Suy niệm Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên - Lm GB Phạm Hồng Thái

Thứ tư - 08/05/2024 20:58  291

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: “Chúa Giêsu lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha” Chúa Giêsu lên trời tức là Chúa được siêu tôn sau khi đã hoàn thành sứ mạng Chúa Cha trao phó như lời thánh Phaolô: “Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa  đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu (Pl 2,8 -9)”

Chúa Giêsu đã nói về con đường Chúa trải qua như sau: “Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian, Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha (Ga 16,28)”. Như vậy Chúa lên trời tức là Chúa trở về lại với Chúa Cha nhưng chúng ta thấy có điều đặc biệt cần phải lưu ý đó là khi chưa xuống thế gian thì Chúa Giêsu chưa có thân xác, nay sau khi xuống thế làm người, chịu chết sống lại và lên trời  Chúa lên trời với thân xác phục sinh của Chúa và Chúa vẫn mang năm dấu thương tích trên thân xác Chúa về trời.

Các thánh sử nhấn mạnh cho chúng ta điều này là Chúa hoàn tất sứ mạng ở trần gian rồi Chúa mới lên trời và ngày Chúa Thăng thiên cũng là ngày khởi đầu sứ mạng của Hội thánh ở trần gian nên Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ một mệnh lệnh và cũng là một lời di chúc: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo  Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo (Mc 16, 15)”. Vì thế trong khi các tông đồ cứ đăm dăm nhìn lên Chúa thăng thiên thì có hai thiên thần xuống nhắc bảo các ông đừng có nhìn lên trời hoài như vậy nữa mà hãy trở về với sứ mạng của mình là ra đi làm chứng cho Chúa và quả thực khi các ông đi rao giảng Tin Mừng thì có Chúa hoạt động với các ông và củng cố lời giảng dạy của các ông bằng những phép lạ kèm theo.

Trời được coi như là nơi Thiên Chúa ngự nên Chúa Giêsu dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Người Việt nam chúng ta có niềm tin vào Thiên Chúa nên nói lên trong câu ca dao: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp” và luôn tin rằng Trời luôn theo dõi hành vi và bảo vệ con người chúng ta qua những câu nói phổ thông như “Trời xanh có mắt” và  “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”.

Điều rất an ủi cho chúng ta là Chúa Giêsu lên trời tức là Chúa về với Chúa Cha và Chúa cho biết Chúa ra đi trước để dọn chỗ cho chúng ta có được chỗ trên Nhà Cha trên trời như lời Chúa nói: “Nếu Thầy dọn chỗ cho anh em thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó (Ga 14, 3)”. Như vậy đúng như lời nguyện nhập lễ: “là Thủ Lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa khiến chúng con là những chi thể của Người nắm chắc hi vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang”

Trong gẫm Năm sự Mừng, chúng ta đọc: “thứ hai thì gẫm: Đức Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời”. Trước tiên là chúng ta cần phải có lòng ái mộ rồi sau đó sẽ đó sẽ theo Chúa để được vào nước vinh hiển Chúa như lời thánh Phaolô: “Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa (Cl 3,1)” cũng như với lời Chúa Giêsu nói: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người còn những thứ kia Người sẽ thêm cho (Mt 6,33)”

Mỗi người chúng ta hãy có lòng tin Chúa và sám hối tội lỗi thì Chúa sẽ ban Nước thiên đàng cho chúng ta như người trộm bên tay hữu Chúa đã thưa với Chúa: “Ông Giêsu ơi,  khi ông vào Nước của Ông,  xin nhớ đến tôi (Lc 23, 42)”

Câu chuyện : Nhà soạn nhạc vĩ đại người Ý Giacomo Puccini (1858-1624) đã viết nhiều vở nhạc kịch lừng danh. Năm 1922, lúc ông được 64 tuổi, thì ông mắc bệnh ung thư. Dầu vậy, ông vẫn quyết định hoàn thành vở nhạc kịch cuối cùng của mình, tức vở Turandot mà hiện nay nhiều người coi như vở nhạc kịch hay nhất của ông. Ông miệt mài làm việc ngày đêm. Nhiều người ép ông nghỉ ngơi, vì theo họ nghĩ, ông không thể nào hoàn tất nổi vở nhạc kịch ấy. Khi thấy căn bệnh ngày càng nặng hơn, Puccini nói với các đệ tử: “Nếu ta không hoàn tất được vở Turandot thì các trò hãy cố gắng hoàn tất nó cho ta.”

Vào năm 1924, Puccini được học trò đem đến Bruxelles để giải phẫu, nhưng hai ngày sau cuộc giải phẫu đó, thì ông qua đời. Trở về Ý, các đệ tử của Puccini nghiên cứu kỹ lưỡng vở Turandot và tiếp tục viết cho đến lúc hoàn thành trọn vở nhạc kịch đó.

Hai năm sau, vở nhạc kịch được trình diễn lần đầu tiên tại nhà hát lớn La Scala thuộc thành phố Milan, do Arturo Toscanini, người học trò ưu tú của Puccini điều khiển. Mọi sự đều trôi chảy tốt đẹp cho đến khúc nhạc mà Puccini buộc phải ngừng bút, thì Toscanini đã không cầm được nước mắt. Anh cho giàn nhạc dừng bản nhạc kịch lại, đặt cây gậy điều khiển xuống rồi quay về khán thính giả và nói lớn: “Sư phụ chúng tôi đã viết được đến đây, rồi người qua đời.”

Lúc đó toàn thể nhà hát đều im bặt, không cử động. Sau vài phút, Toscanini cúi xuống cầm gậy điều khiển lên, quay về cử tọa mỉm cười qua dòng lệ rồi thốt lên: “Nhưng các đệ tử đã hoàn tất công việc của người”. Vở Turandot vừa dứt thì toàn thể khán thính giả vỗ tay ầm ầm như sấm vang. Những người có mặt lúc đó không thể nào quên được giây phút ấy.

Câu chuyện sáng tác vở nhạc kịch Turandot của Puccini có nét rất giống với công việc truyền giáo của Giáo hội chúng ta: Chúa Giêsu Thăng thiên và Chúa muốn mọi người kitô hữu chúng ta tiếp tục để hoàn thành sứ mạng Chúa để lại là rao giảng Tin Mừng khắp thế gian đem mọi người về cùng Chúa. Amen

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay23,612
  • Tháng hiện tại678,126
  • Tổng lượt truy cập52,847,074

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây