LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm, tháp nhập vào Thánh Tâm Chúa – suối nguồn ơn cứu độ - nơi này chúng ta múc lấy tình yêu vĩnh cửu. Với tâm tình cảm tạ lòng lân tuất vô bờ bến của Chúa, chúng ta cũng không quên thể hiện lòng cảm mến sâu xa đến Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, người đã công bố thánh lễ mừng kính Lòng Chúa Thương Xót qua chứng tá của Thánh nữ Maria Faustina.
Nhìn ngắm Thánh Tâm, cảm nghiệm lòng Chúa xót thương, chúng ta nguyện luôn luôn chúc tụng, hát khen “tình thương của Chúa con sẽ hát ca, con sẽ hát hoài, con sẽ ca ngợi suốt đời” (Tv 89). Đồng thời, qua đó, chúng ta biết nhìn lại con người yếu đuối, tội lỗi của ta, để rồi chúng ta luôn biết sống sao cho phải đạo, cho xứng đáng là người con của Chúa ‘nhân từ, chậm bất bình và rất mực khoan dung’. Chắc hẳn quý ông bà và anh chị em ít nhiều cũng cảm nghiệm, được ơn ích mỗi lần kính lòng thương xót Chúa! Một điều chúng ta xác tín là: lòng Chúa thương xót vô vàn, không bờ bến, trải qua muôn ngàn thế hệ, lớn lao hơn tội lỗi, sự yếu hèn của con người chúng ta. Qua các bài đọc Phụng vụ hôm nay, chúng ta càng được thấy rõ điều này.
‘Lòng Chúa thương xót’ quy tụ dân Chúa, cộng đoàn tín hữu đầu tiên sống trong niềm thành tín, yêu thương và hiệp nhất với nhau (x. Cv 4, 32-35). Mỗi người một vẻ, nhưng tất cả đều đồng tâm nhất trí với nhau qua việc kinh nguyện và nghi thức bẻ bánh (Thánh lễ). Và quan trọng hơn, khi họ tiếp xúc với Lời Chúa, với chính Sự sống của Chúa, cộng đoàn tín hữu đầu tiên đã ‘ra đi’ loan truyền lòng xót thương của Chúa mà họ đã được trải nghiệm bằng việc chia cơm sẻ áo, trợ giúp lẫn nhau, yêu thương tha nhân. Lòng Chúa thương xót thúc giục mỗi chúng ta hãy mạnh dạn ra khỏi tính ương hèn, lười biếng, nếp sống bàng quang, do dự, hờ hửng, dửng dưng, v.v... của bản thân, để đưa chân tiến bước chia san sau khi miệng đọc kinh, lòng suy gẫm, tâm hồn được chan chứa nguồn vui. Lòng Chúa thương xót mời gọi chúng ta sống cho nhau, chứ không chỉ biết ‘co cụm’, ‘quanh quẩn’ những nơi làm thoả mãn tính ích kỷ của ta, những chốn xa hoa, phố phường, những ‘ngôi biệt thự không hồn’ của cộng đoàn, của chúng ta.
Hơn nữa, Lòng Chúa Thương Xót giúp chúng ta thắng hết sự yếu hèn, thú vui, đam mê, tật xấu thế gian (x.1Ga 5, 1-6) Con người chúng ta thường có xu hướng lên án, kết tội anh chị em qua những toà án di dộng. Mỗi khi chúng ta ngồi lê đôi mách, chúng ta thường kể tội của anh chị em, những người không hiện diện, và vô hình dung chúng ta xét xử anh chị em với sự tham gia của vị thẩm phán đó là chúng ta, vị luật sư bào chữa là chúng ta, và nhân chứng cũng là chúng ta. ‘Toà án di động’ này chẳng đem lại cho chúng ta nguồn vui, niềm thảnh thơi nào, ngoài sự áy náy, nuối tiếc trong tâm tư của chúng ta! Nếu chúng ta thực sự tôn sùng, kính yêu lòng Chúa Thương Xót, chúng ta hãy đón nhận suối nguồn lân tuất, biết tha thứ, biết chiến thắng những thói quen không lành mạnh, những gì là trái ngược với lòng Chúa xót thương mà Ngài luôn luôn trao ban cho chúng ta. Và qua sự chia san, tương thân, tương ái, ‘người ta sẽ nhận biết anh em chính là môn đệ của Thầy’ (x. Ga 13, 35), là ‘môn đệ của lòng vị tha, bác ái, bao dung’.
Sau cùng, Lòng Chúa Thương Xót vượt trên tính kiêu ngạo, lòng nghi ngờ, sự yếu đuối của con người có lòng tin yếu hèn (x. Ga 20, 19-21). Chẳng có gì mà đáng lo ngại, tội lỗi cho bằng ‘nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người chúng ta’ (Thánh Gio-an Maria Viên-nê). Giữa xã hội thực dụng này, mọi điều đều quy ra vật chất, quy ra những gì mà ‘sờ, đụng, cân, đo, đong, đếm’ được. Kể cả lòng tin, giá trị, văn hoá, v.v... cũng bị mặc cả, ra giá như món đồ thông thương. Nhưng nhờ lòng Chúa Thương Xót, người Ki-tô giáo chúng ta nhận ra điều gì làm đẹp lòng Chúa, sự gì trái ngược với đạo nghĩa làm người, và làm con Thiên Chúa. Lòng tin cần được cụ thể hoá, cảm nghiệm một cách sâu xa và mang tính cá vị như một cuộc gặp gỡ, đối diện với người mình đặt trọn niềm tin. Lòng tin không dựa trên lời ra tiếng vào, lời rêu rao, nghe ngóng từ ‘những đài truyền thanh di động’, mà lòng tin đích thực, chân chính phải dựa trên mối tương quan giữa người với người, cuộc gặp gỡ giữa hai tâm hồn, giữa hai con tim sống động như cuộc gặp gỡ giữa hai thầy trò: Chúa Giê-su và thánh Tô-ma. Lòng tin đích thực không ‘ngặm nhấm quá khứ tệ hại’ hay ‘trông mong, kỳ vọng mong lung về tương lai’, nhưng lòng tin chân chính biết chấp nhận và vun trồng cho ‘hiện tại’ dẫu cho nó không sáng sủa là bao! Hơn thế, lòng tin không bám víu, lệ thuộc vào luật lệ, điều lệ, mà là phụ thuộc vào lối sống, thái độ, động lực của chúng ta. Lòng Chúa thương xót mời gọi chúng ta can đảm vượt thắng tính đố kỵ, ngờ vực, kỳ vọng mong lung hay thần tượng hoá, v.v...Hơn thế nữa, lòng chúng ta ích kỷ vô hạn, nhưng nếu được đặt vào Lòng Chúa xót thương vô hạn thì sự hữu hạn của chúng ta sẽ được sự vô vàn, bao dung vô hạn của Chúa lấp đầy!
Nguyện xin Chúa cho tâm hồn khép kín của chúng con biết mở rộng, cho đôi mắt ‘bệnh tật’ của chúng con được sáng tỏ, cho đôi tai ‘điếc lác’ của chúng con mở toan ra, cho đôi môi ‘thâm’ của chúng con được trở nên trong sạch, và cho đôi tay, đôi chân ‘bại liệt’ của chúng con được chữa lành hầu chúng con sẵn sàng đón nhận, ra đi với người anh chị em như lòng Chúa thương xót vô bờ bến mà Ngài hằng dành trọn cho nhân loại. Amen.
Lm. Xuân Hy Vọng