SUỐI NGUỒN XÓT THƯƠNG
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Hôm nay chúng ta tiếp tục cùng với Giáo Hội hân hoan ca mừng niềm vui Phục Sinh và chung lời cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài hằng xót thương chúng ta, dẫu chúng ta bất xứng với Ngài.
Nhớ lại dịp lễ phong Thánh cho sơ Maria Faustina Kowalska (1905 1938) — Tông đồ Lòng Thương Xót — vào ngày 30 tháng 4 năm 2000, Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã loan báo: Chúa Nhật sau Lễ Phục Sinh sẽ được gọi là Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa. Lòng thương xót của Ngài trải rộng từ đời này tới đời kia. Mỗi lời nói, hành động và ý muốn của Thiên Chúa đều diễn tả tình yêu nhân lành và lòng xót thương. Chương trình cứu độ của Chúa là giao ước tình yêu, một tình yêu trao ban, tình yêu tận hiến và tình yêu vô điều kiện. Chẳng ai có thể đáp trả tình yêu thương xót của Chúa cho cân xứng, vì Ngài chính là suối nguồn xót thương tuôn đổ dạt dào trong tâm khảm con người, và ai nấy được ngụp lặn trong tình yêu ấy như lời kinh tóm gọn trọn vẹn tâm tình nguyện cầu của chúng ta: ‘Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu, Linh hồn và Thần tính của Đức Giê-su Ki-tô, Con yêu dấu Cha, Chúa chúng con. Để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới’. Thế rồi lời kinh đơn sơ vang lên qua chuỗi hạt Lòng Thương Xót: ‘Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê-su Ki-tô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới’. Và khép lại với xác tín ‘Lạy Cha Chí Thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới’.
Ước gì mỗi chúng ta được cảm nghiệm sâu sắc Lòng Chúa xót thương nơi mọi trạng huống cuộc đời và trong ngày sống thường nhật; cũng như biết tín thác, tuyên xưng đức tin như Thánh Tô-ma Tông đồ ở bất cứ đâu: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28). Lời tuyên tín này lột tả lòng tin vững mạnh vào Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh ngang qua cuộc gặp gỡ nhiệm mầu với Ngài, chứ không căn cứ vào lời đồn thổi, lời nghe kể từ người này người kia. Lời tuyên tín này xóa tan ý nghĩ cho rằng Tô-ma Tông đồ là người cứng lòng tin! Hơn nữa, đức tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh chính là nguồn động lực thúc đẩy, nâng đỡ cộng đoàn tín hữu thời sơ khai, mọi người “lúc bấy giờ đều đồng tâm nhất trí” (x. Cv 4, 32), và trở nên hành động yêu thương cụ thể, đó là “lòng yêu mến Thiên Chúa là chúng ta tuân giữ giới răn Ngài, và giới răn của Ngài không nặng nề” (1Ga 5, 3). Trên hết lời tuyên tín này được Thánh Thần xác thực, “…đây là cuộc thắng trận thế gian…Đấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Đức Giê-su Ki-tô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa, có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Ki-tô là chân lý” (1 Ga 5, 5-6).
Một câu chuyện kia được thuật lại như sau: Có nhà thông thái nọ ước mong sáng lập ra tôn giáo mới. Sau nhiều năm ròng rã khắp nơi, ông bèn đem mọi sự khôn ngoan mà ông học hỏi được nhằm thuyết phục người ta gia nhập đạo mới ấy. Nhưng kết quả thật thất vọng vì chẳng ai nghe theo. Thấy thế, ông than thở với bạn hữu và nhận được một lời khuyên: ‘Nếu anh muốn thiên hạ theo anh, đơn giản thôi, anh làm như sau: Vào thứ năm, anh ăn bữa tiệc cuối cùng, còn ngày kế tiếp, để người ta đóng đinh treo anh trên khổ giá, rồi chôn cất, nhưng anh phải sống lại vào ngày Chúa Nhật. Làm được vậy, chắc chắn ai ai cũng sẽ theo anh’. Và anh bạn cho lời khuyên này kết thúc với câu: Đây chính là cao kiến của vị tướng lẫy lừng Na-pô-lê-on!
Điều mà Na-pô-lê-on nhấn mạnh ở câu chuyện trên có sức lôi cuốn con người ta chính là sự sống lại. Thật vậy, Chúa chúng ta đã chịu khổ hình, tử nạn trên Thập giá và chiến thắng sự chết, Phục sinh khải hoàn để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, ngõ hầu dẫn chúng ta bước vào sự sống mới. Chương trình cứu độ này khởi sự từ suối nguồn Xót thương của Thiên Chúa, được tác giả Ron Lee Davis diễn tả phần nào trong tác phẩm của ông “A Forgiving God in An Unforgiving World” (tạm dịch: “Thiên Chúa Hằng Tha Thứ trong Một Thế giới Chẳng Biết Thứ Tha”): Thiên Chúa chẳng nhớ đến tội lỗi của chúng ta! Hy vọng, mỗi người chúng ta luôn hân hoan sống đức tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh, dám tuyên tín qua cuộc sống làm con Chúa, và ngày càng trở nên khí cụ sẻ chia lòng vị tha, tình thương xót Chúa đến với mọi người.
Cầu nguyện: Chúng nhau cùng dành ít phút thinh lặng trước ảnh/tượng Lòng Chúa Thương Xót và thầm thỉ với Ngài:
Lạy Chúa, suối nguồn xót thương
Nép mình liên lỉ tựa nương vào Ngài.
Dẫu đời lắm nỗi bi ai
Hằng ngày chạy đến, xin Ngài chở che…Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng