CHỮ “NGHĨA”: TỪ NGÔN NGỮ TRONG VĂN HÓA  ĐẾN NGỮ NGHĨA CÔNG GIÁO (KỲ CUỐI)

Thứ ba - 17/09/2024 07:09  87
CHỮ “NGHĨA”: TỪ NGÔN NGỮ TRONG VĂN HÓA  ĐẾN NGỮ NGHĨA CÔNG GIÁO (KỲ CUỐI)
Nguyễn Kim Binh
  1. Chữ “nghĩa” trong ngữ nghĩa Công giáo Việt Nam
Bước sang lĩnh vực đức tin Công giáo, chữ “nghĩa” được khoác lên mình “tấm áo mới” vừa mang âm hưởng giá trị của triết lý dân tộc Việt lại vừa là hình thức biểu đạt về ý nghĩa về giá trị luân lý, đạo đức đặc trưng Công giáo. Qua các Thánh vịnh, giáo lý và câu kinh mà người Công giáo thường đọc, chữ “nghĩa” không chỉ được hiểu và biểu trưng cho mối quan hệ mật thiết giữa Thiên Chúa với con người mà còn là từ ngữ biểu trưng cho những “ưu phẩm” của Thiên Chúa.

 1. Chữ “nghĩa” biểu thị mối tương giao mật thiết giữa Thiên Chúa với loài    người

Trước hết, “ơn nghĩa” là hình thức biểu trưng mối tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và con người. Theo Thánh kinh, “ơn nghĩa” là “ơn” mà Thiên Chúa nhân lành ban cho người tội lỗi: “Ông No-ê được nghĩa trước mặt Gia vê.” [1] Đó cũng là “thuộc tính của Thiên Chúa” - Đấng “chạnh lòng thương”, huệ ái, bao dung, đầy nhân nghĩa, tín thành. Ơn nghĩa cũng được hiểu như là “ân sủng”, “ân huệ”, hay “ân phúc” của Chúa. Trong Tin Mừng Lu-ca (Lc 1:30), thiên sứ Gabriel nói với Maria: “Đừng sợ, vì bà đã được ơn nghĩa cùng Đức Chúa Trời”. Ý nghĩa này được tóm gọn trong Kinh Kính Mừng để tôn vinh Đức Mẹ “đầy ơn phước”(full of grace - Anh ngữ). Như vậy, ơn nghĩa cũng chính là “ơn phúc” từ nơi Chúa. “Ơn” ở đây cũng không như là phúc lộc tự nhiên như: thành công, khỏe mạnh,… nhưng là “món quà siêu nhiên” do lòng hảo tâm của Thiên Chúa. “Ơn nghĩa” theo cách diễn đạt Việt Nam đó là “món quà” được Thiên Chúa tặng cho con người để ta có thể sống trong “tình nghĩa” với Ngài.
Theo ý nghĩa thần học, “ơn nghĩa” hay “ơn Thánh” (ơn thường sủng) là “Ơn hằng ở trong linh hồn ta, thánh hóa tâm hồn ta và làm cho Chúa vui thích, hài lòng. Ơn Thánh cũng làm cho các việc lành ta thêm công phúc ở đời và là phần thưởng mai sau. Còn ơn hiện sủng là ơn ban nhưng không trong hiện tại giúp ta ngay cả khi ta có tội để ta có thể nối lại “tình nhân nghĩa” với Chúa.” [2]
Mượn cách thức miêu tả mối tương giao “biết ơn”, “tình nghĩa” và “ơn nghĩa” trong văn hóa Việt Nam, Thánh Kinh diễn đạt mối quan hệ giữa Thiên Chúa với con người như tương giao cha – con trong gia đình. Thánh ca Giờ kinh Phụng vụ còn ghi rõ: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô.” (Ep 1,5) [3]
Trong cuốn “Việt Nam phong tục”, Phan Kế Bính cho biết: Trong gia đình Việt Nam cũng thường có tục nuôi con nuôi (nghĩa tử). Con nuôi cũng có được quyền lợi và giá trị như con ruột. Nghĩa là, cha mẹ nuôi phải có trách nhiệm vun trồng dạy dỗ, và con nuôi cũng có “nghĩa vụ” hiếu kính phụng dưỡng cha mẹ nuôi như cha mẹ đẻ, mai sau cũng được thừa hưởng gia tài. Cho nên, “nghĩa” (nghĩa tử) cho biết mối quan hệ tình cảm, là “đạo lý” giữa cha – con trong gia đình Việt. Đó cũng là hình thức biểu trưng cho ý nghĩa trong Công giáo: Con người được nhận vào gia đình Thiên Chúa, làm con cái Chúa với tất cả các đặc lợi và đặc quyền đi kèm. Mối dây liên kết thiêng liêng này có được là nhờ vào sự hy sinh và công cuộc cứu chuộc của Đức Ki-tô. Việc trở thành “nghĩa tử” này không phải là điều ngẫu nhiên, mà là một phần trong kế hoạch đã được định trước của Thiên Chúa, thực hiện qua Đức Giê-su Ki-tô. Điều này cũng phản ánh tình yêu thương, ân sủng cũng như sự chọn lựa của Thiên Chúa dành cho những ai tin vào Ngài. Tình phụ tử được khẳng định: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. (Ga 1:12-13) Chính Chúa Giê su đã chúng ta biết mối tương quan Cha – con này qua kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời […]”
Theo Cựu ước, ban đầu dân tộc Israel chính là “con cái Thiên Chúa”, sau đó quan niệm này được dành để gọi các người công chính, nhưng rồi người ta nhận thấy rằng mọi người cũng là con cái của Thiên Chúa. (Is 43,6). [4] Qua Đức Giê-su, chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha. Qua ơn Bí tích Rửa tội, bởi nước và Chúa Thần, chúng ta được tái sinh và trở nên anh em với nhau. (1 Ga 4,7) [5]
Nếu mối quan hệ “huynh đệ” đã được xác lập trong “ngũ luân” (Nho giáo) thì trong Công giáo, mối tương giao này cũng được xác định rõ ràng qua lời nhắc nhở của Đức Giê-su: “Các con đừng gọi ai dưới đất là Cha, vì có một Cha mà thôi, là Cha trên trời. (Mt 23,9). Câu Kinh Thánh đã nhấn mạnh mối quan hệ đức tin giữa các tín hữu và Thiên Chúa, đồng thời nhắc nhở về sự tương quan bình đẳng giữa con người dưới đất. Sự bình đẳng trong Chúa được khẳng định trong Gl 3,28 như sau: “Chẳng còn phân biệt giữa người Do Thái và người Hy Lạp, giữa người nô lệ và người tự do, giữa người nam và người nữ; vì anh em tất cả đều là một trong Đức Giê-su Ki-tô.”
Có thể nói, sống trong “ơn nghĩa” (ân sủng) Chúa, tức là người tín hữu phải xác tín Thiên Chúa là Cha đầy lòng xót thương (nhân nghĩa, nhân ái) và cần thi hành bổn phận (nghĩa vụ) làm con cái trong gia đình thiêng liêng của Ngài trong “hiếu kính” , “vâng phục” luôn là điều cốt lõi.
Hiếu kính, thảo hiếu là một quy tắc đạo đức (luật) ở Đông phương nói chung cũng như cách hành xử “hiếu nghĩa” có trong văn hóa Việt Nam, nhưng đó cũng chính là Điều răn thứ Tư, của Đức Chúa Trời. Có thể tóm tắt Mười răn của Chúa trong bốn chữ “mến Chúa yêu người”. Tuy nhiên, trong hành trình đức tin sống tương quan với Chúa và “anh em” mình, người tín hữu thường thấy mình là người “bất hiếu”, bất nghĩa, bội nghĩa,... với Chúa – Người Cha nhân hậu, tốt lành, bao dung. Vì thế, trong các bài kinh thường xuất hiện nhiều từ ngữ, thành ngữ chứa yếu tố “nghĩa” phản ánh thái độ “bất hiếu” của con người với Thiên Chúa: lỗi nghĩa, bất nghĩa, vong ân bội nghĩa, bội nghĩa vong ân, thất hiếu bội nghĩa, thất hiếu bạc nghĩa,… Chẳng hạn: “ […] Con lỗi nghĩa, bất hiếu cùng cha mẹ, thì cha mẹ cùng từ con; mà con bỏ Chúa, song Chúa chẳng bỏ con, con thất hiếu lỗi nghĩa cùng Chúa chẳng biết mấy phen, mà Chúa chẳng hề từ con. Con làm nghịch cùng vua chúa quan quyền, thì con hoặc chịu cầm tù, hoặc phải chết; mà con làm mất nghĩa cùng Chúa, thì Chúa chẳng giết con.” [6] Quán ngữ “thất hiếu bạc nghĩa” trong câu kinh sau cùng đồng nghĩa như thế: “Dầu muôn vàn lần con thất hiếu bạc nghĩa cùng Chúa, thì Chúa chẳng chấp, một Chúa quên hết.” [7]
  • Lưu ý: “thất hiếu bạc nghĩa”, “thất hiếu bất nghĩa” nhấn mạnh rằng việc không làm tròn bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ (thất hiếu) là một hành động thiếu đạo đức (bất nghĩa). Trong kinh “Kì ngũ hậu”: “vô tình bạc nghĩa” cũng trong sách Mục lục (trang 697), ta còn thấy thành ngữ “Vô tình bạc nghĩa" là những hành vi và thái độ thiếu tình cảm, nhân ái và không trân trọng tình nghĩa của người khác. Hành động đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức, gây tổn thương cho các mối quan hệ. Người Việt thường nói”vô tình” tức là không quan tâm tâm đến thái độ, suy nghĩ của người khác. Như thế , “vô tình bạc nghĩa” với Chúa chính là thái độ hay cách đối xử không có “tình nghĩa” trong tương quan với Thiên Chúa.
Yếu tố “nghĩa” trong các câu kinh trên không chỉ dừng lại ở quy tắc đạo đức “hiếu kính”, “tôn kính” ơn Thánh, thánh ý của Ngài mà còn là “bổn phận” (nghĩa vụ), là “lòng biết kính sợ” Thiên Chúa, là thái độ “vâng nghe theo ý Ngài”. Thái độ đó có trong “Huyền ca của Đức Ki-tô: “Ngài đã vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá.” (Pl 2,8). Theo Nho gia thì đó cũng là “lòng trung nghĩa” (trung thành, thành tâm, thành tín) mà mỗi tín hữu cần có trong đời sống đức tin.
Quan niệm Nho gia về “lòng trung thành” và “trách nhiệm” trong mọi mối quan hệ thể hiện: "Quân xử thần tử, thần bất trung, bất nghĩa; quân bất nhân, thần bất nghĩa, bất trung.” (Luận ngữ), có nghĩa là: Vua bảo mà dân không nghe đó là lúc dân “bất trung, bất nghĩa”, nhưng khi vua không có “lòng nhân” thì thần dân không cần phải giữ lòng trung thành với vua đó nữa. Mẫu gương “trung thần nghĩa sĩ” cũng được Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ cho biết: “Từ xưa, các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có.” [8] Tiêu chuẩn cho “trung thần nghĩa sĩ” theo Trần Quốc Tuấn có thể hiểu được là hy sinh vì đất nước. Mượn hình thức diễn đạt của Nho giáo Việt Nam, chữ “nghĩa” trong Công giáo cũng là hình thức biểu trưng cho ý nghĩa: “sự vâng phục, lòng trung thành, trung tín, thành tín, chân tình”. Trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa với con người thì Thánh Vịnh xem Thiên Chúa như một người chủ tốt lành, nhân từ còn con người là “tôi tớ trung tín, tốt lành”: “Xưa Chúa phán: ‘Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn, đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta’” (Tv 89,40). “Nghĩa bộc” ở đây chính là Đa-vít –  “người tôi tớ trung tín, đáng tin cậy” của Chúa trong Cựu ước, là người chẳng bao giờ “bội nghĩa bất trung” (Tv 119,11) với Ngài, hay lỗi phạm với Ngài. Trong Tân ước, chính Chúa Giê-su cũng là mẫu gương “Tôi Trung” như thế: Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã tự hạ mình ra không, nhận lấy hình dạng của một đầy tớ, trở nên giống như loài người. Ngài đã hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập giá. (x. Pl 2.7-8)
Trong kinh đọc hai Thánh tử đạo Tê-pha-nô và An-rê, ta còn tìm thấy điều này: “Gương nhân đức đà nên cao tuổi/ Tiết trung nghĩa vững vàng dường cột đá”. [9]Tiết trung nghĩa” trong câu kinh trên chính là “khí tiết”, “tín trung” vốn được dùng để chỉ đạo đức người “quân tử”, nhưng khi đi vào ngữ nghĩa Công giáo đã trở thành “nhân đức Ki-tô giáo”, là phẩm chất cho “chứng nhân anh dũng cho đức tin”.[10]
Trong đời sống thường ngày, mối quan hệ bằng hữu thường nổi lên những đặc điểm: gắn bó tình cảm, chia sẻ với nhau những vui buồn và thách thức. Đôi bạn thân thiết, thân tình thường trung thành, sẵn sàng hỗ trợ , bảo vệ nhau trong mọi tình huống. Họ biết chấp nhận nhau trong mọi sự. Những lời kinh sau đây đã chứng tỏ “nghĩa” chính là biểu trưng cho mối thân tình bằng hữu ấy: “Con muốn làm kẻ có tội trở lại, cùng đánh thức kẻ làm con Hội Thánh, mà ở mê muội vô tình, chẳng hay lo cho sáng danh Chúa, cùng làm sáng danh Hội Thánh, là bạn thiết nghĩa Chúa”. [11] Như vậy, “bạn thiết nghĩa Chúa” ở đây chính là Giáo hội, là những con người đang sống. Mối quan hệ kiểu “tình nghĩa bằng hữu” này đã được Đức Giê-su khi xưa xác nhận khi Ngài bảo với các môn đệ rằng: “Thầy không còn gọi các con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ mình làm. Nhưng Thầy đã gọi các con là bạn hữu, vì những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy thì Thầy đã cho các con biết.” (Ga 15,5).  Câu Kinh Thánh trên không chỉ đáp ứng thắc mắc vì sao Chúa Giê su gọi các môn đồ của Ngài là “bạn hữu” mà còn diễn tả mối quan hệ khăng khít mật thiết giữa Chúa Cha với Chúa Con cũng như mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người thông qua Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta. Đó cũng là đỉnh cao của tình yêu vĩ đại mà chính thánh sử Gio-an xác nhận: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). [12]
Tuyệt vời thay! Chữ “nghĩa” còn là một “đặc ngữ” phản ánh cho cuộc “hôn nhân kỳ diệu” giữa Thiên Chúa và con người. Nói đến hôn nhân là nhắc đến “lời thề”, kết ước”, “giao kèo” (covenant – Anh ngữ) dựa trên “tình nghĩa” của hai người “bạn đời”. Trong mối lương duyên này, Thiên Chúa thực thi cái “giao kèo” ấy với Abraham và hứa ban cho ông  trở thành cha của một dân tộc vĩ đại. Giao ước này có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ đặc biệt giữa Thiên Chúa và dân Israel – dân riêng của Ngài. (St 12,1-3). Cũng vậy, trên núi Si-nai, Thiên Chúa đã thiết lập “Mười Điều Răn” (x. Xh 19), ban “quy chế pháp lý” và đạo đức cho Dân Người. Chính Môsê xác nhận giao ước với dân Israel bằng cách đọc Luật và dân chúng đồng ý thực hiện (x. Xh 24:7-8) 
Tân ước (giao ước mới) là giao ước tình yêu vĩnh cửu do chính Chúa Giêsu thiết lập qua cái chết của Ngài cũng diễn tả “sự tương giao” mới giữa Thiên Chúa và nhân loại mang ý cứu chuộc và hòa giải, hoàn thành các lời hứa của Cựu ước. “Chén này là giao ước mới trong máu của Ta, đổ ra vì các ngươi.” (Lc 22:20)
Trong Kinh Thánh, các ngôn sứ không ngần ngại sánh ví Thiên Chúa như người cha âu yếm đã từng nuôi dưỡng đức con thơ (x. Hs 11,1-8); như người mẹ không thể nào quên đứa con mình ra cưu mang (x. Is 49,15) và như một “người chồng chung thuỷ” không bỏ rơi “người vợ thất tín” (x. Hs 2,16-25; x. Gr 2,2; 3,1; 31,20; x. Ed chương 16 và 23).
Thêm vào đó, Thánh vịnh (25, 6) đã mô tả Thiên Chúa như một “tình quân” với “nghĩa nặng ân sâu”: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu, Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời." (Tv 25, 6). [13] Thiên Chúa vẫn nặng lòng với những gì Ngài giao ước, Ngài luôn ấp ủ “nghĩa cũ tình xưa” (x. Tv, 89,50) và chẳng bao giờ “đoạn tình dứt nghĩa” với con người (x. Tv 89,34; Tv 66,20). Thiên Chúa không “đoạn tình dứt nghĩa” có nghĩa là Thiên Chúa không cắt đứt mối thâm giao mà Ngài đã hứa từ xa xưa, Ngài vẫn trung thành với tình yêu thương mà Ngài đã dành cho con người. Thế nhưng, dân Israel (Dân Chúa) thì vẫn cứ “bội nghĩa bất trung” (x. Tv 119,11). Thánh vịnh 98,3 còn ghi lại: “Người đã nhớ lại ân tìnhtín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en. Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.”
Trong các bản kinh đọc hằng ngày của Sách kinh Quy Nhơn, chúng ta cũng dễ bắt gặp những quán ngữ như: “phụ ơn bội nghĩa” (tr.357; 415); “vô nhân bất nghĩa” (tr. 355; 362) “bội nghĩa vong ân” (tr. 363; 373) “bất nghĩa cùng Chúa bấy lâu” (tr.413); “vô ơn bội nghĩa” (tr.416),… đều diễn tả sự “bất trung” và “vô ơn” của con người với Thiên Chúa. Ở chặng thứ 9, “Đức Giê-su ngã xuống đất lần thứ 3” cho chúng ta biết thêm lý do như sau: “[…] phần thì thấy muôn vàn tội lỗi thế gian, phần thì thấy nhiều người sẽ bội nghĩa vong ân cứu chuộc.” (tr.125)
Tóm lại, qua những câu kinh đọc và Thánh vịnh Công giáo, chữ “nghĩa” (ơn nghĩa) thường được sử dụng để chỉ ơn lành và ân sủng của Thiên Chúa, diễn tả lòng từ bi, tình yêu thương vô điều kiện của Ngài đối với con người. Mượn các hình thức diễn tả các mối tương giao trong cuộc sống, qua chữ “nghĩa”, Thiên Chúa luôn hiện hữu như “người cha nhân từ”, “ông chủ tốt lành”, “người bạn thiết nghĩa” và nhất là “người chồng bao dung, chung thủy, đầy lòng yêu thương”. Khuôn mặt “người chồng” ấy  có thể nhận ra qua lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa. Mặt khác, “nghĩa” không những biểu trưng cho “giới răn”, “giao ước” và lề luật đầy yêu thương của Chúa mà còn phản ánh những “phẩm tính ưu việt” của Ngài.

2. Chữ “nghĩa” trong Công giáo biểu trưng cho “phẩm tính” của Thiên Chúa

Trong Do thái giáo và Ki-tô giáo, Thiên Chúa luôn được xem là đấng toàn năng, toàn trí, và toàn thiện, là nguồn cội của đạo lý và công lý. Trong Công giáo, phẩm chất của Thiên Chúa thường được gắn với những thuộc tính như sự thiện lành, công bằng, và yêu thương vô điều kiện. Các phẩm chất ấy cũng là những đặc điểm mà chữ “nghĩa” có thể biểu trưng.
Trong mối quan hệ Thiên Chúa và con người, ân nghĩa, ân tình (kindness, favor – Anh ngữ) chính là sự ban phát tình yêu và sự cứu rỗi nhưng không (vô điều kiện) từ Thiên Chúa cho con người, mặc dù con người không xứng đáng hoặc không thể tự mình đạt được. Đây là một hình thức của sự yêu thương và chăm sóc vô điều kiện, phản ánh lòng nhân từ của Thiên Chúa. Hãy đọc kinh Ăn năn tội để thấy rõ : “[…] Chúa đã dựng nên con và cho con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con mà con đã phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa […] và nhờ Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội […].”[14] Vậy, “nghĩa” ở đây không chỉ dừng lại ở “ân sủng”, “ơn lành” của Chúa mà còn là “luật Chúa”, “đặc tính” , là “lòng nhân từ”, “lòng khoan dung” của Chúa.
Theo Lm. Phan Tất Thành (O.P) , trong tiểu luận “Lòng thương xót: Kinh Thánh và Thần học[15] thì đặc ngữ “misericordia” (La ngữ) có 13 đặc tính tương đương với 13 từ ghép khác nhau: nhân hậu, từ bi, từ ái, thương xót, thành tín, nhân nghĩa,… trong đó, 11 đặc tính thuộc: từ bi - nhân hậu và 2 đặc tính liên quan đến công bình. Trong Kinh thánh, cặp đôi “công bình và thương xót”  (emet và hesed - Hebrew) xuất hiện đến 30 lần trong Cựu ước. Hai đặc tính này được diễn tả dưới nhiều hình thức tương đương trong bản dịch Việt ngữ: “tín thành – ân nghĩa; tín nghĩa – ân tình; nhân hậu – thành tín; nhân từ – chính trực” được sử dụng khá nhiều trong các thánh vịnh: “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người. Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm.” (Tv 117; xc. Tv 25,10; 40,11-12; 85,12; 86,15; 89,15; Is 55,3; Gn 4,4; Hs 6,6; Ac 3,22; ; 2Sm 2,6; 15,20; Mk 7,20). Trong Tân ước, cặp đôi “ân sủng – chân lý” còn thấy ở Ga 1,14.17. Cả hai đều nói lên sự gần gũi âu yếm của Thiên Chúa: “emet” không chỉ có nghĩa là công bình chính trực, mà còn là trung tín với lời hứa bất chấp sự bội tín của con người (x. Tv 30,10; 31,6; 71,22; 91,4; Is 38,18; 61,8; Gr 32,41); còn “hesed” là lòng thương xót, khoan nhân, và cũng dựa trên lời hứa hoặc giao ước. Như vậy, cả hai đặc tính đều dựa trên lòng đại lượng của Thiên Chúa, Ngài tự ý ràng buộc mình với con người.
Bàn về “tín nghĩa” (veritas - La ngữ), Lm. Stê-pha-nô Huỳnh Trụ đưa ra bảng đối chiếu như sau:
  Vulgata Cố Chính Linh Lm. Giu-se Nguyễn Thế Thuấn (CSSR) CGKPV
Tv 61,8 sedebit semper ante faciem Dei misericordia et veritas servabunt eum
 
Vua được bền đỗ trước mặt Chúa đời đời, ai thấu suốt nhân từ, chân thật Chúa? Ngự trị mãi mãi trước mặt Thiên Chúa, ân nghĩa cùng sự thật hãy hộ vệ ngài Hiển trị muôn đời trước Nhan Thánh, được ân tình tín nghĩa chở che
Tv 85,11 misericordia et veritas occurrerunt iustitia et pax deosculatae sunt
 
Nhân từchân thật gặp lẫn nhau;
Công chính và hòa thuận hôn mặt nhau
 
Ân nghĩa, tín thành cùng nhau hội ngộ, công chính bình an áp má hôn nhau. Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên.
 
Tv 85,12 veritas de terra orta est et iustitia de caelo prospexit
 
Chân thật bởi đất mọc lên
Công chính bởi lời soi xuống
 
Từ đất tín thành nẩy mầm, từ trời công chính đoái lại Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao.
Tv 89,15 iustitia et iudicium firmamentum throni tui misericordia et veritas praecedent faciem tuam
 
Công chínhlý đoán là nền tòa Chúa;
nhân từ và chân thật đi trước mặt Người
Chính trực, công minh là bệ ngai Người, ân nghĩa sự thật đi trước nhan Người. Bệ ngai vàng: này công minh chính trực, quân tiền phong: đây tín nghĩa ân tình
Tv 98,3 recordatus est misericordiae suae et veritatis suae domui Iacob Chúa nhớ lại nhân từ Người;
và chân thật Người vuối nhà Israel.
Ơn nghĩa và lòng trung tín của Người, Người đã nhớ lại cho nhà Israel. Người đã nhớ lại ân tình
và tín nghĩa dành cho nhà
Ít-ra-en.
Cn 3,3 misericordia et veritas non te deserant circumda eas gutturi tuo et describe in tabulis cordis tui
 
Nhân từ chân thật chớ lìa khỏi con;
hãy đeo nó vào cổ con, ghi nó trong bia lòng con
Chớ gì trung tín và tín nghĩa không rời bổ con ! Con hãy đeo chúng nơi cổ, viết chúng trên phiến lòng con. Ước chi ân tình và tín nghĩa chẳng hề lìa xa con,
nhưng nên như vòng con đeo vào cổ, và được con ghi khắc tận đáy lòng





 
       
         

Bảng đối chiếu cho thấy “misericordia” (veritas – La ngữ) được cố Chính Linh dịch sang Việt ngữ thành “nhân từ - chân thật” ; còn Cha Thuấn và CGKPV thì đều dịch là “ân nghĩa - tín thành (trung tín, thành tín) - tín nghĩa - ân tình (ơn nghĩa)”. Như vậy, cách dịch hai từ La-tinh này sang Việt ngữ đều mang tính triết lý “ơn, nghĩa, tình” mà chúng tôi có dịp nói ở phần trước.
Với CGKPV, cặp “ân tình - tín nghĩa” không chỉ tìm thấy ở các Thánh vịnh kể trên mà còn ở các câu Thánh vịnh khác (Tv 89,50; Tv 61,8). Một vài Thánh vịnh khác sử dụng một số quán ngữ “tình nghĩa, ơn nghĩa” quen thuộc để đặc tả “ưu phẩm” của Thiên Chúa. “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu, Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời." (Tv 25, 6). Hãy đối chiếu Thánh vịnh này qua Anh ngữ: “Remember, O Lord, your great mercy and love, for they are from of old.” (NIV, 2011) (Hãy nhớ lại, lạy Chúa, lòng nhân từ và sự thương xót của Ngài, vì chúng đã có từ xưa). Đây là một lời cầu xin Thiên Chúa nhớ lại lòng nhân từ và sự thương xót và đó cũng là những “phẩm tính” đã tồn tại từ lâu nơi Ngài. Lòng “thành tín” của Thiên Chúa được thể trong Tv (89,50) qua việc sử dụng quán ngữ “nghĩa cũ với tình xưa”; hay “ơn cả nghĩa dày” (Tv 69,14); “dứt nghĩa đoạn tình” (Tv 66,20); ơn nặng tình sâu” (Tv 25, 6),…
Việc dùng các quán ngữ “ơn nặng tình sâu”, “ơn cả nghĩa dày”, “dứt tình đoạn nghĩa”, “tín nghĩa ân tình”,v.v để dịch thuật ngữ Công giáo “misericordia - veritas” trên cho thấy: chữ “nghĩa” đã cố gắng đặc tả Thiên Chúa đầy lòng xót thương và trung tín. Nói cách khác, “ân tình” và “tín nghĩa” chính là hai “ưu phẩm” của Thiên Chúa mà các Thánh vịnh diễn tả. [16]

3. Giải thích ý nghĩa chữ “nghĩa” trong một số câu kinh Công giáo

Trong đời sống đức tin của người Công giáo, những lời kinh cầu, những lời ca trong Thánh vịnh không chỉ phản ánh hình thức cầu nguyện và thờ phượng Chúa mà còn chứa đựng những thông điệp về giáo lý đức tin phong phú. Việc giải thích “chữ nghĩa” trong các văn bản này không những khám phá sâu xa ý nghĩa về mối tương giao giữa Thiên Chúa và những “ưu phẩm” của Ngài mà còn giúp ta nhận ra phương thức hình thành và diễn đạt đời sống đức tin của tín hữu Việt Nam.
Hãy lắng một câu kinh cầu nguyện trong Phép lần hạt 5 sự Mừng: “Xin Đức Mẹ cứu giúp chúng con cho khỏi mất lòng Đức Chúa Trời và giữ ơn nghĩa cùng Chúa cho đến chết, thì mới được xem thấy mặt Chúa cùng Đức Mẹ mà hưởng phước đời đời kiếp kiếp.” [17]
Như vậy, “ơn nghĩa” trong câu kinh là không làm “mất lòng Chúa”, nhưng là “đẹp lòng Chúa”, là không “đoạn tình dứt nghĩa” (Tv 89,34) với Ngài, không đánh mất tình thân Ngài. Bởi, “ơn nghĩa” tình nghĩa gắn bó do có ơn với nhau.” [18] Ở đây, “ơn” thì xuất phát từ Thiên Chúa và “nghĩa” còn là “nghĩa vụ, bổn phận, trách nhiệm” vừa thuộc về bản chất của Thiên Chúa và cũng là phần của con người đáp trả lại trong mối tương quan đó. Vì thế, người Công giáo, trong nhiều câu kinh khác nhau (tham khảo Sách kinh Quy Nhơn) thường có cụm từ “ơn nghĩa cùng Chúa” là vậy. Chẳng hạn: “Xin Chúa cho chúng con là kẻ đã chết trong vòng tội lỗi, được ơn nghĩa mà sống lại cùng Chúa” (tr.92). “Ơn nghĩa” đối lập với tội lỗi, là phạm luật Chúa, hay nói như lời kinh quen thuộc mà ta thường đọc là “lỗi nghĩa cùng Chúa” như: “[…] mà con cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa […]” (tr.13); “[…] song le chúng con nhớ lại xưa nay chúng con lỗi nghĩa cùng Chúa như vậy […]” (tr.355)
Nếu trong văn hóa Việt Nam, “nhân nghĩa” thuộc về “giá trị đạo đức” của một con người, là “phương châm đánh giặc cứu nước”,v.v thì trong ngữ nghĩa Công giáo, “nhân nghĩa” đã thành “ưu phẩm” , một phương thức đối xử “đầy lòng trắc ẩn” của Thiên Chúa đối với con người.
Nói theo kiểu Việt Nam, Thiên Chúa đã “trọn tình vẹn nghĩa” trong việc thực thi lời cam kết của Người qua lời kinh Magnificat: “đã trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên” (Lc 1,72). Đối với mỗi người tín hữu, “nhân nghĩa” cũng là “điều ta phải làm”, là “nghĩa vụ” (bổn phận, trách nhiệm) trong hành trình đời sống đức tin để có được mối giao hảo tốt đẹp với Chúa – Đấng đầy “nhân nghĩa” với tất cả mọi người để có được kết cục tốt đẹp là “hưởng phước đời đời kiếp kiếp”. Cho nên, trong các bài kinh ta thường bắt gặp những cụm từ quen thuộc: “trả nghĩa” (tr. 92),”giữ nghĩa cùng Chúa”, “cám ơn trả nghĩa”, “đền ơn trả nghĩa”, “báo nghĩa”,… như lời cầu nguyện: “Xin Chúa xuống phước lành cho con và đoái xem phù hộ con cho vẹn khỏi mọi tội lỗi, hầu giữ trọn nghĩa cùng Chúa […]” (tr.98; 176)
Ý nghĩa của “giữ nghĩa cùng Chúa” hay “trọn nghĩa cùng Chúa”,… là lời cam kết trung thành sống theo thánh ý Chúa trong mọi nơi mọi lúc, dù khó khăn hay thuận lợi. Đó là sự duy trì và tuân giữ toàn vẹn giá trị đạo đức, tình nghĩa và trách nhiệm của người tín hữu trong các mối quan hệ và hành động đối với giáo huấn của Thiên Chúa. “Giữ trọn nghĩa” không chỉ là trung thành mà còn bao gồm cả sự biết ơn và đáp trả tình yêu mến Chúa, đền đáp công ơn cứu chuộc của Chúa. Như vậy, “nghĩa” ở đây cũng chính là lời thề hứa trung thành theo Chúa, đền đáp lại tình yêu thương của Ngài dành cho mình. “Nghĩa” biểu trưng cho “đức ái” (charity – Anh ngữ). Câu kinh sau cho thấy điều đó: “Xin cho chúng con hằng nhớ đến mọi sự thương khó ĐCG,…, cùng hết lòng kính mến mà đền ơn trả nghĩa cho Đức Chúa Giê-su, vì đã hết lòng yêu dấu chúng con dường ấy […]” (tr. 260).
Những cụm từ như “báo nghĩa” “trả nghĩa” “đền ơn trả nghĩa”,… vốn là bày tỏ thái độ nhận biết và cảm kích đối với những hành động tốt đẹp mà người khác thi ân cho mình trong cuộc sống, thì ở góc độ ngữ nghĩa Công giáo, những cụm từ ấy lại khơi dậy lòng biết ơn và cảm tạ về những sự hy sinh và tình yêu vô điều kiện mà Thiên Chúa qua Đức Giê su đã dành cho con người. Cho nên, nghĩa ở đây không chỉ là ơn lành, phúc lộc, tình thương mà con người được nhận lãnh từ nơi Thiên Chúa mà còn là “luân thường đạo lý” (luật yêu thương) của Chúa nữa. Cho nên, theo gương mẫu của Đức Giêsu, người tín hữu phải sống tuân theo các giáo huấn và giới răn của Ngài, và phục vụ tha nhân như Ngài đã làm. Đó cũng là tâm tình của Thánh vịnh 119,11 ấp ủ: “Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ, để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung.” “Bội nghĩa” có nghĩa là không giữ lời hứa hoặc không giữ sự cam kết. “Bất trung” có nghĩa là không trung thành hoặc không đáng tin cậy. Thánh vịnh 119,11 như một phương pháp để sống theo sự dạy dỗ của Ngài và tránh phạm tội, là tận tâm học hỏi và thực hành các giới răn của Thiên Chúa, đồng thời, nhấn mạnh lòng trung thành và sự quyết tâm giữ vững mối quan hệ với Thiên Chúa. “Bội nghĩa bất trung” còn có ý nghĩa tiêu cực chỉ sự phản bội lại lòng tốt, ân tình mà mình đã nhận được từ người khác. Đây cũng thái độ và hành vi không giữ lời hứa, không trung thành, và làm tổn thương những người đã từng tin tưởng mình, giúp đỡ mình. Trong hành trình sống đức tin, người Công giáo càng nhận thức những lỗi lầm thiếu sót trong tương quan với Chúa là Đấng thánh thiện tốt lành, thái độ đó được bộc lộ qua các từ ngữ được tìm thấy qua các cụm từ trong Sách kinh Quy Nhơn: “bội nghĩa”, “bất nghĩa”, “phi nghĩa”, “lỗi nghĩa”,… (tr. 282; 438). Đó là những lỗi lầm xúc phạm đến tình yêu  và hy sinh của Chúa, là thái độ vô đạo đức như: “phi nhân bất nghĩa”, phụ phàng ơn nghĩa” (tr.178), “phụ ơn bội nghĩa” (tr.357; 415), vô ơn bội nghĩa” (QN,tr.416); “bội nghĩa vong ân” (tr. 363; 373),… Chẳng hạn, “Chúng con thật lòng hứa cùng Chúa từ này về sau, nhờ ơn Chúa giúp thì chúng con sẽ giữ đức tin vững vàng, ăn ở thanh sạch giữ luật E-vang[19] cho trọn, nhất là luật mến Chúa yêu người, cho được bù lại những tội chúng con cùng những tội thiên hạ đã phụ ơn bội nghĩa cùng Chúa hay thương dường ấy […]” (tr.357). Còn trong Gẫm Đàng Thánh giá, chặng thứ 9 có đoạn “[…] phần thì biết nhiều người sẽ bội nghĩa vong ân cứu chuộc […]” có thể hiểu là một lời thú nhận mình nhận ơn huệ từ Thiên Chúa, nhưng lại không đáp lại bằng lòng biết ơn và sự trung thành.
Tựu trung, “nghĩa” trong ngữ nghĩa Công giáo mang nhiều ý nghĩa sắc thái khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh trong các câu kinh. “Nghĩa” không chỉ biểu trưng là ân sủng, ơn lành,giới răn yêu thương của Chúa mà còn biểu trưng cho thái độ trung thành, tuân giữ, thi hành và duy trì mối tương giao mật thiết với Chúa của con người. Đối lập với tội lỗi, thế gian, nghĩa cũng biểu thị cho nhân đức Ki-tô giáo, hướng đến sự tốt lành trên trời như trong câu kinh: “Xin cho chúng con chớ lòng yêu sự thế gian mà bỏ nghĩa Đức Chúa Giê-su yêu dấu chúng con, cho nên chịu chết vì chúng con” (tr. 104). Cho nên, muốn có được chữ “nghĩa” cho mình, người Công giáo luôn được khuyên: “vững lòng trung nghĩa” (tr. 495) và giữ “tiết trung nghĩa” (tr.463)
  1. Kết luận
Trong hành trình từ triết lý văn hóa đến ngữ nghĩa Công giáo, “chữ nghĩa” không chỉ đơn thuần là sự thể hiện ngôn từ mà còn là cầu nối giữa các giá trị văn hóa và tôn giáo. Phân tích và hiểu biết về chữ nghĩa trong ngữ nghĩa Công giáo còn cho thấy đời sống đức tin của người Công giáo luôn là sự hòa quyện và tương tác giữa yếu tố văn hóa dân tộc và giáo lý đức tin. Bài viết Chữ “nghĩa”: Từ góc độ triết lý văn hóa đến ngữ nghĩa Công giáo không chỉ nhấn mạnh từng ý nghĩa sâu sắc của những câu kinh, thánh vịnh, Kinh thánh, v.v mà còn cho thấy sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn hóa và các truyền thống đức tin. Sự kết hợp này luôn mở ra những cơ hội mới, thách đố mới để chúng ta áp dụng và làm phong phú thêm các giá trị tinh thần và đạo đức Ki-tô giáo trong bối cảnh hiện đại, đồng thời duy trì và phát triển đời sống đức tin của người Công giáo Việt Nam.
Tuy nhiên, “một cánh én không làm nên mùa xuân”, một chữ “nghĩa” thì chẳng bao giờ có thể bao quát mọi khía cạnh đời sống đức tin của người Công giáo. Do đó, vấn đề chữ “nghĩa” vẫn cần được bổ sung và phát triển thêm. Đó cũng là mong ước “Xin cho con được giữ nghĩa cùng Chúa luôn”.
 

Tài liệu tham khảo
  1. Tư liệu Việt Nam
  1. Thiều Chửu, Hán Việt Từ Điển, Nhà in Hưng Long, 1966
  2. Luận ngữ, Tập 1, Chu Hy tập chú – dịch giả Lê Phục Thiện. Bộ Quốc gia Giáo dục Xuất bản, 1962
  3. Phùng Hữu Lan, Đại cương Triết học sử Trung Quốc (Nguyễn Văn Dương dịch), NXB Thanh Niên, Trung tâm nghiên cứu Quốc học
  4. GS Ngô Vinh Chính (chủ biên), GS Vương Miện Quý, Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc (GS Lương Duy Thứ dịch), NXB. Văn hóa – Thông tin
  5. Lý Nhân & Đoàn Trung Còn, Luận ngữ
  6. Đoàn Trung Còn, Tứ thư, NXB Thuận Hóa
  7. Khổng tử, Lã Thị Xuân Thu
  8. Dịch giả Nguyễn Thượng Khôi, Mạnh tử, Tập hạ, NXB. Bộ Văn hóa giáo dục
  9. Tuân tử, Lễ luận
  10. Stepanyants M., Triết học phương Đông, (Trần Nguyên Việt dịch), NXB. Khoa học Xã hội – Hà Nội, 2003
  11. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 1997
  12. Khai trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển
  13. Đào Duy Anh, Thiều Chửu, Hán Việt tự điển
  14. Hồ Chí Minh - Tuyển tập, tập 10, NXB Sự thật, Hà Nội, (1998)
  15. Nguyễn Thị Luận, “Phạm trù nghĩa trong tư tưởng của một số nhà nho Việt Nam. Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, Số. 3 (2015), 04/08/2015
  16. PGS. Nguyễn Thạch Giang, “Nhân nghĩa, từ hứng vị siêu hình của dịch truyện đến tư tưởng chỉ đạo chiến lược Bình Ngô của Nguyễn Trãi.” Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, Số. 2 (2006), 18/08/2015
  17. Nguyễn Văn Bình, Quan niệm của Nho giáo về các mối quan hệ xã hội, ảnh hưởng và ý nghĩa của nó đối với xã hội ta ngày nay, Luận án tiến sĩ Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2001, tr.99
  18. Nguyễn Đình Chiểu, Toàn tập, t.1, NXB. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1980
  19. Trần Nguyên Việt, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Văn tuyển, T2, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004
  20. Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB. Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng, 1997
  21. Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính phiên dịch, Từ điển Việt – Bồ – La, NXB. Khoa học Xã hội, 1991
 
  1. Tư liệu Công giáo
  1. Sách kinh Giáo phận Quy Nhơn, NXB Thuận Hóa, 1996
  2. Sách Mục lục
  3. Nhóm Phiên dịch Các giờ kinh phụng vụ, Lời Chúa cho mọi người, NXB Tôn giáo
  4. Lm. Hồng Phúc, Điển ngữ Đức tin Công giáo
  5. Điển ngữ Thần học Thánh kinh, quyển I
 
  1. Tư liệu nước ngoài
  1. The Holy Bible: New International Version. Zondervan, 2011. (Bản gốc xuất bản năm 1973)
  2. Saussure, Ferdinand de. Course in General Linguistics. Roy Harris dịch. New York: Open Court, 1986
 
  1. Tư liệu Internet
  1. Fagnant-MacArthur, Patrice. “The Fruits of the Mysteries of the Rosary.” Catholic Exchange, 04/02/2020, https://catholicexchange.com/fruits-mysteries-of-the-rosary/
  2. “The Fifth Joyful Mystery, the Finding in the Temple: Jesus Teaches Us About Humble Service.” The Divine Mercy, 17/10/2014, thedivinemercy.org/articles/jesus-teaches-us-about-humble-service
  3. “Joyful Mysteries.”, Marians of the Immaculate Conception, marian.org/mary/rosary/joyful-mysteries
  4. Hoàng Hữu Các, “Giá trị của chữ tình, chữ nghĩa.” Gia đình và Xã hội, 28/06/2011, https://giadinh.suckhoedoisong.vn/gia-tri-cua-chu-tinh-chu-nghia-172110627052153106.htm
  5. Phan Tất Thành, “Lòng Thương Xót: Kinh Thánh và Thần học”, Trung tâm học vấn Đa Minh, 09/09/2021, https://catechesis.net/long-thuong-xot-kinh-thanh-va-than-hoc-2/
 
 

[1] Lm. Hồng Phúc, Điển ngữ Đức tin Công giáo, tr.386
[2] Ibid., tr. 387
[3] Lưu ý: “nghĩa tử” (dưỡng tử - adoption)
[4] Ibid., tr.91
[5] x. Điển ngữ Thần học Thánh kinh, quyển I, tr.339
[6] Sách Mục lục, Kì nhì hậu, tr.670
[7] Ibid., tr.698
[8] x. Trần Nguyên Việt, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Văn tuyển, T2, NXB. Chính trị Quốc gia, HN, 2004, tr.221
[9] Sách kinh Quy Nhơn (SKQN), tr.463
[10] Lưu ý: trung nghĩa là “hết mực trung thành, hết lòng vì việc nghĩa” (Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB. Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, HN-ĐN, 1997, tr.1014)
[11] SKQN, tr.349
[12] Lưu ý: Trong từ điển Việt – Bồ – La (Annam – Lusitan – Latinh) của Viện KHXH tại Tp HCM (Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính phiên dịch, NXB KHXH, 1991, tr.552) có ghi:
(1) “nhin nghĩa (nhân nghĩa) = amizade (Bồ); amicitia (La) được dịch: “tình bằng hữu (tình bạn)
(2) Nghĩa = amizade (Bồ); amicitia (La); “bất nghĩa” = fer defagradecido (Bồ) = inccratus (La) = vô ơn (tr.526); kết nghĩa, làm nghĩa: kết tình thân hữu (trauar amizade; amicitiam inire); nhên nghĩa (nhân nghĩa, tr.526) = conrsefia, vrbanitas (các dịch giả dịch là: lịch sự, lương thiện)
Theo từ điển này, (Cha Đắc Lộ) góc nhìn Tây phương : nghĩa = nhân nghĩa = tình bằng hữu. Điều này càng làm rõ ý nghĩa: mối quan hệ “bằng hữu” trong các câu Kinh Thánh. Thêm vào đó, Trung Hoa cũng có ngạn ngữ phù hợp với tinh thần đó: “Tứ hải giai huynh đệ”.
[13] Lưu ý: Các quán ngữ: “ân sâu nghĩa nặng”, “nghĩa nặng tình sâu” (mercy, steadfast love) cũng chỉ ra một mối quan hệ tốt đẹp đầy “tình nghĩa”.
[14] SKQN, tr.13
[15] Phan Tất Thành, “Lòng Thương Xót: Kinh Thánh và Thần học”, Trung tâm học vấn Đa Minh, 09/09/2021, https://catechesis.net/long-thuong-xot-kinh-thanh-va-than-hoc-2/
[16] Lưu ý: Theo Cha Trụ (CSSR), “tín nghĩa” không diễn tả được ý nghĩa của chữ veritas. Veritas thường được dịch chân lý, sự thật, là luật tự nhiên tối cao, tồn tại cách khách quan, giúp con người có niềm tin vào quy luật tuyệt đối của tự nhiên, là quy luật tối cao của hành vi con người. Người Công Giáo xem Thiên Chúa là Veritas tuyệt đối.
[17] SKQN, tr,98
[18] Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB. Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, HN-ĐN, 1997, tr.17
[19] E-vang (phiên âm từ La tinh) tức là luật Chúa, luật Tin Mừng
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập183
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm150
  • Hôm nay26,079
  • Tháng hiện tại377,127
  • Tổng lượt truy cập51,708,462

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây