Thứ Hai tuần XXVII Tn
Thánh Phanxicô Assidi
Thánh Phanxicô đã thực hiện tin mừng mà phụng vụ tuyên bố trong ngày lễ: ngài đã đón nhận mạc khải của Đức Giêsu với tấm lòng của một em bé, đón nhận mọi lời của Đức Giêsu. Nghe đoạn tin mừng Đức Giêsu mời gọi các môn đệ loan báo Nước Trời, thánh nhân đã nghe những lời này và đã lấy đó làm chuẩn thước cho cuộc đời mình. Và cho cả những người theo ngài, ngài cũng không cũng không có những lời nào khác ngoài lời của Tin mừng, vì đối với ngài tất cả chứa đựng trong tương quan với Đức Giêsu, trong tình yêu của Ngài. Các thánh tích mà ngài được thích trên thân xác vào lúc cuối đời là dấu chỉ của tương quan mật thiết này, nên một với Đức Kitô. Phanxicô luôn sống nhỏ bé, muốn luôn bé nhỏ trước mặt Thiên Chúa và đã không nhận thánh chức linh mục để luôn mãi là người anh em đơn sơ, bé nhỏ với mọi người, cho tình yêu của Chúa.
Nơi thánh nhân những lời của Đức Giêsu được thực hiện: ‘Ách của ta thì êm ái và gánh của ta thì nhẹ nhàng’. Tâm hồn của Phanxicô thật vui biết bao, nghèo tất cả và giàu tất cả, ngài đã đón nhận mọi tạo vật với tâm hồn của một người anh em, trong tình yêu của Chúa ngài cảm thấy dịu dàng, cả những đau khổ. Đối với ta cũng thế, ách của Chúa sẽ nhẹ nhàng, nếu ta đón nhận chúng từ đôi tay của Chúa.
Trong thư gởi tín hữu Galata, thánh Phaolô cho ta khả năng hiểu hơn vài khía cạnh của cái ách này bằng hai biểu thức hình như đối nghịch nhau nhưng bổ túc cho nhau. Biểu thức thứ nhất: ‘Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, anh em sẽ chu toàn lề luật của Đức Kitô’. Những gánh nặng của kẻ khác: là gánh nặng của Chúa. Thánh Phanxicô đã hiểu ngay khi ngài cải hối trở về. Ngài đã kể lại vào lúc cuối đời: sống trong tội lỗi, quá cay đắng dường như tôi nhìn thấy các người phong cùi, nhưng chính Chúa dẫn đưa tôi đến giữa họ và tôi bày tỏ lòng thương xót đối với họ. Đây là ách nặng, mang lấy gánh nặng của kẻ khác. Và thánh nhân nói tiếp: khởi đầu thực hiện điều này, điều mà tôi cảm thấy cay đắng giờ biến nên ngọt ngào trong lòng và trong thân xác của tôi’. Đối với người được mang gánh nặng, gánh nặng trở nên nhẹ nhàng.
Vài dòng sau đó ta đọc thấy câu thứ hai của thánh Phaolô: ‘Mỗi người hãy mang lấy gánh nặng của mình’. Hình như đối nghịch với câu thứ nhất, nhưng trong bối cảnh này, ý nghĩa thật rõ ràng: đang nói về việc xét đoán kẻ khác, cần phải thông cảm mọi người, không áp đặt kẻ khác những lối suy nghĩ và thực hiện của mình, nên nhìn những khiếm khuyết của mình và không lợi dụng những khiếm khuyết của kẻ khác để áp đặt gánh nặng, là điều không đúng theo ý muốn của Chúa. Thánh Phanxicô lưu ý điều đó nên trong luật dòng ngài viết: ‘Đừng cho mình là nhất hơn anh em’; hãy sống khiêm tốn; đừng bao giờ tỏ mình như chủ nhân ông, không đặt gánh nặng lên người khác; và ngài còn thêm: ‘Ai ăn chay thì đừng xét đoán kẻ đang ăn’. Sự tế nhị của đức ái nhìn thấy gánh nặng của kẻ khác, không lên án chỉ trích nhưng tốt hơn là giúp đỡ họ.
Hãy mang lấy gánh nặng của Đức kitô. Chúng ta hãy mang lấy gáng nặng của nhau và đừng đè năng trên người khác bằng những chỉ trích, phán đoán thiếu lòng thương xót, để ta có thể hiểu biết hơn Con Thiên Chúa đã chết vì ta, và trong ngài nhận biết Chúa Cha trên trời, cùng với một niềm vui như thánh Phanxicô Assidi.
+++
Người tiến sĩ luật muốn kéo Đức Giêsu vào những tranh luận thời ấy: ‘Đâu là điều luật quan trọng nhất trong số 613 điều luật’? ‘Ai là người cận thân của tôi?’ Đức Giêsu hướng câu chuyện sang lối khác để làm rõ điều quan trọng trong đời sống của các môn đệ ngài: tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người cận thân, gồm cả người thù địch. Chính người tiến sĩ luật trả lời câu hỏi thứ nhất nhưng anh lại còn hỏi tiếp: ‘Vậy ai là anh em tôi? Theo não trạng bấy giờ, người cận thân không thể là người ngoại đạo, không phải là người Samaria, cũng không phải là bất cứ ai. Đức Giêsu trả lời câu hỏi thứ hai bằng một dụ ngôn. Người Samaria trong dụ ngôn không tranh luận những vấn đề phức tạp của thần học, không hỏi xem ai là người dở sống dở chết, nhưng vội vàng đến cứu giúp người ấy. ‘Hãy đi và làm như vậy’. Nghĩa là: người cận thân của anh là bất cứ ai đang cần sự giúp đỡ của anh, tình thương của anh, lòng thương xót của anh. Đừng hỏi ai là người anh em của tôi, tốt hơn hãy đến gần giúp đỡ người đang bị thất sủng, dù đó là người địch thù của mình.
Người Samaria trở nên gương mẫu cho tôi? Đó là điều phi lý đối với người tiến sĩ luật. Người do thái xem người Samaria là quân bỏ đạo. Họ khinh miệt và loại trừ người Samaria, đối lại người Samaria cũng thế. Đức Giêsu liên kết trong tình yêu gia đình nhân loại đang tản mác và chia rẽ nhau (Ep 2,14).
Tình thương kéo con người lại gần nhau
Hai bài đọc hôm nay nói đến sự cách xa và sự gần gũi với Thiên Chúa. Giona bỏ trốn để khỏi đến Ninivê như Thiên Chúa truyền, nhưng khi ông xa lánh dân Ninivê thì ông cũng xa cách Thiên Chúa. Ngược lại, người Samari đến gần bên kẻ bị bọn cướp đánh đập, chăm sóc và thu xếp mọi việc cho người ấy.
Đây là năng động của Thiên Chúa, Đấng tự hạ để yêu thương chúng ta. Thiên Chúa là người mục tử đi tìm con chiên lạc để mang về lại đàn, là người cha già chạy ra ôm chầm lấy đứa con trai hoang đàng trở về, là người Samari cúi xuống băng bó vết thương cho nạn nhân. Là Đức Giêsu, chết trên thập giá vì chúng ta. Thiên Chúa chúng ta là như thế đó và Ngài không muốn một tôn giáo ‘pháo đài’, xa lánh kẻ khác vì sợ ‘lây nhiễm’, một tôn giáo không đặt lòng mến lên hàng đầu.
Vậy chúng ta hãy nghe Đức Giêsu mời gọi: ‘Anh hãy đi và làm như vậy’. Lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ kẻ khác và Thiên Chúa, thật không dễ dàng đâu; nên cần phải cầu nguyện nhiều, để mở lòng ra cho một tình mến nhẫn nại, thương cảm và quảng đại.
Điều ấy giúp ta có một nhận xét khác. Giona, bị ném xuống biển, cá nuốt ông và nôn ông ra trên bờ biển. Trong bụng cá, ông đã tin tưởng cầu nguyện. Phụng vụ dùng những lời nguyện ấy làm Đáp ca: ‘Từ cảnh ngặt nghèo tôi kêu lên Đức Chúa, Người đã thương đáp lời. Lạy Chúa, từ lòng âm phủ, con cầu cứu, Ngài đã nghe tiếng con’. Là một yếu tố rất quan trọng, bởi vì không cầu nguyện, không thể mở lòng ra cho ân sủng, không thể thoát ra khỏi vướng bận của tính ích kỷ, khỏi danh lợi để đến với tình thương. Tình thương đưa ta gần kề bên kẻ khốn khó, như gương Đức Giêsu.
Thứ Ba tuần XXVII Tn
Chúa là tâm điểm đời sống
Maria ngồi dưới chân Đức Giêsu mà nghe lời Ngài, còn Matta thì bận rộn chuyện tiếp rước. Nếu ta suy nghĩ một chút, sẽ hiểu rằng khi ta có thời gian để làm công việc của Maria, ta lại thích làm việc của Matta hơn. Và ngược lại khi ta bận rộn với trăm công nghìn việc như Matta, ta lại thích được như Maria. Muốn nói điều này là trong thực tế, chúng ta luôn tìm thỏa mãn tích ích kỷ của mình, và vai trò của Maria, thật ra làm ta thích không phải vì để nghe lời Đức Giêsu, mà để được yên ổn (là một việc khác rồi).
Ai trung thành thật sự với Chúa, lợi dụng mọi lúc mọi dịp để cố gắng nên như Maria, lắng nghe thực sự Lời Chúa, tìm niềm vui khi ở bên Ngài. Như thế, ngay khi ở giữa bao bận rộn, họ vẫn cố gắng sống như Maria. Có những người rất hoạt động, tiếp tục từ việc này sang việc khác, nhưng nội tâm vẫn an bình, bởi vì tâm hồn họ ở bên Chúa. Họ làm tất cả những gì phải làm với tâm hồn thanh thản, bởi vì họ đang phục vụ Chúa và tình yêu đối với Chúa cũng như đối với tha nhân làm cho họ có được sự thanh thản lạ lùng trong tâm hồn.
Cầu xin Chúa giúp ta biết trung thành với lời của Ngài và không tìm chính mình, dù lúc nghỉ ngơi hay khi làm việc, để chúng ta có thể có được sự thanh thản đích thực trong sự kết hiệp với Ngài trong mọi hoạt động, mọi nơi.
+++
Đức Giêsu được cả hai chị em Matta và Maria đón tiếp. Từ đầu, Ngài để cho họ phục vụ Ngài. Nhất là Matta lăng xăng bởi nhiều công việc đến nỗi không còn có thời gian lắng nghe Đức Giêsu, để có một liên hệ trực tiếp với Ngài. Cô còn muốn tách Maria ra khỏi Đức Giêsu nữa. Khi ấy, Đức Giêsu nhẹ nhàng nhắc bảo Matta ‘chỉ có một điều cần’. Đối với con người điều thiết yếu chính là lời của Đức Giêsu, là chỉ mình Ngài. Ngài đến thăm nhà Matta không phải để được cô phục vụ, nhưng để đổ đầy tâm hồn cô lời của Ngài. Trong đoạn tin mừng hôm nay ta khám phá một điều lạ lùng này: ai đón tiếp người khác như vị ân nhân thì trở nên người thụ ân. Mầu nhiệm này được kiểm chứng khi vị khách lại chính là Đức Giêsu. Một câu châm ngôn của dân Ba lan: ‘Vị khách trong nhà bạn là chính Thiên Chúa’.
Hai chị em là biểu trưng của đời sống hoạt động và chiêm niệm. Không thiết yếu phải đối đầu hai hình thức này trong đời sống kitô. Ngày nay, có rất nhiều người điều hợp cả hai lối sống này, làm việc và cầu nguyện, hoạt động và chiêm niệm.
Thứ Tư tuần XXVII Tn
Tình yêu là điều thiết yếu, trung tâm của đời sống kitô, và việc cầu nguyện là hơi thở. Do đó, sau khi nói về giới luật yêu thương, Đức Giêsu nói đến việc cầu nguyện.
Đòi hỏi quan trọng nhất của kinh nguyện của Chúa nằm nơi những lời này: ‘Nước Cha trị đến’. Tạo nên sợi chỉ đỏ xuyên suốt lời giảng của Đức Giêsu và mục đích hành động của Ngài. Ai làm theo thánh ý Thiên Chúa và dấn thân mở rộng nước Thiên Chúa trên thế giới, có thể cầu xin bánh hằng ngày, tượng trưng bánh thánh thể và lương thực mà những người được cứu độ dùng chung với nhau trong nhà Cha. Do đó, mỗi người chúng ta là người mắc nợ và là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, hoàn toàn phó thác cho lòng thương xót của Người. Thiên Chúa tha thứ cho ta nhưng Người đòi ta phải trải nghiệm lòng thương xót ấy qua việc tha thứ cho người khác.
Ý thức những nguy cơ xảy ra, ta hãy cầu xin Thiên Chúa hướng dẫn ta vượt qua mọi thử thách và cám dỗ. Khi nước Thiên Chúa đến, mọi khao khát nhân loại của ta sẽ được thỏa mãn, những lời cầu xin của ta sẽ được nhận lời và ta sẽ được giải thoát khỏi mọi nguy hiểm.
Lời kinh của Chúa là tổng hợp toàn bộ tin mừng và tóm gọn, dưới dạng câu hỏi tất cả mạc khải. Đó là lý do trở thành lời kinh chính thức của Hội thánh, mẫu mực và nguồn mạch của mọi kinh nguyện khác
+++
‘Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện’. Đây là lời các môn đệ yêu cầu Đức Giêsu mà ta đọc thấy trong tin mừng hôm nay. Ta tìm hiểu một chút xem nhu cầu học cầu nguyện cần thiết như thế nào; nhất là với sự trợ giúp của bài đọc thứ nhất.
Thái độ của Giona hoàn toàn trái ngược với lời cầu xin đầu tiên của Kinh Lạy Cha: ‘Lạy Cha xin làm cho danh Cha vinh hiển’. Giona đi ngược lại với lời kêu xin này, ông không muốn danh Thiên Chúa được hiển hiện. Ông biết danh Thiên Chúa. Ông thưa với Thiên Chúa: ‘Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận, giàu tình thương và hối tiếc vì đã giáng họa’. Đó là danh Thiên Chúa mà Giona biết từ mạc khải thánh kinh. Nhưng ông không muốn danh đó được hiển hiện trong cuộc sống của mình: là điều đi ngược lại với thú vui của ông, với ước muốn sống của ông, Ông đã được sai đến Ninivê để tiên báo: ‘Còn bốn mươi ngày nữa Ninivê sẽ bị tiêu diệt’. Và giờ đây ông ngồi chờ cho lời tiên báo đó thành sự thật, để danh tiếng tiên tri của ông được biết đến. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa không thể thực hiện lời tiên báo ấy. Thiên Chúa đã sai vị ngôn sứ đến để kêu gọi sự sám hối và việc đe dọa như là điều kiện: ‘Nếu không ăn năn sám hối, sẽ bị tiêu diệt’ và giờ đây Thiên Chúa vui lòng khi thấy dân thành Ninivê ăn năn sám hối và có thể làm hiển danh Thiên Chúa: tình yêu, lòng nhân hậu, lòng thương xót của Ngài. Giona giận dữ, không muốn cho danh Chúa được tỏ hiện. Thiên Chúa đã dạy cho ông một bài học để ông hiểu rằng Ngài có lý khi cảm thương dân thành, tha thứ và muốn họ sống chứ không muốn họ phải chết.
Biết bao lần ta cũng đã không muốn cho danh Thiên Chúa được tỏ hiện: một Thiên Chúa khiêm nhu, nhẫn nại, một Thiên Chúa không can thiệp bằng bạo lực nhưng chờ đợi con người trở về, một Thiên Chúa rút điều lành từ điều dữ. Biết bao lần ta than trách Thiên Chúa vì nhiều điều không xảy ra đúng theo ý ta. Ta muốn thành công trong điều ta làm; ta muốn những tiếp xúc dễ dãi và yên lành với tất cả; ta muốn quan điểm của mình vượt trội; ta muốn các tên tội phạm phải bị hành quyết…và Thiên Chúa là đấng làm cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành. Những phản ứng tức thì của chúng ta trái ngược với lời cầu xin đầu tiên trong kinh Lạy Cha, thay vì nói ‘xin cho danh Cha được hiển trị’ thì ta nói ‘xin cho ý con, ao ước của con, cách nhìn của con được thể hiện’. Và tất cả những ý tưởng, những mong ước và những quan điểm của ta rất khác với Thiên Chúa. Nên ta cần cầu xin Chúa dạy ta cầu nguyện, xin Ngài đặt trong lòng ta ao ước cho danh Thiên Chúa được thể hiện.
Trong phụng vụ thánh thể Chúa dạy dỗ ta. Ngài khởi đầu bằng việc cử hành phụng vụ lời Chúa, nhờ đó ngài soi sáng cho ta, thông ban cho ta cái nhìn của Ngài để thay thế quan điểm của ta. Nhưng không chỉ bằng lời của Ngài nhưng còn bằng cả năng động của sự sống, hy sinh của Ngài để ta học biết cầu nguyện: ‘Lạy Cha, xin cho danh Cha được hiển trị’, là lời cầu nguyện mà ta chỉ có thể hiểu được nếu ta đi vào trong hy tế của Đức Kitô. Làm thế nào để danh Thiên Chúa được hiển trị? Có nghĩa là gì? Ta học biết điều này khi tham dự vào hy tế của Đức Giêsu. ‘Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha’. Và từ thập giá của Đức Kitô, từ chiến thắng của Ngài trong cuộc thương khó mà danh của Thiên Chúa thực sự được thể hiện, được tôn vinh, được thánh hóa. Đức Giêsu trong trong Thánh Thể đưa chúng ta vào trong hành vi khổ nạn, như thế ta có thể cầu nguyện kinh Lạy Cha sâu xa hơn từ đầu cho đến hết Thánh Lễ. Xin cho danh Cha được cả sáng, ta đọc điều này sau khi Đức Giêsu tự hiến chính mình cho ta: Này là mình Thầy, bị nộp vì anh em, này là máu Thầy, máu giao ước mới’. Như thế danh Thiên Chúa được vinh hiển.
Thứ Năm tuần XXVII Tn
Đức Mẹ Mân Côi
Lý do chọn bài tin mừng của Luca cho ngày lễ Mân Côi: vì chứa đựng những lời đầu tiên của kinh Kính Mừng: ‘Kính chào Bà, đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà’. Chúng ta lập đi lập lại những lời đó thật nhiều lần khi chúng ta lần chuỗi mân côi. Là phương thế để ta hiện diện cùng với Mẹ và Chúa Giêsu, vì ‘Chúa ở cùng Mẹ’, ở cùng Mẹ một cách đơn sơ, bằng cách làm sống dậy tất cả những mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Giêsu, mầu nhiệm ơn cứu độ của chúng ta.
Đoạn tin mừng về biến cố truyền tin, thoạt đầu hình như chỉ nói với ta về mầu nhiệm Vui, nhưng nếu chúng ta xem kỹ hơn, chúng ta sẽ gặp thấy cả mầu nhiệm Mừng và Thương nữa. Mầu nhiệm Vui với biến cố trung tâm là việc sinh hạ Đức Giêsu: truyền tin cho Mẹ Maria, đề nghị Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế: ‘Bà sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu’. Mầu nhiệm Mừng: ‘Ngài sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao; Thiên Chúa sẽ trao cho Ngài ngôi báu Đavít tổ phụ Ngài, và triều đại Ngài sẽ vô tận’. Phục sinh và lên trời, Đức Giêsu lãnh nhận vương hiệu Vua cứu thế, vinh quang vĩnh cửu trong triều đại của Cha. Vẫn còn thiếu mầu nhiệm Thương. Lời đáp trả của Mẹ Maria, không phải là một tiếng hô vang chiến thắng mà là một lời khiêm cung: ‘Này tôi là tôi tớ Thiên Chúa, xin hãy thành sự nơi tôi điều Ngài truyền’. Làm nổi bật hình ảnh của Người Tôi Tớ của Giavê, được tiên tri Isaia loan báo. Trước khi được vinh thăng, Người Tôi Trung đã bị sỉ nhục, kết án, giết chết vì tội lỗi chúng ta.
Với sự linh hứng của Thánh Thần, Mẹ Maria biết rằng các mầu nhiệm Vui cắm rễ sâu nơi những mầu nhiệm Mừng và mầu nhiệm Thương là con đường phải trải qua để đến vinh quang. Cầu xin Mẹ giúp chúng ta hiểu thấu việc kết hiệp với Đức Kitô, để Ngài có thể thực hiện những việc kỳ diệu nơi cuộc đời mỗi người chúng ta.
