Suy niệm Chúa Nhật 6 Phục Sinh B - Lm. Xuân Hy Vọng
Thứ tư - 01/05/2024 21:13
217
TÌNH YÊU TRAO DÂNG
Khi nói đến tình yêu, con người chúng ta thường cố công định nghĩa hoặc truy tầm lời giải đáp cho câu hỏi:
tình yêu là cái chi chi, mà lòng ta mãi khắc ghi trọn thề?
Và rồi, cuộc hành trình đi tìm câu trả lời ấy cứ hoài xa, mất hút dần trong sương mù lan toả, như những đám mây cứ trôi hoài mà không chốn dừng chân. Vậy xin thử cùng tôi, một lần chạm đến tình yêu hơn là đi tìm câu định nghĩa tình yêu; một lần cảm nếm tình yêu hơn là cứ trông mong vô vọng. Thử một lần ôm trọn tình yêu như một giấc mơ chẳng bao giờ nghĩ tới, để rồi được suối nguồn tình yêu – Thiên Chúa – đánh động tâm hồn ta, thúc bách ta, dẫn lối ta đi trên con đường chân lý ngàn thu!
Có lẽ quý anh chị em thắc mắc tại sao tôi dành nhiều dòng lê thê để nói đến tình yêu, mà chẳng đoái hoài gì đến các bài đọc trong Phụng Vụ Thánh Lễ hôm nay? Nhưng nếu quan sát kỹ lưỡng, nhìn ngắm, đặt mình vào Lời Chúa thì chắc hẳn chúng ta sẽ nhận ra được một chủ đề xuyên suốt cả ba bài đọc, đó là Tình Yêu. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô yêu quý của chúng ta đã từng xác quyết một điều khi Ngài cùng với khách hành hương Rô-ma đọc Kinh Truyền Tin, rằng: “Nền tảng của đời sống Ki-tô hữu không gì khác ngoài lòng bác ái. Và chỉ nhờ tình yêu này, chúng ta mới có thể nhận chìm những sự gớm ghê, nhơ bẩn mà làm hoen úa tâm hồn ta mà thôi”. Nói cách khác, chúng ta được sinh ra từ nguồn cội tình yêu – Thiên Chúa, và hễ ai sống hiệp thông với Thiên Chúa, thì người đó sống trong tình yêu đích thật.
Ở điểm này, chúng ta đừng rút gọn và biến tình yêu thành mô phạm nghiên cứu tâm lý học, mà nên mở rộng con tim, đôi mắt, cảm xúc, và cả ngũ quan để nghiệm ra tình yêu mà Thiên Chúa đã, đang và sẽ dành cho chúng ta “tình yêu ấy là thế này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta” (x. 1Ga 4, 10). Tình yêu này vượt trên lòng yêu thương cha mẹ-con cái, anh chị em trong gia đình, dòng tộc, và tình bằng hữu (tiếng Hy lạp: philia); tình yêu này cũng trổi vượt hơn tình yêu đôi lứa, nam nữ (tiếng Hy lạp: eros). Nhưng đó là tình yêu kiểu gì mà cao quý, vĩ đại đến như vậy? Câu trả lời rất rõ ràng, cụ thể, và được chính Chúa Giê-su dạy cho chúng ta: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Tình yêu không chỉ bằng ngôn từ, mà được thể hiện một cách sâu xa qua hành động hy sinh cả mạng sống, cả con người của mình vì bạn hữu, vì người mình yêu (tiếng Hy lạp: agape). Hơn nữa, Thiên Chúa mời gọi chúng ta – những người mang danh Ki-tô, là con cái Thiên Chúa – biết sống trọn vẹn tình yêu trao dâng này qua những cử chỉ nho nhỏ nhưng đầy lòng tin yêu chân thành; qua nụ cười tươi đơn sơ, mộc mạc làm sống dậy những tâm hồn trống vắng chơi vơi; qua những lời chào nói giản dị nhưng thấm đượm cả tấm lòng, mang lại sự bình an đích thật; qua hành động ‘ra đi’ phục vụ vì tha nhân, v.v...Nói sao cho hết vô số trạng huống, hoàn cảnh khi chúng ta đáp trả lời mời gọi sống tình yêu trao dâng như Thiên Chúa đã không ngần ngại hy sinh, trao ban cả Con Một Người cho chúng ta. Người đã trở nên con người, mặc lấy xác phàm phải hư mất, vâng phục cho đến chết, và chịu tử nạn để cứu chuộc loài người tội lỗi, mỏng dòn, bất xứng với tình yêu vô biên của Người.
Trong đời sống thường nhật, mỗi khi nhìn lên Thánh Giá với tượng Chúa chịu đóng đanh, tôi thường nghiệm thấy tình yêu trao hiến và ân ban thâm sâu của Thiên Chúa dành cho con người yếu hèn như tôi. Qua cảm nghiệm này, tôi cũng mạo muội xin mời quý ông bà, anh chị em dành chút thời gian hướng nhìn lên Chúa chịu tử nạn trên Thập Tự giá, nơi đó tỏ hiện rõ hai chữ tuy ngắn ngủi nhưng cả vũ trụ này không thể chứa nỗi – T.Y (cây Thập Giá tượng trưng cho chữ T, ‘Chúa chịu đóng đinh’ tượng trưng cho chữ Y), Tình Yêu. Và khi nghiệm được tình yêu này, xin quý ông bà, anh chị em cùng tôi thưa lên hai chữ T.Y (trong tiếng Anh: Thank You, nghĩa là Cảm tạ Chúa, cám ơn Chúa...). Hơn thế nữa, mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh Giá, chúng ta ý thức hơn: cuộc đời vỏn vẹn, mong manh, nổi trôi của chúng ta được chạm khắc với Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi ấy chúng ta múc lấy sự sống vĩnh cửu. Và cũng từ nơi ấy, phát sinh tình yêu vị tha, bao dung của mỗi người chúng ta dành cho anh chị em trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, nơi công sở, ngoài xã hội. Đặc biệt, chúng ta luôn luôn được Tình Yêu trao dâng hướng dẫn, làm ‘kim chỉ nam’ cho mọi tư tưởng, lời nói, hành động, trách nhiệm, nghĩa vụ của chúng ta trong xã hội ngày nay – một xã hội dường như đang chìm sâu trong thế tục, vật chất, lấy đồng tiền, danh vọng, chức quyền làm tiêu chuẩn đánh giá các giá trị tinh thần bất biến; hơn thế nó dường như trở nên thước đo cho các mối tương quan không lành mạnh.
Nguyện xin tình yêu Chúa thúc bách chúng ta ‘lên đường’, rời xa những gian phòng uy nghi, tráng lệ khép kín tâm hồn mình, mà biết ‘ra đi’ chia san, san sẻ tình bác ái, yêu thương trong gia đình trước tiên, kế đến biết liên đới, cảm thông với tha nhân như Thiên Chúa đã không chờ chúng ta đáp trả mà Người lại ‘đi bước trước’ trao ban sự sống, tình yêu cho chúng ta, mặc dầu chúng ta chẳng xứng đáng. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng