CHỮ “NGHĨA”: TỪ NGÔN NGỮ TRONG VĂN HÓA  ĐẾN NGỮ NGHĨA CÔNG GIÁO (KỲ 2)

Thứ ba - 17/09/2024 07:05  270
CHỮ “NGHĨA”: TỪ NGÔN NGỮ TRONG VĂN HÓA  ĐẾN NGỮ NGHĨA CÔNG GIÁO (KỲ 2)
Nguyễn Kim Binh
  1. Nguồn gốc, nội dung và triết lý về chữ “nghĩa”
(Kỳ 1)
  1. Bản chất chữ “nghĩa” của Việt Nam
Lấy cảm hứng từ nhận định của nhà văn hóa Đức, W. Humbold: “Ngôn ngữ là ‘linh hồn’ của một dân tộc”, Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Nhìn vào tiếng Việt, có thể thấy đúng là nó phản ánh rõ hơn đâu hết linh hồn, tích cách của con người Việt Nam và những đặc trưng cơ bản của nền văn hóa Việt Nam.” [1] Theo ông, nghệ thuật ngôn từ Việt Nam có tính biểu trưng cao thể hiện tính “cân xứng”. Tuy tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn tiết tính song lại chứa một số lượng lớn các từ song tiết (từ ghép, từ láy). Thực chất, trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, cấu trúc song tiết lại trở thành chủ đạo. Từ ghép có yếu tố “nghĩa” là minh chứng cho nhận định trên

1. Biểu hiện chữ “nghĩa” qua ngôn ngữ Việt

Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, đặc trưng nổi bật nhất cho loại hình này là “từ không biến đổi hình thái” khi chức năng ngữ pháp thay đổi. Với tiếng Việt, một tiếng (âm tiết - syllabe) luôn có khả năng như một từ, mang một ý nghĩa trọn vẹn. Có nguồn gốc từ cách đọc Hán Việt, “nghĩa” là trường hợp “độc tự” (chữ Hán Nôm duy nhất trong các tự điển Hán Nôm ở Việt Nam, tức là không có chữ “nghĩa” đồng âm khác tự nào nữa) có bốn nội dung như sau:[2]
(1) Điều được coi là hợp lẽ phải làm khuôn phép cho cách xử thế của con người trong xã hội. Ví dụ: vì nghĩa lớn; trọng nghĩa khinh tài,…
(2) Quan hệ tình cảm thủy chung, phù hợp với những quan niệm đạo đức nhất định. Ví dụ: nghĩa thầy trò; trả nghĩa,…
(3) Nội dung diễn đạt của một kí hiệu. Ví dụ: nghĩa của câu văn,…
(4) Cái nội dung làm thành giá trị. Ví dụ: Lao động khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa.
Tuy nhiên, những nội dung và ý nghĩa của từ “nghĩa” như trên chỉ dúng trong trường hợp “nghĩa” xuất hiện  với tư cách là một từ đơn âm, còn trong từ ghép, “nghĩa” luôn phản ánh những nội dung và ý nghĩa phong phú và phức tạp: từ giá trị “đạo đức”, biểu thị các mối tương quan trong xã hội cho đến ý nghĩa của ngôn từ và hành động. Thử xét:
(1) Chính nghĩa (正義, righteousness): Điều chính đáng, hợp lẽ phải. Yếu tố “nghĩa” mang nội dung: lẽ phải, công bằng và mang lợi ích cho cộng đồng.
(2) Nghĩa vụ (義務, duty): Trách nhiệm hoặc bổn phận mà một người phải thực hiện. Yếu tố “nghĩa”có nội dung: lợi ích của người khác hoặc cộng đồng.
(3) Nghĩa tình (義情, sentiment / affection): Tình cảm và lòng trung thành, đặc biệt trong các mối quan hệ thân thiết. Yếu tố “nghĩa” cho ý nghĩa:  mối quan hệ tình cảm bền chặt không vụ lợi và sự trung thành giữa con người, sự gắn bó. Trường hợp này, yếu tố “nghĩa” và “tình” gần như đồng nghĩa. Nghĩa tình đồng nhất với tình nghĩa (từ ghép đẳng lập).
(4) Nghĩa hiệp (義俠, chivalry): Tinh thần giúp đỡ người khác một cách dũng cảm và vô tư.  Yếu tố “nghĩa” nhấn mạnh đến nội dung: lòng trắc ẩn, sự hy sinh vô vị lợi.
(5) Nghĩa trang / nghĩa địa (義莊, cemetery / graveyard): Nơi chôn cất người đã khuất. Trong “nghĩa trang” hay “nghĩa địa, yếu tố “nghĩa” đều nhấn mạnh đến sự tôn trọng và tưởng nhớ người đã khuất. Trong Anh ngữ, “nghĩa” không được đề cập.
 (6) Ý nghĩa (意思, meaning): Nội dung, mục đích hoặc lý do của một sự việc, hành động. Yếu tố “nghĩa” chỉ ra giá trị, nội dung và mục đích.
Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, các từ ghép có yếu tố “nghĩa” mang nội dung: lẽ phải, công lý, công bằng,… mà khi chuyển dịch sang Anh ngữ lại cần sử dụng yếu tố “righteousness”, chiếm một số lượng khá lớn như: nghĩa binh (righteous soldiers); nghĩa quân (righteous army); trung nghĩa (loyalty & righteousness); nghĩa bộc (righteous servant); bất nghĩa (unrighteous); nghĩa cử (righteous act); nghĩa dũng (righteous courage); phi nghĩa (unjust / unrighteous); đại nghĩa (great righteousness); hiếu nghĩa (filial piety & righteousness); chính nghĩa (justice / righteousness); nhân nghĩa (benevolence & righteousness); nghĩa khí (spirit of righteousness); ân (ơn) nghĩa (gratitude & righteousness); trọng nghĩa (valuing righteousness).
Điều này cho thấy: yếu tố “nghĩa” trong tiếng Việt khi chuyển sang Anh ngữ thì hình vị “meaning” không phải là lựa chọn ưu tiên.
Trong một số từ ghép khác, yếu tố “nghĩa” còn hàm ý các giá trị đạo đức “lòng thương xót”, “sự hy sinh” vì lợi ích chung như: nghĩa thục (charitable school - trường miễn phí); nghĩa thương (quỹ cứu trợ); nghĩa tử nghĩa tận; nhân nghĩa (humanity - lòng yêu người), v.v. Ở chỗ khác, “nghĩa” có hàm ý: “giá trị”, “nội dung” và “ý nghĩa, chân lý”, v.v như: ý nghĩa (meaning); chủ nghĩa (ideology / -ism), vô nghĩa (meaningless); tín nghĩa (trustworthiness); phi nghĩa (nonsense); nghĩa đen (literal meaning); nghĩa bóng (figurative / metaphorical meaning), đồng nghĩa (synonym), danh nghĩa (Nominally), v.v. Có khá nhiều yếu tố “nghĩa” chỉ “mối quan hệ tình cảm thân thiết”, “tinh thần”, “thiêng liêng”: tình nghĩa (nghĩa tình); nghĩa tử (con nuôi, con đỡ đầu); nghĩa phụ (cha nuôi, cha đỡ đầu); nghĩa mẫu (mẹ nuôi), v.v.
Tất nhiên, phạm trù “nghĩa” trong tiếng Việt không phải cũng được phân chia rạch ròi như vậy. Chẳng hạn, “nghĩa” trong “ân nghĩa” (ơn nghĩa) vừa có nội dung ngữ nghĩa “tình cảm”, vừa chỉ mối quan hệ xã hội và cũng vừa có nội dung “công lý” hay “ý nghĩa”. Đây cũng chính là đặc trưng của ngôn ngữ đơn lập trong cách biểu thị tư tưởng, suy nghĩ, thái độ, tình cảm,…
Tóm lại, phạm trù “nghĩa” trong các từ ghép tiếng Việt phản ánh hàng loạt các nội dung chứa các giá trị và khía cạnh đạo đức khác nhau, từ trách nhiệm cá nhân đến mối quan hệ xã hội và cả những  ý nghĩa của các hành động. Trong các từ ghép có yếu tố “nghĩa”, “nghĩa” không chỉ giới hạn ở một khái niệm đạo đức cụ thể mà còn mở rộng ra các lĩnh vực như: tình cảm, trách nhiệm, và sự tôn trọng đối với người khác trong trong giao tiếp xã hội. Điều này cho thấy sự phong phú và sâu sắc của khái niệm “nghĩa” trong ngôn ngữ và đời sống văn hóa Việt Nam. Có thể nói, cứ mỗi từ ghép có yếu tố “nghĩa” trong tiếng Việt lại cho một nội dung, khái niệm, hàm ý khác nhau. Ví dụ, “ý nghĩa” (meaning) có thể hiểu và dùng ở những phương thức sau đây:
(1) “Ý nghĩa của bức tranh này rất sâu sắc.” (Bức tranh truyền tải nội dung, thông điệp sâu sắc)
 (2) “Hành động của anh ấy có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng.” (Hành động đó mang lại tác động tích cực và quan trọng cho cộng đồng)
(3) “Ý nghĩa của từ ‘hòa bình.’” (không có xung đột hay chiến tranh)
(4) “Hoa sen có ý nghĩa biểu tượng cho sự thanh khiết và giác ngộ trong văn hóa Phật giáo.” (phản ánh cảm xúc, kinh nghiệm, quan điểm riêng)

2. Triết lý “nghĩa” trong đời sống văn hóa Việt Nam

2.1. Chữ “nghĩa” biểu thị các mối quan hệ trong xã hội Việt Nam

Trong giao tiếp hàng ngày, người Việt nhắc đến chữ “nghĩa” không những đề chỉ các mối quan hệ và trách nhiệm xã hội mà còn là phương thế định hình và thực hiện các mối quan hệ đó.
Khi nói về “nghĩa vụ”, “nghĩa tình”, “nghĩa ” là người Việt đang đề cập đến các loại trách nhiệm và mối quan hệ xã hội mà mỗi cá nhân cần thực hiện hoặc duy trì. Ví dụ, “Con cái có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ khi họ già yếu” thì “nghĩa vụ” ở đây không chỉ thể hiện sự tôn trọng, tôn kính mà còn là một phần của trách nhiệm xã hội và đạo đức gia đình. Còn nghĩa tình đồng bào” thì dùng để chỉ sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng. Khi một vùng bị thiên tai, người dân trong khu vực khác thường quyên góp, giúp đỡ để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng. Đây là sự thể hiện của “nghĩa tình”, nơi mà các mối quan hệ xã hội được thể hiện qua hành động cụ thể. Khi nói, nghĩa lý của đạo đức” thì đây chính là nguyên tắc đạo đức mà mỗi người nên tuân theo trong các mối quan hệ xã hội. Ví dụ, việc giữ lời hứa và đối xử công bằng với người khác là những quy tắc đạo đức quan trọng trong xã hội. Nghĩa lý của sự trung thực” là trung thực trong giao tiếp và hành vi là một phần của nghĩa lý, tức là các nguyên tắc đạo đức mà mỗi người cần thực hiện để duy trì lòng tin và sự tôn trọng trong các mối quan hệ xã hội. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” chính là phản ánh nguyên tắc đạo đứcnghĩa lý trong giao tiếp và hành vi.
Trong văn hóa Việt Nam, chữ “nghĩa” thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến các mối quan hệ xã hội và những giá trị đạo đức. Chẳng hạn, khái niệm “nghĩa tình” thường được dùng để chỉ sự quan tâm và lòng tốt trong các mối quan hệ, đặc biệt là trong gia đình và cộng đồng. Tục ngữ “nghĩa tử là nghĩa tận” cho thấy: “nghĩa” phản ánh trách nhiệm và với các mối quan hệ xã hội. Trong “nghĩa vụ” (responsibility) và “nghĩa lý” (ethical principles), ta thấy sự kết nối chặt chẽ giữa chữ “nghĩa” và các mối quan hệ xã hội. “Nghĩa vụ” thường liên quan đến trách nhiệm trong các mối quan hệ gia đình, xã hội, và công việc. “Nghĩa lý” đề cập đến các nguyên tắc đạo đức điều chỉnh hành vi trong các mối quan hệ xã hội.
Như vậy, “nghĩa” vừa có nội dung biểu thị ý nghĩa các mối quan hệ trong xã hội vừa phản ánh trách nhiệm và các giá trị đạo đức trong văn hóa Việt Nam.

2.2. Chữ “nghĩa” phản ánh triết lý “tri ân trọng tình” trong văn hóa Việt Nam

Tuy ảnh hưởng từ Trung Hoa trong nhiều lĩnh vực khác nhau song không phải vì thế mà “bản sắc” Việt bị đồng hóa hoặc bị đánh mất. Khi du nhập vào Việt Nam, ý nghĩa của chữ “nghĩa” đã không dừng lại ở sự đối lập với “lợi” (Khổng tử); hay chính là “lợi” (Tuân tử), cũng không hạn hẹp trong nội dung hay ý nghĩa của từ, của câu (Tây phương) thường dùng trong lĩnh vực triết lý ngôn ngữ, ở Việt Nam, “nghĩa” có những giá trị độc đáo phản ánh triết lý nhân sinh của mình.
Người dân Việt luôn ý thức hành trình cuộc sống của mình là hành trình mang nặng những món nợ “ân tình”, ơn nghĩa”. Ân tình là tình cảm thắm thiết do có ơn sâu nặng với nhau.[3] Mở mắt chào đời, ta mang nặng ơn sinh thành của mẹ cha. Thành ngữ Việt Nam còn ghi lại: “Ơn nghĩa sinh thành”. Một khi “hàm ơn” sẽ nẩy sinh “tình cảm”; từ  “tình cảm” sinh ra “tình nghĩa”. “Tình nghĩa là tình cảm thủy chung hợp với lẽ phải, với đạo lý làm người, ví dụ: “tình nghĩa vợ chồng”. “Sống có tình nghĩa”.[4] Một người Việt “công thành danh toại” luôn là kết quả của công thức: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Thành ngữ trên có ý nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết ơn và tôn trọng những người có công lao lớn trong cuộc đời mỗi người nhưng cũng phản ánh giá trị đạo đức và truyền thống văn hóa sâu sắc của người Việt Nam, cũng như đề cao lòng hiếu thảo và tinh thần biết ơn. Biết ơn là hiểu và nhớ công ơn của người khác đối với mình.[5] Chữ “nghĩa” lại  gắn chặt với “lòng biết ơn” nên ta có hai từ ghép “ân nghĩa” hoặc “ơn nghĩa”. Ơn nghĩa là tình nghĩa gắn bó do có ơn với nhau. Ví dụ: “ơn sâu nghĩa nặng”.[6]
Qua đối dịch Anh ngữ, “nghĩa” có nội dung tương ứng. Chẳng hạn:
 (1) “Chúng tôi luôn ghi nhớ ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ.” – “We always remember the gratitude for our parents' upbringing.”
(2)  “Anh ấy luôn sống với tinh thần đền ơn đáp nghĩa” - “He always lives with a spirit of repaying favors and fulfilling obligations.”
Như vậy, cả ba từ ghép “ân nghĩa, “ân tình”, “tình nghĩa” đều diễn đạt một phạm trù chung về “nghĩa” trong tiếng Việt, giữa chúng mối liên hệ mật thiết về nội dung và ý nghĩa.
Trong Nho giáo, “ân” (ơn) luôn mang một giá trị cao quý, là thái độ, hành động tôn kính và biết ơn với  những người đã giúp đỡ mình, thi ơn cho mình. Tương tự, “nghĩa” trong tiếng Việt cũng bao hàm lòng biết ơn và sự trân trọng đối với người khác. Tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” và “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” luôn được đề cao trong đời sống văn hóa Việt. Tiếp thu chữ “hiếu” của Nho giáo, hiếu thảo của Việt Nam chính là “thảo kính” và biết ơn cha mẹ mình. Đã là người Việt thì ai còn lạ gì bài ca dao:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
GS.Trần Ngọc Thêm cho rằng: Khác với Trung Hoa, chữ “hiếu” của người Việt được đặt trong mối quan hệ bình đẳng với cha và mẹ.[7] “Hiếu” cũng có nghĩa là “hiếu nghĩa”, thích làm “việc nghĩa” (việc thiện) nhưng người Việt thì gần với “hiếu thảo” hơn. Đành rằng, công ơn “sinh thành dưỡng dục” thì có cả cha lẫn mẹ, nhưng với người Việt thì khái niệm “nghĩa” gần với “mẹ” hơn, có lẽ, do văn hóa Việt Nam là “văn hóa gốc nông nghiệp”, thuộc văn hóa ‘tĩnh” và “âm tính”.[8]
Trong tiếng nói hằng ngày, người ta cũng thường hay nói đến “hiếu thảo”, “hiếu nghĩa”, v.v và ngược lại đó là “bất hiếu”, “bất nghĩa” hay “vô ơn bội nghĩa”, “vong ân bội nghĩa”, “phụ ơn bội nghĩa”, v.v.
Triết lý “nghĩa” với lòng hiếu thảo và sự biết ơn đối với những người đã giúp đỡ mình đã đi vào truyền thống thờ cúng tổ tiên, tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân. Đó cũng là đạo lý, đạo nghĩa là “lễ nghĩa” mà người Việt đã nâng lên thành “Đạo Hiếu”. Trong văn hóa Việt Nam, việc thờ cúng tổ tiên đâu chỉ dừng lại ở hình thức (nghi thức) bên ngoài mà còn là nội dung chính, là cái “cốt lõi” để bày tỏ hành động tôn kính với  thái độ biết ơn đối với những người đã sinh thành, dưỡng dục mình. Cách riêng, trong dịp giỗ, Tết, lễ cúng tổ tiên,… con cháu quay quần bày tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ công lao của tổ tiên. Tiếp thu tinh thần Phật giáo, lễ Vu Lan (Phật giáo) đã trở thành lễ “báo hiếu” của nhiều người Việt.
Trong văn học, triết lý “nghĩa” mang yếu tố “nghĩa, ân, tình” cũng thể hiện rất rõ. “Duyên hội ngộ, đức cù lao / Bên tình bên hiếu bên nào trọng hơn?” (Truyện Kiều – câu 514, 515). Qua đắn đo lựa chọn giữa “tình” và “hiếu” (đạo nghĩa), Nguyễn Du đã để Kiều chấp nhận cái giá “hy sinh” chữ “tình” để vẹn “chữ hiếu”.
Ngày nay, nhiều người có thể không đồng tình giải pháp “bán mình chuộc cha” của Kiều, vì điều ấy quá mang nặng lễ giáo phong kiến. Tuy nhiên, nếu thận trọng, ta sẽ có cái nhìn cảm thông với Kiều hơn là lên án. Bởi lẽ, trong chữ “hiếu” của Kiều có cả chữ “tình” và chữ “nghĩa”. Đó là tình yêu thương với gia đình, đó là “nghĩa” đáp đền ơn sinh thành với cha mẹ, nghĩa vụ (bổn phận) làm con mà Nho giáo quy định và văn hóa Việt mặc định. Mặt khác, giữ chữ “hiếu” như thế, nàng Kiều mãi là biểu tượng sống “vẹn tình trọn nghĩa” trong cái nhìn của Nho gia Việt Nam thời bấy giờ. Hơn nữa, trong tình duyên với Kim Trọng, nàng cũng đâu phải là người “vô tình bất nghĩa” hay “vô tình bạc nghĩa”. Dù phải “bán mình chuộc cha” để cứu em, giúp gia đình, Kiều vẫn canh cánh nỗi nhớ thương và cảm thấy mình mắc nợ tình nghĩa với Kim Trọng: “Xót người tựa cửa hôm mai, Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?” Tình với chàng Kim Trọng cũng là “nghĩa” nên Kiều đã nhờ cha và em “trả nghĩa” cái “ân tình” ấy: “Nhờ cha trả được nghĩa chàng cho xuôi”. Với Từ Hải sau này, nàng Kiều luôn biết ơn và kính trọng, yêu thương: “Chút ân tình ấy chút nghĩa này, Ngàn sau ai cũng mến tài ấy đâu.” Quan điểm của Nguyễn Du về “ơn nghĩa” qua sự quyết đoán của Kiều sau đây thì chắc nhiều người tán thành và cảm thông hơn: “Làm con trước phải đền ơn sinh thành.” (Truyện Kiều - câu 517)
 Sống trong thế kỷ 21, tự do trong tình yêu và hôn nhân được “cởi trói” nhiều, hiếm cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” song vai trò của cha mẹ hai bên (bậc sinh thành) trong việc tác thành “hôn sự” thì đâu thể thiếu, mà đó cũng là nét đẹp và có giá trị trong văn hóa Việt Nam.
Tình nghĩa không chỉ gồm “ân tình” (sự biết ơn) mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm và tinh thần trách nhiệm (nghĩa vụ). Người Việt Nam có câu: “Ân báo nghĩa đền “. Đã mang “ơn” thì phải báo đáp; đã mang “nghĩa” thì phải đền trả. Đó là luật, là quy tắc,bổn phận và trách nhiệm ràng buộc trong mỗi con người Việt. Cho nên, “nghĩa” (nghĩa vụ) hiện hữu trên tinh thần tự nguyện, hy sinh, không giống nhiệm vụ (mission) được quy định bởi yếu tố bên ngoài của luật pháp hay những quy chế khác mà đó cũng là “điều ta phải làm” (Nho giáo), là cách ăn ở và cư xử với nhau cho phải đạo. Như vậy, “tình nghĩa” đã trở thành phương thuật “đối nhân xử thế” hằng ngày của người Việt. Có thể nói, cuộc sống của một người Việt mãi luôn là một hành trình khắc khoải trong “nặng tình nợ nghĩa”. Cho nên, tục ngữ ghi lại: “Ơn to khó trả, nghĩa cả khó đền”.
Trong tâm thức của người Việt Nam, khái niệm “nghĩa” và “tri ân” là hai khái niệm luôn gắn kết mật thiết khó tách rời. “Ơn nghĩa” không chỉ mang một giá trị văn hóa truyền thống thể hiện mà còn là triết lý nhân sinh với bản sắc độc đáo. Đó là nguyên tắc ứng xử “trọng tình”, “trọng nghĩa”.[9]
Với lối sống nông nghiệp và nền văn hóa “tĩnh”, con người Việt Nam ưa tổ chức và cư xử mọi thứ theo theo nguyên tắc “trọng tình”. Tuy vậy, nhưng trong cái “tình” của người Việt lại luôn tiềm ẩn cái “lý” mà không dễ gì nắm bắt . Tục ngữ Việt có câu: “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Thoáng qua, có thể thấy: “tình” đối lập với “lý” và chiếm thế thượng phong trong tâm thế người Việt. Thông thường trong suy nghĩa, cái “lý” thì thuộc về trí tuệ và lý trí; còn cái “tình” là tình cảm, thuộc về cảm xúc con người. Tuy nhiên, nếu rạch ròi như thế xem chừng đánh mất mối liên hệ biện chứng giữa “lý” và “tình”. Pascal từng nói: “Trái tim có những cái lý mà lý trí không sao hiểu nổi”. Thực ra, trong cái “tình” của người Việt đã sẵn có cái “lý”; và trong “lý” đã có sẵn “tình” rồi, ít nhất là trên phương diện diễn đạt ngôn từ tiếng Việt. Trong “tình nghĩa” và “nghĩa lý” đều có chung một chữ “nghĩa” mà thôi.
Kể cũng lạ, trong quan hệ hàng xóm làng giềng của nông thôn Việt Nam, cái “tình” đi liền kề với “nghĩa”  trở thành một “định chế” ràng buộc  trong đời sống đến nỗi hàng xóm sống thuận hòa yên vui đều dựa trên nguyên tắc “tình nghĩa” này. Các quán ngữ, thành ngữ Việt: “tình làng nghĩa xóm, tình sâu nghĩa nặng, trọn nghĩa vẹn tình, tình xưa nghĩa cũ, đền ơn đáp nghĩa”, v.v đều cho thấy cái “định chế” đậm màu sắc Việt này.
Tìnhnghĩa tạo thành một hệ thống nhị đoan, có quan hệ cốt yếu keo sơn chỉ các mối quan tương giao trong đời sống con người, nhất là trong quan hệ hôn nhân. Theo kinh nghiệm của các cụ: hôn nhân mà thiếu “tình” thì hôn nhân nhạt nhẽo, thiếu “nghĩa” thì khó bền mà thiếu cả hai thì hôn nhân chẳng còn tồn tại. Có khi “lửa lòng” thì đã tắt nhưng “nghĩa” còn thì hôn nhân vẫn duy trì. Trong truyền thống dân tộc, “tình nghĩa” đã thành chất liệu và thước đo của hôn nhân.
Xu thế mới, chữ “tình” được đề cao để cổ võ cho tự do trong hôn nhân nhưng lại kèm theo quá nhiều đổ vỡ. Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu vẫn là quên mất chữ “nghĩa”. Trong khi ấy, “nghĩa” lại là phần “cốt lõi”, là “quy tắc” kết nối bền vững cho mọi quan hệ trong xã hội, chứ không riêng gì hôn nhân. Thiếu “nghĩa” thì mọi tương giao sẽ “yểu mệnh”. Không chỉ là mối dây liên kết bền chặt trong hôn nhân, “nghĩa” còn là “bảo bối” của cha ông, là chân giá trị mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Bản hôn ước Việt Nam vẫn mãi là “bản giao kèo” của “tình” và “nghĩa”, không thể thiếu cái nào, bởi “tình” và “nghĩa” tuy hai mà một. Thêm vào đó, tình yêu thật sự đâu chỉ đơn thuần là cảm xúc nhất thời mà còn là sự biết ơn đối với người bạn đời, là “nghĩa vụ”, là hy sinh, là chịu trách nhiệm từ cả hai phía. Xưa kia, các cụ sống được với nhau, đối xử tốt và tôn trọng nhau cũng là do còn “cái nghĩa” đó thôi. Tục ngữ nhấn mạnh: “Một lòng tôn kính, trọn nghĩa phu thê”. Nhà văn Hoàng Hữu Các đã nhận xét như sau: “Người ta yêu nhau vì tình và sống với nhau lâu dài vì nghĩa.” [10] Người ta thường ví von: hôn nhân được khởi đầu bằng chữ tình và gắn bó với nhau bằng chữ nghĩa. Điều hay nhất của nước ta mà chắc ít có quốc gia nào có là chữ tìnhchữ nghĩa không chỉ là sự kết nối, gắn bó của đôi nam nữ mà còn là việc “kết ước nghĩa tình” (kết sui gia, thông gia) của hai gia đình, có khi là hai họ tộc. Việc “kết ước” thông gia, sui gia cũng là một “luật tình nghĩa” ngầm mà ta không có dịp để nói trong bài viết này.
Như thế, “cưới vợ, lấy chồng” trong văn hóa người Việt là thiết lập một mối quan hệ dựa trên nguyên tắc “tình nghĩa”. Điều này cũng đồng nghĩa là mối quan hệ tình cảm trong hôn nhân Việt luôn gắn liền với nghĩa vụ, bổn phận và trách nhiệm dù rằng trong văn bản hiến pháp chưa bao giờ ấn định. “Luật” này đòi buộc người trong cuộc phải thực thi trong yêu thương và hy sinh. Đó cũng là sự thủy chung, trung thành, trung tín, cam kết “một lòng một dạ”, “chung lưng đấu cật” với nhau ngay cả những lúc hôn nhân gặp sóng to gió  lớn trong đời. Khắc họa hôn nhân hòa hợp và thủy chung, ca dao Việt Nam có câu: “Râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Như vậy, sự chung thủy trong hôn nhân vẫn mãi là giá trị đạo đức mà tục ngữ đã chỉ ra: “Vợ chồng ân nghĩa tình sâu”.
Tắt một lời, “nghĩa” chính là nét đặc trưng trong văn hóa Việt Nam, nhất là trong đời sống hôn nhân. “Nghĩa” chính là nguyên tắc, không tách rời với “tình” nhưng hòa tan làm phân bón, làm lương thực nuôi dưỡng cuộc sống hôn nhân như ông bà vẫn thường khuyên: “Sống với nhau phải có tình có nghĩa.”
Trong các mối quan hệ khác, “tình nghĩa” vẫn là nguyên tắc hướng dẫn trong cách ứng xử của người Việt. Chẳng hạn, trong quan hệ ‘tình làng nghĩa xóm” người Việt vẫn chủ trương “Bán anh em xa, mua láng giềng gần.” Lúc còn sống có xích mích, bất đồng nhưng đến lúc chết thì vẫn thi hành nguyên tắc “tình nghĩa”: “Nghĩa tử nghĩa tận”. Nguyên tắc nhân văn này hướng đến sự hòa hợp, đoàn kết trong một cộng đồng.
Trong phạm vi gia đình, tình nghĩa đóng vai trò quan trọng trong cách đối đáp, ứng xử. “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”; hoặc “Chị ngã, em nâng”. Đó không chỉ là phương châm mà còn là cơ sở để gia đình hòa thuận, ấm êm, hạnh phúc. Mở rộng hơn trong quan hệ họ hàng, dòng tộc, các thành viên luôn có “chỗ đứng” trong quan hệ và ứng xử “tình nghĩa” như: “Sảy cha còn chú, sảy mẹ nấp vú dì”, hoặc, “Một giọt máu đào hơn một ao nước lã.” (Tục ngữ)
Trong quan hệ thầy - trò, “tình nghĩa thầy trò” đã trở thành đạo lý trong văn hóa Việt Nam, được nâng lên thành nguyên tắc: “tôn sư trọng đạo” mà dân gian vẫn thường nhắc: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng tôn kính, yêu mến “người thầy” như ca dao nhắc nhở: “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Còn học trò thì vẫn nhớ công ơn thầy cô: “Mùng một tết cha, mồng ba tết thầy.”
Trong quan hệ bằng hữu, bạn bè, tình nghĩa biểu lộ ở sự “trung thành”, “thành tín”, chung thủy, không thay đổi. Ca dao Việt Nam còn ghi lại: “Bạn bè là nghĩa tương tri/ Sao cho sau trước vẹn bề mới nên”. Tình bằng hữu cũng chính là “nghĩa tương thân tương ái” như: “Bạn bè là nghĩa tương thân/ Khó khăn thuận lợi ân cần có nhau/ Bạn bè là nghĩa trước sau/ Tuổi thơ cho đến bạc đầu không phai.”
Còn với quê hương đất nước, tình yêu quê hương đất nước được gắn liền với “nghĩa vụ công dân”, “nghĩa vụ quân sự”, v.v.
Nói chung, trong tất cả các quan hệ và ứng xử, người Việt luôn lấy phương châm “tình nghĩa” làm chuẩn tắc và “nghĩa vụ” đi kèm. Trong số đó, nghĩa vụ chăm sóc và báo hiếu ông bà, cha mẹ luôn là một giá trị được đề cao.
Hiện nay, đời sống xã hội Việt Nam có nhiều sự thay đổi, các mối quan hệ trong cuộc sống được mở ra rất nhiều không chỉ dừng lại ở “ngũ luân” mà còn nhiều mối quan hệ khác như: tình đồng đội, tình đồng chí, tình đồng nghiệp, tình đồng hương,... Điều này tạo ra trong xã hội Việt Nam có nhiều hội, nhóm, tổ chức khác nhau.Tuy nhiên, nguyên tắc “trọng tình” vẫn là màu sắc chủ đạo.
Ngay cả những người theo chủ nghĩa Mác cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy về tầm quan trọng của “tình nghĩa” như sau: “Hiểu chủ nghĩa Mác – Lê nin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác- Lê nin.” [11]
Triết lý “trọng ơn”, “trọng tình,” qua chữ “nghĩa” của người Việt Nam không chỉ là những giá trị văn hóa sâu sắc mà còn là nền tảng tạo nên bản sắc dân tộc. Những giá trị này không chỉ được thể hiện qua lời nói mà còn qua hành động và phương thế ứng xử hàng ngày, tạo nên mối quan hệ chặt chẽ và bền vững trong hôn nhân, gia đình và cộng đồng. “Nghĩa” và “tình” giúp con người kết nối và gắn bó với nhau, trong khi “ân” nhắc nhở chúng ta về lòng biết ơn và sự tri ân đối với những gì mình đã nhận được. Triết lý “nghĩa” đã nâng tâm tình biết ơn lên thành đạo lý của dân tộc. Đó là ĐẠO HIẾU. Việc duy trì và phát huy triết lý này không chỉ giúp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo nên một xã hội nhân văn, hài hòa và phát triển.
Xa hơn, chữ “nghĩa” trong văn hóa Việt Nam không chỉ đơn thuần là một khái niệm về đạo đức và công bằng mà còn mang hàm nghĩa sâu xa về sự trung thành, lòng nhân ái và tinh thần vị tha. “Nghĩa” thể hiện sự đối xử đúng mực, công bằng và lòng trung thành giữa con người với nhau, đồng thời cũng là sự hy sinh vì lợi ích chung, đặt lợi ích của cộng đồng, gia đình, bạn bè lên trên lợi ích cá nhân. Trong các mối quan hệ xã hội, “nghĩa” còn là sự đồng cảm, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, dù là trong lúc khó khăn hay thuận lợi. “nghĩa” không chỉ là một chuẩn mực đạo đức mà còn là một nguyên tắc sống, hướng con người đến sự hòa hợp và gắn kết trong cộng đồng. Chính nhờ sự đề cao và thực hành chữ “nghĩa” mà xã hội Việt Nam có thể duy trì được những giá trị tốt đẹp, bền vững qua nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, phương thức ứng xử theo nguyên tắc “tình nghĩa” không phải lúc nào cũng mang lại giá trị tích cực. Nguyên tắc này làm cho môi trường sống trở yên bình ít xáo trộn, giữ hòa khí ấm êm nhưng điều đó cũng khiến cho xã hội Việt Nam thiếu tính “tranh luận” và “phản biện”, bởi tâm lý “dĩ hòa vi quý”. Điều này cho thấy, người Việt hay “sợ mất lòng”, “sợ mất mặt”, sợ dư luận xã hội, sợ thay đổi,… nên sẽ thiếu lập trường, thiếu quyết đoán trong cách ứng xử, nhất là trong việc thực thi pháp luật hay cả những quy tắc chung. Cho nên, người Việt vẫn nói “phép vua thua lệ làng” là vậy.

3.  “Nhân nghĩa”  Việt Nam qua các tác gia tiêu biểu

Trong Nho giáo, “nhân nghĩa” luôn được đề cao. Khổng tử nhấn mạnh “nhân” (yêu người); Mạnh tử nghiêng về “nghĩa” (cách cư xử dựa trên sự hiểu người). Tuy nhiên, trong tâm thức người Việt, khái niệm “tình nghĩa” vẫn là cốt yếu và gần gũi hơn so với “nhân nghĩa” của Nho giáo. “Nhân nghĩa” giữ vai trò cốt lõi trong của tứ đức, là phẩm chất đạo đức của người quân tử, hướng đến mối quan hệ đề cao sự công bằng. Nói chung, gốc rễ của tư tưởng nhân nghĩa trong Nho giáo là để trau dồi, rèn giũa đạo đức. Chỉ khi nào mỗi cá nhân có được phẩm chất ấy thì xã hội mới phát triển tốt đẹp
Tiếp thu có sáng tạo trong Nho giáo Trung Quốc, “nhân nghĩa” của Việt Nho có một quá trình vận động, biến đổi phức tạp nhưng luôn có sự chọn lọc, bổ sung, làm phong phú truyền thống nhân văn của dân tộc. Trước hết, “nhân” trong Nho giáo ở Việt Nam cũng mang nội dung là “nhân ái” (yêu người) mà sống “yêu người” gắn với yêu nước, thương dân. Cho nên, giáo sư Trần Văn Giàu, trong cuốn “Triết học lịch sử Việt Nam” cho rằng: “Khái niệm nhân ái Nho giáo vào tâm tư người Việt Nam thành ra yêu đồng bào, yêu Tổ quốc”. Mở đầu “Bình Ngô đại cáo”, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tuyên bố: “nhân nghĩa chi cử, vụ tại an dân” (Việc nhân nghĩa cốt để yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo). Rõ ràng, “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi là “yêu nước, thương dân”, gắn chặt với “an dân”, “trừ bạo”. Từ đó, Nguyễn Trãi cụ thể hóa mọi đường lối, chính sách “an dân” của triều đình phải phù hợp với ý nguyện của dân, không ngoài việc làm cho dân được sống trong cảnh thanh bình, ấm no, hạnh phúc. Ông từng nhắc vua Lê: “để cho chốn hang cùng ngõ vắng không còn tiếng hờn khóc, oán sầu”. Muốn vậy thì điều đương nhiên là phải lo “trừ bạo”, có nghĩa là diệt trừ tất cả các thế lực tham lam, bạo ngược làm tổn hại đến quyền lợi của dân lành. “Yên dân, trừ bạo” có liên quan chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau để tạo nên tính hệ thống tư tưởng nhân nghĩa bao trùm và xuyên suốt cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại lúc bấy giờ. Điều này cũng rất khác với “nhân nghĩa” của Khổng Mạnh vốn chỉ đạo đức trừu tượng dành cho “quân tử”, tầng lớp quan lại phong kiến. Có tiếp thu Nho giáo, tuy nhiên, “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi đã múc lấy tư tưởng nhân nghĩa từ nhân dân, từ truyền thống dân tộc. Đó là truyền thống “tương thân tương ái”, dạy con người sống hướng thiện “thương người như thể thương thân”. Trong cách ứng xử hằng ngày, ông cha ta dạy rằng: “Oán thù thì cởi, nhân nghĩa thì thắt” (Tục ngữ). “Nhân nghĩa” vốn đã thành một giá trị đạo đức bền vững trong mỗi người dân Việt và phát huy qua lời khẳng định của câu tục ngữ: “Đường mòn nhân nghĩa không mòn”. Nhân nghĩa trong truyển thống dân tộc đối lập với vật chất, tiền bạc, là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất đạo đức của con người.Thương ai chữ nghĩa hơn vàng/Chữ nhân coi trọng, chữ sang bình thường” (Ca dao). Cho nên, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm tư tưởng nhân nghĩa vẫn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Lối sống “nhân nghĩa”  vẫn là lối sống “yêu người” , “hiểu người” được ưu tiên lựa chọn.
Với Nguyễn Trãi, “nhân nghĩa” cũng vẫn là cái gốc của người lãnh đạo, người cai trị dân, vì “Đạo làm tướng lấy nhân nghĩa làm gốc” (Dư địa chí). Nó là cái gốc ứng xử của người lãnh đạo, của bậc quân vương đối với người dân “Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, viện công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu”. (Bình Ngô đại cáo)
Theo Nguyễn Thị Luận, “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi chính là “lòng nhân đạo”, là tinh thần yêu nước chân chính mang đậm sắc thái tinh thần yêu nước truyền thống của người Việt.[12] Ở Nguyễn Trãi, nhân nghĩa không chỉ như một triết lý đạo đức cá nhân mà còn được sử dụng như một chiến lược chính trị và quân sự để bảo vệ và xây dựng đất nước. Đó phương châm chỉ đạo, một đường lối “khử bạo”, cho nên nó không còn là một khái niệm luân lý đơn thuần, nó bao hàm một ý nghĩa triết học, một tư tưởng chỉ đạo chiến lược nhằm tạo ra một sức mạnh vật chất trong công cuộc “khử bạo bình Ngô”. PGS Thạch Giang nhận định: “Từ trong văn hóa dân tộc, tiếp xúc với các nguồn văn hóa Nho học, Lão học và Phật học, ‘nhân nghĩa’ của Nguyễn Trãi đã vượt khỏi phạm trù luân lý đơn thuần và đã trở thành những giá trị siêu luân lý có tác dụng như những chủ trương chỉ đạo chiến lược đưa hành động, đưa cuộc kháng chiến bình Ngô đến thành công”. Nguyễn Trãi cũng khẳng định rằng chính nghĩanhân nghĩa là vũ khí để thắng hung tàn và thay cường bạo: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo.” Vị này kết luận: nhân nghĩa trong Nguyễn Trãi mang đặc trưng của văn hóa Việt Nho mang tên “chủ nghĩa Ức Trai”. [13]
Đâu chỉ có vậy, “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi còn thể hiện ở sự cảm thông, chia sẻ với nỗi thống khổ của người dân mất nước. Trong sáng tác của ông, ta còn thấy rõ: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống hầm tai họa” (Bình Ngô đại cáo). Rõ ràng, đối tượng “nhân” của Nguyễn Trãi chính là “nhân dân” chứ không phải là “quân tử, vua quan” mà là “thứ dân”, “lê dân”, hạng người “thấp cổ bé họng” nhất trong xã hội. Đó là những “dân đen”, “con đỏ”, tầng lớp thấp nhất nhưng cũng là đông đảo nhất trong bất cứ xã hội nào từ trước đến nay. Là một nho sĩ, Nguyễn Trãi quá thấm nhuần tư tưởng của Mạnh tử: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân là nhất, xã tắc thứ hai, còn vua không là gì). Tư tưởng ấy, phương châm ấy còn vẫn nguyên giá trị cho đến nay và có thể mãi về sau. Theo Nguyễn Trãi, “dân đen, con đỏ” chính là đối tượng của nỗi lòng thương xót, niềm tin yêu, là sức mạnh, là động lực để chiến thắng.
Xuất phát từ văn minh lúa nước, phẩm chất nổi trội trong văn hóa là tinh thần nhân ái vị tha và rộng lượng. Ấy là “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”. Cho nên, trong nhân nghĩa của Nguyễn Trãi cũng mang tinh thần khoan dung và yêu chuộng hòa bình ấy. Ông viết: “Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh”. (Bình Ngô đại cáo).
Có thể nói, qua Nguyễn Trãi, “nhân nghĩa” trở thành phương pháp luận đặc sắc của chủ nghĩa nhân đạo. Đó là “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Điều đó đã có trong tục ngữ Việt Nam: “Chín bỏ làm mười”. Trong khi “nhân nghĩa” của Khổng Mạnh phản ánh các mối quan hệ xã hội cho phù hợp với “lễ “và “chính danh” nhằm duy trì trật tự đẳng cấp xã hội, thì ở Nguyễn Trãi, “nhân” và “nghĩa” lại được giải thích bằng thái độ đối với dân, lo cho cuộc sống của dân sao cho được an bình, hạnh phúc.
Nhà nho Nguyễn Bỉnh Khiêm từng than thở: “Nhân nghĩa thời nay tựa vàng mười”, tức là cái cốt lõi của đạo đức Nho giáo đã trở sáo rỗng viển vông trong thời loạn. Vì vậy, theo ông, để có xã hội thái bình, cần phải thực hành đạo đức nhân nghĩa, bởi nhân nghĩa là vô địch: “Từ xưa đến nay người có nhân không ai địch nổi. Việc gì phải khư khư theo đuổi chiến tranh”.[14] Theo ông, chỉ có nhân nghĩa mới đem lại cho dân, cho nước một nền thái bình thịnh trị.
Nói chung, theo Nguyễn Bỉnh Khiêm, “nhân nghĩa” chính là “đạo làm người”, là an dân, thương dân nhưng gắn liền với “lẽ trời”.
Với nhà nho tiêu biểu miền Nam - Nguyễn Đình Chiểu thì “nhân nghĩa” là “chính nghĩa”, tức là công lý, đạo đức, và sự công bằng trong xã hội. Lục Vân Tiên vẫn mãi là hình mẫu cho lý tưởng nhân nghĩa. Đó là khi ông giúp đỡ người yếu thế và đấu tranh chống lại cường hào ác bá. Hành động này không chỉ là lòng nhân ái mà còn thể hiện sự chống lại bất công và xâm phạm quyền lợi của người dân, tức là thể hiện chính nghĩa. Nguyễn Đình Chiểu đã để Lục Vân Tiên phát biểu quan điểm của mình: “Anh hùng hảo hán có khác gì nhau? Chí nhân hiền sĩ phải có nghĩa tình”. Điều này cho thấy rằng Lục Vân Tiên không chỉ là anh hùng mà còn là người có tâm và lẽ phải, khẳng định sự gắn kết giữa nhân nghĩa và chính nghĩa.
Nguyễn Đình Chiểu cho rằng, “nhân” là tình yêu thương con người, sẵn sàng cưu mang con người trong những cơn hoạn nạn, nghĩa” là những quan hệ tốt đẹp giữa con người. Do đó, những sáng tác của ông đều đặc biệt đề cao “nghĩa”, coi “nghĩa” vừa là mục đích, vừa là phương pháp của đạo làm người. Những nhân vật mà Nguyễn Đình Chiểu đề cao là những con người hào khí: “Nước trong rửa ruột sạch trơn, một câu danh lợi chi sờn lòng đây”. Đó là những con người: nghĩa hiệp, nghĩa khí, giàu lòng thương người, sẵn sàng giúp đỡ người khác, quên mình vì nghĩa. Từ đó, ông thể hiện quan điểm nhân nghĩa của mình: “Ngư rằng: lòng lão chẳng mơ, dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn?” Để khẳng định giá trị của nhân nghĩa, một mặt, ông ca ngợi cái chính nghĩa; mặt khác, ông phê phán cái phi nghĩa.[15]
Có thể nói, Nguyễn Đình Chiểu là một “con thuyền chở đầy đạo nghĩa”, ở ông tư tưởng nhân nghĩa được mở rộng thành lời kêu gọi, động viên cứu nước “mến nghĩa bao đành làm phản nước, có nhân nào nỡ phụ tình nhà”.[16]
Nhìn chung, quan niệm về “nhân nghĩa” của Nho giáo cũng bộc lộ những mặt hạn chế do chủ trương yêu thương con người, nhưng không phải con người trong quan hệ bình đẳng, mà phải nằm trong trật tự “luân thường”. Thông qua các tác gia tiêu biểu, “nhân nghĩa” của Việt Nam cũng là “nhân ái”, yêu người trong mọi phương thế ứng xử nhưng không phân biệt đẳng cấp trong các mối quan hệ. Đó là “Thương người như thể thương thân”. “Nhân nghĩa” Việt Nam còn được xem như là một phương thế “đánh giặc cứu nước”. Riêng Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu chú ý nhiều hơn đối tượng “nhân” để hành xử “nghĩa” đến tầng lớp “thấp cổ bé miệng nhất”. Quan điểm của các tác gia trên khá đồng nhất với văn hóa dân gian Việt Nam. Nói cách khác, nhân nghĩa chính là lòng thương người gắn với đối nhân xử thế đúng theo lẽ phải, làm điều đúng đắn, phù hợp với đạo lý dân tộc và tình yêu đất nước.

4. Chữ “nghĩa” của Việt Nam

Như vậy, chữ  “nghĩa” vừa mang nội hàm biểu thị các mối tương giao trong xã hội vừa có ý nghĩa phản ánh trách nhiệm và các giá trị đạo đức trong văn hóa Việt Nam. Triết lý “nghĩa” của người Việt bao gồm: “trọng ơn” , “trọng tình”, không những có giá trị đạo đức làm nên bản sắc của dân tộc mà còn là quy tắc, phương thế ứng xử trong đời sống giữa con người với nhau. Triết lý “nghĩa” đã nâng tâm tình “tri ân” lên thành đạo lý của dân tộc – đạo hiếu.
Qua các tác gia tiêu biểu, triết lý “nhân nghĩa” của Việt Nam được xác định rõ là “nhân ái” (yêu người) nhưng không phân biệt thứ hạng, đẳng cấp,… trong xã hội. Đó là “Thương người như thể thương thân”. Với Nguyễn Trãi, “nhân nghĩa” Việt Nam còn được xem như là một phương thế “đánh giặc cứu nước”. Cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu đều xem “nhân” (tầng lớp yếu thế trong xã hội) là đối tượng để hành xử “nghĩa”. Quan điểm trên khá đồng nhất với văn hóa dân gian Việt Nam. Đó là “thương người” đi liền với ‘đối nhân xử thế” theo lẽ phải, phù hợp với đạo lý dân tộc và tình yêu đất nước.
Tóm lại, chữ “nghĩa” có tầm quan trọng to lớn trong nhiều khía cạnh của ngôn ngữ, văn hóa, đời sống xã hội. Qua ngôn ngữ, chữ “nghĩa” không những truyền tải các giá trị, tư tưởng và triết lý sống dân tộc mà còn phản ánh các giá trị đạo đứctruyền thống văn hóa Việt. Chữ “nghĩa”  xuất hiện trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ,… và cả trong những tác phẩm tiêu biểu đã giúp lưu giữ và truyền tải văn hóa qua các thế hệ.
Trong văn hóa Việt Nam, chữ “nghĩa” hướng dẫn cách ứng xửlối sống của con người, chẳng hạn như lòng hiếu thảo, tình bạn, tình yêu và nghĩa vụ xã hội. “Nghĩa” chính là nền tảng của các mối quan hệ xã hội. “Nghĩa” nhấn mạnh đến trách nhiệm, bổn phận, lòng trung thành cũng như hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, chữ “nghĩa” còn thể hiện qua việc thực thi công bằng và lẽ phải, đảm bảo mọi người đều được đối xử công bằng và quyền lợi của mình được tôn trọng.
Có thể nói, chữ “nghĩa” đóng vai trò then chốt trong việc hình thành và duy trì các giá trị cốt lõi của ngôn ngữ, văn hóa, đời sống xã hội.  Chữ “nghĩa” không chỉ định hướng hành vi và tư tưởng của con người mà còn góp phần xây dựng một xã hội văn minh, công bằng và nhân ái.
(Còn tiếp)
 

[1] x. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB. TP HCM, tr.316
[2] x. Hoàng Phê (chủ biên), Tự điển Tiếng Việt; Viện ngôn ngữ học. x. Khai trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển. x. Đào Duy Anh, Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, nhìn chung đều định nghĩa “nghĩa”: (1) Lẽ phải mẫu mực, khuôn phép, (2) Quan hệ tình cảm, (3) Cái nội dung, (4) Giá trị
[3] x. Từ điển tiếng Việt, tr.17
[4] Ibid., tr.962
[5] Ibid., tr.675
[6] Ibid., tr.17
[7] x. Trần Ngọc Thêm, Tìm về Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB. TP HCM, 1997, tr.522
[8] x. Ibid., tr.114 & 126
[9] Ibid,. tr.309
[10] Hoàng Hữu Các, “Giá trị của chữ tình, chữ nghĩa.” Gia đình và Xã hội, 28/06/2011, https://giadinh.suckhoedoisong.vn/gia-tri-cua-chu-tinh-chu-nghia-172110627052153106.htm
[11] x. Hồ Chí Minh - Tuyển tập, tập 10, NXB Sự thật, HN, (1998), tr.662
[12] x. Nguyễn Thị Luận, “Phạm trù nghĩa trong tư tưởng của một số nhà nho Việt Nam. Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, Số. 3 (2015), 04/08/2015
[13] x. PGS. Nguyễn Thạch Giang, “Nhân nghĩa, từ hứng vị siêu hình của dịch truyện đến tư tưởng chỉ đạo chiến lược Bình Ngô của Nguyễn Trãi.” Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, Số. 2 (2006), 18/08/2015.
[14] x. Nguyễn Văn Bình, Quan niệm của Nho giáo về các mối quan hệ xã hội, ảnh hưởng và ý nghĩa của nó đối với xã hội ta ngày nay, Luận án tiến sĩ Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2001, tr.99
[15] x. Nguyễn Đình Chiểu (1980), Toàn tập, t.1, NXB. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, tr.129
[16] Ibid., tr.131
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập91
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm76
  • Hôm nay26,079
  • Tháng hiện tại377,393
  • Tổng lượt truy cập51,708,728

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây