Chúng ta cần sự khôn ngoan Kinh Thánh

Thứ bảy - 11/02/2023 02:52  571
CHÚNG TA CẦN SỰ KHÔN NGOAN KINH THÁNH

Victor Cancino, S.J.

Chúa nhật VI Mùa Thường niên.

Hc 15,26-21; 1Cr 2,6-10; Mt 5,17-37.

Trong Chúa nhật VI Thường niên tuần này, các bài đọc Lời Chúa nêu bật truyền thống khôn ngoan Do Thái-Kitô giáo trong Kinh Thánh.
Văn chương khôn ngoan được diễn tả dưới nhiều hình thức trong Kinh Thánh. Một trong số đó là tập hợp các “câu nói”, châm ngôn và tục ngữ, giúp định hướng cuộc sống. Ngoài sách Châm ngôn, những câu nói khôn ngoan như vậy xuất hiện khắp Kinh Thánh, chiếm đa số trong truyền thống khôn ngoan của Israel.

Hạn từ “khôn ngoan” mang nhiều ý nghĩa. Trong văn hóa ngày nay, chúng ta có xu hướng cho rằng nó giống như sự hiểu biết có được từ kinh nghiệm sống, tức góp nhặt ý nghĩa từ một tình huống nhất định. Ngược lại, trong Cựu ước, từ “khôn ngoan” chỉ kỹ năng thực hành của người thợ đá hay một thương gia. Tương tự như một người  học nghề, mỗi người phải chọn cho mình một kỹ năng để theo Chúa. Trước hết, khôn ngoan trong Kinh Thánh hệ tại nơi việc chọn lựa, như trong Bài đọc I nói: “Người đặt trước mặt ngươi nước và lửa, ngươi muốn cái gì, thì giơ tay ra trên đó.” (Hc 15,16-17).

Có ít nhất ba vai trò giảng dạy theo truyền thống Kinh Thánh của Israel, và thật hữu ích khi suy ngẫm về sự khác biệt giữa chúng. Trong Cựu ước, tư tế dùng Lề luật (Torah) để dạy dỗ và tham gia nhiệm vụ thờ phượng; ngôn sứ chủ yếu giải thích mặc khải, Lời Chúa đã đón nhận và chuyển trao. Ngược lại, một kinh sư khôn khéo đưa ra lời khuyến dụ về cuộc sống, rút ra từ toàn bộ truyền thống các bản văn thánh của Israel. Vai trò của kinh sư khôn ngoan khác biệt khi tập trung vào phương pháp sư phạm, giúp mọi người đạt được sự khôn ngoan bằng cách trở thành “học trò của cuộc sống”.

Bài đọc I, trích từ sách Huấn ca, mô tả một kinh sư đang làm việc. Tác giả đang ‘dạy’ hoặc đưa ra lời khuyên cho bất kỳ ai lưu tâm đến lời hướng dẫn. Đây là nhiệm vụ của truyền thống khôn ngoan Israel, nhằm truyền đạt những lời dạy bảo giúp học trò gắn bó. Qua việc sử dụng những câu tục ngữ tài tình cùng những câu nói hóm hỉnh, tác giả sách Huấn ca đã tìm ra cách thế hiệu quả trong việc truyền đạt kiến thức cho thế hệ mai sau. Trong nhiệm vụ này, tác giả thể hiện cam kết của giới kinh sư trong việc truyền đạt lại sự khôn ngoan cổ xưa của Israel.

Chẳng hạn, bài đọc I đưa ra sự phân biệt rõ ràng giữa những người sống công chính (và kính sợ Thiên Chúa) và những người bất chính (cũng là những kẻ ngu ngốc), đồng thời thách thức người đọc chọn một con đường. Đây không chỉ là khuôn mẫu của một đời sống luân lý. Theo sách Huấn ca và truyền thống kinh sư, việc tuân theo các điều răn rút ra từ trong Kinh Thánh đưa con người đi vào tương quan huyền nhiệm với Thiên Chúa. Sách Huấn ca diễn tả điều này bằng lối nói Chúa ‘nhìn’ đến những người hành động công chính, “Chúa nhìn đến những kẻ kính sợ Người; … Người không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác, và không cho phép một ai phạm tội.” (Hc 15,19-20). Điều này sẽ tô điểm thêm cho lối hiểu của thánh Matthêu về các giới luật Tin mừng.

Việc đặt sách Huấn ca và Tin mừng Matthêu cạnh nhau  như  các bài đọc Lời Chúa hôm nay đã làm nổi bật vai trò của Chúa Giêsu trong truyền thống khôn ngoan Do Thái-Kitô giáo. Chúa Giêsu là một người thầy-Rabbi, một người khôn ngoan nắm vững kỹ năng truyền đạt lời dạy bảo cho các môn đệ - học trò, những người sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ khó khăn là thực hành sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Chúa Giêsu, với tư cách là người dạy bảo, đã làm sáng tỏ các điều răn được tìm thấy trong lề luật (Torah) và đào sâu tận gốc rễ đời sống luân lý. Cách thức Ngài sử dụng  vẫn là một công cụ hỗ trợ giảng dạy hữu ích cho đến ngày nay: bạn đã nghe điều này điều kia, nhưng tôi thậm chí còn nói mạnh hơn thế. Luật quy định có thể ly hôn, nhưng tôi nói hãy cam kết suốt đời khi có thể. Luật nói chớ giết người, nhưng tôi nói không được nuôi dưỡng sự tức giận. Luật nói rằng chớ ngoại tình, nhưng tôi nói chớ nhìn bằng con mắt thèm khát.

Tương tự luật Israel chi phối cả hành vi cá nhân lẫn chính sách quốc gia, lời dạy của Chúa Giêsu hướng dẫn các môn đệ trong tư cách cá nhân và cộng đoàn. Chúa Giêsu giảng dạy cho đám đông. Ngài lặp lại những câu nói truyền thống và điều chỉnh chúng cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Những người xung quanh Ngài mang đến những chương trình (agendas) khác nhau và có những hy vọng khác nhau. Một số trong họ là những người được mô tả trong các mối phúc thật: hiền lành, khóc lóc, tinh thần khó nghèo. Một số khác là các nhà lãnh đạo Do Thái giáo thuộc các giáo phái khác nhau vào thế kỷ I. Một số chỉ là những cá nhân đang tìm hiểu ý nghĩa của việc trở thành môn sinh của Chúa Giêsu. Ngài đang đào tạo một cộng đoàn và việc kết hợp truyền thống khôn ngoan Do Thái-Kitô giáo của Chúa Giêsu dành cho tất cả mọi người trong cộng đoàn này. Các bài giảng luân lý được giới thiệu hôm nay nhằm để xây dựng cộng đoàn như một tổng thể, chứ không thể giản lược thành lòng đạo đức hay sự thánh hóa cá nhân.

Có rất nhiều mô hình về sự khôn ngoan được áp dụng ở Khu bảo tồn Indian Flathead nơi tôi đang sống. Một truyền thống tôn trọng các vị cao niên trong cộng đoàn này vẫn còn mạnh mẽ. Trưởng lão không phải là vấn đề tuổi tác mà là khả năng truyền đạt sự khôn ngoan, nhất là sự khôn ngoan của thời xưa và các kỹ năng sống để thế hệ sau có thể áp dụng hiệu quả. Mục tiêu truyền đạt sự khôn ngoan như thế từ các vị cao niên là sức mạnh cả về vật chất cũng như tinh thần cho cả bộ tộc. Trong suy nghĩ của những bậc cao niên, chỉ tập trung vào cá nhân là một thất bại cho toàn thể. Dù sống cách đây hơn 2000 năm, sách Huấn ca cũng chia sẻ quan điểm này. Trong một nhận thức tương tự, tác giả sách Huấn ca đã viết, “Hãy hiểu cho rằng tôi vất vả đâu phải cho mình tôi, nhưng còn cho tất cả những ai muốn thu thập kiến thức.” (Hc 33,18).

CẦU NGUYỆN
Chúng ta định nghĩa về khôn ngoan có khác với sự khôn ngoan trong Kinh Thánh không?
Điều đầu tiên chúng ta cần thực hiện để chọn con đường khôn ngoan là gì?
Hãy nhớ lại khoảng thời gian chúng ta được học biết về những điều khôn ngoan. Lời dạy đó có gắn liền với chúng ta không ?

Bài đọc: Thanhlinh.net

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (08/02/2023)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập161
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm137
  • Hôm nay33,068
  • Tháng hiện tại649,792
  • Tổng lượt truy cập49,407,856

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây