Nhìn lại các tương quan: hơi thở thần linh và sự bình đẳng trong tạo dựng

Thứ năm - 30/09/2021 21:07  584
Nhìn lại các tương quan: hơi thở thần linh
và sự bình đẳng trong tạo dựng


 
Jaime L. Waters

Chúa Nhật XXVII Thường Niên B
St 2,18–24; Dt 2,9–11; Mc 10,2–12


Các bài đọc hôm nay đưa ra những suy tư về tương quan của con người với Thiên Chúa, với thế giới loài vật và giữa con người với nhau. Các bài đọc cho thấy một sự tiến triển tư tưởng về các tương quan, và nhắc nhở chúng ta rằng một số lý tưởng xã hội và văn hóa cần được giải thích lại đối với những bối cảnh khác nhau.

Bài đọc một trích từ sách Sáng thế bao gồm một trong những trình thuật về cuộc tạo dựng con người và loài vật. Chúng ta cần chú ý thận trọng bởi vì câu chuyện này đã bị giải thích sai khi khẳng định quyền thống trị của con người trên muôn loài và sự lệ thuộc của người nữ vào người nam. Những cách đọc sai lệch này phản ánh thành kiến ​​của người chú giải hơn là ý định của bản văn.

Câu chuyện tạo dựng khẳng định quyền năng sáng tạo, sự kết nối và chăm lo của Thiên Chúa cho mọi loài thụ tạo. Việc Thiên Chúa dựng nên con người đầu tiên và làm sinh động bằng cách thổi hơi đã làm nổi bật mối liên hệ mật thiết giữa tạo hóa và thụ tạo. Tương tự, việc dựng nên người thứ hai từ xương sườn của người đầu tiên cho thấy con người có quan hệ gần gũi với nhau, không phải là tương quan cấp bậc nhưng đúng hơn là hỗ tương vì cả hai được hợp nhất trong cùng một thân phận thụ tạo của Thiên Chúa. Đặt việc tạo dựng các sinh vật khác ở giữa việc tạo dựng người nam và người nữ xác định sự liên hệ giữa loài vật và con người trong công trình thế giới. Qua việc đặt tên cho loài vật, con người tham dự vào việc hướng dẫn và cuộc sống của loài vật, đón nhận một quyền hạn nào đó nhưng đồng thời cũng có trách nhiệm đối với chúng.

Bài Tin mừng theo thánh Máccô cũng suy tư về những tương quan: vợ - chồng và người lớn - trẻ nhỏ. Nên chọn đọc bài Tin mừng dài trong sách Bài đọc. Như ở nơi khác trong các sách Tin mừng, người Pharisêu cố dồn ép Đức Giêsu nói những gì không hợp với luật Do Thái, nhưng Ngài không bị rơi vào bẫy của họ. Khi họ đặt vấn đề ly dị với Đức Giêsu, Ngài hỏi luật nói gì về việc này. Họ khẳng định rằng chồng có thể ly dị vợ, một giải thích nơi Đệ nhị luật 24,1-4 tạo cho người nam ly dị người nữ nhưng làm khó cho người nữ khởi sự việc ly dị. Để trả lời, Đức Giêsu giải thích lại mục đích và ý nghĩa của luật như sau: 1) Đức Giêsu nói rằng luật ly dị được ban hành vì “lòng chai dạ đá” của dân Israel. 2) Ngài giải thích luật ly dị dựa trên trình thuật tạo dựng từ bài đọc một. 3) Đức Giêsu giải thích luật ly dị và những cuộc hôn nhân tiếp theo dựa trên giới răn chống lại việc ngoại tình.

Phương pháp giải thích của Đức Giêsu đưa ra một kiểu mẫu để đọc Kinh Thánh. Ngài đặt lề luật vào bối cảnh lịch sử và nêu rõ mục đích của nó cho những thính giả nguyên thủy. Sau đó, Đức Giêsu sử dụng truyền thống Kinh Thánh bao quát hơn để suy gẫm về sự kết hợp giữa con người, và Ngài xác nhận các mối tương quan con người,  đồng thời, một cách triệt để, hình dung lại những động năng chi phối quyền lực giữa con người với nhau.

Nơi Israel cổ xưa, việc ngoại tình được hiểu theo nghĩa hẹp, áp dụng đối với một người nam có quan hệ tình dục với một người nữ đã có gia đình. Ngoại tình là một hành vi xúc phạm đến chồng của người nữ, chứ không xúc phạm đến vợ của người chồng đó. Bất kỳ hành vi xúc phạm nào đối với người nữ đều được xem là ít nghiêm trọng hơn là sự xúc phạm đến quyền hạn của người đàn ông đối với hành vi tình dục của vợ mình. Mặc dù ngày nay ngoại tình được xem như sự không chung thủy đối với người phối ngẫu, nhưng cách hiểu này không phải là tiền đề của giới răn xa xưa chống lại tội ngoại tình.

Lối giải thích của Đức Giêsu mở rộng phạm vi yếu tố cấu thành việc ngoại tình, và bao gồm ý tưởng là người nữ cũng có thể là kẻ ngoại tình. Mặc dù nghe có vẻ tiêu cực, nhưng đó lại là một cái nhìn cải cách về người nữ trong hôn nhân như là người bạn đời bình đẳng, và mở rộng, như là người vi phạm cũng như bị xúc phạm giống như người nam. Đức Giêsu nhấn mạnh nhiều đến việc vi phạm về sự kết hợp hôn nhân hơn là sự vi phạm của một người đối với những quyền của người khác.

Ở cuối bài Tin mừng, mối tương quan cấp bậc giữa người lớn và trẻ em lại được xem xét khi Đức Giêsu khuyến khích đưa trẻ em đến với Ngài. Đức Giêsu khẳng định giá trị của trẻ em ngang bằng với người lớn, vì tất cả mọi người đều được mời gọi lắng nghe Tin mừng và để được Chúa chúc lành. Hơn nữa, Đức Giêsu nhìn nhận trẻ em cũng có quyền của mình và mời gọi người lớn hãy nên giống như chúng để được vào vương quốc của Thiên Chúa.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập204
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm171
  • Hôm nay27,234
  • Tháng hiện tại646,360
  • Tổng lượt truy cập51,058,967

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây