Vượt lên trên tội lỗi: Gương Người Mục tử nhân lành

Chủ nhật - 21/04/2024 02:05  259
Vượt lên trên tội lỗi: Gương Người Mục tử nhân lành
Suy niệm Chúa nhật IV Phục sinh Năm B
Victor Cancino, S.J.
Cv 4,8-12; Tv 118; 1Ga 3,1-2; Ga 10,11-18
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ america.org

Nhiều người trong chúng ta lưu giữ những ký ức tuổi thơ sống động về các nghi thức phụng vụ long trọng của Tuần Thánh và lễ Phục sinh. Đối với tôi, tôi thường nhớ đến những bài tường thuật dài về cuộc Thương khó được đọc vào Chúa nhật Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh. Các bài Thương khó này thường được phân chia cho các người đọc khác nhau: người kể, Đức Giêsu, các nhân vật và đám đông. Thậm chí từ khi còn nhỏ, tôi nhớ mình rất mong đợi để tham gia, và không hiểu gì hơn ngoài việc chỉ biết chúng tôi đang diễn lại một vở kịch nào đó. Lời của đám đông: “Đóng đinh nó! Đóng đinh nó!” đã để lại cho tôi ấn tượng rằng những người tốt trong giáo xứ cách nào đó cũng có liên quan đến cái chết của Đức Giêsu. Điều đó khó hiểu đối với tôi khi còn nhỏ và vẫn còn làm tôi lúng túng tới bây giờ. Các bài đọc Chúa nhật IV Phục sinh đã cân đối quan điểm đó với cách hiểu của chính Đức Giêsu về lựa chọn nền tảng của Ngài là “thí mạng sống” (Ga 10,11).
Bài đọc I tiếp nối các bài giảng trích sách Công vụ Tông đồ diễn tả niềm tin của Giáo hội sơ khai. Bài diễn từ của Phêrô nhằm giới thiệu con người Chúa Giêsu phục sinh với những ai chưa từng nghe Tin mừng hay chưa từng thấy quyền năng chữa lành mà các tông đồ đã thực hiện. Phêrô được đầy Thánh Thần, đã nói: “Chính nhờ danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng ta, Đấng mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại (Cv 4,10). Phêrô xác định Chúa Giêsu như “viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra,” phản ánh ý nghĩa của bài thánh vịnh hôm nay: “Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường” (Tv 118,22). Kiểu nói phổ biến tảng đá góc trong Tân ước có ý nói đến cái chết và phục sinh của Đức Giêsu như một thực tại không thể tách biệt. Tảng đá góc này thường bị người đời coi thường nhưng lại được Thiên Chúa đề cao.

Vào Chúa nhật trước, bài giảng của Phêrô đã sử dụng ngôn ngữ tương tự để nhắc nhở cử tọa không biết gì về tội đồng lõa của họ trong cái chết của Đấng Cứu Độ. “Còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3,15). Liệu Thượng hội đồng Do Thái thời đó – và con người ngày nay có biết “Đấng ban sự sống” đã bị xử tử không? Có lẽ không, nhưng sự dữ thì không cần biết mình đã gây hại. Việc Phêrô nhấn mạnh về tội lỗi con người đối với cái chết của Đức Giêsu có lẽ đúng về mặt thần học, tuy nhiên bài Tin mừng tuần này nêu bật sự lựa chọn tự do của chính Đức Giêsu và cũng góp phần quan trọng để quân bình thần học của Phêrô.
Trong bài Tin mừng theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu ý thức sâu sắc về sứ mạng mà Chúa Cha trao phó, và Ngài đã phải trả bằng cả mạng sống mình. Sự nhận thức và cái giá phải trả này là nền tảng nơi Tin mừng thứ IV. “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình… Không ai lấy đi được nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,17-18). Hãy lưu ý đến sự tương phản với bài đọc I nhắc nhở về sự đồng lõa của chúng ta trong cái chết của Chúa Kitô. Ngược lại, trong suy niệm của Thánh Gioan, Chúa Giêsu không đổ lỗi cho ai, vì Ngài có quyền hy sinh và lấy lại mạng sống.. Tâm tình cuối cùng này theo sau suy niệm Chúa Giêsu tự mặc khải mình là “mục tử nhân lành” được lặp lại hai lần trong bản văn hôm nay. “Tôi chính là mục tử nhân lành… và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10: 11,14). Từ “Tốt” được sử dụng ở đây theo quan điểm Hy Lạp cổ về sự trổi vượt không thể bàn cãi và là hình mẫu của hành động không có gì chê trách. Chúa Giêsu, với tư cách là “mục tử kiểu mẫu”, biểu lộ sự tự do hy sinh mạng sống của Ngài. Đây là mẫu gương xứng đáng với danh hiệu “mục tử nhân lành”.
Bài đọc Chúa nhật tuần này tiếp nối bài suy niệm Phục Sinh hàng tuần giúp chúng ta dần dần nhận ra Chúa Kitô phục sinh trong đời sống hằng ngày của mình. Những diễn từ của Phêrô trong sách Công vụ tông đồ nhắc nhở chúng ta rằng tội lỗi là một phần của thân phận con người. Tuy nhiên, bài  Tin mừng nhắc nhở chúng ta rằng mặc dù Chúa Giêsu chết vì tội con người, nhưng Ngài không đổ lỗi cho ai về cái chết của chính mình. Ngài tập trung nhấn mạnh vào sứ mạng được Chúa Cha trao ban, vốn đòi buộc toàn bộ đời sống của Ngài. Chúa Giêsu đã đáp trả không chút do dự. Ước mong chúng ta đón nhận sứ mạng được nâng đỡ bởi hình mẫu người môn đệ can đảm của Chúa Giêsu, một hình mẫu mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nêu rõ. Đó là cách làm môn đệ duy nhất cần thiết ngày nay để loan báo tin mừng về người mục tử nhân lành.

CẦU NGUYỆN
Ngày nay, ai là môn đệ gương mẫu có ảnh hưởng đến hành trình đức tin của chúng ta?

Chúng ta được kêu gọi để dấn thân trở thành người môn đệ can đảm ở đâu?

Chúng ta có thể hy sinh mạng sống mình cho người khác, theo gương vị Mục tử mẫu mực không?

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập129
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm93
  • Hôm nay24,621
  • Tháng hiện tại681,481
  • Tổng lượt truy cập52,850,429

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây