Suy Niệm Tuần V thường niên - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Chủ nhật - 05/02/2023 04:32  498
Thứ hai Tuần V Thường niên
Phaolô Miki và các bạn tử đạo
Thánh vịnh đáp ca nói đến nước mắt và niềm vui thật sự chẳng phù hợp chút nào đối với các vị tử đạo Nhật bản, bởi vì họ đã không gieo trong khóc lóc mà trong niềm vui. Người ta thuật lại khi họ bị điệu đến nơi hành quyết, người ta thấy mặt họ rạng rỡ niềm vui. Phaolô Miki sau khi bị kết án cùng với các bạn khác, đã viết thư cho Bề trên của dòng Tên một cách đơn sơ: ‘Chúng con đã bị kết án hình khổ thập giá, nhưng xin đừng lo cho chúng con vì chúng con được an ủi hết sức trong Chúa. Chúng con chỉ có một điều ước ao duy nhất, đó là trước khi đến Nagasaki, ước gì chúng con có thể gặp được một linh mục dòng Tên để lãnh nhận bí tích giao hòa, tham dự thánh lễ và lãnh nhận Thánh Thể. Đó là điều ao ước duy nhất của chúng con’.
Ta thấy niềm vui của niềm hy vọng dựa trên đức tin sinh ra nhiều hoa quả đức ái. Dĩ nhiên chỉ đức tin là nền tảng niềm vui lớn lao của họ, ngay cả lúc trên thập giá. Bị đóng đinh thập giá cùng với Đức Kitô là niềm vinh dự lớn lao đối với họ vì họ tin rằng Đức Kitô đã chết vì họ và vì ơn cứu độ của họ. ‘Con Thiên Chúa đã yêu thương tôi và đã hiến mình vì tôi’. Thập giá xuất hiện trong đức tin như đỉnh cao của tình yêu Đức Kitô và tình yêu mà ta có thể dâng cho Người. Trong niềm tin ấy họ đầy tràn hy vọng và niềm vui.
Niềm hy vọng của họ không phải là phần thưởng, nhưng là chứng tá (tử đạo): họ hy vọng rằng Đức Giêsu sẽ nâng đỡ họ cho đến hơi thở cuối cùng và giúp họ hiến dâng đời mình bằng một tình yêu vô giới hạn. Noi gương Đức Giêsu để hiến dâng mạng sống cho người khác là nguồn của niềm vui.
Từ trên thập giá, Phaolô Miki vẫn tiếp tục rao giảng Đức Kitô và làm chứng về niềm hy vọng của mình. Ngài nói với những người hiện diện: ‘Tôi là người Nhật như anh em, tôi không phải là người ngoại quốc và chính vì niềm tin của tôi vào Đức Kitô mà tôi bị kết án. Tôi đang phải chịu cảnh cùng cực này, nên anh em hãy tin sự chân thành của tôi. Tôi không có ý lừa bịp anh em và tôi tuyên bố rằng không có ơn cứu độ ngoài niềm tin vào Đức Kitô’. Và Ngài còn tiếp tục, chứng tỏ niềm tin và niềm hy vọng tràn đầy con tim yêu thương của Ngài: ‘Đức Kitô muốn chúng tôi tha thứ cho những người làm hại chúng tôi và cầu nguyện cho họ. Nên tôi tha thứ cho những ai tham gia vào cái chết của chúng tôi và tôi mong ước họ trở lại để họ cũng được cứu độ’.
Tất cả các bạn của Ngài vui cười và hát vang những bài thánh ca từ trên thập giá.
Đôi lúc ta nghĩ rằng vui vẻ trong những hoàn cảnh thường nhật của cuộc sống thì khó hơn là trong những hoàn cảnh đặc biệt, một cách nào đó có ân sủng Chúa nâng đỡ. Nhưng ta lại có những gương mẫu khác soi chiếu cho cuộc sống thường ngày. Về điều này Thánh Phaolô viết: ‘Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô và không phải là tôi sống nữa, mà là Đức Kitô sống trong tôi’. Thánh giá của Đức Kitô soi chiếu cho muôn vàn thập giá khác.
Cầu xin Chúa cho ta kết hiệp với sự sống thần linh của Chúa mà ta nhận thấy nơi chính cuộc sống của các thánh tử đạo.
+++
Năm Lẻ
Thiên Chúa phán: ‘Phải có ánh sáng’ (St 1,3)
Đây là lời đầu tiên của Thiên Chúa được sách Sáng Thế ghi lại để diễn tả việc tạo dựng và liên quan đến việc ánh sáng bừng lên, một cách lạ thường ngay cả trước khi tạo dựng mặt trời và các tinh tú, nghĩa là nguồn ánh sáng. Tác giả thánh kinh sai lầm? Hoặc có một sứ điệp cần phải khám phá?
Kinh Thánh tuyên bố Thiên Chúa là ánh sáng, ánh sáng của một ngôi sao lạ loan báo việc Ngôi Lời đi vào trong lịch sử và Ánh Sáng của thế gian là chính Đức Giêsu đã mở mắt cho người mù.
Việc sáng tạo là việc thể hiện của Thiên Chúa, ánh huy hoàng của Người đẩy lui bóng đêm. Ánh sáng mang lại sự sống, niềm vui: ‘Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp’.
Hình ảnh ánh sáng trong kinh thánh gợi lên điều gì thuộc Thiên Chúa, được xem như dấu chỉ của sự tích cực, của điều thiện hảo ngược lại với tiêu cực và điều dữ.
Thiên Chúa gọi ánh sáng và chiếu sáng mọi tạo thành của Người tốt đẹp vì do Người tạo dựng nên. Nhưng có điều Thiên Chúa không dựng nên, Người không đặt tên cho bóng tối. Việc đặt tên theo não trạng dân Sêmít, diễn tả chủ quyền. Bóng tối nghĩa là điều dữ, điều xấu không xuất phát từ Thiên Chúa, nhưng tuân phục quyền Người và Thiên Chúa thiết định giới hạn để nó không chế ngự được ánh sáng. Sự hiện diện của bóng tối chỉ để làm nổi bật ánh sáng: ánh sáng không phải là một áp đặt nhưng là một sự lựa chọn vui vẻ và tự do, một đáp trả lại Tình Yêu.
Lạy Chúa, con còn có thể sợ hãi bóng tối đang bám vào thế gian, khi mà ánh sáng của Người rạng chiếu đời con, dìm con vào trong Người đến độ trở thành một tia sáng loan báo ánh huy hoàng của Người?
+++
Khi các tư tế ra khỏi Cung Thánh, thì có đám mây tỏa đầy Đền Thờ Đức Chúa. Các tư tế không thể thi hành nhiệm vụ được vì đám mây: quả thật, vinh quang Đức Chúa đã tràn ngập Đền Thờ Đức Chúa (1V 8,10-11)
Sau khi xây đền thờ Thiên Chúa, Salomon đã cho đặt Hòm Giao Ước vào nơi Cực Thánh: dấu chỉ hữu hình của sự hiện diện thường hằng của Đức Chúa ở giữa dân.
Việc di chuyển Hòm Giao Ước là một cuộc lễ hội toàn dân. Tất cả mọi người tập họp xung quanh đức vua, để mừng ngày lễ bằng đủ loại hy lễ. Và đây, khi hòm giao ước vừa được đặt vào nơi cực thánh, một đám mây, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, bao phủ đền thờ, không ai có thể vào được: cả các tư tế cũng buộc phải đứng bên ngoài.
Đền thờ, hòm giao ước, đám mây: những hình ảnh thật quý giá. Đền thờ, Đức Giêsu nói, là chính thân xác của ta, con người của ta, nơi Thiên Chúa muốn cư ngụ để biến ta nên công trình dự định từ ngàn đời: hình ảnh sống động của Người! Hòm giao ước, dấu chỉ giao ước tình yêu ký kết với chúng ta vào ngày ta nhận bí tích thánh tẩy. Đám mây, sự hiện diện kín đáo nhưng hiệu quả rợp bóng trên chúng ta, và tên của Người là Thánh Thần.
Khi ta trải qua cuộc sống với ý thức về giao ước thanh tẩy và để cho Thánh Thần tràn ngập tâm hồn mình, điều hướng bước đi của mình, không có một sức mạnh nào có thể làm xiêu vẹo hướng đi của cuộc đời mình: trở nên là chính mình.
Trong phút hồi tâm hôm nay tôi suy ngắm sự cao cả của chính mình. Tôi để cho tâm hồn mình ngợi ca tâm tình cảm tạ yêu thương. Lạy Chúa, con chúc tụng, cảm tạ, ngợi khen Chúa vì điều Người làm cho con, bằng tình thương của Người.
+++
Những dấu chỉ
Những dấu chỉ lạ thường, giống như việc Đức Giêsu đã chữa lành bệnh tật, thấy hiếm hoi trong đời sống công khai của giáo hội và nhiều lần ta thường nghe nói: A, phải chi chúng ta có khả năng…như Đức Giêsu! Giả như ngày đó chúng ta tham dự vào việc chữa lành…!
Chúng ta biết rõ rằng những phép lạ của Đức Giêsu đã không hoán cải ngay đám đông hiện đang lắng nghe Ngài nói. Trong cuộc tra vấn, không có nhiều người đứng ra bảo vệ cho Ngài. Các nhà cầm quyền tôn giáo, quy hoạt động của người ‘rao giảng lưu động’ này dưới góc độ chính trị và cho rằng quá nguy hiểm, nên quyết định loại trừ Ngài. Đâu là sự hoán cải? Lòng con người chúng ta có sức chống lại mọi áp lực mạnh mẽ hơn là thân xác chúng ta; chúng ta không dễ dàng để bị thao túng, ngay cả bởi những phép lạ. Hành động của Đức Giêsu không dạy chúng ta việc chữa bệnh cách lạ lùng, nhưng chỉ cho ta biết con đường phải theo: để đạt thấu tâm trí con người, cần bắt đầu từ những giác quan. Con mắt, lỗ tai, xúc giác là những phương tiện hiển nhiên. Và đây chính là cách thức tình yêu giúp chúng ta mở lòng ra, để Lời Chúa có thể đâm rễ. Đó là điều mà Đức Giêsu tìm cách thực hiện, là phép lạ lớn nhất được biết đến trên thế giới.
Thứ ba Tuần V Thường niên
Hình ảnh của con người được trình thuật sách Sáng Thế thuật lại thật tuyệt vời! Con người được tạo dựng để làm chủ trái đất và Thiên Chúa còn bảo hãy sinh sản cho nhiều đầy mặt đất và thống trị nó. Về phần con người, thật đáng hãnh diện. Thánh vịnh viết: ‘Thiên Chúa trang điểm con người bằng huy hoàng và vinh quang: đã đặt tất cả dưới chân con người’.
Nên suy tư trang kinh thánh này vì nhiều lần ta bị cám dỗ để làm giảm giá trị con người. Trái lại Thiên Chúa lại có những tham vọng cho con người, ngài muốn con người nên cao cả, vinh quang. Thiên Chúa không phải là một ông chủ nhỏ mọn và ganh tỵ, Thiên Chúa muốn ban tặng và ban tặng thật nhiều. ‘Ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta’; làm thế nào được như thế? ‘Hãy làm bá chủ cá biển chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất’. Con người thống trị! Ta cần có ý tưởng này về Thiên Chúa: Thiên Chúa ban tặng cách quảng đại, luôn muốn ban tặng thêm, có những dự tính lớn lao cho con người, ngài không muốn con người dìm mình vào trong những điều bé nhỏ.
Ta cũng thấy điều này trong bài tin mừng. Đức Giêsu chống lại ý định làm giảm giá con người bằng cách buộc con người trong một hình thức chủ nghĩa, trong hình thức nệ luật nhỏ mọn, nhưng lại cho là quan trọng những điều thực sự không có, làm biến dạng tôn giáo nên vụ hình thức, không có giá trị trước mặt Thiên Chúa.
Mọi sự phải được đặt đúng chỗ của nó. Nếu một điều nhỏ ít quan trọng, không cần phải bi thảm hóa nó; đừng lấy làm khó chịu vì một điều nhỏ tự bản chất.
Có những điều quan trọng làm cho con người nên cao trọng, trong sự trung tín đối với những giới luật của Thiên Chúa, đấng không muốn rằng con người tự giảm giá trị mình, nhưng phải là một con người ý thức, tự do, yêu mến điều thiện. Đức Giêsu nhấn mạnh đến những giới luật quan trọng cho con người. ‘Ngươi hãy thờ cha kính mẹ’, đây là giới răn quan trọng vì tôn vinh con người: tôn vinh người cha và người mẹ, tôn vinh con cái hành động như thế đối với mẹ cha. Những điều nhỏ là những truyền thống của con người, có thể thay đổi theo thời gian, không thể vượt lên trên giới luật của Thiên Chúa được. ‘Ngươi hãy thờ cha kính mẹ’ nghĩa là con người tôn trọng con người và những tương giao nhân văn. Tính ích kỷ tìm cớ để không trung thành với lời Thiên Chúa và với ơn gọi của con người. Hãy cầu xin Chúa cho ta biết hãnh diện về ơn gọi của mình và thông truyền cho ta tình cảm sâu xa về sự cao trọng của ta và ước vọng của Thiên Chúa về từng người trong chúng ta.
+++
Có thật Thiên Chúa cư ngụ dưới đất chăng? Này trời cao thăm thẳm còn khôgn chưa nổi Ngài, huống chi ngôi nhà con đã xây đây! (1V 8,27)
Salomon đang dâng lên Chúa một lời cầu nguyện trong khung cảnh hiến thánh đền thờ do ông xây để kính Đức Chúa. Đám mây tràn ngập nơi cực thánh, ngăn bước chân các tư tế, mạc khải sự hiện diện huyền nhiệm của Thiên Chúa giữa dân. Xúc động trước biến cố ấy, đức vua đã kinh ngạc: Thiên Chúa, Đấng Tối Cao, Đấng bất khả thấu, Đấng mà đứng trước Ngài mọi người phải che mặt, không bao giờ có thể cư ngụ giữa con cái loài người, làm sao Đấng ấy có thể cư ngụ trong một nơi do tay loài người xây dựng được?
Chúng ta hôm nay biết rằng Thiên Chúa còn vượt xa hơn nữa qua việc nhập thể. Người đã thật sự cắm lều giữa chúng ta, đồng hành với ta, chia sẻ đời sống của ta: đạt đến mức trở nên nơi cư ngụ của Người giữa con cái loài người, Người tự hiến làm ‘Bánh’.
Trước mầu nhiệm thẳm sâu của việc nhập thể được kéo dài nơi bí tích Thánh Thể và trong việc cư ngụ của Ba Ngôi, chúng ta cần phải vui mừng trong tâm tình khiêm tốn biết ơn. Vâng, thân thể tôi, con người tôi là đền thờ của Đấng Tối Cao: nơi Người làm nơi cư ngụ. Đây là sự cao cả của tôi: một ân ban cần phải được gìn giữ và sống cách ý thức.
Lạy Chúa, con thờ lạy Chúa trong mầu nhiệm Thánh Thể, trong sự hiện diện thinh lặng biến lòng con nên nơi Chúa ưa thích ngự. Xin giúp con sống ý thức ân ban không thể diễn đạt này.
+++
Tình yêu Chúa và tình yêu đồng loại
Hai khẳng định quan trọng và có giá trị cho mọi thời đại:
1/ Luật của Thiên Chúa và truyền thống của con người phải hiểu cách riêng biệt: luật của Thiên Chúa có giá trị trường tồn và phổ quát cho mọi người nên không thay đổi; còn truyền thống của con người thì chóng qua nên có thể và cần phải thay đổi. Thế nên, người kitô hữu, hay cách chung người thông minh và ngay thẳng, phải liên tục canh tân và sẵn sàng đón nhận những thay đổi tiến bộ.
2/ Thứ đến, Đức Giêsu từ chối phân biệt sạch và ô uế, giữa một bình diện tôn giáo tách biệt nơi đó, có sự hiện diện của Thiên Chúa và một vùng của cuộc sống đời thường, vắng bóng Ngài. Ta không thể thanh tẩy cuộc sống hằng ngày bằng cách tìm Thiên Chúa một nơi khác, ngoài cuộc sống mỗi ngày, nhưng trái lại, cần phải thanh tẩy mình khỏi tội lỗi ngay bên trong con người chúng ta. Đức Giêsu phản đối việc phân biệt cho rằng người do thái thì thanh sạch còn những người dân khác thì ô uế. Vấn đề việc sạch dơ cũng mang tính quan trọng ngay thời đầu của giáo hội, nhất là việc ngồi đồng bàn giữa người do thái và dân ngoại (x.Gal, 2,11-17). Hãy nhớ lại lời thánh Phêrô trong thị kiến tại Gioppê: ‘điều Thiên Chúa cho là sạch, ngươi không được cho là dơ’ (Cv 10,15). Kể ra điều răn thứ tư, Đức Giêsu minh chứng Ngài chấp nhận sức mạnh thuyết phục của luật Thiên Chúa, nhưng từ chối những truyền thống ngột ngạt và lắt léo đi ngược lại với lề luật Thiên Chúa hơn là giúp người ta hiểu rõ và tuân thủ tốt hơn. Đức Giêsu chọn một trường hợp nổi cộm để minh chứng cho thấy luật của con người có thể dẫn đến việc xao nhãng tuân giữ luật Thiên Chúa. Bổn phận tôn kính cha mẹ và giúp đỡ cha mẹ là điều đã được dạy bảo bằng giới răn của Thiên Chúa. Nhưng việc giữ một lời thề hứa? Việc lạm dụng làm thiệt hại cho cha mẹ vì lời thề Korban, thường xảy ra thời Đức Giêsu. Đức Giêsu đặt giới răn yêu thương trên việc dâng lễ vật và không cho phép bỏ bổn phận phải làm đối với cha mẹ vì lẽ một lời thề. Thiên Chúa không muốn được người ta yêu và tôn kính bằng cách hy sinh tình yêu đồng loại. Thiên Chúa là tình yêu và chỉ muốn tình yêu, tình yêu đồng loại, qua đó Ngài được yêu thương. Và đây là nguyên lý nền tảng cho toàn thể cung cách của chúng ta: tình yêu Chúa và tình yêu đồng loại kết chặt với nhau làm một.
Thứ tư Tuần V Thường Niên
Thanh sạch đích thực
Chẳng có gì bên ngoài chúng ta mà lại có thể bảo đảm sự thanh sạch nội tâm của chúng ta. Chúng ta có thể mặc đẹp, nuôi dưỡng bằng thức ăn ngon hoặc có thể giả bộ trong cách cư xử, nhưng tâm hồn chúng ta, là chính phẩm giá con người chúng ta thì luôn hiển nhiên trước mặt Thiên Chúa, nó thế nào thì thể hiện y như vậy. ‘Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế’. Nên người ta thường nói: ‘lòng tràn thì miệng mới nói’. Chúa giải thích cho các tông đồ lời xác quyết của Ngài: ‘Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài’.
Kết luận: Đức Giêsu tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch, nhưng có điều quan trọng hơn, đó là việc áp dụng chỉ thị của Ngài khuyên bảo chúng ta không nói hay làm chứng điều giả dối, nên sống sự thật của Thiên Chúa để nên chứng nhân đích thực và đáng tin cậy của Ngài. Lên án tất cả những điều làm ô uế tâm hồn chúng ta, dẫn chúng ta đến sự giả dối, sai lạc, lừa dối chính bản thân và người đồng loại. ‘Có thì nói có, không thì nói không. Đặt điều, bày chuyện là bởi ma quỷ mà ra’. Những lời nói làm ô uế tâm hồn thì nguy hiểm và độc hại; cần thiết thực hiện một ‘chiến dịch sinh thái’ nhằm làm thanh sạch ngôn ngữ.
+++
Chúc tụng Đức Chúa, Thiên Chúa của ngài, Đấng đã ưu ái đặt ngài lên ngai Israel; chính vì lòng yêu thương Israel đến muôn đời, mà Đức Chúa đã đặt ngài làm vua để ngài thi hành luật pháp và công lý (1V 10,9)
Nữ hoàng Saba nghe biết danh tiếng Salomon, quyết định triều yết ngài. Bà muốn tự mình kiểm tra sự thật về tin đồn: không dễ để mình bị ảnh hưởng cũng không để mình sai lạc trong những thiên kiến. Thái độ của bà là thái độ của người đi tìm sự thật cách chân thật.
Thái độ khiêm tốn của bà khiến bà trở nên môn đệ đích thực của Thiên Chúa. Bà ca ngợi sự khôn ngoan của Salomon nhưng cũng không quên nhắc đến cội nguồn và mục đích: đó là một ân huệ của Thiên Chúa, đấng đáng được ca tụng; chính sự khôn ngoan này điều khiển dân chúng trong lề luật và trong công lý. Điều nổi bật là tình yêu của Thiên Chúa trung tín. Đức vua chỉ là nơi lưu giữ lòng nhân hậu của Thiên Chúa, đấng sau khi ban ơn cho vua, đã đặt vua lên ngai vàng để phục vụ công ích toàn dân.
Một trình thuật vẫn còn hiện thực hôm nay cho hết mọi người, để mỗi người biết dùng ân ban của mình mà phục vụ tha nhân: ân ban riêng được ban cho ta không phải để tự mãn, kiêu căng nhưng để phục vụ anh chị em, để biết tri ân và ca tụng Thiên Chúa.
Trước những điều ‘nghe người ta nói’, tôi có thái độ nào: dễ dàng để mình tin theo, khép kín mình không đón nhận hoặc tìm cách kiểm tra sự thật và có thái độ xứng hợp để ‘trả lại cho Xêda điều thuộc về Xêda, trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa’?
Lạy Chúa Thánh Thần, xin soi sáng hồn con, xin ban cho con khả năng biết phân định cách ngay thực để biết khám phá ra hành động của Thiên Chúa và tôn thờ Người bất cứ nơi nào Người tỏ mình.
Thứ năm Tuần V Thường Niên
Trong bài đọc 1 hôm nay ta đọc thấy thuật lại việc tạo dựng người đàn bà. Điều rõ ràng là đàn ông và đàn bà khác biệt nhau và sự khác biệt này có thể gợi lên nhiều tình cảm. Ta có thể cảm nghiệm một phấn khích nào đó khi cần một ai đó khác với mình; cũng có cám dỗ xem thường điều khác biệt. Người đàn ông bị cám dỗ ghét đàn bà và người đàn bà bị cám dỗ ghét đàn ông: bị cám dỗ xem thường những phẩm tính riêng của người khác phái nam/nữ. Đây là một cám dỗ sâu xa, mà Kinh Thánh phản ứng chống lại trong trình thuật này, với mục đích chứng minh cho thấy đàn ông và đàn bà bổ túc cho nhau, sự khác biệt của họ có ý nghĩa như một ơn gọi tình yêu trong sự nên một với nhau.
Platon, một trong những bậc thầy triết gia cổ, là một môn đồ của thuyết luân hồi và ông giải thích rằng mỗi linh hồn mặc lấy một thân xác và trong thân xác này sống phải tốt đẹp để có thể quay lại trời. Hiện giờ, các linh hồn mặc lấy đầu tiên một thân xác đàn ông. Nếu trong thân xác này mà họ sống không tốt, họ bị kết án chuyển sang một thân xác đàn bà; nếu họ tiếp tục sống không tốt, họ kết thúc trong một thân xác loài vật. Một con người theo tầm vóc tinh thần của Platon phản ánh sự khinh miệt đàn bà vào thời đại của ông.
Trình thuật kinh thánh hôm nay muốn nhấn mạnh đến sự bình đẳng nền tảng và sự hiệp nhất sâu xa giữa người nam và người nữ. Thiên Chúa tìm một trợ tá cho con người, xét thấy rằng con người cần một trợ tá. Con người cần phải chấp nhận ý tưởng rằng mình không hoàn toàn nếu chỉ sống một mình, cần sự giúp đỡ của một ai giống như nó. Và cũng chính theo hướng này mà trình thuật kinh thánh nhắc đến việc tạo dựng loài vật. Để làm gì? Để quả quyết rằng người nữ không phải là một con vật. Trong nhiều nền văn minh, người đàn bà bị xem như một con vật, nhưng trình thuật kinh thánh chứng minh cho thấy loài vật thì khác biệt với con người, thuộc một bình diện khác và con người không tìm thấy sự trợ giúp mà nó cần: ‘Con người đặt tên cho mọi súc vật (điều này muốn nói chủ quyền của con người) và chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng’.
Khi ấy Thiên Chúa can thiệp để ban cho con người sự trợ giúp cần thiết: ‘Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Một cách để nói lên sự kết hiệp căn bản giữa đàn ông và đàn bà. Và con người nhận ra điều này khi reo lên: ‘Phen này, đây là xương bởi xương tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà vì đã được rút ra từ đàn ông’.
Như thế người nam nhận biết người nữ là trợ tá mà mình luôn cần và người nữ về phần mình cần biết rằng mình được dựng để trợ giúp người nam.
Điều hiển nhiên là cùng với Đức Kitô có sự thay đổi trong quan niệm này trong tương quan giữa người nam và nguời nữ. Thánh Phaolo viết rằng trong Đức Kitô không còn đàn ông hay đàn bà, bình đẳng là nền tảng: không còn do thái hay dân ngoại, không còn tự do hay nô lệ. Tất cả trở nên một trong Đức Kitô Giêsu. Ta cần ý thức sự hiệp nhất này trong Đức Kitô, tương đối hóa mọi khác biệt. Trong một đoạn khác thánh Phaolô còn viết rằng trong Chúa, không có đàn ông mà không có đàn bà, cũng như ngược lại. Người nữ không hiện hữu mà không có người nam; người nam sinh ra từ người nữ, và tất cả điều này đến từ Thiên Chúa.
Nên giữa người nam và người nữ có một tương quan khác biệt, bổ túc cần thiết để làm cho ta lớn lên trong tình yêu; ta biết rằng sự khác biệt này là một phương thế Thiên Chúa dùng để bắt ta tiến tới trong tình yêu, để ta đi ra khỏi chính mình để đón nhận người khác. Khước từ một ai đó giống mình là một cách nào đó đóng kín chính mình, là tìm hình ảnh của mình nơi người khác, tựa như Narcisse tìm hình ảnh của mình trong dòng nước, trong khi đón nhận người khác, khác biệt với mình là đi ra khỏi chính mình, là làm một bước tiến trong tình yêu, là luôn đi ra khỏi chính mình.
+++
Đức Giêsu đến cứu các dân ngoại vùng Tirô. Con chiên vô tội đối diện với sự ô uế của những người mà Ngài gọi là ‘chó con’, nô lệ cho những đam mê và tội lỗi. Ngài loan báo cho con cái Israel biết rằng sự thanh sạch của họ có thể trở nên ô uế và sự nhơ uế của dân ngoại có thể nên thanh sạch. Nhưng giờ chưa đến thời các dân ngoại; Đức Giêsu đến nhà của họ, và muốn lưu trú cách kín đáo: ‘Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel’ (Mt 10,5-6).
Việc Đức Giêsu chữa lành con gái người phụ nữ ngoại giáo, tiên báo trước ơn cứu độ dành cho dân ngoại, vào thời điểm tử nạn và phục sinh.
Bánh dành cho con cái, không được quăng cho chó muốn trình bày Đức Kitô trong mầu nhiệm thân xác thánh thể của ngài, làm no thỏa những ai đã được thanh tẩy bởi nước bí tích rửa tội và được gọi là con cái Thiên Chúa. Vì thế mà Kinh Thánh cảnh báo ta: ‘bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa…vì ai ăn uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình’ (1Cr 11,27.29). Người đàn bà sụp lạy dưới chân Đức Giêsu đã hiểu ý nghĩa sâu xa của những lời ấy, nhìn nhận thân phận thấp hèn của mình, xưng thú tội lỗi mình. Bà phó thác cho Đức Kitô, nhờ đức tin, Đấng chỉ cần một mụn bánh, chỉ một lời thôi cũng có thể cứu sống con gái bà.
+++
Khi vua Salomon về già, các bà vợ của vua đã làm cho lòng vua ngả theo các thần ngoại; lòng vua không còn chung thủy với Đức Chúa, Thiên Chúa của vua, như lòng phụ vương Đavít nữa (1V 11,4)
Hôm qua phụng vụ trình bày sự khôn ngoan đặc biệt của Salômon: một ân ban được mọi dân biết đến, lẽ ra phải làm cho vua trở nên mẫu mực…
Hôm nay chất giọng đổi khác. Phụng vụ trình một hình ảnh của nhà vua sa sút, không chỉ về tuổi tác mà cả về mặt luân lý nữa. Trong các đoạn văn trước có kể đến nhiều phụ nữ dân ngoại đã được đưa về làm cung phi trong cung điện nhà vua. Đây là khởi đầu một cuộc chia cách xa rời Thiên Chúa và giao ước của Người.
Làm sao một con người khôn ngoan như thế mà lại đi đến một kết cục bi đát như thế? Các ân ban của Thiên Chúa được ban tặng để phục vụ tha nhân và sống khiêm tốn lệ thuộc vào Đấng Thi Ân. Nếu sử dụng chúng như những của cải riêng mình để thỏa mãn đam mê và ham muốn của mình, chúng sẽ vuột khỏi tay mình và đưa mình đến cái chết. Đừng nói rằng: tôi chỉ thử thôi mà, không sao đâu, tôi sẽ đứng vững mà! Khi ta đứng trên một nền đất không ổn, không chắc chắn, ta có thể bị tụt trôi xuống bên dưới, nếu ta không biết nhìn nhận sai lầm của mình và nắm lấy bàn tay đang chìa ra, vì chúng ta có thể quay mặt đi khỏi Chúa; nhưng không phải vì thế mà Thiên Chúa thôi không yêu thương ta.
Hôm nay trong phút hồi tâm, tôi xem xét lại xem có điều nhượng bộ nhỏ nào, không tốt, có thể đưa tôi đến nơi mà tôi không muốn.
Lạy Chúa, xin giúp con đừng nhượng bộ dù những cám dỗ bé nhỏ, vì đó là khởi đầu cho những tách xa Thiên Chúa. Xin nâng đỡ con bằng ơn sủng của Chúa để con tiến bước, luôn nhìn vào Chúa và cậy dựa vào tình thương của Chúa.
Thứ sáu Tuần V Thường Niên
Hơi thở sự sống
Như Chúa Cha, từ khởi thủy đã nắn tạo nên Ađam từ bùn đất vô tri vô giác, rồi thổi hơi vào để thông truyền sự sống, cũng thế Chúa Con, Ađam mới, giơ tay trên bệnh nhân câm điếc, đặt ngón tay vào tai anh, thở hơi và nói: Effata! Hãy mở ra!
Lời của Đức Kitô, cũng như lời của Chúa Cha, là lời sáng tạo và tái tạo: Ngài phán và mọi sự đều được dựng nên. Ngôi Lời sáng tạo thế giới, đã mở môi miệng con người để họ được hiệp thông qua những lời ca tụng, mở tai con người để họ lắng nghe lời Ngài: ‘Nghe đây, hỡi Israel…Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi’. Đức Giêsu mở lưỡi người câm và ban cho anh những lời nói mới.
Cuộc gặp gỡ với người câm điếc trong tin mừng hôm nay tóm kết tất cả mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng muốn quan hệ với mỗi người chúng ta: một vị Thiên Chúa yêu thương và nhân hậu, cúi xuống để chạm đến con người, một vị Thiên Chúa siêu việt muốn thổi vào trong chúng ta hơi thở sự sống mới. Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình nơi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa; Ngài là khuôn mặt của Thiên Chúa: ‘Ai thấy Thầy là thấy Cha’ (Ga 13,9). Câm điếc là chính mỗi người chúng ta khi chúng ta tìm cách không nghe Lời Chúa hay lựa chọn cho mình điều ưa thích, nhưng lại làm mất đi sự sống mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những ai Người yêu mến (1 Cor 2,9).
+++
Này ta sẽ giựt vương quốc khỏi tay Salomon để trao cho ngươi mười chi tộc. Nhưng nó vẫn còn được một chi tộc, vì Đavít, tôi tớ Ta, và vì Giêrusalem thành đô Ta đã chọn trong tất cả chi tộc Israel (1V 11,31-32)
Việc xa cách Chúa luôn kéo theo việc xa cách tha nhân, mà mình không xem như anh em được trao phó cho mình chăm sóc, nhưng đã trục lợi khi thi hành quyền hành trên họ. Đó là điều đã xảy ra cho vua Salomon, vàolúc tuổi già, không còn thấy lương tâm cắn rứt. Dân chúng không chịu nổi những thuế má nặng nề nên ngay sau cái chết của vua, người ta xin người con kế vị giảm bới. Nhưng đã không được chấp nhận và như thế Giêrôbôam đã đưa mười chi tộc miền Bắc ly khai.
Triều đại Đavít chỉ còn chi tộc Giuđa, đó cũng là tên gọi của vương quốc miền Nam. Chi tộc thứ mười hai, Lêvi, được giao phó lo việc phụng tự, không có lãnh thổ riêng.
Vua xa cách Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn không lìa xa khỏi nhà Đavít.
Thánh Phaolô suy tư về sự trung tín của Thiên Chúa, nơi Đức Kitô: Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta’ (Rm 5,7-8)
Lạy Chúa, tình thương Chúa làm con cảm động và ban cho con can đảm bắt đầu lại luôn luôn với nhiệt huyết mới. Lạy Chúa, cám ơn Chúa.
Thứ bảy Tuần V Thường Niên
Hôm nay giữa bài đọc thứ nhất và thứ hai có sự đối nghịch. Trong bài đọc 1 ta đọc thấy rằng con người phải đổ mồi hôi sôi nước mắt mới có cơm bánh ăn; trong bài đọc 2, với phép lạ hóa bánh ra nhiều, đám đông dân chúng được thỏa mãn cơn đói mà không phải lao động gì. Điều này mang một ý nghĩa sâu xa: Đức Giêsu đến sửa chữa hoàn toàn những tội lỗi con người và ban cho con người tiến đến sự thịnh vượng đích thực trong niềm vui của Thiên Chúa.
Trong trình thuật sách Sáng Thế ta đọc thấy những hậu quả của tội. Tội không chỉ tách lìa ta ra khỏi Thiên Chúa mà còn mang đến sự chia rẽ bất cứ nơi đâu. Con người đổ lỗi cho người đàn bà: ‘Người đàn bà mà Ngài cho làm bạn với con đã cho con trái cây ấy…’ Họ không còn nên một nữa. Đến lượt mình, người đàn bà lại tìm một ai đó để đổ lỗi: ‘Ngươi đã làm gì? Con rắn đã lừa dối tôi và tôi đã ăn’. Và luôn luôn là một ai đó đã phạm tội. Đây là một thái độ ấu trĩ, nhưng nếu ta suy nghĩ kỹ, ta luôn nhận thấy rằng trách nhiệm là của một ai khác. Và ta chia rẽ nhau. Sự đau khổ trong việc thi hành thánh ý Thiên Chúa thì nối kết, còn niềm vui ở bên ngoài thánh ý Thiên Chúa thì chia rẽ con người với con người. Sự hiệp nhất chỉ gặp thấy nơi thi hành thánh ý Thiên Chúa, nơi tình yêu Thiên Chúa được tỏ bày qua thánh ý Người. Nếu ta muốn có hiệp nhất, tình bạn, tình yêu, ta phải luôn tìm thánh ý Thiên Chúa, vì thánh ý là nền tảng duy nhất của sự kết nối lòng trí và sự thống nhất toàn thể hữu thể của ta.
Nhưng trong trình thuật này không chỉ có những điều thương tâm mà còn có những lời hứa, vì Thiên Chúa đã nghĩ ngay đến việc sửa chữa sự đổ vỡ do tội lỗi gây ra: và trong trình thuật sa ngã ta đã thấy dấu chỉ của lòng thương xót của Thiên Chúa.
Hôm nay ta đọc thấy: ‘Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy: dòng giống ấy sẽ đánh vào đầu mi’ và ta biết rằng lời hứa ấy đã được thực hiện trong cuộc đời của Đức Maria và Đức Giêsu. Đức Giêsu, con của bà Maria, đã đạp nát đầu con rắn và Đức Maria cũng đã đạp đầu con rắn. Trong bản dịch có một chút khác biệt: trong bản văn do thái chính dòng giống người đàn bà, miêu duệ của bà sẽ đạp đầu con rắn, trong khi trong bản dịch Vulgata (Phổ thông), dịch là chính người đàn bà sẽ đạp nát đầu con rắn, tuy nhiên cả hai đều đúng cả.
Một nhận xét khác: ‘Con người đặt tên cho vợ là Eva vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh’. Trên đồi Calvê, Đức Giêsu (theo tin mừng Gioan) liên tưởng đến tên gọi này khi nói với người môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh’. Mẹ của chúng sinh, của mọi môn đệ, những kẻ đã tìm gặp được sự sống đích thực trong Đức Kitô, mẹ của tất cả mọi người là Đức Maria, vì mẹ liên đới, chứ không tách biệt khỏi những kẻ tội lỗi, đã chấp nhận đau khổ vì họ, như chính Đức Giêsu con của mẹ. Đức Giêsu liên đới với mọi tội nhân, ‘giống với anh em mình mọi đàng’, như viết trong thư do thái. Là trợ tá đích thực giống con người, mà Thiên Chúa đã làm nên lúc đầu tạo dựng, không phải là đàn ông cho đàn bà, cũng chẳng phải đàn bà cho đàn ông, nhưng Đức Kitô Giêsu cho cả hai, liên đới với tội lỗi của tất cả chúng ta cho đến chết, tái lập lại sự liên kết con người với Thiên Chúa và con người với nhau. Hôm nay ta cảm tạ Chúa là đấng cho ta thấy những hậu quả của tội lỗi để cứu độ chúng ta, là đấng tái lập phẩm giá con người nơi Đức Maria và Đức Giêsu.
+++
Manna đích thực
Nuôi đám đông trong hoang địa bằng phép lạ hóa bánh, Đức Giêsu mạc khải mình là bánh hằng sống từ trời xuống, là Manna đích thực mà Chúa đã cho mưa từ trời cao xuống trên con cái Israel trong hoang địa. Ngài tự hiến mình cho mọi dân tộc như bánh từ trời xuống: ‘Bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta để cho thế gian được sống’ (Ga 6,51).
Trong đoạn tin mừng thánh Mátcô chúng ta vừa đọc, lời hứa ban sự sống đời đời được loan báo từ việc đề cập đến ‘ba ngày’ (đã ba ngày rồi mà họ không có gì để ăn). Như Đức Giêsu sống lại vào ngày thứ ba, Ngài cũng chạnh lòng thương dân chúng vì họ ở luôn với Ngài đã ba ngày. Ngày thứ ba, Ngài vực họ chỗi dậy và nuôi dưỡng họ no thỏa. Bảy chiếc bánh là dấu chỉ sự tràn trề những thiện hảo của Thiên Chúa dành cho đám đông, tượng trưng cho 70 dân tộc ngoại giáo trên thế giới. Ngài cho đám đông ngồi xuống đất: Ngài mời gọi họ vào nghỉ ngơi ngày thứ bảy. Việc hóa bánh ra nhiều được hiểu trong tinh thần dư tràn của ngày thứ bảy, người do thái trong hoang địa được lấy gấp đôi phần manna, Đức Giêsu cầm lấy 7 chiếc bánh dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát. ‘Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, sẽ có sự sống đời đời và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết’ (Ga 6,54).
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Lễ Đức Mẹ Lộ Đức
Từ năm 1992, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã thiết lập ngày thế giới cầu cho các bệnh nhân vào lễ Đức Mẹ Lộ Đức, ngày 11 tháng 02 hàng năm.
Lộ Đức nổi tiếng như là một nơi cầu nguyện và hành hương, nhưng được biết đến nhiều nhất là những phép lạ. Mỗi năm có khoảng 6 triệu khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới tuôn đến Lộ Đức để cầu nguyện và xin ơn. Đến đó, dù tin hay không tin, mọi người đều cảm thấy có một sức mạnh lạ lùng lôi kéo để thắp lên một ngọn nến và quỳ gối cầu nguyện.
Chính nơi đây, hàng ngàn người được chữa lành những bệnh tật thể lý, người cầu nguyện được nhận lời, tội nhân được ơn tha thứ; hàng triệu người được lôi kéo tới gần Thiên Chúa hơn, họ tìm được sự bình an cho tâm hồn, đồng thời có thêm sức mạnh để can đảm vượt qua đau khổ, thử thách và được kiên vững trong niềm tin. Những phép lạ tại Lộ Đức thật sự là những dấu hiệu chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa.
Thánh lễ dâng kính Đức Mẹ Lộ Đức và cầu nguyện cách riêng cho các bệnh nhân, cũng như những người đang phục vụ bệnh nhân và những người nghèo của Đức Kitô. Thánh lễ này cũng là lời nhắc nhở chúng ta những người nghĩ mình khỏe mạnh nhớ rằng: “Các bệnh nhân vẫn là thành viên của gia đình giáo xứ, khi đau yếu họ vẫn cùng cầu nguyện với giáo hội và cầu nguyện cho chúng ta.
Cyrillo và Mêthodiô
Cả hai bài đọc hôm nay nói về việc rao giảng tin mừng của hai thánh Cyrillô và Mêthodiô.
Bài sách Isaia nói đến tin mừng và diễn tả một chuyển động hướng về Giêrusalem; người sứ giả loan báo bình an ‘những người lính canh nhìn thấy việc Chúa trở lại Sion’, mọi dân nhìn lên thành thánh.
Trong bài tin mừng thì ngược lại. Đức Giêsu sai các Tông đồ vào thế gian: ‘Hãy đi khắp thế gian rao giảng tin mừng cho mọi tạo vật…Họ ra đi và rao giảng khắp mọi nơi’.
Có hai năng lực trong Cựu ước, người ta nghĩ ơn cứu độ giống như việc các quốc gia tiến về Giêrusalem, trung tâm thế giới, người ta lên núi Chúa, đấng lôi kéo mọi người; trong Tân ước Giêrusalem không còn là trung tâm của sự hiệp nhất, điểm quy tụ chính là thân thể Đức Kitô phục sinh, hiện diện cách mầu nhiệm trong thế giới bất cứ nơi nào có các môn đệ của ngài. ‘Hãy đi khắp thế gian’. Đây là luật của việc rao giảng tin mừng, dĩ nhiên không đánh mất mối liên kết với Đức Giêsu, nơi hiệp nhất mọi người tin vào ngài.
Một vấn đề đối với hai thánh Cyrillo và Methodio chính là việc đi đến với các dân tộc khác, cho dù gặp những khó khăn lớn, không chỉ là khó khăn hành trình (vào thế kỷ IX) nhưng còn khó khăn phải ngỏ lời với dân chúng không thuộc văn hóa hy lạp hoặc latinh, các dân slavơ.
Cyrillo và Mêthodio là những nhà tiên phong của việc mà ngày nay ta gọi ‘hội nhập văn hóa’, nghĩa là chuyển dịch đức tin trong nền văn hóa của một quốc gia thay vì đem vào đó nền văn hóa của chính mình. Họ đã dịch sách Kinh Thánh sang tiếng slavơ, cử hành phụng vụ bằng ngôn ngữ slavơ, quả là bạo dạn vì họ đã bị các nhà truyền giáo latinh tố cáo tại Roma. Họ đến gặp Đức Thánh Cha để biện minh, đã được ngài ủng hộ. Sau cái chết của Cyrillo vào ngày 14.02 tại Roma, Mêthodiô được phong chức Giám mục và được gởi đến các quốc gia slavơ để tiếp tục việc rao giảng tin mừng.
Ngày nay ta ý thức vấn đề này mà nhiều thế kỷ trước đã gây ra nhiều hiểu lầm, lên án và làm trì hoãn việc rao giảng tin mừng. Từ nay ta biết rằng đức tin tách rời khỏi mọi nền văn hóa và cần phải cắm rễ sâu vào một nến văn hóa nào đó, như men tin mừng.
Mỗi thế hệ đức tin đòi hỏi phải được diễn tả theo cách thức mới.
Vẫn luôn là một nhưng men sự sống cần phải phát triển và tìm ra những hình thức mới để tiến triển. Chính Đức Giêsu đã so sánh tin mừng tựa như hạt cải nảy mầm, lớn lên, thành cây.
Ta cần có ưu tư đi đến những người khác và không phải bắt buộc đồng hóa với những thói quen của ta, với điều ta suy nghĩ. Đi đến với người khác như Đức Giêsu đến với ta: làm người, chấp nhận tất cả những gì của con người để con người có thể hiểu và đi vào sống thân tình với ngài.
Thánh Phaolô giải thích rằng sự hiệp nhất chỉ có thể trong sự khác biệt, trong đó mỗi người thể hiện mình theo ơn gọi riêng và thích nghi với kẻ khác như nhiều chi thể làm nên một thân thể duy nhất. Ta hãy cầu nguyện: ‘Lạy Cha, Cha đã yêu thương mỗi người chúng con như một người con và muốn mỗi người chúng con diễn tả mầu nhiệm tình yêu của Cha bằng cách thế riêng, xin hãy ban cho chúng con biết đón nhận mỗi người em chúng con như chính họ, để chúng con tất cả được hiệp nhất trong tình yêu của Cha’.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập84
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm55
  • Hôm nay25,562
  • Tháng hiện tại635,705
  • Tổng lượt truy cập53,620,740

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây