bị gián đoạn hay bị nhỡ nhàng vì sự vắng mặt của ngài9. Vì thế Giám mục cần thông báo cho các thành phần dân Chúa trong giáo phận biết để cùng hiệp thông, cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, cho Giáo Hội hoàn vũ, cho chính giám mục của mình, cho giáo phận. Tại một số nơi, với hoàn cảnh cho phép, một số vị cộng tác gần gũi nhất của giám mục, một số giáo dân khác, cùng tháp tùng vị giám mục trong chuyến Viếng Thăm visita ad limina này, để khi đến Rôma, họ tham dự các lễ nghi cử hành trên Mộ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, để cùng cầu nguyện với giám mục của mình. Điều này cũng cho thấy Giáo Hội địa phương đang nhắc lại cách cụ thể mối dây nối kết đích thực với Mộ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, nền tảng và biểu hiệu của Giáo Hội hoàn vũ10. Các tín hữu thuộc giáo phận hiện đang ở tại Rôma, cũng được mời tham dự hai buổi lễ nghi này. Nhưng phải tránh để không gây phiền hà cho sự hồi tâm tinh thần của vị giám mục và cho thời giờ của giám mục trong cuộc viếng thăm này.
– Trước khi tới Rôma, các giám mục phải đệ trình lên Đức Giáo Hoàng một bản tường trình về tình hình giáo phận trong năm năm vừa qua, cho thấy các thực tại của giáo phận, các lo âu, các hy vọng, vui mừng và các vấn đề của giáo phận11. Khoản Giáo luật 399 nói như sau: “Cứ năm năm một lần, giám mục giáo phận phải đệ nạp lên Đức Giáo Hoàng bản phúc trình về tình trạng của giáo phận đã được ủy thác cho ngài, theo biểu mẫu và vào thời điểm theo Tông Tòa ấn định”12. Như vậy Giáo luật cũng nói rõ về thời hạn phải làm phúc trình, cách thức làm bản phúc trình. Thông thường Bộ Giám Mục13 và Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc đã gửi mẫu sẵn cho các giám mục để làm các bản tường trình ngũ niên. Hai Bộ này sẽ nghiên cứu tìm hiểu các Bản tường trình và làm một bản tóm tắt gửi lên Phủ Quốc Vụ Khanh, cũng như gửi tới các Bộ khác những phần liên hệ tới từng Bộ, để như vậy khi các giám mục đến gặp từng Bộ thì tình hình của từng giáo phận đã được nghiên cứu trước tại mỗi Bộ14. Rồi sau khi đã nhận được các soi sáng, hướng dẫn, gợi ý của Đức Thánh Cha15 và các Cơ quan khác của Tòa Thánh, giám mục sẽ đem về thông báo cho tín hữu trong giáo phận để đem thi hành trong bối cảnh cụ thể của từng giáo đoàn16.
II. Ý nghĩa cuộc viếng thăm ad limina
Qua những điều vừa được trình bày trên đây, chúng ta đã thấy được một vài ý nghĩa của Viếng thăm Ad limina của vị giám mục giáo phận. Bộ Giám Mục trong Văn kiện về các Cuộc Thăm Viếng ad limina đã tóm lại các yếu tố chính của cuộc viếng thăm này như sau: “Các Cuộc viếng thăm này phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, làm sao để 3 giai đoạn chính làm nên Cuộc Viếng thăm này – hành hương và tôn kính mộ Thánh Tông Đồ cả, cuộc gặp Đức Thánh Cha và các buổi trao đổi tại các Bộ của Giáo Triều Rôma được thể hiện một cách tốt đẹp và đem lại kết quả tích cực”17.
1. Phận vụ của một giám mục giáo phận
Bộ Giáo luật khẳng định rõ ràng về nhiệm vụ của giám mục giáo phận đi Viếng Mộ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Định chế này trở thành luật buộc đối với các giám mục giáo phận. Đó là kết quả của một truyền thống lâu đời trong Giáo Hội ngay từ thời xa xưa về lòng súng kính của tín hữu với Hai Thánh Tông Đồ Cả của Giáo Hội và với nơi các Ngài đã chịu tử đạo tại Rôma. Vào thời Trung cổ việc viếng mộ và tỏ lòng tôn kính các phần mộ của các thánh lớn, như Thánh Giacobê tại Compostella (Tây Ban Nha), nhất là với Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô tại Rôma, là một thói tục rất phổ thông, vẫn còn lưu truyền lại nơi các tín hữu, nhưng  nhất là đối với các Giám Mục18. Đức Giáo Hoàng Sisto V, với Sắc lệnh Romanus Pontifex, ban hành ngày 20-12-1585, đã thiết lập việc viếng Mộ Thánh theo định kỳ này như một luật buộc các giám mục. Từ ngày 1 tháng giêng năm 1911, thì Tòa Thánh xác định thời gian là 5 năm các giám mục giáo phận phải gửi bản tường trình giáo phận về cho Tòa Thánh, và thực hiện cuộc thăm viếng này.  Năm thứ nhất của chu kỳ 5 năm này, dành cho các giám mục Nước Ý; năm thứ II, các giám mục Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Anh, Thụy Điển, Ái Nhĩ Lan, Năm thứ ba, dành cho các giám mục của các nước khác còn lại ở Âu Châu; Năm thứ bốn, các giám mục của Mỹ Châu; Sau cùng, năm thứ năm dành cho các giám mục từ Phi Châu, Á Châu, Úc Đại Lợi và các đảo khác chung quanh Úc Đại Lợi. Nhưng các nước ngoài Âu Châu, thì cứ 10 năm thực hiện cuộc viếng thăm này một lần. Các Vị Đại Diện tông tòa ở các xứ truyền giáo xa xôi, thì có thể nhờ một linh mục ngụ tại Rôma thực hiện hoạt động này19. Ngày nay, Giáo Luật mới buộc tất cả giám mục thực hiện cuộc viếng thăm này theo chu kỳ 5 năm một lần.
Trong cuộc viếng thăm này, vị Giám Mục cũng còn gặp Người Kế Vị thánh Phêrô. Đó là việc thứ hai phải làm. Ngày xưa Phaolô đã lên Giêrusalem để gặp gỡ Phêrô và ở lại Giêrusalem 15 ngày20. Bây giờ Cuộc viếng thăm ad limina là cuộc gặp gỡ được thể hiện giữa các giám mục là những người kế vị các Thánh Tông Đồ, là Đại diện và sứ giả của Chúa Kitô tại các giáo hội địa phương, với Đức Giáo Hoàng, là Vị Đại diện của Chúa Kitô và kế vị Thánh Phêrô, là Thủ Lãnh hữu hình của toàn thể Giáo Hội21.
Đàng khác vì các giám mục mỗi nước thường đi chung với nhau để thực hiện cuộc Viếng ad limina, hoặc nếu đông quá thì đi theo từng Giáo tỉnh, nên đây cũng là một dịp để các giám mục chia sẻ với nhau những giây phút cầu nguyện, chia sẻ những kinh nghiệm của vị mục tử, thực hiện các cuộc hành hương chung, và nhất là sống những ngày huynh đệ chân thành, sống đậm đà tình hiệp thông trong một khung cảnh rất đặc biệt, bên Mộ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Tại nước mình, các giám mục đã họp nhau trong các buổi họp của Hội Đồng Giám mục và các dịp khác, các ngài cũng có những ngày sống huynh đệ, tuy nhiên ở trong một bối cảnh khác, được giới hạn của một Giáo Hội địa phương, còn trong thời gian Thăm Viếng ad limina những ngày sống huynh đệ này mang một chiều kích sâu đậm hơn, với chính Đức Thánh Cha, với các cộng sự viên của Đức Thánh Cha trong việc cai quản Giáo Hội và qua Đức Thánh Cha, các ngài hiệp thông với các giám mục khác trên thế giới22.

 
 
2. Tình hiệp thông trong Giáo Hội
Một nét đậm khác của Cuộc Viếng Thăm ad limina, đó là tình hiệp thông mang tính cách giáo hội học (communio ecclesialis) rõ ràng. Các giám mục thực hiện Cuộc Viếng Thăm ad limina, để nói lên tình hiệp thông với Đức Thánh Cha là Vị Đại diện Chúa Kitô, là Thủ Lãnh của Giáo Hội; qua các giám mục, Giáo Hội địa phương biểu lộ tình hiệp thông với Đức Thánh Cha và với Giáo Hội hoàn vũ.
Trong sinh hoạt bình thường, từ ngữ hiệp thông ngày nay trở nên một từ rất quen thuộc, nằm trên đầu môi của nhiều người. Từ hiệp thông trong tiếng latinh Communio, và ghép lại từ hai từ cum + unio (unum), cho thấy tính cách cùng sống, cùng làm, cùng ăn, cùng chịu, muôn người như một. Từ ngữ này mang tính cách sống động của sự việc hiệp nhất, việc chia sẻ, hòa đồng, làm cùng nhịp điệu, và tất cả như cùng chia sẻ một sức sống, một kho tàng và một vận mệnh. Hiệp thông mang tính cách linh động và mời gọi. Hiểu như vậy Giáo Hội được coi là Giáo Hội hiệp thông, vì trong Giáo Hội có nhiều phần tử khác biệt, đa dạng nhưng lại quy về một là Chúa Kitô và Giáo Hội23. Nhưng việc này cũng chưa hoàn tất, vì thế mỗi người được mời gọi để sống tình hiệp thông giáo hội và xây dựng tình hiệp thông này. Một trong những điểm căn bản để diễn tả trung thực và chân chính bản tính của Giáo Hội, đó là trình bày “Giáo Hội như mối hiệp thông và do đó ấn định những mối liên hệ hỗ tương phải có giữa Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát, giữa tập đoàn tính và quyền tối thượng”24.
Trong Tân Ước, bản Hy lạp 70, từ ngữ hiệp thông Koienia được dùng 16 lần và hầu hết trong các thư của Thánh Phaolô25. Các bản dịch đã diễn tả khác nhau, đôi khi cũng làm giảm đi ý nghĩa nguyên thủy rất phong phú của từ ngữ Koienia này. Sự hiệp thông được biểu lộ ra trong liên hệ với Chúa Cha (1Ga 1, 3), với Chúa Kitô (1Cr 1, 9; 1Ga 1, 3. 6), với cuộc tử nạn của Đức Kitô (Pl 3, 10), với Thịt Mình Chúa Kitô (1Cr 10, 11.16), hiệp thông với Chúa Thánh Thần (2Cr 13, 13; Pl  2, 1), với các Tông đồ (Gl 2, 9; 1Ga 1, 3), với cộng đoàn tín hữu (Cv 2, 42; 1Ga 1, 7), hiệp thông của đức tin (Pl 6), với ánh sáng (2Cr 6, 14), với việc rao giảng Tin Mừng (Pl 1, 5), với người nghèo khổ, các thánh (Rm 15, 26; 2Cr 8, 4; 9, 13; Dt 13, 16). Tất cả các nghĩa này cho chúng ta một cái nhìn chung về tình hiệp thông trong Giáo Hội: tình hiệp thông này bắt nguồn từ Chúa Cha, trong Chúa Giêsu Kitô, được nuôi dưỡng và làm tăng trưởng nhờ Chúa Thánh Thần, nhờ đó tín hữu hiệp thông với các Thánh Tông đồ và truyền lại từ các Thánh Tông đồ (communio apostolica), với các anh chị em khác, với các người nghèo khổ, với các thánh, sự hiệp thông này được thực hiện trong ánh sáng của Chúa Kitô và trong đức tin vào Ngài. Sự hiệp thông này cũng bắt buộc các tín hữu phải ra đi rao truyền Tin Mừng của Chúa Kitô, nghĩa làm cho nhiều người nhận biết Tin Mừng này26, nghĩa là được nhận vào sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi. Đây là sự hiệp thông mà các giám mục được kêu gọi để sống, thực hiện và trở nên tông đồ, nên thừa tác viên của sự hiệp thông này, mà Việc Thăm Viếng ad limina là một trong những biểu hiệu cụ thể.
Tôi tớ Chúa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói về sự hiệp thông trong Giáo Hội như một điều chắc chắn đã đoạt được, như Ngài viết trong văn kiện ban hành Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo vào năm 1992. Ngài nói về Sách Giáo Lý này như là một dụng cụ của sự hiệp thông mang tính cách giáo hội (communio ecclesialis), Ngài giới thiệu Sách Giáo Lý này như là một hình thức phục vụ mà Người Kế Vị Thánh Phêrô gửi tới các Giáo Hội địa phương đang hiệp thông với Tòa Thánh, còn các tín hữu phải tiếp nhận Sách Giáo Lý này trong tinh thần hiệp thông với Giáo Hội27.
Chính Sách Giáo Lý28 đã trình bày Giáo Hội như là Giáo Hội hiệp thông: “Chính việc hiệp thông các thánh là Giáo Hội”29.
Giáo Hội hiệp thông này phát xuất từ sự hiệp thông chính yếu và sâu xa nhất của Ba Ngội Thiên Chúa. Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh Sáng muôn dân, sau khi đã trình bày vai trò của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong việc thiết lập và xây dựng Giáo Hội, và liên kết mọi người lại, đã nói như sau: “Như thế Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha30, Chúa Con31 và Chúa Thánh Thần32(s. 4).
Một nguồn mạch khác của sự hiệp thông của Giáo Hội, đó là Thánh Thể. Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân nói như sau: “Bí tích Thánh Thể cũng biểu thị và thực hiện sự hiệp nhất các tín hữu là những kẻ hợp thành một thân thể trong Chúa Kitô”33. Như vậy chúng ta có từ hiệp thông nói chung (communio) và thuật ngữ hiệp thông Thánh Thể (Communio euc-haristica, communio sacramentalis) để diễn tả những thực tại thật sâu xa nhưng lại đi liền với nhau. Chính vì thế Công đồng Vaticanô II khuyến khích những ai đi tham dự Thánh Lễ hãy cố gắng để có thể rước lễ: “Rất đáng khuyến khích các tín hữu tham dự Thánh Lễ hoàn hảo hơn, bằng cách, sau khi linh mục rước lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Chúa trong cùng một Hy Lễ đó”34.  Vì Thánh Lễ làm nên Giáo Hội Hiệp thông35 và việc rước lễ bảo tồn và làm tăng trưởng sự Hiệp thông giáo hội này.  Như vậy việc rước lễ không chỉ là hành động bí tích mang tính cách cá nhân, nhưng là hành động có tính cách giáo hội, liên hệ tới Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cho việc rước lễ có tính cách xã hội. Ngài nói như sau: “Bây giờ chúng ta chú tâm vào một điểm khác: sự “thần bí” của bí tích có tính cách xã hội, vì khi hiệp lễ, tôi được kết hợp với Chúa cũng như với mọi người cùng hiệp lễ: “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, nhưng chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10, 17). Việc kết hợp với Đức Kitô cũng đồng thời là một sự kết hợp với những kẻ khác, với những người mà Chúa tự hiến tế cho. Tôi không thể dành riêng Đức Kitô cho một mình tôi, tôi chỉ có thể thuộc về Người trong cộng đoàn cùng với những ai đã thuộc về Người hay sẽ thuộc về Người. Sự hiệp lễ kéo tôi ra khỏi bản thân để để đến với Người và đồng thời đi vào sự hiệp nhất với tất cả mọi Kitô hữu. Chúng ta trở thành “một thân thể”, một sự hiện hữu tan biến vào trong nhau”36. Khi một người tham dự Thánh Lễ mà không rước lễ, thì việc tham dự của họ không trọn vẹn và không hiện diện cách trọn vẹn trong cộng đoàn Giáo Hội và không làm nên Giáo Hội cùng với anh chị em khác một cách trọn vẹn. Họ làm giảm đi một hành động xây dựng Giáo Hội thật quan trọng và thật hữu hiệu.
Đến đây chúng ta hiểu ra rằng Giáo Hội là hiệp thông và quan điểm giáo hội học này được nhấn mạnh cách đặc biệt trong suy tư của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, khóa họp thứ X, với chủ đề “Giám Mục, người tôi tớ của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô để mưu cầu niềm hy vọng cho thế giới”, mà Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris 2001) đã bàn sâu rộng về “thừa tác vụ giám mục trong một giáo hội học của tình hiệp thông”37. Sự hiệp thông này có căn gốc từ Chúa Ba Ngôi và Thánh Thể. Sự hiệp thông mang tính cách giáo hội này được thể hiện ra trong cụ thể dưới nhiều hình thức. Các giám mục khi đi Viếng ad limina – trong ý nghĩa trọn vẹn của từ này - , đang thể hiện sự hiệp thông với Đức Thánh Cha38, với Giáo Hội hoàn vũ.
Trong bí tích truyền chức giám mục được ban một cách trọn vẹn chức thánh của bí tích này và là nguồn gốc cho thừa tác linh mục và phó tế. Ngài trở thành con người hiệp thông, dấu chỉ hiệp thông trong giáo phận được trao phó cho giám mục. Giám mục cũng được tham dự vào sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa như trong bài giảng Lễ nghi truyền chức giám mục diễn tả. Giám mục chủ phong nói: “Vậy hiền đệ hãy quan tâm đến toàn thể đoàn chiên: Chúa Thánh Thần đặt hiền đệ điều khiển Hội Thánh, nhân danh Chúa Cha mà hiền đệ thể hiện hình ảnh của Người trong Hội Thánh, nhân danh Chúa Con của Người là Đức Giêsu Kitô mà hiền đệ thi hành nhiệm vụ của Ngài là Thày, là Tư Tế và là Mục Tử, và nhân danh Chúa Thánh Thần là Đấng ban phát sự sống cho Hội Thánh Đức Kitô và là Đấng dùng sức mạnh của Người mà nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta”39. Riêng với các Tổng giám mục đứng đầu một giáo tỉnh, dây biểu chương (pallium) mà Đức Thánh Cha trao cho vị Tổng giám mục là dấu chỉ sự hiệp thông với Tông Tòa. Trong Nghi lễ truyền chức cho một Tổng giám mục chính toà, Giám mục chủ phong đọc lời sau đây, khi trao dây biểu chương (pallium) như sau: “Hiền đệ hãy nhận lấy biểu chương phát xuất từ việc tuyên tín của Thánh Phêrô40 mà, nhân danh Đức Thánh Cha (N. . .) chúng tôi trao cho hiền đệ làm dấu chỉ nói lên quyền Tổng Giám mục, để hiền đệ sử dụng trong phạm vi giáo tỉnh của mình. Chớ gì biểu chương này sẽ là biểu tượng hiệp nhất, là dấu hiệu hiệp thông với Tòa Thánh, là mối dây liên kết bác ái, và là động lực thúc đẩy sức mạnh cho hiền đệ!”41. Cảm nghiệm được sự hiệp thông từ Thiên Chúa Ba Ngôi, giám mục trở nên một dấu chỉ về một linh đạo hiệp thông và linh đạo này trở nên con đường nên thánh của giám mục và cũng là phương tiện để giám mục thánh hóa dân Chúa được trao phó cho ngài: linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ, tín hữu giáo dân, các nhân viên mục vụ, qua những tiếp xúc cá nhân với họ hay trong những cuộc họp khi thi hành công tác mục vụ, khi các giám mục lắng nghe họ, cộng tác, cũng như phân bổ các công việc mục vụ trong giáo phận42. Ngược lại trong chính linh đạo hiệp thông này, giám mục cảm thấy không cô đơn, lẻ loi, nhưng nhận được từ các anh em giám mục khác, từ cộng đoàn dân Chúa, lòng bác ái huynh đệ, sự nâng đỡ và cộng tác chân thành, nhất là bằng các lời cầu nguyện43.
Bây giờ trong khi đến Rôma để thực hiện cuộc Viếng Mộ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, giám mục thể hiện linh đạo hiệp thông trong một cách thế khác. Cuộc viếng thăm này thật quan trọng trong đời sống của Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ. Văn kiện Các chỉ thị của Bộ Giám Mục viết: “Các cuộc vìếng thăm này có tầm mức quan trọng đặc biệt trong đời  sống Giáo Hội, bởi vì chúng đạt tới tột đỉnh của các liên hệ giữa các mục tử của các Giáo Hội địa phương và Đức Giáo Hoàng. Quả vậy khi Đức Giáo Hoàng tiếp các giám mục, là anh em trong hàng giám mục, cùng với các giám mục bàn về các vấn đề liên hệ tới lợi ích của Giáo Hội và liên hệ tới sứ vụ mục tử của các giám mục, Đức Giáo Hoàng cũng làm cho các giám mục được kiên vững và nâng đỡ các ngài trong đức tin và trong đức ái. Như vậy hai bên tăng cường mối liên hệ hiệp thông phẩm trật và làm cho rõ nét tính cách “công giáo” của Giáo Hội và sự hiệp nhất của Giám mục đoàn44.
Các suy tư về sự hiệp thông, vừa trình bày trên đây, có mục đích giúp cho nhận ra Cuộc Viếng Thăm ad limina của các giám mục có được nền tảng thần học theo khía cạnh giáo hội học, theo khía cạnh mục vụ và theo Giáo Luật. Các nhà thần học ví Cuộc Viếng thăm ad limina này như một việc lưu chuyển của máu, đi đi lại lại, có nhận có cho, và làm cho sự sống trong con người luôn ở thế phát triển, lưu hành và đổi mới, từ phía Người Kế Vị Thánh Phêrô, là Đức Giáo Hoàng, và các người Kế Vị các Thánh Tông Đồ, là các giám mục45. Hình ảnh nhà tiệc ly (x. Cv 1, 12-14) thật đẹp, trong đó Phêrô46 đứng đầu trong sự phục vụ và trong đức ái, có các Thánh Tông đồ cùng ưu tư với Phêrô47 về sứ vụ hiệp thông và truyền giáo, ở trên có Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn48, ở bên cạnh có Mẹ Maria là Nữ Vương các Thánh Tông đồ và là Mẹ của sự Hiệp thông49. Rồi từ nhà tiệc ly này Giáo Hội sẽ đi ra đón nhận muôn dân để nên một cộng đoàn cứu rỗi cho mọi người50, để cùng nhau tiến tới sự trong sự hiệp thông trọn vẹn trong Chúa Ba Ngôi: “Vì tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa và hợp thành một gia đình trong Chúa Kitô (x. Dt 3, 6) , nên khi hiệp thông với nhau trong tình yêu qua lời đồng thanh ca tụng Chúa Ba Ngôi chí thánh, chúng ta cùng đáp lại lời mời gọi thân tình của Giáo Hội và được tham dự, cảm mến trước phụng vụ vinh hiển toàn hảo51.
Rôma, ngày 1-6-2009
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
–––––––––––––––––
1 Bản dịch chính thức Bộ Giáo Luật của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Bộ Giáo Luật 1983, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2007.  
2 Hằng năm Phủ Quốc Vụ Khanh gửi tới các giáo phận trên thế giới một bản câu hỏi (Questionnaire) về các dự liệu trong giáo phận và gửi lại cho Phủ Quốc Vụ Khanh để dùng mà cập nhật thống kê mỗi năm, cũng như để cho in vào Annuario Pontificio mỗi năm. Hai bản tường trình này khác nhau.
3 Tông hiến Pastor Bonus, 28-6-1988, về việc cải tổ Giáo triều Rôma, điều. 28-32 + Annexe, trong AAS 80, 1988, tr. 831-934; L’Osservatore Romano, 29-06-1988.
4 Theo Annuario Pontificio 2009, có 6 Bộ đã được thành lập từ lâu đời tại Tòa Thánh: Bộ Giáo Lý Đức Tin (Congregatio pro Doctrina Fidei), được thành hình từ năm 1542, do Đức Giáo Hoàng Nicola III thiết lập, dưới tên gọi là một “Ủy Ban”. Bộ Các Giáo Hội Đông Phương (Congregatio pro Ecclesiis Orientalibus), trước đây trực thuộc Bộ Truyền Giáo, nhưng từ năm 1862, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã tách ra và thành lập một Bộ riêng, lo các vấn đề liên hệ tới các giáo phận thuộc Nghi lễ công giáo đông phương. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích (Congregatio de Cultu Divino et Disciplina Sacramentorum), Bộ này qua các thời Giáo Hoàng đã có những tên gọi khác nhau, theo như được tách rời nhau hay được hợp nhất lại thành một. Tên gọi hiện thời trên đây có từ thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi công bố Tông hiến Pastor Bonus, cải tổ Giáo triều Rôma. Bộ Phong Thánh (Congregatio de Causis Sanctorum). Từ năm 1588 Đức Giáo Hoàng Sisto V, quy định lại việc phong thánh trong Giáo Hội, thì phận vụ này được trao cho Bộ Nghi Lễ. Dần dần về sau mới thành hình một Bộ Phong Thánh riêng biệt ra như chúng ta thấy ngày nay. Bộ Giám Mục (Congregatio pro Episcopis). Bộ này cũng do Đức Giáo Hoàng Sisto V thành lập vào năm 1588. Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc (Congregatio pro Gentium Evangelizatione) . Vào thời Đức Giáo Hoàng Pio V, Bộ này trực thuộc Hội đồng các Hồng Y và lo việc truyền giáo cho các vùng Châu Âu phía đông, cũng như ngoài Châu Âu, như tại Phi Châu, Á Châu, Châu Đại Dương. Năm 1599 Đức Giáo Hoàng Clemente VIII thành lập Bộ Truyền Giáo, và với Tông hiến Pastor Bonus, 1988, Bộ đã đổi tên thành Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc. Bộ Giáo Sĩ (Congregatio pro Clericis) , được thành lập vào năm 1564, mang tên là Bộ Công Đồng. Năm 1967 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đổi thành Bộ Giáo Sĩ. Bộ này lo các vần đề thuộc hàng giáo sĩ , việc dạy giáo lý, lo về tài sản của Giáo Hội, và các phép chuẩn cho linh mục và phó tế hồi tục. Bộ Các Hiệp Hội Đời sống Thánh hiến và các Hiệp Hội Đời sống tông đồ (Congregatio pro Institutis vitae consecratae et Societatibus vitae apostolicae). Bộ này được Đức Giáo Hoàng Sisto V thành lập năm 1586. Bộ Giáo Dục Công giáo (Bộ Các Chủng viện và các Học Viện cao đẳng) (Congregatio de Institutione Catholica [de Seminariis atque Studiorum Institutis) . Bộ này được Đức Giáo Hoàng Sisto V thành lập năm 1588. Ngoài 6 Bộ này Giáo Triều Rôma còn có 3 Tòa Án: Tòa Ân Giải Tối Cao (Paenitentiaria Apostolica) lo các vấn đề về tòa trong và Ơn Xá; Tòa Thượng Thẩm Tông Tòa (Supremum Tribunale Signaturae Apostolicae) lo xử các vụ án trong Giáo Hội đã được công bố án lệnh ở Tòa dưới, cấp giáo phận; và Tòa Án tối cao về các vụ án hôn phối (Rota Romana).
5 Các Cơ quan khác tại Giáo Triều, theo Annuario Pontificio 2009, gồm có: Sau Công Đồng Vaticanô II, với những ưu tư mới về các vấn đề được Công Đồng nêu ra và ban hành qua các Sắc lệnh, các Tuyên Ngôn, Giáo Triều Rôma có thêm các Hội Đồng Tòa Thánh: Về Giáo Dân (Pontificium Consilium pro Laicis, thành lập ngày 6-1-1967); Về Hiệp nhất các Kitô Hữu (Pontificium Consilium ad Unitatem Christianorum fovendam, thành lập ngày 14-1-1963); Về Gia Đình (Pontificium Consilium pro Familia, thành lập ngày 9-5-1981); Về Công Lý và Hòa Bình (Pontificium Consilium de Iustitia et Pace, thành lập ngày 10-12-1976); Về việc từ thiện bác ái của Giáo Hội “Đồng Tâm” (Pontificium Consilium “Cor Unum”, thành lập ngày 15-7-1971); Về Mục Vụ cho những người Di Dân và Lưu Động (Pontificium Consilium de Spirituali Migrantium atque Itinerantium Cura, thành lập ngày 19-3-1970); Về Mục Vụ cho Các Nhân viên Y tế (Mục Vụ về Sức khỏe) (Pontificium Consilium pro Valetudinis Administris [Pro Pastorali Valetudinis Cura], thành lập ngày 11-2-1985); Về Giải thích Giáo luật (Pontificium Consilium de Legum Textibus, thành lập ngày 15-9-1917, và sau đó xác định lại ngày 11-7-1967); Về Đối thoại Liên Tôn (Pontificium Consilium pro Dialogo inter Religiones, thành lập ngày 19-5-1964); Về Văn Hóa (Pontificium Consilium de Cultura, thành lập ngày 20-5-1982); Về truyền thông xã hội (Pontificium de Communicationibus Socialibus, thành lập ngày 22-2-1959, sửa đổi lại ngày 2-4-1962) .
6 Tông hiến Pastor Bonus, nt. s. 30.
7 Giám mục là con ngưới câu nguyện và là thày dạy sự cầu nguyện, ngài có bổn phận chu toàn sứ vụ cầu nguyện mục vụ và cầu nguyện tông đồ: Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, khóa Đại Hội thứ X, Giám Mục, người tôi tớ của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô để mưu cầu niềm hy vọng cho thế giới, Tài liệu làm việc, Vatican 2001, s. 47.
8 Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, khóa Đại Hội thứ X, Giám Mục, người tôi tớ của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô để mưu cầu niềm hy vọng cho thế giới, nt. , s. 70.
9 Về sự vắng mặt của Giám mục giáo phận, Bộ Giáo Luật đã quy định rõ ràng trong điều 395, như sau: §1. “Giám mục giáo phận buộc phải giữ luật đích thân cư trú trong giáo phận mình, dù ngài đã có Giám Mục Phó hay Giám Mục phụ tá. §2. Trừ khi đi viếng ad limina, đi dự các Công Đồng, Thượng Hội Đồng Giám Mục, Hội Đồng Giám Mục, hay khi phải vắng mặt vì một phận vụ được ủy nhiệm cách hợp pháp, Giám Mục giáo phận có thể vắng mặt khỏi giáo phận vì lý do chính đáng, nhưng không quá một tháng, hoặc liên tục hoặc cách quãng, miễn là phải liệu sao để sự vắng mặt của mình không gây thiệt hại nào cho giáo phận. §3. Giám Mục giáo phận không được vắng mặt khỏi giáo phận trong ngày Lễ Giáng Sinh, Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh, Lễ Hiện Xuống và Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, trừ khi có một lý do nghiêm trọng và khẩn cấp. §4. Nếu Giám Mục vắng mặt khỏi giáo phận cách bất hợp pháp quá sáu tháng. Tổng Giám Mục phải thông báo cho Tông Tòa biết sự vắng mặt này; nếu Tổng Giám Mục vắng mặt bất hợp pháp, thì Giám Mục cao niên nhất trong giáo tỉnh phải báo cáo”.
10 Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, khóa Đại Hội thứ X, Giám Mục, người tôi tớ của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô để mưu cầu niềm hy vọng cho thế giới, Tài liệu làm việc, Vatican 2001, s. 70.
11 Nt. s. 69.
12 X. Bộ Giáo Luật, khoản 400, 1: “Vào đúng năm đệ nạp bản phúc trình lên Đức Giáo Hoàng, nếu Tông Tòa không ấn định cách khác, giám mục giáo phận phải về Rôma để viếng mộ các thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và phải yết kiến Đức Giáo Hoàng”.
13 Bộ Giám Mục đặc trách về các Giáo phận đã được chính thức thiết lập Hàng Giáo phẩm. Còn Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc thì đặc trách về các giáo phận chưa được chính thức thành lập hàng Giáo Phẩm. Riêng về Việt Nam, năm 1960 Giáo Hội tại Việt Nam đã được thiết lập Hàng Giáo phẩm (x. Tông hiến Venerabilium Nostrorum, 24-11-1960, của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII), nhưng vì lý do đặc biệt, nên vẫn còn tùy thuộc Bộ Rao Giảmg Tin Mừng cho các Dân Tộc. Tại Á Châu có Giáo Hội tại Phi Luật Tân là trực thực Bộ Giám Mục.
14 Trong cuộc gặp gỡ chung các giám mục của từng nước, thường Vị Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục thay mặt các giám mục có mặt ngỏ lời chào kính Đức Thánh Cha và đồng thời cũng cho thấy những nét đại cương của Giáo Hội mà các giám mục là chủ chăn, cũng như những khó khăn, nhu cầu, trong tư thế của Hội Đồng Giám Mục.
15 Qua bài đáp từ của Đức Thánh Cha trong cuộc gặp gỡ chung các giám mục, Đức Thánh Cha cũng phân tích tình hình Giáo Hội địa phương và đưa ra một số những chỉ dẫn, cũng như những gợi ý để các giám mục cùng suy tư và đem ra áp dụng trong tư thế Hội Đồng Giám mục.
16 Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, khóa Đại Hội thứ X, Giám Mục, người tôi tớ của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô để mưu cầu niềm hy vọng cho thế giới, Tài liệu làm việc, Vatican 2001, s. 69.  
17 X. Bộ Giám Mục, Chỉ Nam về Cuộc viếng thăm “Ad limina”, nt. 29-6-1988, s. II.
18 X. Bộ Giám Mục, Chỉ Nam về Cuộc viếng thăm “Ad limina”, nt. 29-6-1988, s. II.
19  X. Vittorio Bartocetti, Visita ad limina, trong, Enciclopedia Cattolica, vol. VII, Città del Vaticano, 1951, cột 1360-1361.
20 X. Gl 1, 18.
21 X. Bộ Giám Mục, Chỉ Nam, nt. s. V. X. Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân, s. 18.
22 Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục Chúa Kitô (Christus Dominus), 28-10-1965, s. 3.
23 X. Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân, s. 7.
24 Tông hiến ban hành Bộ Giáo Luật năm 1983, Sacrae Disciplinae Leges” (Các luật lệ của kỷ luật thánh) trong Bộ Giáo Luật 1983, nt. , tr. 12.
25 Xin ghi lại đây các chỗ có dùng từ Koienia, hiệp thông : Cv 2, 42; Rm 15, 26; 1Cr 1, 9; 1Cr 10, 11.16; 2Cr 6, 14; 8, 4; 9, 13; 13, 13; Gl 2, 9; Pl 1, 5; 2, 1; 3, 10; Plm 6, Dt 13, 16; 1Ga 1, 3, 6. 7.
26 Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục Chúa Kitô (Christus Dominus), 28-10-1965, s. 6.
27 ĐGH Gioan Phaolô II, Văn kiện ban hành Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 11-10-1992, s. 4.
28 Thuật ngữ “hiệp thông” được coi như là chìa khóa để mở việc hiểu và đào sâu Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo.
29 Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, s. 946-962.
30 Hiến chế Ánh sáng muôn dân nói về hành động kiến tạo Giáo Hội của Chúa Cha như sau: “Bấy giờ, như chúng ta đọc thấy nơi các Thánh Giáo phụ, mọi người công chính từ Ađam, “từ Abel công chính đến người được tuyển chọn cuối cùng”, sẽ được tập họp trong Giáo Hội phổ quát bên Chúa Cha” (s. 2). Xem thêm Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Đến với muôn dân (Ad gentes), (7-12-1965), s. 2.
31 Hiến chế Ánh sáng muôn dân nói về hành động kiến tạo Giáo Hội của Chúa Con như sau:”Mọi người đều được mời gọi kết hiệp cùng Chúa Kitô như vậy. Người là ánh sáng thế gian. Chúng ta phải phát xuất từ Người, sống nhờ Người và hướng về Người” (s. 3). Xem thêm Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Đến với muôn dân (Ad gentes), (7-12-1965), s. 3.
32 Hiến chế Ánh sáng muôn dân nói về hành động kiến tạo Giáo Hội của Chúa Thánh Thần như sau: “Khi công trình Chúa Cha trao phó cho Chúa Con thực hiện trên trần gian đã hoàn tất (x. Ga 17, 4), Chúa Thánh Thần được sai đến trong Ngày Lễ Ngũ Tuần để thánh hoá Giáo Hội mãi mãi và như thế những ai tin sẽ được tới cùng Chúa Cha qua Chúa Kitô trong Giáo Hội duy nhất” (s. 4). Xem thêm Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Đến với muôn dân (Ad gentes), (7-12-1965), s. 4.
33 Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân, s. 3.
34 Hiến chế về Phụng vụ Thánh Công Đồng chung (4-12-1963), s. 55.
35 X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, 17-4-2003. Tất cả chương II nói về vấn đề này, mang tựa đề: “Thánh Thể xây dựng Giáo Hội”.
36 Đức Giáo Hoàng Beneđicto XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, (25-12-2005), s. 14. Bản dịch Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, do Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thực hiện và do Văn Phòng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xuất bản, 2006.
37 X. Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, khóa Đại Hội thứ X, Giám Mục, người tôi tớ của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô để mưu cầu niềm hy vọng cho thế giới, Tài liệu làm việc, Vatican 2001, các số 61-74.
38 Bộ Giáo Luật cũng định nghĩa rõ ràng tính cách hiệp thông của Giáo Hội trong khoản luật 204 triệt 2, như sau: “Được thiết lập và được tổ chức trên trần gian này như một xã hội, Giáo Hội này tồn tại trong Giáo Hội Công giáo, do Đấng kế vị thánh Phêrô và các Giám Mục hiệp thông với ngài cai quản”.
39 Nghi thức Phong chức Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, dịch theo bản mẫu 1990 và đã được Hội Nghị Giám Mục Việt Nam năm 1991 cho phép tạm dùng, tr. 35. Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, khóa Đại Hội thứ X, Giám Mục, người tôi tớ của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô để mưu cầu niềm hy vọng cho thế giới, Tài liệu làm việc, Vatican 2001, s. 39.
40 Theo Nghi lễ trao biểu chương (Pallium), thì trước khi Đức Thánh Cha trao dây biểu chương cho các tân Tổng Giám Mục được bổ nhiệm trong năm đó, các dây biểu chương này được đặt trên mộ của Thánh Phêrô Tông đồ tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Vaticano.
41 Sách Nghi thức phong chức Giám Mục, Linh Mục, và Phó Tế, dịch theo bản mẫu 1990 và đã được Hội Nghị Giám Mục Việt Nam năm 1991 cho phép dùng tạm, tr. 47.
42 Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, khóa Đại Hội thứ X, Giám Mục, người tôi tớ của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô để mưu cầu niềm hy vọng cho thế giới, Tài liệu làm việc, Vatican 2001, s. 51.
43  Nt., s. 51.
44 X. Bộ Giám Mục, Chỉ Nam, nt. s. V. X. Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân, s. 29.
45 Tông hiến Pastor Bonus, Annexe, s. 2.
46 X. Cv 1, 15; Gl 1, 18.
47 X. Ga 21, 3: Các Tông đồ nói với Phêrô: “Chúng tôi cùng đi đánh cá với anh”.
48 X. Cv 1, 3-8; 2, 1-4.
49 X. Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, khóa Đại Hội thứ X, Giám Mục, người tôi tớ của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô để mưu cầu niềm hy vọng cho thế giới, Tài liệu làm việc, Vatican 2001, s. 53.
50 Hiến chế tín lý Ánh sáng muôn dân, s. 1.
51 X. Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân, s. 51.

 
Đ.Ô. Phanxicô B. Trần Văn Khả
Nguồn: simonhoadalat.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập122
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm90
  • Hôm nay19,866
  • Tháng hiện tại216,802
  • Tổng lượt truy cập50,629,409

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây