Chúa Nhật II PS
Các ngôn sứ đã gọi Đấng Messia là ‘Hoàng Tử Bình An’(Is 9,5); họ đã khẳng định rằng một nền hòa bình vững bền mãi là đặc tính của vương quốc Ngài (Is 9,6; 11,6). Khi Đức Giêsu sinh ra, các thiên sứ từ trời cao đã loan báo bình an dưới thế cho người thiện tâm (Lc 2,14). Chính Đức Giêsu cũng đã nói: ‘Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng’(Ga 14,27).
Trên núi Cây Dầu, khi ngắm vẻ huy hoàng của Giêrusalem, Đức Giêsu ứa lệ thổn thức than trách dân của Ngài: ‘Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! (Lc 19,42). Bình an là ân ban của Đấng Cứu Thế. Ngài đã mang lại cho ta bằng đau khổ và hy sinh, cùng với cái chết và sự sống lại của Ngài. Thánh Phaolô đã viết: ‘Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần. Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét (Ep 2,13-14). Khi từ cõi chết sống lại, tỏ mình cho các tông đồ, Đức Giêsu đã ban cho họ trước hết sự bình an, là ơn cao trọng cho người được cứu chuộc. ‘Bình an cho anh em’. Thấy mọi người hoảng sợ, Ngài đã trấn an họ là chính Ngài đã sống lại từ cõi chết và còn lập lại ‘Bình an cho anh em’.
Đức Giêsu muốn ban tặng ơn huệ cao quý của Đấng Cứu Chuộc – bình an – không chỉ cho các tông đồ mà còn cho tất cả những ai đã tin và sẽ tin vào Ngài. Do đó Ngài đã sai các tông đồ loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi dân tộc trên địa cầu, ban cho họ quyền mang bình an tâm hồn đến cho mọi người qua các bí tích rửa tội, giao hòa, ơn tha thứ tội lỗi. Đức Kitô còn thổi hơi trên các tông đồ và nói: ‘Các con hãy nhận lấy Thánh Thần; các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha; các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm buộc’(Ga 20,21-23).
Thánh vịnh còn bảo đảm với ta: ‘Đại bình an cho người yêu mến lề luật Chúa’ (Tv 119,165)
Đấng Phục Sinh đến tìm bạn
Các tin mừng của ngày Chúa Nhật này đặt cho ta câu hỏi: Làm sao ta có thể gặp được Đấng Phục Sinh? Ở đâu và bằng cách nào?
Từ sáng cho đến chiều ngày hôm ấy, chỉ mình Gioan thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra giữa các ông dù cửa vẫn đóng. Các môn đệ, dù đã được nghe tin báo của sứ thần, vẫn sợ hãi vì người do thái đang tìm bắt họ. Thật đẹp biết bao khi thấy các cửa đóng kín không ngăn được Chúa, sự cứng lòng tin không chặn được khao khát của Thiên Chúa muốn gặp chúng ta.
Các cửa đóng kín của ta không ngăn được Đấng Phục sinh! Tình Yêu của Ngài mạnh hơn sự sợ hãi của ta. Cứ tưởng rằng họ đang chờ một lời quở trách, vì họ đã bỏ Chúa và phản bội Ngài; nhưng không, Đức Giêsu không trả thù: Ngài loan báo sự bình an và ban Thánh Thần
Những lời đầu tiên của Đấng Phục sinh là một ơn ban hạnh phúc. Từ do thái Shalom (mà ta dịch là bình an) diễn tả tất cả những gì mang lại hạnh phúc, và sự sống tràn đầy. Không phải là một lời mời gọi hay lời cầu chúc (ước gì bình an ở cùng anh em), nhưng là một lời xác quyết, một ân ban: bình an đang ở đây, đang ở trong anh em, đã khởi đầu. Đấng Phục sinh ban tặng cho con người tất cả những gì mang lại hạnh phúc.
Và Ngài nói với họ:’Các con hãy nhận lấy Thánh Thần’. Việc đón nhận Thánh Thần tùy thuộc vào khả năng tình yêu của con người. Tựa như Đấng Phục sinh nói: ‘Hãy nhận lãnh điều mà anh em có thể nhận lãnh’. Phục sinh là một tin vui, nhưng không dễ để tin. Nên ta có 50 ngày để suy tư và hoán cải và ta có một người bạn đồng hành: Thánh Tôma tông đồ. Trong các tin mừng Ngài đã nói một lời tuyên xưng đức tin thật đẹp nhưng trong lịch sử Ngài vẫn được xem như kẻ cứng lòng tin.
Trong tin mừng Gioan, tên của Tôma được nhắc đến 7 lần và ba lần ông còn được gọi là Đyđimô, nghĩa là sinh đôi. Sinh đôi với ai? ‘Sinh đôi’ với Đức Giêsu.Vì sao nói thế? Khi đến nhà Lazarô để cho ông này sống lại sau khi chết bốn ngày, các môn đệ đều sợ hãi khi phải quay lại Giuđêa nơi mà các thuọng tế đang tìm cách bắt Ngài, và chỉ có mỗi Tôma can đảm nói ‘chúng ta cùng đi để cùng chết với Ngài’.
Tôma không sợ hãi như những môn đệ khác (họ đang ở cùng nhau đóng kín cửa). Tôma đã hiểu rằng không cần hy sinh mạng sống vì Đức Giêsu, nhưng còn với Đức Giêsu và như Đức Giêsu nữa. Đó chính là ý nghĩa của tên gọi ‘Sinh đôi’ của ông, sinh đôi với Đức Giêsu, người anh em giống Đức Giêsu. Nhưng Tôma cũng còn là anh em sinh đôi của chúng ta nữa, là một trong nhóm mười hai, mẫu mực của người môn đệ. Thực tâm chúng ta cũng chẳng khác gì Tôma, để tin chúng ta không chỉ bằng lòng lắng nghe mà còn muốn chạm đến nữa. Ta giống Ngài vì một niềm tin có chút nghi ngờ, đừng quên rằng nghi ngờ là chất xúc tác dẫn đến đức tin (Đức Mara cũng đã diễn tả điều ấy với sứ thần ngày truyền tin).
Nhưng nhất là Tôma không tin các bạn mình. Tại sao thế? Đơn giản bởi lẽ họ không đáng tin. Làm sao ông có thể tin những người đã trốn chạy khỏi cây thập giá, để lại mỗi mình Thầy trong cơn hấp hối. Là những kẻ giả hình. Làm sao có thể tin Phêrô người đã chối Chúa ba lần! Đó cũng là kinh nghiệm ta đang sống khi đang loan báo tin mừng và dân chúng không tin chúng ta. Có biết vì sao không? Vì chúng ta không đáng tin bao nhiêu.
Nhưng Tôma không rời bỏ nhóm và tám ngày sau vẫn còn về lại đó và còn làm tốt để Đấng Phục Sinh quay trở lại! Cuộc gặp này, xảy ra ngay trong cộng đoàn chứ không phải nơi nhà riêng của ông. Nơi gặp mặt là cộng đoàn quy tụ, một cộng đoàn tầm thường đã thuật lại những sự kiện ngay cả đến việc phản bội của một người trong nhóm họ nữa. Thật an ủi khi biết rằng cuộc gặp mặt Đấng Phục sinh không xảy ra nơi một cộng đoàn lý tưởng và hoàn hảo (sẽ không bao giờ có!) nhưng là trong cộng đoàn Ngài đang sống, trong cộng đoàn mà Đấng Phục sinh mời gọi bạn tiến bước. Chính là nơi ta hiện sống mà Đấng Phục sinh muốn gặp ta.
Đức Giêsu không dành cho Tôma những cuộc hiện ra riêng biệt nhưng hiện ra với ông ‘tám ngày sau’, nghĩa là khi cộng doàn họp nhau lần nữa để cử hành Thánh Thể. Thật hay khi biết rằng Đấng Phục sinh vẫn trở lại, dù tôi chậm trễ mở lòng ra với Ngài. Ngài kiên nhẫn, và không bao giờ mỏi mệt, ngừng trở lại để gặp tôi. Cũng như Ngài đã luôn tìm kiếm con chiên lạc.
Đức Giêsu bảo Tôma đặt ngón tay vào lỗ đinh và cạnh sườn Ngài, nhưng chắc Tôma đã không dám làm (chỉ có trong những bức tranh vẽ việc Tôma xỏ ngón tay vào lỗ đinh và cạnh sườn Chúa). Trái lại Ngài đã tuyên xưng đức tin mạnh mẽ: ‘Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi’.
Đâu là bằng chứng sự phục sinh của Đức Giêsu? Đau khổ và tình yêu! Đó là sự toàn năng của Ngài. Các vết thương của Đấng Phục sinh là dấu chứng của tình yêu.
Và ta có được mối phúc: ‘Phúc cho người không thấy mà tin’. Nghĩa là hạnh phúc cho ta, sau hai nghìn năm, vẫn còn trung thành tìm theo Thầy Giêsu. Là hạnh phúc cho người bắt đầu lại, cho người đã mỏi mệt kiếm tìm. Chúng ta là những người mà Đức Giêsu nói với, tám ngày sau, hai nghìn năm sau, chúng ta vẫn tiếp tục quy tụ với nhau nhân danh Ngài cho dẫu chúng ta chưa hề thấy Ngài. Thiên Chúa giải thoát ta khỏi một niềm tin tự mãn với chính mình, kiêu căng, xem thường những kẻ khó nhọc tìm kiếm đức tin trong thử thách.
Gioan, ở cuối tin mừng của Ngài, để lại cho ta một khích lệ: trải nghiệm với Đấng Phục sinh là một trải nghiệm cá biệt. Thiên Chúa là một trải nghiệm: cần phải ‘chạm đến Ngài’, thấy Ngài và gặp Ngài. Ta đọc nhiều về tình yêu đó mới chỉ là hiểu biết tri thức, còn cảm nghiệm mình được yêu lại là một điều khác. Là trải nghiệm đưa ta đến sự hiểu biết đích thực, vì trải nghiệm là sự hiểu biết của con tim. Các nghi lễ phụng vụ của ta không cần phải nói về Thiên Chúa, nhưng phải làm cho ta cảm nếm Ngài, chạm đến Ngài, trải nghiệm Ngài.
Gioan kết luận: ‘Đức Giêsu còn làm nhiều điều khác trước mặt các môn đệ, nhưng không được ghi hết trong sách này’. Gioan mời gọi ta viết quyển sách của mình, tin mừng của riêng mình. Các cộng đoàn kitô tiên khởi đã truyền lại cho ta trải nghiệm của họ, đến lượt ta cũng phải viết lại tin mừng của riêng ta để lưu truyền cho hậu thế. Đó là điều đã xảy ra ít nhất là cho đến cuối thế kỷ IV nơi những cộng đoàn kitô tiên khởi. Mỗi cộng đoàn, mỗi giáo xứ cũng cần phải viết tin mừng của riêng mình.
Bao nhiêu thất bại, không quan trọng, vì Ngài đang sống! Bao nhiêu yếu đuối không quan trọng, vì Ngài đang sống! Bao nhiêu phản bội, không quan trọng, vì Ngài đang sống!
Thứ hai Tuần II Phục Sinh
Sinh ra bởi Thần Khí
Nicôđêmô, một trong những thủ lãnh người do thái, đến gặp Đức Giêsu ban đêm; ông muốn thảo luận với Ngài về ơn cứu độ. Trong số những biệt phái, cũng có một ít người cảm tình với Đức Giêsu. Có thể nói được là bất cứ ai thao thức về vấn đề ơn cứu độ; tất cả những ai đặt vấn đề về ý nghĩa tối hậu của cuộc sống.
Đức Giêsu vượt lên trên câu hỏi đặt ra; việc trao ban của Thiên Chúa luôn ở bình diện cao hơn khát vọng riêng của con người, là điều thuộc bình diện trần thế và chóng qua. Ơn cứu độ của con người chính là việc con người tham dự vào cuộc sống mai sau. Vì thế cần phải ‘tái sinh’.
Rõ ràng là vị thủ lãnh do thái cũng biết đến những tôn giáo ngoài do thái giáo, trong đó người ta thường đề cập đến vấn đề tái sinh. Trong các thủ bản Tân Ước khác, bí tích Thánh Tẩy kitô giáo được định nghĩa như là sự sinh ra một lần nữa (thư gởi Titô và thư thứ 1 của Phêrô). Đức Giêsu nêu cho thấy rằng việc sinh lại này không thuộc khả năng của con người: là sinh bởi nước và Thần Khí. Thần Khí là ơn huệ của Chúa Phục sinh ban cho cộng đoàn.
Thứ ba Tuần II Phục Sinh
Gió muốn thổi đâu thì thổi
Sinh ra bởi Thần Khí, đây chính là nguồn cội của con người. Chính là cái quyết định mức độ việc con người hiểu về chính mình, về hiện hữu của mình, về những quan điểm của mình và về cung cách sống của mình. Sinh bởi xác thịt, chỉ có thể cho chúng ta hiểu những gì thuộc thế gian. Nhưng sinh bởi Thần khí cho chúng ta có được một nhận thức mới về chính chúng ta. Con người cũ không chỉ, một cách giản đơn, trở nên tốt hơn khi được sinh lại, nhưng nó còn thủ đắc một nguồn gốc mới. Việc sinh lại là thiết yếu, Đức Giêsu quả quyết như thế. Qua điều mạc khải này, Thiên Chúa trả lời cho vấn nạn của con người về ơn cứu độ, để con người không còn một mình đi tìm lời giải đáp nữa.
Thế nhưng người ta không thể một cách giản đơn bảo rằng con người trở nên tốt hơn ngay khi tái sinh; cuộc sống của người đó có định hướng (ý nghĩa). Việc ấy cũng giống như gió; người ta không thể quy định nó theo sở thích của mình. Người ta không thể nắm bắt lấy nó, để nó thổi theo ý mình. Có điều gì đó diễn ra trong cuộc sống của người sinh bởi Thần Khí: tư tưởng và hành động của họ không thể rập theo những tiêu chuẩn của thế gian. Điều thiện mà người ấy làm không phát xuất tự mình nó.
Nhiều lúc, cũng giống như Nicôđêmô, chúng ta chỉ chấp nhận là mới mẽ nếu điều đó phù hợp theo những ý nghĩ sẵn có của chúng ta. Nếu chỉ tin những điều phù hợp với luận chứng của mình, thì niềm tin của người đó không hoàn hảo. Hãy làm như người ngư phủ: khám phá ra hướng gió thổi và giương buồm lên để đón lấy gió.
+++
Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý
Với một vài từ chính yếu thánh Luca vẽ cho ta thấy khuôn mặt lý tưởng của Hội Thánh từ thuở ban đầu, một lòng một ý với nhau.
Nhiều đoạn Tân ước khác cũng cho thấy cộng đoàn không hoàn toàn đẹp như thế, vừa có những điều đáng trân trọng nhưng cũng không thiếu những nhỏ nhen. Ta cũng gặp thấy ngay cả trong nhóm Mười Hai ngay khi Thầy còn sống giữa họ.
Tuy nhiên điều đó không làm mất đi cái cùng đích. Lời khẩn xin của Chúa ‘Lạy Cha xin cho chúng nên một’ vẫn là lời mời gọi để mỗi người cố gắng vượt lên trên những nhỏ nhen, ích kỷ để sống hiệp nhất với nhau.
Ở đây thánh Luca nhấn mạnh đến vấn đề nhu cầu vật chất mà người ta tìm cách đáp ứng nhờ tình bác ái. Thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự cần thiết quan tâm đến những người yếu đuối để không một ai bị hư mất. Cách thức khác nhau để sống tình huynh đệ, quan tâm đến tha nhân để đến giúp đỡ họ ngay khi họ có nhu cầu.
Tắt một lời: đây là những con tim mở rộng để đón nhận nhau và được tiếp nhận, hiểu và được thông cảm. Những khác biệt vẫn còn đó, nhưng mọi tấm lòng hòa nhịp trong một nhịp yêu thương xuất phát từ trái tim Đức Kitô: chính Ngài là điểm tựa, là trung tâm của sự hiệp nhất mà mọi người phải hướng đến, mang đến cả sự phong nhiêu cũng như những giới hạn của mình.
Lạy Chúa xin dạy con biết những nẻo đường của sự hiệp thông.
Thứ tư Tuần II Phục Sinh
Thiên Chúa yêu thế gian
Thiên Chúa mà đoạn văn hôm nay nói đến không có điểm chung với những vị thần linh xưa kia. Quả thật Thiên Chúa đã yêu thế gian. Và không chỉ thế giới do thái mà thôi, nhưng toàn thế giới. Theo thánh Gioan, quan niệm ‘thế gian’ bao gồm toàn thể tạo thành. Tình yêu của Thiên Chúa trao ban cách công bình cho cả những ai không thuộc đoàn chiên của Ngài nữa. Trong đó có cả những người chống lại sự thiện. Là thế giới trong toàn thể tiến trình tục hóa của nó, như ta đang thấy hiện nay. Và chắc rằng cũng là thế giới thời Đức Giêsu, cùng với những hệ lụy luân lý, chính trị và tôn giáo, một thế giới tìm cách tránh xa tầm ảnh hưởng của Đức Giêsu, bởi lẽ không chấp nhận Thiên Chúa xen vào công việc của họ. Thánh Gioan nói rằng Thiên Chúa yêu cả những người làm điều dữ. Nếu Thiên Chúa chỉ yêu những con người tốt lành, Ngài đã tự giới hạn mình. Ngài không tránh xa kẻ dữ. Ngài không nhìn từ trời cao tất cả những điều vô vị của thế giới. Ngài còn đồng hóa mình với cái thế giới đầy sự gian ác này!
+++
Những người các ông đã tống ngục, kìa họ đang đứng trong Đền Thờ và giảng dạy cho dân
Việc liên kết giữa Thánh Thần và các môn đệ của Đức Giêsu đã đặt cho các thủ lãnh đạo đời của Palestina hai nghìn năm qua không ít vấn đề. Họ bắt các tông đồ tống giam vào ngục nhưng ngày hôm sau người ta gặp thấy các ngài trong đền thờ giảng dạy dân chúng, tuy không ai mở cửa ngục và lính canh vẫn còn đó. Thánh Luca nhấn mạnh đến biến cố này như là tác động của Thánh Thần mạnh mẽ, hiệu quả và hiền hòa. Đối lại với những phản ứng bạo lực là sự giải thoát nhẹ nhàng của Thánh Thần, làm cho các vị lãnh đạo bối rối: cảm thấy mình bị thất bại, lật đổ, cách nhẹ nhàng nhưng dứt khoát.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tín thác vào Thánh Thần để được Ngài hướng dẫn để đi tìm sự sống nơi mà, với con mắt người đời, chỉ thấy toàn chết chóc…
Thứ năm Tuần II Phục Sinh
Ai có Chúa Con thì có sự sống
Thánh Gioan nhận ra những mối liên hệ giữa trời với đất một cách rõ ràng hơn so với những thánh sử khác viết trước Ngài. Để trình bày, Ngài đã dùng những hình thái mới của ngôn ngữ. Nói đến một thế giới trên cao: nơi Thiên Chúa ngự. Và nói đến một thế giới bên dưới: nơi con người sinh sống. Thánh Gioan biết điều này là: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Ngài ở cùng Chúa Cha và sẽ mãi ở cùng Cha.
Đức Giêsu đến thế gian trong một giai đoạn của lịch sử. Cái chết của Ngài trên thập giá là biểu tượng cho sự hướng thượng mới. Theo cái nhìn nhân loại, thập giá là sự thất bại hoàn toàn của Đức Giêsu; cái chết dập tắt mọi dự tính của Ngài. Theo cái nhìn của Thiên Chúa, thập giá của Đức Giêsu biểu trưng chiến thắng của Thiên Chúa trên thế gian và là ơn cứu độ của chúng ta. Nếu chúng ta tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng ta đã có sự sống vĩnh cữu. Đức Giêsu là mầm giống của niềm hy vọng qua đó Thiên Chúa hoạt động trong thế gian.
Trong sự kết hiệp với Con Thiên Chúa, Đấng mạc khải và thông ban sự sống, người tín hữu có sự sống vĩnh cữu. Ai có Chúa Con thì có sự sống (1 Ga 5,12).
+++
Bấy giờ Phêrô và các tông đồ khác đáp lại rằng: Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Đức Giêsu đã bị các ông trêo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người chỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng cứu độ…Về những sự kiện đó chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần…Nghe vậy họ giận điên lên và muốn giết các ông
Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Lời này ngày nay vẫn còn hiện thực. Trước mặt vị Thượng tế, giờ đây là một Phêrô hoàn toàn mới mẽ sau sự Phục Sinh của Đức Giêsu, đứng lên tuyên bố nhân danh các tông đồ khác, là nền tảng của sự tự do đức tin và sự nhất trí trong đời sống của các tín hữu. Phải vâng lời Thiên Chúa, cho dầu có phải đi ngược lại với người đời. Ngày nay, có nhiều kitô hữu, cho dẫu không phải vì có nguy cơ bị loại trừ hay khinh rẻ, vẫn thích chạy theo thói sống của người thời đại, nói rằng: tôi làm giống như mọi người.
Vâng lời Thiên Chúa có nghĩa là biết lựa chọn cách can đảm, không chỉ trong những lúc quan trọng nhưng còn trong những tình huống hàng ngày, trong những cử chỉ nhỏ nhặt thường ngày. Thế giới ngày nay đang cần những chứng nhân đích thực, biết loan báo tin mừng bằng một cuộc sống phù hợp với điều mình rao giảng, lội ngược dòng nếu cần thiết.
Lạy Chúa xin biến con nên một chứng nhân Tin mừng khiêm nhường và can đảm, ngay cả khi đòi hỏi phải chiến thắng tính nhút nhát, sợ hãi muốn che giấu căn tính kitô hữu của con trước mặt người đời.
Thứ sáu Tuần II Phục Sinh
Tấm bánh bẻ ra
Chúng ta không thể hiểu đoạn tin mừng thuật lại phép lạ hóa bánh, và cũng không thể họp nhau để bẻ bánh, nếu chúng ta lãng quên nạn đói đang dằn vật biết bao người trên thế giới. Đói là một sự bất lực; no nê, một loại quyền lực. Chính cái đói là dấu chỉ phân biệt người chẳng có gì với người có. Sự bất bình đẳng này là một bất công. Cả người nghèo, cả người giàu là thành phần trong Giáo Hội, không được nhân nhượng cho điều bất công này. Không có giải pháp vật chất nào cho nạn đói, vì đây là một vấn nạn của con người mang tính toàn cầu nhất. Sự nghèo đói và sự đàn áp đập lên những con người đang đói nhân phẩm. Nên người ta không thể chữa lành sự thiếu thốn này bằng những tặng phẩm để xoa dịu.
Đức Giêsu loại trừ sự đói: đói của sự tha hóa thể lý, chính trị, đói của việc đánh mất nhân phẩm. Và chính vì thế mà Ngài không để dân chúng ra về trong sự đói khổ của họ nhưng kêu gọi các môn đệ chuẩn bị cho họ ăn. Sự vâng phục của các môn đệ đã mở đường cho hành động của Thiên Chúa. Đức Giêsu không muốn hành động một mình mà không có sự cộng tác của Nhóm Mười Hai. Và cuối cùng, chính Đức Giêsu là tấm bánh bẻ ra cho muôn người. Chỉ mình Ngài mới có thể phân phát ân sủng của Ngài.
+++
Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: Hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá hủy; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá hủy được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa.
Gamaliel vị Thầy của Phaolô, đã cho Thượng Hội đồng lời khuyên thật hay vì các vị này đang muốn chống lại quyền năng của Thánh Thần được diễn tả qua các môn đệ Đức Giêsu. Cứ để họ làm. Nếu sự việc là do Thiên Chúa sẽ có kết quả. Ngược lại sẽ chỉ là những hạt gieo trên đất khô cằn, chẳng sinh hoa quả nào, nhưng sẽ chết ngay tức khắc.
Việc can thiệp của Gamaliel cũng là một cách thế Thánh Thần dùng để cho sự sống được phát triển từ sự sống lại của Đức Giêsu, sinh ra những sự sống mới.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì nhờ Gamaliel, cũng như bất cứ một ai khác, qua mọi thời đại, chúng con nhận ra rằng sự hiện diện sống động của Chúa vẫn tồn tại nơi những con người, những biến cố, những hoàn cảnh nguy hiểm.
Thứ bảy Tuần II Phục Sinh
Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu do thái theo văn hóa Hy lạp kêu trách những tín hữu do thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà góa trong nhóm họ bị bỏ quên (Cv 6,1)
Thực tế sách Công vụ không có ý trình bày một cộng đoàn lý tưởng, hoàn toàn xa rời với đời thường cụ thể, nhưng chỉ cho ta một phương cách cảm hứng do tình yêu để giải quyết những vấn đề.
Trong các chương đầu ta lưu ý đến sự mọi người quan tâm đến nhau, làm giảm thiểu những bất bình đẳng ‘kinh tế’, làm sao để bảo đảm cho mọi người có cái cần thiết. Ở đây ta thấy vài người than trách vì sự thiếu thốn: một số người không hưởng được sự phân phối bình đẳng đó.
Bối cảnh cho ta thấy điều này xảy ra không do thiếu bác ái hoặc thiên vị, nhưng chỉ vì số các tín hữu gia tăng.
Phong cách sống như trong một gia đình cần phải nhường bước cho một bối cảnh có tổ chức hơn, trong đó người ta dự kiến một sự phân chia các phận vụ và vai trò khác nhau, làm sao toàn thể cộng đoàn có thể nhận được một cách tương xứng mọi nhu cầu của mình: vật chất cũng như tinh thần.
Việc chọn lựa, trong sự tôn trọng sự hiệp nhất của thân thể giáo hội, là để tránh một chủ nghĩa tinh thần trừu tượng, nơi đó chỉ có lo việc loan báo mà thôi, hoặc là chủ nghĩa duy vật tuyên bố mọi quan tâm chỉ nhằm thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của con người. Những đòi hỏi của việc loan báo, là dành riêng nhưng không một cách độc hữu cho các tông đồ, được nối kết cách hòa hợp với thực hành bác ái như là hệ quả, đó là phận vụ của các phó tế.
Sự hiệp nhất của Giáo hội và sự trung thành với lệnh truyền của Đức Kitô được bảo đảm từ sự quan tâm (được soi sáng) vào những dấu chỉ thời đại.
Lạy Chúa, xin ban cho con một lòng trung thành năng động và sáng tạo, để có thể để nhập thể vào thế giới ngày hôm nay những giá trị trường tồn của đức tin.
+++
Trời đã tối mà Đức Giêsu chưa đến với các ông. Biển động, vì gió thổi mạnh.
Chiều đến, các môn đệ Đức Giêsu quyết định quay trở lại Caphanaum, có lẽ họ cảm thấy một chút thất vọng, vì đám đông đã muốn tôn Đức Giêsu làm vua, nhưng Ngài đã trốn đi!
Tác giả tin mừng với ngôn ngữ biểu tượng diễn tả tâm trạng đó bằng đêm tối, biển động, gió thổi mạnh; thiên nhiên phản ánh tâm trạng của các môn đệ, một mình không có Thầy ở cùng. Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ và ngay lập tức sự tĩnh lặng và đã tới bờ. Các môn đệ hoảng sợ nhưng Đức Giêsu làm các ông yên tâm: ‘Thầy đây mà, đừng sợ! Như thế Ngài tỏ mình là đấng làm những điều phi thường: hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng, đi trên mặt nước, khiến gió yên lặng…Ngài là Chúa, hiện thân và quyền năng của Thiên Chúa. Các môn đệ bắt đầu hiểu được cảm nghiệm của họ về Đức Giêsu với ánh sáng phục sinh.
Đây cũng chính là khám phá nền tảng cho ta ngày nay: Đức Giêsu vẫn còn thực hiện trong đời sống con người mỗi ngày; mỗi người nhờ Lời và Thánh Thể soi sáng, học biết nhận ra sự hiện diện năng động của Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, Bánh Hằng sống, xin làm cho con ý thức hơn về sự hiện diện của Chúa trong đời sống mỗi ngày của con, để con cũng có thể nghe: ‘Thầy đây mà, đừng sợ!
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Lễ Truyền Tin
Mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa, đã được mong chờ từ xa xưa, được các ngôn sứ loan báo (bài đọc 1), nay được thực hiện cách tròn đầy. Trang tin mừng mà ta đọc hôm nay tóm tắt tất cả lịch sử cứu độ và toàn bộ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. ‘Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Ngài’. Thiên Chúa không đi vào thế gian bằng sức mạnh: Ngài muốn đề nghị. Ngài muốn lời chấp thuận của Mẹ Maria (Tin Mừng). Lời Xin vâng là sự hoàn thành giao ước. Nơi Mẹ hiện diện cả dân tộc Israel và đồng thời hiện diện Giáo Hội vừa mới sinh ra. Thiên Chúa trở thành một người như chúng ta. Vĩnh cửu đi vào trong thời gian. Các bài đọc hướng chúng ta về mầu nhiệm phục sinh. Lời của Chúa Con vang lên: ‘Này Con xin đến, lạy Chúa, để thực thi ý Chúa’ (bài đọc 2), là lời mở đầu của sự vâng phục Chúa Cha cho đến mức chết trên thập giá.
Nội dung
Một ‘sắc chỉ’ tình yêu. Sắc chỉ của Ba Ngôi là sắc chỉ của tình yêu: vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một để cứu thế gian. Con người là chi trước mặt Thiên Chúa, vậy mà Ngài đã sai Con Một Ngài đến tái lập trật tự, kêu gọi con người từ chỗ sa ngã. Là một sắc chỉ của Ba Ngôi: Chúa Cha quyết định yêu thương, Chúa Con chấp nhận vâng phục Cha, Chúa Thánh Thần hoàn thành việc nhập thể cùng với lời ưng thuận của Maria. ĐGH Gioan Phaolô II trong thông điệp Mẹ Đấng Cứu Chuộc (số 9b) viết: ‘Việc truyền tin chính là mạc khải mầu nhiệm nhập thể đúng vào lúc mầu nhiệm ấy hoàn thành trên mặt đất. Việc trao ban cứu độ của Thiên Chúa cho cả tạo thành và trực tiếp cho con người chúng ta, đạt đến đỉnh cao trong mầu nhiệm nhập thể.
Ba Ngôi chọn con đường mầu nhiệm để cứu độ con người. Lẽ ra có thể chọn bằng cách ra sắc chỉ, bằng một hành động tỏ bày ý muốn của mình. Vì Thiên Chúa toàn năng. Nhưng chúng ta được mạc khải cho biết một chương trình mà không ai có thể tưởng nghĩ ra, mầu nhiệm được ẩn dấu mà Phaolô đã nói đến. Thiên Chúa đã chọn rẽ khúc ngoặt khi có thể đi thẳng đến đối tượng mà không có trở ngại nào.
Grêgôriô Nisse đã chú giải: những gì về quyền năng thần linh và siêu việt không phải là vũ trụ bao la, chẳng phải vẻ huy hoàng của tinh tú, cũng chẳng phải trật tự của vũ trụ, chẳng phải sự quan phòng liên lĩ trên các tạo vật, nhưng chính là việc hạ cố chấp nhận thân phận hèn yếu con người như chúng ta. Còn chứng cứ nào rõ ràng hơn về lòng tốt lành của Thiên Chúa.
Nên Thiên Chúa không chỉ bằng lòng cứu con người, nhưng còn muốn con người thông phần vào việc cứu độ. Maria xuất hiện như vị tinh tú sáng soi trong bóng đêm của tội lỗi. Được miễn trừ khỏi tội vì Mẹ đã chấp thuận chương trình cứu độ.
Mẹ bối rối. Không thể làm khác hơn trước một lời chào lạ thường như vậy. Sự hiện diện của Thiên Chúa luôn gây kinh ngạc và diệu kỳ, gây niềm kính sợ Thiên Chúa. Làm sao một thụ tạo như Mẹ lại được đi vào trong quỹ đạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tỏ mình cho Mẹ với tình yêu tuyển chọn.
Sứ thần bày tỏ chương trình cứu độ. Là mầu nhiệm ẩn giấu. Là tuyệt đỉnh của chương trình cứu độ, của giao ước giữa Thiên Chúa và con người, là sự hoàn thành tin mừng nguyên khởi : ‘Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ của bà: người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì rình cắn gót chân người (St 3,15). Thiên Chúa đã muốn sinh hạ từ một phụ nữ. Trong thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế (13), ĐGH Gioan Phaolô II viết: ‘Thực vậy, khi được truyền tin, Đức Maria đã phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, bằng việc bày tỏ sự vâng phục đức tin vào Đấng phán với Mẹ qua sứ giả của Ngài và dâng lên Thiên Chúa sự quy phục hòan toàn của ý chí và lý trí. Mẹ đã đáp trả với cả con người nhân loại của mình, thân phận người phụ nữ, và lời đáp trả đức tin ấy hàm chứa một sự cộng tác tận tình với ân sủng dự bị và phù trợ của Thiên Chúa và một sự hoàn toàn sẳn sàng tiếp nhận tác động của Thánh Thần, Đấng không ngừng kiện toàn đức tin bằng các ân ban của Ngài’.
Chúng ta ghi nhận hai yếu tố trong lời đáp trả của Đức Maria: hoàn toàn cộng tác với ân sủng, và hoàn toàn sẳn sàng cho tác động của thánh Thần.
Gợi ý Mục vụ
1. Vâng phục con thảo. Thiên Chúa vào đời là một lời mời gọi mỗi người tín hữu thực hành lòng vâng phục con thảo đối với Chúa Cha. Thiên Chúa có chương trình cứu độ cho nhân loại và đặc biệt cho từng người. Còn lại chỉ là việc chúng ta đón nhận chương trình ấy với lòng khiêm tốn, với lòng vâng phục con thảo, biết rằng điều Thiên Chúa muốn cho chúng ta là điều tốt nhất. Duy chỉ dưới ánh sáng của việc Nhập Thể và của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, chúng ta mới có thể hiểu được thế giới, nổi đau khổ của bao người, huyền nhiệm của tội và của sự chết; không có nhập thể, thương khó, sự chết và sống lại của Chúa, chúng ta sẽ còn ở trong tội của mình, và cửa trời vẫn còn đóng kín.
2. Mẹ Maria, mẫu gương vâng phục và tình yêu hiến dâng. Cần nhắc lại đây số 46 của thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế: ‘Ở đây, Tôi (GP II) chỉ muốn nhấn mạnh điều này là dung mạo của Đức Maria Nagiarét rọi sáng cho chính thân phận người nữ qua việc Thiên Chúa, trong biến cố nhập thể của con Ngài, đã tín nhiệm vào việc phục vụ tự do và chủ động của một người phụ nữ. Như thế, người ta có thể quả quyết rằng người phụ nữ khi hướng về Đức Maria, tìm thấy nơi Mẹ bí quyết để sống xứng đáng nữ tính của mình, và thực thi sự thăng tiến đích thực của mình. Dưới ánh sáng của Đức Maria, Giáo Hội khám phá ra nơi dung mạo của người phụ nữ những nét phản chiếu một vẻ đẹp như tấm gương dọi lại những tâm tình cao đẹp nhất mà tâm hồn con người có thể có: đó là việc hoàn toàn hiến thân vì tình yêu, đó là sức mạnh chịu đựng những đau khổ lớn lao nhất, đó là trung tín vô hạn và sức hoạt động không mệt mỏi, là khả năng nối kết trực giác sâu sắc với lời nâng đỡ và khích lệ’.