+++
Ơn huệ Thánh Thần
Đây là tin mừng làm vững dạ an lòng. Các người do thái nói: ‘Phụng thờ Thiên Chúa thật là viễn vông, tuân giữ các lệnh truyền của Đức Chúa và bước đi ủ rũ trước nhan Người, nào ích lợi chi? Giờ đây chúng tôi cho những kẻ kiêu ngạo là có phúc; phải, những kẻ làm điều ác được thịnh đạt, họ thử thách Thiên Chúa mà chẳng hề hấn gì’. Trong Tân Ước chúng ta gặp được câu trả lời. Người hồi giáo gọi Thiên Chúa bằng 99 tên gọi đẹp nhất, nhưng trong số đó chẳng có tên gọi nào là ‘cha’. Họ quan tâm đến sự siêu việt của Thiên Chúa và lời cầu nguyện của họ chỉ là tuân phục; chúng ta thì khác, chúng ta tin vào mạc khải tình phụ tử của Thiên Chúa và lời nguyện của ta không chỉ là vâng phục ý muốn của Ngài mà còn là lòng tín thác hiếu thảo.
Đức Giêsu trong tin mừng hôm nay nêu lên hình ảnh của người cha cho con mình những điều tốt. Ta phải đến với Cha trên trời bằng lòng đơn thành và khẩn khoản của trẻ thơ và chúng ta sẽ nhận được tất cả mọi sự từ bàn tay của Ngài. Câu cuối đáng kinh ngạc, vì Đức Giêsu thình lình kết thúc bằng cách nói đến Thánh Thần, ơn huệ của Thiên Chúa, điều kiện của lời cầu xin…[phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao]?
Như thế lời cầu nguyện của ta hướng về những điều tốt lành vô cùng. Cùng với Thánh Thần chúng ta có tất cả: niềm vui trong hành vi cảm tạ, bình an, một thái độ thanh thản đặc biệt ngay cả lúc đau khổ…Tất cả đều là hoa quả của Thánh Thần, mang lại cho ta hạnh phúc sâu thẳm.
Chúng ta hướng lòng kêu van Đức Giêsu để Ngài nhận từ Cha mà ban phát cho ta ân huệ của Thánh Thần và chúng ta cảm tạ Ngài vì đã mở cho chúng ta một chân trời sáng lạn, vì đã ban cho ta khả năng đến với Thiên Chúa như là một người Cha yêu thương luôn muốn điều tốt nhất cho ta.
Thứ Sáu tuần XXVII Tn
Chúa làm chủ ngôi nhà tâm hồn
Tin mừng hôm nay nói đến cuộc chiến đấu giữa Đức Giêsu và ma quỷ, một cuộc chiến xảy ra trong tâm hồn con người. Chúng ta biết rằng mình đã được giải thoát khỏi tội lỗi và ma quỷ, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, qua bí tích rửa tội và rồi, trong đời sống, qua bí tích giao hòa. Tin mừng hôm nay có một vài câu hơi khó hiểu, chúng ta dừng lại ở đoạn Chúa nói: ‘Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói: ta sẽ trở về nhà ta đã bỏ ra đi…Nó liền kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó..Tình trạng của người ấy lại tệ hơn trước’.
Khi quỷ dữ bị đuổi ra do quyền lực của một ai đó mạnh hơn nó, Đức Giêsu, ‘nhà được quét dọn và trang hoàng’, nhưng vẫn còn đó nguy hiểm vì trống trải. Và điều đó xảy ra, là tên quỷ ấy quay lại và tình trạng sẽ tồi tệ hơn trước. Nhà trống trải ý muốn nói điều gì? Tự nhiên chúng ta thích được giải thoát khỏi sự dữ và nhất là khỏi tội lỗi đè nặng trên lương tâm chúng ta; chúng ta ao ước, bằng lòng và cảm tạ Chúa vì Ngài đã giải thoát chúng ta: khi ấy ngôi nhà tâm hồn chúng ta sạch sẽ và gọn gàng. Nhưng trong đời sống thiêng liêng, có một giai đoạn rất cần thiết nữa, mà thường chúng ta không thích lắm, bởi vì trong ngôi nhà đẹp này chúng ta muốn yên ổn, muốn làm chủ, không muốn ai ra lệnh cho ta cả. Ông chủ là Thiên Chúa, và điều này không làm ta vui lòng. Khi Ngài khuấy động lòng ta, ta thích ở yên một mình trong nhà, và Ngài thì khuấy động chúng ta bằng nhiều cách lắm: bằng hoàn cảnh, người xung quanh, bằng những yêu sách của ngài, trong khi chúng ta không làm điều ngài muốn. Nếu chúng ta muốn làm chủ ngôi nhà mình, chúng ta sẽ đặt mình vào hoàn cảnh nguy hiểm hơn: tính ích kỷ sẽ biểu hiện tồi tệ hơn tội trước đây đã làm hoen ố nhà chúng ta, bởi vì nó làm cho chúng ta sống ngược lại với tinh thần của Thiên Chúa. Nếu người ta sống mà không muốn bị Thiên Chúa cũng như bởi người anh em quấy rầy, làm các công việc theo sở thích của ta, sẽ xảy ra lệch hướng làm cớ cho ma quỷ lợi dụng.
Hôm nay chúng ta hãy canh tân quyết tâm của mình để cho Chúa làm chủ nhà mình, bỏ những ý riêng mình, những sở thích riêng, để đón nhận mọi lúc mọi nơi những ý muốn của Chúa.
Thứ Bảy tuần XXVII Tn
Lắng nghe và tuân giữ lời Chúa
Thiên Chúa luôn chỉ cho ta con đường dẫn đến niềm vui đích thực, sâu lắng và giúp ta phân biệt hạnh phúc đích thực giữa bao hạnh phúc khác. Trong bài tin mừng ta gặp một điều thú vị: Đức Giêsu, xem như có vẻ khước từ trước lời báo tin về sự hiện diện của Mẹ Maria, lại tuyên bố mẹ Ngài là người có phúc. ‘Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú’, một phụ nữ trong đám đông đã lên tiếng như thế. Đức Giêsu đáp lại: ‘Đúng hơn phải nói rằng: phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa’. Ngài không phủ nhận việc làm mẹ Ngài là một niềm vui lớn nhưng bên trong niềm vui ấy, còn có một yếu tố sâu xa hơn. Ta biết rằng Mẹ Maria đã chối từ vai trò làm mẹ, đối với Mẹ không là điều thiết yếu; thiết yếu là làm người nữ tỳ của Chúa, lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Hai lần trong cuộc đời của Mẹ, Thiên Chúa đã đòi Mẹ khước từ mẫu tính: trước biến cố truyền tin của sứ thần và trên đồi Calvê, khi Maria, một cách nào đó, lập lại sự khước từ bằng cách chấp nhận lễ hy sinh của Con, chấp nhận không phải là mẹ của một người con còn sống. Đòi hỏi Mẹ như thế nên Thiên Chúa ban cho Mẹ nhiều hơn: liên kết Mẹ với Người, tỏ cho Mẹ biết những dự tính của Người. Và cho Mẹ cộng tác vào chương trình Thiên Chúa, ở mức độ sâu nhất. Nơi mỗi lời mời gọi của Thiên Chúa, có nhiều bình diện khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là gắn bó vào cái trung thực và sâu xa nhất. Chúng ta hay bám víu vào bình diện con người. Nếu ngược lại chúng ta gắn bó với bình diện sâu thẳm nhất, chúng ta được an toàn, vì nếu cần phải hy sinh, chúng ta vẫn kết hiệp với Thiên Chúa, cuộc sống của ta ở trong tay Ngài. Ta lấy một ví dụ điển hình. Biết bao người bảo: Thật là hạnh phúc được ở Roma, trung tâm kitô giáo, một thành phố thi vị và được gần Đức Thánh Cha. Đúng là một ân huệ. Tuy nhiên nếu chúng ta chỉ bám vào cái bình diện với những lợi ích bên ngoài ấy, chúng ta đã bỏ quên bình diện chính yếu, là cảm nghiệm rằng tôi ở đấy để phục vụ Thiên Chúa, để vâng phục Ngài. Nếu chúng ta sẵn lòng như thế, bảo đảm chúng ta sẽ không thiếu niềm vui đích thực, cho dù Chúa có đòi chúng ta phải hy sinh hoàn cảnh mang lại niềm vui ấy đi chăng nữa. ‘Phúc cho ai lắng nghe lời Chúa và tuân giữ’ đó là lương thực linh hồn ta, vì đó cũng là lương thực của Đức Giêsu.
Cầu xin cho ta và cho những người thân yêu của ta ơn biết gắn bó với điều thiết yếu, để tự do dâng lên Ngài những hy sinh, tất cả những gì ngài yêu cầu, để ta được lớn lên trong tình yêu.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê