CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nêu bật một chủ đề chung: yêu thương đồng loại.
Ed 33: 7-9
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en thi hành sứ vụ của mình bên cạnh những người đồng hương lưu đày như ông tại Ba-by-lon (đầu thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên); ông cảm thấy mình chịu trách nhiệm về cách ăn nếp ở của anh em của mình.
Rm 13: 8-10
Thánh Phao-lô khuyên bảo các tín hữu Rô-ma thực hành tình tương thân tương ái. Bổn phận duy nhất, món nợ duy nhất mà chúng ta phải có đối với anh em đồng loại là Đức Ái.
Mt 18: 15-20
Trong Tin Mừng, thánh Mát-thêu trích dẫn lời Đức Giê-su mời gọi các Ki-tô hữu đừng để cho một người anh em nào của mình phải lạc mất mà không tìm cách sửa lỗi cho người ấy, nhiều lần nhiều cách khác nhau với sự tế nhị cần thiết.
BÀI ĐỌC I (Ed 33: 7-9)
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en sống vào cuối thế kỷ thứ bảy và đầu thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên. Vào lúc đó, hoàn cảnh đất nước thật bi thảm. Vương quốc Giu-đa bị đế quốc Ba-by-lon xâm chiếm. Vua Na-bu-cô-đô-nô-so bao vây Giê-ru-sa-lem lần thứ nhất, vào năm 598-597, tiếp đó một phần dân cư bị lưu đày, nhất là thành phần ưu tú. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en ở trong số những người lưu đày đầu tiên nầy. Ông thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình chủ yếu bên cạnh những người đồng hương lưu đày cho đến khi ông qua đời, vào năm 571 trước Công Nguyên.
Ê-dê-ki-en trước khi thi hành sứ vụ ngôn sứ, đã là tư tế, vì thế, ông mang lấy ở nơi mình vừa trách nhiệm ngôn sứ vừa nghĩa vụ tư tế. Bản văn mà chúng ta đọc vào Chúa Nhật nầy làm chứng điều nầy. Trách nhiệm ngôn sứ và nghĩa vụ tư tế hợp nhất bất khả phân ly ở nơi ông. Khung cảnh là làng Tel-Avi (nghĩa là “đồi lúa mì”) bên bờ sông Cơ-va không xa kinh thành Ba-by-lon, ở đó vị ngôn sứ cùng với một số người đồng hương sống trong cảnh lưu đày.
Từ những biến cố, ngôn sứ Ê-dê-ki-en biết rút ra bài học. Trước đây, các ngôn sứ đã kêu gọi vua, các bậc vị vọng và toàn thể dân chúng hoán cải, nhưng lời của các ngài không được lắng nghe, vì thế án phạt đã xảy đến trên toàn cõi vương quốc. Nét độc đáo của sứ điệp mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en gởi đến nhấn mạnh “trách nhiệm của mỗi cá nhân”. Đó là ý nghĩa của những lời Đức Chúa kêu gọi mà chúng ta đọc trong đoạn văn nầy.
1. “Hỡi con Người”:
Kiểu xưng hô: “Hỡi con người” là đặc ngữ Do thái, có nghĩa đơn giản là “một con người”, “một cá nhân”. Ở đây, danh xưng: “con người” quy chiếu đến chính vị ngôn sứ. Đặc ngữ nầy thường xuất hiện trong các sấm ngôn của Ê-dê-ki-en với một nét nghĩa tiêu cực: “ngươi chỉ là một phàm nhân” không hơn không kém.
Mỗi lần Thiên Chúa giao phó cho ông sứ điệp của Ngài, Ngài đều đặt ông vào vị thế của ông để ông khỏi phải tự cao tự đại về những thị kiến hay xuất thần mà Thiên Chúa gởi đến cho ông. Qua đặc ngữ này, vị ngôn sứ nêu bật sứ điệp cao vời khôn ví của Thiên Chúa gởi đến cho ông và thân phận phàm nhân thấp kém của ông, người được diễm phúc đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa.
2. “Người canh gác”:
Ở đây, vị ngôn sứ được Thiên Chúa đích thân tuyên bố: “Ta đã đặt ngươi là người canh gác cho nhà Ít-ra-en”. Những hình ảnh: “người canh gác”, “người canh thức”, “truyền lệnh sứ” rất quen thuộc trong Cựu Ước để mô tả sứ vụ ngôn sứ của dân Ít-ra-en. Như một phàm nhân, ông được Thiên Chúa giao phó trách nhiệm làm người canh gác cho những người đồng hương lưu đày như ông. Sứ vụ ngôn sứ của ông được mô tả cách đơn giản như sau: “Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết”.
Xa hơn một chút, ở cuối chương 33 này, chính Ê-dê-ki-en gợi lên hình thức thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình trong những cuộc trò chuyện của mình với những đồng hương lưu đày: “Phần ngươi, hỡi con người, con cái dân ngươi bàn tán về ngươi dọc theo các bức tường và trước các cửa nhà. Chúng bảo nhau, người nọ nói với người kia: ‘Nào chúng ta đến nghe xem Đức Chúa phán thế nào!’. Chúng đến với ngươi đông như trẩy hội. Dân Ta ngồi trước mặt ngươi; chúng nghe các lời ngươi nói…” (Ed 33: 30-32). Trong bầu khí chuyện trò thân tình này, qua những cuộc tiếp xúc gần gũi giữa người với người mà vị ngôn sứ có thể gởi đến cho từng người những lời cảnh báo huynh đệ.
3.Trách nhiệm cá nhân:
Chết chính là đánh mất ân huệ của Thiên Chúa, Ngài là nguồn mạch của mọi thiện hảo đối với dân Ít-ra-en. Đó là cách nói quen thuộc của Cựu Ước để trình bày những huấn lệnh của Thiên Chúa trong viễn cảnh của một sự chọn lựa giữa sự sống và sự chết, hạnh phúc và bất hạnh, lời chúc phúc và lời nguyền rủa.
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en nhấn mạnh trách nhiệm của người biết huấn lệnh của Thiên Chúa, người ấy phải bổn phận giúp anh em mình được sáng tỏ: “Nếu Ta bảo đứa gian ác: ‘Tên gian ác kia, nhất định mi phải chết’, mà ngươi không nói để cảnh cáo nó phải từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó, đứa gian ác ấy, sẽ chết vì tội của nó, nhưng còn máu của nó, Ta sẽ đòi ngươi”. Vả lại, ông là vị ngôn sứ vĩ đại đầu tiên nhấn mạnh sự thưởng phạt cá nhân: “Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết; con không mang lấy tội của cha; cha cũng không mang lấy tội của con” (Ed 18: 20). Tuy nhiên, số phận của mỗi người không bất di bất dịch như đinh đóng cột: người công chính có thể trở thành tội nhân; kẻ tội lỗi cũng có thể hoán cải để trở thành người công chính. Đây cũng là những lời Đức Giê-su khuyên các môn đệ của Ngài về việc sửa lỗi cho anh em mình trong Tin Mừng hôm nay.
BÀI ĐỌC II (Rm 13: 8-10)
Chúng ta tiếp tục đọc phần luân lý của thư gởi tín hữu Rô-ma. Thánh Phao-lô vừa mới nêu lên những bổn phận công dân mà người tín hữu phải phục tùng: vâng lời chính quyền dân sự, nộp thuế. Dù tất cả những nghĩa vụ nầy phải chu toàn, chúng ta vẫn phải là những kẻ mắc nợ đối với anh em đồng loại: món nợ tương thân tương ái không bao giờ hoàn tất được.
“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì yêu mến người, thì chu toàn lề luật”: Thập giới mời gọi phải tôn trọng nhân phẩm của tha nhân và của cải của họ, nhưng không nói rõ bổn phận yêu thương đồng loại; yêu thương đồng loại được sách Lê-vi công bố và thánh Phao-lô cũng trích dẫn: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19: 18).
Theo Cựu Ước, “đồng loại” trước hết những người thuộc cùng chủng tộc. Đức Giê-su đã mở rộng tầm mức của huấn lệnh yêu thương đến tất cả mọi thành phần cộng đồng nhân loại, không có bất kỳ ngoại trừ nào, thậm chí phải yêu thương kẻ thù nữa. Thánh Phao-lô nêu lên không chỉ luật Mô-sê, nhưng luật mới Đức Ái Ki-tô giáo cũng đòi buộc nữa. Sở dĩ thánh nhân không đề cập đến huấn lệnh thứ nhất, huấn lệnh yêu mến Thiên Chúa, vì lời khuyên của thánh nhân nhắm đến đức ái huynh đệ, vì lẽ huấn lệnh yêu thương đồng loại bất khả tách rời huấn lệnh yêu mến Thiên Chúa. Chính từ yêu mến Thiên Chúa mà yêu thương đồng loại được khơi nguồn. Nếu yêu thương đồng loại vô giới hạn là do mẫu gương của tình yêu Thiên Chúa đối với con người vô cùng. Ở đây, thánh nhân nhấn mạnh tình tương thân tương ái, đó là “chu toàn lề luật”.
TIN MỪNG (Mt 18: 15-20)
Trong chương 18 nầy, thánh Mát-thêu tập hợp lại những huấn lệnh mà Đức Giê-su đã truyền đạt cho các môn đệ của Ngài, họ là hoa trái đầu mùa của Giáo Hội Ngài. Diễn từ nầy cũng được gọi “diễn từ về Giáo Hội”.
Việc sửa lỗi cho nhau mà Đức Giê-su mời gọi các môn đệ Ngài thực hành đã được nhắm đến trong luật Mô-sê: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.” (Lv 19: 17). Câu trích dẫn nầy đi gần sau huấn lệnh: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19: 18). Như vậy, sửa lỗi cho anh em thuộc về luật đức ái.
Theo truyền thống Do thái giáo, người ta không được truy tố kẻ phạm tội mà không cảnh báo trước trong chốn riêng tư. Vào thời Đức Giê-su, các kinh sư phàn nàn là người ta không thực thi truyền thống tốt đẹp nầy. Đức Giê-su phục hồi truyền thống nầy trong tinh thần yêu thương khi Ngài đề nghị bốn cấp độ trong việc sửa lỗi cho anh em mình:
1.Trong chỗ riêng tư kín đáo (18: 15)
Cấp độ thứ nhất quy chiếu đến những tội riêng tư hay ẩn kín. Ở đây, việc sửa lỗi phải được tiến hành trong chốn riêng tư, “một mình anh với nó mà thôi”, để tránh lỗi phạm của người anh em được mọi người biết, nhờ đó không làm thương tổn đương sự và cũng tạo dịp thuận tiện dễ dàng hơn cho đương sự thay đổi cách sống của mình.
2.Với một hay hai người khôn ngoan (18: 16)
Nếu việc sửa lỗi trong chốn riêng tư không đem lại kết quả như mong đợi, cấp độ thứ hai được tiến hành: tìm gặp một hay hai người bạn, những người có ảnh hưởng hơn trên đương sự. Như thế, càng rõ là cả người lầm lạc cũng như người nhắc nhở đều không được phán đoán theo các tiêu chuẩn chủ quan, nhưng thấu tình đạt lý. Cả hai đều được tháp nhập vào cộng đoàn Ki-tô hữu nên cả hai đều được liên kết với nhau vào những quy tắc mà Đức Giê-su đã ban cho cộng đoàn.
3.Trước Cộng Đoàn (18: 17-18)
Nếu đương sự không chấp nhận việc sửa lỗi, cấp độ thứ ba được tiến hành: người nầy bị xét xử theo hình thức pháp lý bằng cách quy chiếu đến uy quyền của Hội Thánh. Chỉ lúc đó, người này mới bị loại trừ, bị kể như một người dân ngoại hay một người thu thuế, nghĩa là người ấy bị vạ tuyệt thông, bị tách ra khỏi sự hiệp thông với Hội Thánh. Ở đây, Đức Giê-su dùng thuật ngữ “Hội Thánh” theo nghĩa một cơ cấu xã hội, một cộng đồng hiện thực, hữu hình và khắn khít, phụ thuộc trực tiếp vào Người và nhóm Mười Hai cùng các vị kế vị của các ngài, họ có quyền tài phán mà chính Đức Giê-su xác nhận: “Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy”.
4.Viễn cảnh Hội Thánh (18: 19-20)
Theo văn mạch của việc sửa lỗi anh em trong đức ái huynh đệ này, nếu như việc sửa lỗi anh em ở cấp độ thứ ba không đạt đến kết quả và người ấy bị khai trừ khỏi cộng đồng; tuy nhiên, công việc không được dừng lại ở đó, người anh em này vẫn ở trong tâm trí của cộng đoàn và đặc biệt trong lời cầu nguyện chung: “Thầy bảo thật anh em: Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho”. Tính hiệu quả của lời cầu nguyện chung này được bảo đảm chắc chắn vì Con Thiên Chúa làm người gần gũi với con người hơn bao giờ hết: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”. Nhờ lời cầu nguyện chân thành, tác động ân sủng của Chúa biến đổi người anh em mình, để người anh em ấy nhận ra lỗi lầm mà thay đổi đời sống và được gia nhận trở lại với cộng đoàn. Cộng đoàn Ki-tô hữu luôn luôn là cộng đoàn rộng mở đón người anh em lầm đường lạc lối.
Chúng ta phải ghi khắc trong tâm trí mình rằng Đức Giê-su tha thiết quy tụ mọi người, bất kỳ là ai thuộc chủng tộc nào, chung quanh Ngài để làm thành một cộng đoàn tín hữu chan chứa tình huynh đệ. Cách sống này ngược lại với thái độ dửng dưng “sống chết mặc bây”, chỉ biết sống cho riêng mình mà không quan tâm đến đời sống cộng đồng, một trong những đặc tính của người Ki-tô hữu (x. Mt 18: 15). Mặt khác, Đức Giê-su không hề có ý đề nghị các thành viên trong cộng đoàn phải giám sát nhau và phân loại nhau theo bậc thang giá trị luân lý. Các cấp độ mà Ngài đề nghị chỉ là nhằm diễn tả đức ái. Việc sửa lỗi anh em chỉ mang lại kết quả nếu phát xuất từ đức ái chân thành.
Thánh Mát-thêu cho chúng ta một hướng dẫn đúng để hiểu những lời khuyên này: “Cha anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (18: 14). Đây là bổn phận chăm lo anh chị em mình về mặt thiêng liêng. Giúp đỡ một anh chị em đang gặp khó khăn, chìa tay ra cứu vớt một anh chị em đang sa vào tội lỗi, là một đòi hỏi của tình yêu, một sự trung thành với công trình cứu độ của Đức Giê-su. Chúng ta không chỉ chịu trách nhiệm về bản thân mình mà còn phải chịu trách nhiệm về nhau, như lời dạy của thánh Phao-lô: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì yêu mến người, thì chu toàn lề luật” (Rm 13: 8).