MUỐN LÀM LỚN?
HÃY PHỤC VỤ NHỮNG NGƯỜI ĐAU KHỔ
Jaime L. Waters
Chúa Nhật XXIX Thường Niên B
Is 53,10–11; Dt 4,14–16; Mc 10,35–45
Bài đọc một và bài Tin mừng của Chúa nhật 29 Thường niên năm B nói với chúng ta về tầm quan trọng của việc phục vụ, dựa trên chủ đề của các bài đọc Chúa nhật tuần trước. Hôm nay, chúng ta được thôi thúc suy gẫm về những cách thức phục vụ lẫn nhau, cũng như bị thách đố để đề cập đến những đau khổ ở giữa chúng ta.
Bài đọc thứ nhất là một trong những bài ca về người tôi trung đau khổ trích từ sách Isaia. Bài ca này miêu tả Thiên Chúa chọn một người nào đó để chịu đau khổ thay cho kẻ khác. Sự đau khổ của người tôi trung có những nét tương đồng với của lễ thanh tẩy xá tội, mà điển hình là việc hiến tế con vật tại đền thờ dành cho việc thanh tẩy hoặc tha thứ tội lỗi. Dù phải chịu đau khổ, nhưng người tôi trung được an ủi khi biết rằng đau khổ của mình có thể giúp ích cho người khác. Vì ngôn ngữ diễn tả của sự đau khổ và hình ảnh dân chúng được cứu chuộc, nên bài ca này và những bài ca khác về người tôi trung đau khổ đã được giải thích dưới ánh sáng sự đau khổ và cái chết của Đức Giêsu.
Ngoài cách đọc rõ ràng theo hướng Kitô học, bài ca về người tôi trung cũng đưa ra một suy tư phức tạp về đau khổ. Đối với Isaia, người tôi trung đau khổ có thể là một nhân vật cụ thể là chính ông hoặc cộng đoàn Do Thái đang lưu đày ở Babylon. Lời tiên báo mang đến niềm hy vọng là những người đau khổ “sẽ được nhìn thấy một dòng dõi trường tồn … sẽ thấy và sẽ được thỏa mãn.” Nó mời gọi những ai đau khổ hãy biết định hướng, nhận ra sự an ủi tiềm ẩn, cũng như những tác động tích cực trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta không nên theo đó mà nghĩ rằng con người nên chịu đau khổ chỉ vì hy vọng là những kết quả thuận lợi cuối cùng sẽ đến. Kinh thánh cũng mời gọi chúng ta làm giảm bớt sự đau khổ, chứ không chỉ đương đầu với nó.
Bài Tin mừng hôm nay làm nổi bật quan điểm này với điểm nhấn là việc phục vụ. Sách bài đọc cho chúng ta tùy chọn đọc bài ngắn hoặc bài dài. Bài đọc dài hơn cung cấp thêm nền tảng và bối cảnh cho sự tương tác giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Giacôbê và Gioan hỏi Đức Giêsu làm cách nào để có thể được ngồi bên hữu bên tả Ngài, điều đó cho thấy họ muốn có một địa vị và quyền lực cao hơn. Đức Giêsu nhấn mạnh, “ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em; và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người.” Sau đó, Đức Giêsu cho thấy chính Ngài đến để phục vụ và hiến thân cho muôn người, vang vọng lại ngôn ngữ diễn tả của bài đọc một.
Một lần nữa, chúng ta nghe thấy sự cần thiết của việc phục vụ tha nhân. Rõ ràng cả hai bài đọc đều cho thấy sự phục vụ quên mình có thể cần có đau khổ, và Đức Giêsu còn tiến xa hơn nữa khi kêu gọi các môn đệ phục vụ, và quả quyết rằng việc lãnh đạo thực sự đòi hỏi sự phục vụ.