KHÍ CỤ BÌNH AN – NHÂN CHỨNG YÊU THƯƠNG – SỨ GIẢ VỊ THA
“Bình an cho anh em” (Ga 20, 19) là lời Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh nhắc đi nhắc lại khi Người hiện đến với các Tông Đồ đang ẩn mình sợ hãi sau khi Chúa chịu tử nạn đau thương. Hơn ai hết, Chúa Ki-tô Phục Sinh biết rõ tâm hồn các Tông Đồ, thấu hiểu tâm tư của con người chúng ta cần đến sự bình an thâm sâu ra sao; và sự bình an này không như những điều mà thế gian này mang lại cho bằng chính Chúa Ki-tô Phục Sinh là nguồn bình an tuôn đổ dồi dào tận đáy lòng, đến mọi ngóc ngách, nẻo đời của cuộc sống chúng ta!
Với khúc ca Al-lê-lu-ia khải hoàn vang lên trong đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta cùng nhau mở lòng ra, cúi đầu khiêm nhu đón nhận ơn bình an Chúa Phục Sinh mang đến, và ước gì sự bình an này toả lan, biến chúng ta thành những sứ giả bình an của Chúa Ki-tô (x. Ga 20, 19-31), luôn luôn sống ‘đồng tâm nhất trí’ (x. Cv 4, 32-35), và nhờ dấu chỉ hiệp nhất, yêu thương này mà mọi người nhận biết, tiến đến cung lòng xót thương của Chúa (x. 1Ga 5, 1-6).
Như được thuật lại trong sách Công Vụ Tông Đồ, cộng đoàn Ki-tô giáo tiên khởi đã được đón nhận và sống ân sủng bình an mà chính Chúa Ki-tô Phục Sinh trao ban. Ân sủng bình an đó đã lan rộng, thúc đẩy các tín hữu sống hiệp nhất với nhau, vượt qua mọi khác biệt để trở thành chứng tá nhiệt tâm cho Chúa, và Người đã ban cho họ dồi dào ơn sủng (Cv 4, 33). Lối sống ‘đồng tâm nhất trí’ này không những chỉ nhờ vào sự nỗ lực, bỏ mình, hy sinh của mỗi cá nhân trong cộng đoàn, mà tiên vàn nhờ bởi Cuộc Khổ Nạn – Phục Sinh của Chúa Ki-tô, và được minh chứng đầy quyền năng nhờ Thần Khí Sự Thật (Chúa Thánh Linh) mà Chúa Ki-tô Phục Sinh đã trao ban cho các Tông Đồ khi Người hiện đến với các ông sau khi ban ơn bình an, Người sai các ông đi loan truyền, và Người thổi hơi, nói: “các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (x. Ga 20, 21-22). Hơn nữa, Người còn trao năng quyền cho các ông trở nên sứ giả của lòng thương xót, của lòng vị tha qua việc tha tội (x. Ga 20, 23).
Sau khi suy tư một số điểm từ Lời Chúa hôm nay, giờ đây chúng ta hãy đặt mình trước Lời Hằng Sống, trước Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh và nhìn lại đời sống đức tin của chúng ta, đời sống cộng đoàn, đời sống gia đình, đời sống tận hiến – phục vụ - truyền giáo của mỗi người chúng ta! Sau cùng, xin Lời Chúa soi chiếu và biến đổi mỗi người chúng ta trong tác vụ, ơn gọi, sứ mệnh của mình.
Trước hết, chúng ta được lãnh nhận và được mời gọi làm sứ giả bình an của Chúa Phục Sinh, chúng ta đã biết sống kết hiệp với Chúa, sống hết mình với anh chị em, biết cộng tác với ơn Chúa để sống xứng đáng là sứ giả của niềm hoan lạc, của sự bình an chưa? Thay vì loan báo niềm vui, bình an, ơn cứu độ xuất phát từ lòng từ bi Chúa, chúng ta vô tình trở nên những người gieo rắc sự bất an, bất trung, bất tín, nỗi buồn, sầu khổ đến với anh chị em, kể cả cho chính bản thân mình hay không?
Kế đến, chúng ta được Chúa yêu thương mời gọi sống thương yêu, hiệp nhất với nhau, và nhờ đó, chúng ta trở nên chứng nhân của sự hiệp nhất, lòng bác ái. Thế nhưng trong thực tế, chúng ta đi ngược lại với điều đó, tạo ra sự mâu thuẫn, hiểu sai hay hiểu lầm cho nhau! Thay vì vun đắp cho cộng đoàn, gia đình, hội đoàn, giáo xứ được hiệp thông, hiệp nhất nên một thì vô tình chúng ta ‘xây thành đắp luỹ’ cho nhóm riêng biệt của mình, chúng ta ‘tìm kiếm đồng minh’ hay ‘gầy dựng fan hâm mộ’ để rồi ‘chia năm xẻ bảy’ trong hội đoàn, cộng đoàn, giáo xứ!
Tương tự, chúng ta được Chúa thứ tha, và được Người mời gọi trở nên khí cụ của lòng thương xót, tha thứ vô bờ bến của Người, đặc biệt, các thừa tác viên có chức Thánh – là những sứ giả của Suối Nguồn Xót Thương, của lòng thứ tha, chúng ta đã sống đúng với trách vụ, ơn gọi và sứ mạng ấy chưa? Như bao nhiêu tín hữu khác, là những người sống đời sống dâng hiến dù là dòng hoạt động, chiêm niệm hay đan tu, dù là cha xứ hay linh mục truyền giáo trong nước cũng như ngoài nước, chúng ta cũng nên dành ít nhiều thời gian suy gẫm, nhìn lại tác vụ, lối sống, thái độ, tương quan của mình với Chúa, với tha nhân và với chính bản thân mình! Còn với chúng ta là những người Ki-tô hữu, chúng ta đã năng đến đón nhận ơn tha thứ, biết sống thứ tha, và làm chứng cho lòng thương xót của Chúa chưa?
Với vài điểm suy tư trên, để kết bài suy niệm này, chúng ta hãy chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa – suối nguồn bình an và tha thứ – mà chúng ta mừng kính hôm nay, để thầm thỉ nguyện cầu:
Lạy Chúa Xót Thương
Chốn con tựa nương
Suối nguồn bình an,
Thứ tha miên trường.
Xin biến đổi con,
Một tấm lòng son
Sứ giả bình an
Vượt núi trèo non.
Ra đi loan truyền
Bác ái tinh tuyền
Hiệp nhất mọi nơi
Từ ái mãi liên!
Lm. Xuân Hy Vọng