Suy Niệm Thánh Vịnh 94
1 Hãy đến đây ta reo hò mừng CHÚA,
tung hô Người là Núi Đá độ trì ta,
2 vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ,
cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.
3 Bởi ĐỨC CHÚA là Chúa Trời cao cả,
là Đại Vương trổi vượt chư thần,
4 nắm trong tay bao vực sâu lòng đất,
giữ chủ quyền muôn ngọn núi vút cao.
5 Đại dương Chúa đã tạo thành là của Chúa,
lục địa do tay Người nhào nắn cũng thuộc về Người.
6 Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục,
quỳ trước tôn nhan CHÚA là Đấng dựng nên ta.
7 Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ,
còn ta là dân Người lãnh đạo,
là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.
Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
8 [Người phán] : "Các ngươi chớ cứng lòng
như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc,
9 nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức
và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.
10 Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán,
Ta đã nói : Đây là dân tâm hồn lầm lạc,
11 chúng nào biết đến đường lối của Ta,
nên Ta mới thịnh nộ thề rằng :
Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta."
Cùng Đọc Với dân Ítraen
Đây là Thánh Vịnh mà các tu sĩ nam nữ, các linh mục đọc vào lúc khởi đầu một ngày, dân Do Thái thường đọc trong các nghi lễ tái lập Giao Ước. Ta gặp thấy gợi lên nghi lễ thường thực hiện. Hai thời điểm các Thầy Lêvi, chưởng nghi trong Đền Thờ, mời gọi cộng đoàn tham dự cách tích cực vào việc hành lễ: “Hãy đến đây ta reo hò mừng CHÚA, Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục…” Mỗi lời mời gọi, dân đám lại bằng một công thức, bắt đầu bằng “Bởi ĐỨC CHÚA là Chúa Trời cao cả…(tạo dựng)… Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ…(giao ước)”. Người ta nghe như một lời sấm ngôn: Thiên Chúa lên tiếng nói, để nhắc nhớ giao ước, chiều kích lịch sử và tính hiện thực “hôm nay” của nó.
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Đức Giêsu đã muốn sống lại thời gian dân đi trong sa mạc, nơi thử thách, nơi cám dỗ và chống đối Thiên Chúa (“Mêriba và Massa” Xh 17,1-7; Ds 20,1-13). Bốn mươi ngày gợi lại bốn mươi năm của cuộc thử thách trong sa mạc, Đức Giêsu đã chịu ma quỷ cám dỗ. Và ba hình thái cám dỗ cũng giống như những cám dỗ của dân Ítraen: đói, thờ ngẫu tượng, đòi dấu lạ. Đó chính là những cám dỗ của mỗi người một ngày nào đó gặp phải.
“Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán”. Từ ‘dòng giống này’ mang ý nghĩa xấu, Đức Giêsu đã nhiều lần sử dụng để lên án. “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” (Mc 8,12). “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na.”(Mt 12,39). "Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?” (Mc 9,19).
“Là đoàn chiên tay Người dẫn dắt”. Chủ đề ‘mục tử’, Đức Giêsu cũng đã sử dụng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành.”(Ga 10). “Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.”(Mt 9,36).
Hình ảnh ‘Đá Tảng’ vững chắc, Đức Giêsu cũng đã nhiều lần nói đến. “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7,24).
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Lời mời: “Hãy đến, reo hò, vào, tung hô…”Không ai là một hòn đảo! Sau nhiều thế kỷ chạy theo cá nhân chủ nghĩa, thế giới ngày nay tái khám phá những giá trị của cộng đoàn. Sự vô danh của những thành phố gây ra sự cô đơn khủng khiếp, nhưng đồng thời cũng làm dậy lên nỗi khát vọng muốn sống cùng với người khác. Phụng Vụ cộng đoàn ngày nay cũng cố gắng đề cao sự tham gia của cộng đoàn. Ta không bao giờ được quên điều đó: Nếu Hội Thánh kêu gọi ta tất cả đến cùng một giờ, tại một địa điểm, không phải vì kinh nguyện cá nhân (dù có cần thiết đến đâu đi nữa) mà vì kinh nguyện cộng đoàn: “Hãy đến, hãy vào, hãy tung hô, chúc tụng Chúa”. Ta hiểu rằng các tu sĩ, hàng ngày, khi vừa mới thức giấc, mời gọi nhau cùng dâng lời ca tụng. Hãy để cho lời kinh nguyện của anh em đưa ta đến gần Thiên Chúa. Đừng kháng cự lại lời mời gọi này và khép kín mình lại trong sự tách biệt ‘đạo đức’.
Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục. Có gì đẹp hơn hình ảnh dân chúng, trán chạm đất, cùng phủ phục hướng về La Mecque. Lẽ nào ở Tây Phương ta quên cử chỉ hầu như toàn cầu này của mọi tôn giáo? Cần cố gắng để cảm nghiệm toàn thể cảm tính của con người: ‘Hãy nói cho tôi biết bạn đang cúi mình trước Đấng nào…? Hãy nói cho tôi biết bạn nhìn nhận ai là Đấng cao trọng hơn bạn…? Ta biết rằng một cử chỉ thì chân thực và có ảnh hưởng hơn một lời nói. Nhưng nền văn hóa tây phương, than ôi, lại xem thường thể xác…cho dù đã có lời cảnh báo của Pascal: ‘Ai muốn làm thiên thần thì người đó sẽ trở thành thú vật…’ (Con người không phải là thiên thần, cũng không phải là thú vật, thế nhưng, ai muốn làm thiên thần thì người đó sẽ trở thành thú vật.
Giao ước: Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo…Hãy lắng nghe tiếng Chúa! Giao ước, chiếc nhẫn mà đôi vợ chồng trao cho nhau, là dấu chỉ thuộc về nhau, từ chìa khóa trong Kinh Thánh. Quả là bạo dạn khi dám diễn tả mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa bằng những từ ngữ hôn ước. Thiên Chúa làm cuộc phiêu lưu lạ lùng, Đấng Vô Cùng, lại kết ước tình yêu với một dân tộc, với những con người thấp hèn. Điều này cho phép ta sống đức tin của mình như một quan hệ tình yêu. Nhưng điều này cũng soi sáng cho đời sống hôn nhân, biến nó thành một bí tích của niềm tin. Những giá trị thiết yếu của tình yêu con người cũng là những giá trị chính của đức tin. ‘Xin đừng bỏ em. Xin đừng bỏ anh’, lời của một bản tình ca, đó là đòi buộc của sự tín trung. ‘Nào xin hãy nghe’ đó là một trong những hình thức cụ thể của tình yêu. ‘Em làm cho anh thất vọng, em đã khép kín con tim’, ta cũng biết rằng tình yêu là nguyên do của khổ đau và thất vọng.
Tội lỗi là bất trung, từ chối lắng nghe. Ta bị đánh động bởi chất giọng trách cứ nơi phần cuối thánh vịnh, đó là chất giọng của một tình yêu bị thương tổn, xúc phạm. Đó chính là chiều kích thật của tội lỗi. Ta thường hay giảm thiểu hết sức sự dữ của tội, xem chỉ như là vi phạm một điều luật, xem như mình đang nằm trong tình trạng giữa cái được phép và cái không được phép. Đối với con người tôn giáo, luân lý không chỉ đơn thuần là luân lý, (nghĩa là một hệ thống đạo đức khép kín trên chính mình, những quy tắc điều hành xã hội), nó còn là một trong những yếu tố của quan hệ với Thiên Chúa. Sự dữ ‘chạm’ đến Thiên Chúa, làm cho Người thất vọng. Thay vì tố cáo Thiên Chúa, thách thức Người, vì sự dữ trong thế giới, sao ta lại chẳng hiểu rằng sự dữ đối nghịch lại với chương trình của Thiên Chúa, và Người chính là đấng đầu tiên phải đau khổ, tựa như một nghệ nhân nhìn thấy công trình mình đem bao tâm huyết thực hiện bị đổ vỡ, như một người chồng bị coi thường.
Hôm nay. Không phải ngẫu nhiên mà Giáo hội đề nghị ta đọc thánh vịnh này vào mỗi sáng. Lời mời gọi dâng lời ca tụng ngay từ lúc khởi đầu của một ngày. Là lời mời gọi tích cực để chống trả cám dỗ: hôm nay…tất cả đều có thể. Quá khứ đã qua…sự dữ của hôm qua đã kết thúc. Một ngày mới khởi đầu.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch