Suy Niệm Thánh Vịnh 89 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ sáu - 08/10/2021 04:27  419
Suy Niệm Thánh Vịnh 89

Thánh vịnh 89 – Đời sống con người mong manh và mỏng giòn
1 Lời cầu nguyện. Của ông Mô-sê, người của Thiên Chúa.
            Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
            Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.
2          Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên,
            địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành,
            Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời.
3          Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
            Ngài phán bảo : "Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi !"
4          Ngàn năm Chúa kể là gì,
            tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
            khác nào một trống canh thôi !
5          Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
            như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
6          nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
            chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.
7          Ngài thịnh nộ, chúng con phải mạng vong,
            nổi trận lôi đình : thấy mà khủng khiếp !
8          Tội chúng con, Chúa bày ra trước mặt Ngài,
            lỗi thầm kín, Thánh Nhan đều soi tỏ.
9          Chúa nổi xung, đời chúng con tàn tạ,
            kiếp sống thoảng qua : một tiếng thở dài.
10         Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
            mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
            mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
            cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.
11         Cơn giận Ngài, ai lường được sức mạnh,
            trận lôi đình, ai hiểu thấu căn nguyên?
12         Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
            ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.
13         Lạy CHÚA, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ?
            Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây.
14         Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
            để ngày ngày được hớn hở vui ca.
15         Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ,
            bù lại những tháng năm
            Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu.
16         Ước gì chúng con là tôi tớ Chúa
            được thấy công trình Ngài thực hiện,
            và con cháu chúng con được thấy vinh hiển Ngài.
17         Xin cho chúng con được vui hưởng
            lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con.
            Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố,
            xin củng cố việc tay chúng con làm.
Cùng Đọc Với Israel
Trong câu mở đầu thánh vịnh được gán cho Môsê, người của Thiên Chúa: đây là thánh vịnh duy nhất được đặt dưới sự bảo hộ của Môsê, vì có những liên hệ văn chương với Sách Sáng thế (St 2,17-3,12). ‘Ađam đã được lấy ra từ đất…sẽ trở về với bụi đất’; và Sách Xuất hành (Xh 32,12), Đệ Nhị Luật (32,36). ‘Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại dân Ngài’ lời Môsê chuyển cầu cho dân.
Đây là một thánh vịnh nài xin tha tội, lời cầu nguyện tập thể: tác giả thánh vịnh luôn sử dụng đại từ ‘chúng con’, ông không cầu nguyện một mình, nhất là không chỉ cầu xin tha tội cho mình, nhưng tội lỗi cho dân. Tính liên đới tuyệt vời! Thánh vịnh này được sử dụng trong phụng tự Israel như ‘nghi thức sám hối’ để cầu xin ơn tha thứ…như ngày nay ta thực hành trong phần đầu thánh lễ.
Hãy lưu ý tính thi vị của những hình ảnh cụ thể: đối nghịch mạnh mẽ giữa tính vững chắc và trường tồn của núi đồi và tính phù du chóng qua của hoa cỏ, sáng nở chiều tàn. Hình ảnh của giấc mộng trong đêm ngủ mà sáng mai khi thức dậy người ta chẳng còn nhớ gì.
Trong bài thơ ‘Giấc mơ của Gérontius’ (Songe de Gérontius) của Đức Hồng Y John Henry Newman, thánh vịnh này được đặt trên môi của các linh hồn trong luyện ngục. Giám Mục Bossuet cũng đã lấy lại những hình ảnh này, trong những bài suy niệm của Ngài về tuổi trẻ và trong bài giảng của ngài về cái chết. Cái thảm sầu nhức nhối được diễn tả ở đây cũng là một trong những chủ đề bắt gặp nơi bất cứ nền văn chương nào: ta nghĩ ngay đến ‘Thân Phận Con Người’ (La condition humaine) của Malraux.

Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Đức Giêsu yêu cầu chàng thanh niên giàu có từ bỏ tất cả để theo Ngài: đó là điều giải thoát anh khỏi những của cải chóng qua để đi vào cõi vĩnh hằng ngay từ bây giờ. Đối với Đức Giêsu, thật ngu xuẩn khi chỉ nhắm những điều ở dưới đất: ‘Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi’ (Lc 12,20). Đức Giêsu mời gọi ta xây dựng cuộc sống mình trên ‘đá’ chứ không phải trên ‘cát’ (Mt 7,26).
Đối với dân Israel mọi bất hạnh đều được xem như hình phạt do tội lỗi của mình: đó là chủ đề ‘cơn thịnh nộ’ của Thiên Chúa, ở đoạn giữa thánh vịnh. Đức Giêsu đã mang lại những điều quan trọng cho chủ đề chính này. Quả là sai lầm khi nói rằng mọi đau khổ là một hình phạt (đã thấy ý nghĩa trong sách Gióp, người vô tội…ý nghĩa câu trả lời của Đức Giêsu về tình trạng người mù từ thuở mới sinh: ‘Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội’ (Ga 9,3). Tuy nhiên, đau khổ là một cảnh báo về tính mỏng giòn của con người: đứng trước tai nạn tháp Siloác đổ xuống đè chết một số người, Đức Giêsu nói: ‘Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy’ (Lc 13,5), nhưng Ngài còn thêm: ‘Những người chết đó không phải là những người mắc tội nặng hơn những người may mắn sống sót’ (Lc 13,4).

Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Thánh vịnh này nối kết với một phần của nền triết học hiện đại, đang quả quyết về sự phi lý của thân phận con người. Michel Foucault còn đi đến kết luận: ‘Ngày nay, và cả Nietzche trước kia nữa, đã chỉ cho thấy điều này, đó chẳng phải là quả quyết sự vắng mặt hoặc cái chết của Thiên Chúa, nhưng là cái tận cùng của con người…bởi lẽ đã giết Thiên Chúa, chính con người phải trả lời về cái hữu hạn của mình’. Phần tác giả thánh vịnh, lại quả quyết con người chẳng là gì cả, nhưng ông tin rằng ‘Thiên Chúa hiện hữu’. Và ông đã dám thưa với vị Thiên Chúa trường tồn ấy, để nương tựa vào Ngài. Và dấu chỉ sự cao cả của con người, chính là con người ‘nói với Thiên Chúa’, và thưa: ‘Lạy Ngài’… và dám mơ ước mang lại thêm một điều gì đó cho Thiên Chúa: - nhờ sự khôn ngoan mà Thiên Chúa ban và ‘biết đếm tháng ngày mình sống, để được no thỏa’…- và nhờ lời ca tụng Thiên Chúa – qua việc lao động, mà Thiên Chúa ban cho hoa quả…
Tội lỗi chúng ta. Làm sao chúng ta quên chúng được? Sao chúng ta không cầu nguyện từ chính những tội lỗi của mình, cùng với thánh vịnh này? Đó thật là chứng cứ về sự yếu đuối sâu thẳm nhất của chúng ta. Làm thế nào ta lại có thể than phiền rằng Thiên Chúa, Đấng Thánh Thiện, lại theo đuổi sự dữ đến tận sâu thẳm trong ý thức của ta, ‘Tội chúng con, Chúa bày ra trước mặt Ngài, lỗi thầm kín, Thánh Nhan đều soi tỏ’? Thiên Chúa chống lại sự dữ, chính vì chúng ta mà Ngài chiến thắng sự dữ: và qua Đức Giêsu Kitô, chúng ta biết cái giá mà Ngài đã phải trả: cơn giận của Ngài không phải để chống lại những tội nhân, nhưng chống Satan, vì lợi ích cho những tội nhân. ‘Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi’ (Mt 9,13).
Tự do và ân sủng. Hãy suy niệm câu này: ‘Xin củng cố (làm cho sinh nhiều hoa quả; đây là việc của ân sủng) việc tay chúng con làm (đây là tự do của con người). Để thoát khỏi tội lỗi, cũng như bao việc tốt lành khác, chúng ta không thể tự mình làm được (xem thư Phaolô gởi Rôma), cần phải nối kết hai sức mạnh: Thiên Chúa và tôi…ân sủng và nỗ lực của tôi.

Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập120
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm102
  • Hôm nay13,441
  • Tháng hiện tại604,749
  • Tổng lượt truy cập46,288,785

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây