Suy niệm Chúa Nhật 6 Phục Sinh B - Lm. Xuân Hy Vọng
Thứ ba - 30/04/2024 04:57
274
YÊU NHAU NHƯ THẦY GIÊ-SU
Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Chúng ta cảm tạ Chúa đã yêu thương, chịu chết và sống lại cho chúng ta. Uớc gì niềm vui Chúa phục sinh luôn là kim chỉ nam cho đời sống Ki-tô hữu của mỗi người chúng ta!
Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ chúng ta “hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (x. Ga 15, 9). Từ đó, Ngài mời gọi mỗi người “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh (chị) em” (x. Ga 15, 12). Yêu thương như Thầy Giê-su đã yêu là “hy sinh tính mạng mình vì bạn hữu” (x. Ga 15, 13). Một khi mặc lấy cách sống yêu thương này, thì chúng ta ‘ở lại’ hoặc ‘sống trong’ tình yêu của Thầy Giê-su. Và qua đó, chúng ta cảm nhận được tình yêu của Thiên đối với chúng ta như Thánh Gio-an Tông đồ xác tín: “Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta” (1Ga 4, 9-10).
YÊU NHAU NHƯ THẦY GIÊ-SU không phải với tình yêu trừu tượng, hay mang tính văn học triết lý ‘nào ai định nghĩa được tình yêu’ mà tình yêu tận hiến, tha thứ kể cả về chiều rộng, chiều sâu cũng như chiều cao. Thánh Âu-gus-ti-nô khi nói về mức độ của tình yêu thì ngài nói rất chí lý: ‘Mức độ của tình yêu là không có mức độ nào’. Thật vậy, Chúa Giê-su đã yêu thương đến tận cùng, yêu thương đến độ hiến thân mạng sống mình cho nhân loại, trong đó có chúng ta. Ngài yêu thương đến mức chịu chết nhục nhã trên thập tự giá mà không một lời oán trách, hờn căm. Hơn ai hết, Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã sống trọn cuộc đời yêu thương như Thầy Giê-su, mặc cho bị bó hẹp trong bốn bức tường dòng chiêm niệm. Thánh nữ luôn cảm nghiệm sâu sắc tình yêu ấy và tóm tắt qua áng thơ đơn sơ sau:
‘Sống yêu thương là cho đi tất cả,
Trên đời này chẳng đòi hỏi công lao.
Không tính toán, không kể cho là bao,
Vì khi yêu nào có ai suy tính’.
YÊU NHAU NHƯ THẦY GIÊ-SU gắn liền với sự hy sinh tận cùng và tự hiến. Tục ngữ Pháp có câu: ‘Partir, c’est mourir un peu’ (tạm dịch: ‘Lìa xa là chết trong lòng một chút’). Rời xa khiến con người đau khổ và chịu hy sinh mất mát. Tình yêu chân thật cũng đòi hy sinh cho nhau, mà hy sinh càng lớn lao thì tình yêu càng đậm sâu dạt dào. Tác giả Pierre L’Ermite giả định: ‘Nếu muốn biết tình yêu chân thật hay không, hãy cho tình yêu vào máy ép, một khi nó tiết ra dung dịch hy sinh vô vị lợi, đó chính là tình yêu đích thật’. Thầy Giê-su chẳng những hy sinh khiêm hạ “mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân…” (x. Pl 2, 6-11), mà còn hiến trao sự sống mình làm giá chuộc cứu đời (x. Mc 10, 45). Yêu là chấp nhận hy sinh, và hy sinh cao cả hơn hết chính là cho đi mạng sống mình như Chúa Giê-su đã dạy cũng như đã làm: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15, 13).
Nữ văn sỹ Harriet Elisabeth Beecher Stowe (1811-1896) xuất bản cuốn tiểu thuyết nhan đề ‘Uncle Tom’s Cabin’ (tạm dịch ‘Túp lều bác Tom’) thuật lại cuộc đời của một người nô lệ da đen tên là Tom. Arthur Shelby (A-thua Sel-bi), chủ của bác Tom là một trong số hiếm hoi những người chủ da trắng biết thương yêu kẻ nô bộc da đen nhà mình. Đáp lại bác Tom cũng hết sức quý mến, yêu thương và tận tụy phục vụ ông chủ. Tuy nhiên, chẳng may Sel-bi vì làm ăn thua lỗ nên đã nợ món tiền rất lớn. Một tên da trắng khác chuyên buôn bán nô lệ tên là Haley (Ha-li) đã tìm cách nắm thóp ông, hắn giữ các giấy nợ dùng gây áp lực với Sel-bi. Hắn buộc ông phải bán bác Tom cho hắn để thanh toán nợ nần. Thoạt đầu, Sel-bi nhất quyết không chịu, nhưng sau vì một phần bị đe doạ tịch thu tài sản, một phần bác Tom thuyết phục ông cứ bán ông miễn sao giữ được mạng sống và gia đình của ông chủ nhân hậu, nên cuối cùng ông nghẹn ngào làm theo lời bác Tom. Dĩ nhiên, sau đó cuộc đời bác Tom trở nên lao đao khốn đốn lận đận, chịu trăm bề khổ sở rồi bị hai tên thuộc hạ của Legree (Li-gri) đó là Quimbo và Sambo dùng roi quật cho đến chết. Trước khi từ giã cõi đời, bác Tom đã tha thứ cho Quimbo và Sambo. Tuy là người ăn kẻ ở, nô lệ, nhưng bác Tom đã hy sinh cho Shel-bi.
YÊU NHAU NHƯ THẦY GIÊ-SU là nguồn sống, là động lực chính yếu và là cứu cánh của cuộc đời như thi sĩ R.Tagore cảm nhận: ‘Vạn sự đã do Tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu đỡ nâng, vạn sự trở về và bước vào Tình yêu’. Do đó, chúng ta “yêu nhau như Thầy Giê-su” phải khởi sự từ tình mến bạn bè, gia đình, cộng đoàn, tha nhân, vì ‘chúng ta được đặt để vào trong thế giới này một không gian nhỏ bé, ngõ hầu học được cách thức mang đến cho mọi người tia sáng của tình yêu’ (William Blake). Tương tự, Van Gogh khẳng định: ‘Cách thức tốt nhất để nhận biết Thiên Chúa là hãy yêu thương nhiều, yêu mến bạn bè, vợ con…, và bạn sẽ được bước trên nẻo đường đúng đắn trong việc nhận biết Ngài’.
Nguyện cầu: Xin cho chúng con luôn biết yêu thương nhau như Thầy Giê-su Chí Thánh đã thương yêu chúng con đến tận cùng. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng