Suy niệm Chúa Nhật 4 Phục Sinh B - Lm. Xuân Hy Vọng
Thứ ba - 16/04/2024 20:27
258
ƠN GỌI: 'ƠN SỦNG' + ‘NGƯỜI GỌI và CHỌN’
Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Như thường lệ, cứ vào dịp lễ tuần IV Phục Sinh, Giáo Hội lại mời gọi tất cả tín hữu hiệp ý cầu nguyện cho ơn thiên triệu (hay còn gọi: ơn gọi), và cách riêng cho các linh mục được trở nên người mục tử như lòng Chúa mong muốn (sicut pastor Cor Iesu).
Có câu chuyện vui thế này: Ở một gia đình Công Giáo nọ, vì người mẹ muốn con trai Thiên Ân trở thành linh mục, nên lúc nào cũng nhắc con: “Lớn lên con đi tu nha không!” Buổi tối hôm kia, ngay sau khi đọc kinh gia đình xong, bé Thiên Ân bèn hỏi mẹ:
– Mẹ ơi, mỗi ngày con thấy mẹ lo cơm nước cho bố, vậy sau này con đi tu thì ai nấu cơm cho con ăn?
Suy nghĩ một lát, mẹ Ân trả lời:
– Mình đi tu, tức là mình dâng đời mình cho Chúa, nên con phải nấu cơm lấy mà ăn, chứ đâu có ai nấu cho…
Nghe xong, Ân buồn lắm, và khẽ nói với mẹ:
– Mẹ ơi, nếu vậy, con chẳng thích đi tu chút nào!
Vừa dứt câu, cậu buồn bã lặng lẽ bước vào phòng ngủ, vì mai còn phải đi học. Tuy nhiên, hôm sau, khi từ trường về nhà, Ân lại hớn hở thưa với mẹ:
– Mẹ ơi, con thích đi tu lại rồi!
Quá đỗi ngạc nhiên, mẹ hỏi:
– Ủa! Sao vậy con? Sao thay đổi nhanh quá vậy?
– Vì có người cùng đi tu với con và sẽ nấu cơm cho con ăn mỗi ngày rồi.
– Ai vậy con?
– Thì cái Vy, con bác Phạm ở gần nhà mình đó mẹ!
– (…mẹ bó tay)
Phụng vụ hôm nay nhắc tới hình ảnh Phê-rô can đảm rao giảng về Đức Giê-su Ki-tô đã chịu nạn, chịu chết và phục sinh (x. Cv 4, 12), sau khi các Tông đồ được đầy tràn Thần Khí trong ngày lễ Ngũ Tuần. Hơn thế, biểu tượng người mục tử tốt lành, dám thí mạng sống mình vì đàn chiên (x. Ga 10, 11) và chúng ta cũng cảm nhận phần nào tình yêu của Chúa Cha trao ban cho chúng ta lớn lao dường nào (x. 1Ga 3, 2).
Trước hết, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta hết mực, dù chúng ta chẳng xứng đáng với Ngài. Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn cao cả làm con cái của Ngài, và sau được ‘diện đối diện’ với Ngài, “chúng ta sẽ giống như Ngài, vì Ngài thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy” (1Ga 3, 2). Hơn nữa, Ngài còn mời gọi chúng ta thông phần vào sứ mệnh rao truyền, chia san Tin Mừng qua tác vụ người mục tử thánh thiện, nhân lành như lòng Chúa mong ước. Tuy nhiên, để có những người mục tử tốt lành, thánh đức, chúng ta phải được Chúa mời gọi (ơn gọi - ơn thiên triệu) và chọn giữa muôn người tín hữu trong một cộng đoàn nào đấy: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em…” (Ga 15, 16). Vì vậy, hạn từ ‘đi tu’ thông thường gắn liền với “ơn gọi” (‘ơn’ và ‘gọi’). Thứ nhất, ‘đi tu’ chẳng do bởi công trạng, thành quả, tài năng, giỏi giang…của bản thân, nhưng đó thật sự là một ân sủng (‘ơn’); và thường ân sủng đi đôi với trách vụ hay sứ mệnh hoặc công việc nào đó. Kế đến, người ‘đi tu’ phải được ‘gọi’, chứ không thể tự mình muốn đi là được, hoặc tự cho mình có đầy đủ phẩm hạnh để đi! Người ‘gọi’ ở đây chính là Thiên Chúa, còn người ‘đi tu’ là người ‘được gọi’ và vui vẻ đáp trả tiếng mời gọi này, không vì khiên cưỡng, hay đi vì kỳ vọng hoặc ước muốn của ai khác, thậm chí của cha mẹ, họ hàng, thân thuộc, có khi ‘đi tu’ vì sự đánh đố với bạn bè, hay hơi hướng lí do kinh tế!
Nhưng làm sao để biết bản thân có ơn gọi dâng hiến hay không? Đầu tiên, chúng ta (với vai trò phụ huynh hay con cái) phải tin tưởng rằng: nếu Chúa muốn gọi-chọn ai làm nhân chứng cho Ngài trong đời sống dâng hiến (trở thành linh mục, hoặc tu sĩ nam nữ) thì Ngài luôn ban ơn cần thiết, hướng dẫn, trang bị cho họ, chứ Ngài không bao giờ ‘bỏ con giữa chợ, gặp mợ bỏ dì’! Dĩ nhiên, Ngài có cách thức chỉ dẫn riêng; nhưng thông thường, Ngài sẽ dùng môi trường gia đình, qua cha mẹ, qua lời dạy bảo và đồng hành của bậc phụ huynh mà giúp ứng viên nhận ra ‘ơn gọi’; bởi lẽ, ‘gia đình là chủng viện đầu tiên cho ơn gọi’. Hơn nữa, đời sống sinh hoạt nơi gia đình như: những buổi cầu nguyện chung, những lúc gia đình quây quần với nhau qua bữa cơm thường nhật, những cử chỉ yêu thương, chuyện trò với con cái về Chúa, về Giáo Hội, về các Thánh nam nữ, về gương sống đức tin, sống Lời Chúa, v.v…sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn của ứng viên. Từ đó, khi được tiếp xúc với các cha, các tu sĩ nam nữ ngoài giáo xứ hoặc cộng đoàn dòng tu nào đấy, thì có lẽ ứng viên dần dần mường tượng và liên tưởng đến đời sống đi tu là như thế nào. Ngoài ra, Thiên Chúa có thể dùng những người khác hoặc các biến cố trong đời để đánh động, giúp ứng viên nhận ra ngày càng rõ rệt ơn gọi dâng hiến. Và khi nhận biết, nhận ra rồi, thì hân hoan, quảng đại đáp lời mời gọi của Ngài, với sự nỗ lực, hy sinh, rèn luyện, bỏ mình nữa; vì chưng, chẳng có con đường nào bằng phẳng và dễ dàng cả!
Thật sự, Giáo Hội đang rất cần nhiều bạn trẻ quảng đại đáp lời kêu mời của Chúa, mà dám hiến dâng trọn đời mình cho Ngài qua đời sống tu trì-phục vụ-mục vụ-truyền giáo. Tuy nhiên, thiết nghĩ để có một vị linh mục tốt lành, thánh thiện thì cần có một chủng sinh tốt lành, thánh thiện! Nhưng để có một chủng sinh tốt lành, thánh thiện, thì không thể nào không có một Ki-tô hữu tốt lành, thánh thiện; và làm sao để có một Ki-tô hữu tốt lành, thánh thiện, nếu không có một con người/một công dân tốt lành, thánh thiện và nhân bản? Ngoài ra, sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội hơn bao giờ hết đòi hỏi các ứng viên trong thời gian đào luyện, đào tạo không những trau dồi về học vấn-tu đức-cộng đoàn-việc tông đồ, mà cần có lòng nhiệt huyết, lửa mến truyền giáo, dám ra đi rao giảng Tin Mừng, chứ không rơi vào tình trạng yên vị, sa vào hội chứng ‘an toàn, an vị’, chẳng mong đón nhận những thách đố mục vụ-phục vụ-truyền giáo, hoặc e ngại, có khi lo sợ đến vùng ven, vùng ngoại biên phục vụ, hay dính chặt vào những tiện nghi, môi trường đã thân quen, do dự thuyên chuyển đến nơi xa xôi, lạ lẫm, v.v…Tắt một lời, nếu muốn làm giàu (về vật chất) thì không nên làm linh mục! Nếu muốn lợi danh, doanh nhân thành đạt, hay có tiếng tăm…thì không nên làm linh mục! Nếu chỉ muốn người người biết đến mình, mà không phải khao khát biết Chúa, thì không nên làm linh mục! Nếu nhằm đạt được những nghị trình lớn lao, những tham vọng của bản thân, thì không nên làm linh mục! Vì sao như vậy? Đơn giản vì những tiêu chí, tiêu chuẩn ấy không thuộc về căn tính và ơn gọi linh mục. Nói như Kinh Thánh xác thực: Mục tử tốt lành thí mạng sống mình vì chiên (x. Ga 10, 11); mục tử tốt lành biết chiên mình, và các con chiên biết chủ chiên (x. Ga 10, 14); mục tử tốt lành tìm kiếm những con chiên lạc, những con chiên chưa thuộc ràng chiên, vì “chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên” (Ga 10, 16).
Nguyện xin Chúa sai thợ gặt
Hết lòng tín thác, chân thật tâm can.
Chủ chăn yêu mến chứa chan
Chăm lo dẫn dắt, hân hoan đồng hành.
Như người mục tử nhân lành
Hy sinh mạng sống, trung thành mãi liên
Ngày đêm săn sóc đoàn chiên
Trung kiên chống lại ‘sói điên’ rình chờ. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng