"NHỮNG VẤP NGÃ" ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ
Victor Cancino, S.J.
Chúa Nhật Tuần XXII Mùa Thường Niên Năm A.
Gr 20, 7-9; Rm 12, 1-2; Mt 16, 21-27.
Trong Kinh thánh, ơn gọi phục vụ Chúa hiếm khi là một con đường suôn sẻ phía trước. Các bài đọc hôm nay phản ánh những thất vọng có thể xảy ra khi đáp lại tiếng Chúa.
Trong bài đọc I Chúa nhật XXII Thường niên, ngôn sứ Giêrêmia cảm thấy thất vọng vì không làm chủ được lịch sử cuộc đời của chính mình. Từ lúc còn trẻ, Giêrêmia đã miễn cưỡng đáp lại lời kêu gọi của Đức Chúa: “Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói !” (Gr 1,6). Nhưng Thiên Chúa đã thuyết phục chàng thanh niên Giêrêmia rằng Ngài sẽ luôn kề bên bảo vệ và giải thoát anh (x. Gr 1,8).
Giờ đây, khi đã lớn tuổi và khôn ngoan hơn, Giêrêmia lại cảm thấy buồn bực vì Chúa đã không giữ đúng giao kết. Nỗi đau và sự thất vọng hiện rõ: “Lạy Chúa, Chúa đã khuyến dụ tôi, và Chúa đã khuyến dụ đư ợc tôi. Chúa đã hùng mạnh hơn tôi và thắng được tôi: suốt ngày tôi đã trở nên trò cười, và mọi người đều chế nhạo tôi.” (Gr 20,7). Bất chấp nỗi thất vọng thật sự này, lời hứa ban đầu của Chúa đã gắn liền với khúc ai ca của Giêrêmia. Trong những câu tiếp theo, vị ngôn sứ đã vượt qua nỗi thất vọng: “Nhưng Chúa ở cùng tôi như một nhà vô địch dũng mãnh: những kẻ bắt bớ tôi sẽ vấp ngã, chúng sẽ không thắng nổi” (Gr 20,11).
Đối với thánh Phêrô cũng vậy, bước theo Chúa Giêsu không phải lúc nào phía trước cũng là con đường bằng phẳng và rõ ràng. Các bài Tin mừng Chúa nhật gần đây đã nêu bật tương quan trắc trở của Phêrô với Chúa Kitô. Những điều có ý nghĩa thì thường không dễ dàng và ở thời điểm này trong vai trò môn đệ, Phêrô phải học hỏi nhiều điều. Ông không biết ơn gọi của mình sẽ đi tới đâu. Chúa Giêsu đã nhiều lần thách thức Phêrô lớn lên và trưởng thành trong Thánh Thần. Đôi khi những thách đố này rất khó khăn. Khi Phêrô không thể bước đi trên mặt nước, Chúa Giêsu đã nói về ông: “Hỡi kẻ kém lòng tin” (Mt 14,31). Trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước, thử thách là để khích lệ, khi Chúa Giêsu gọi Phêrô là “đá tảng” trên đó Giáo hội sẽ đứng vững (Mt 16,18).
Trong bài Tin mừng tuần này, Phêrô nhận được một thử thách khác. Lần đầu tiên trong Tin Mừng Mátthêu, người đọc được giới thiệu một trong ba lời tiên báo về cuộc khổ nạn. Chúa Giêsu nói về đau khổ và việc vác thập giá của mình, điều mà Phêrô nhất quyết từ chối chấp nhận. Chúa Giêsu trả lời dứt khoát trước sự hiểu lầm của Phêrô: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người". (Mt 16,23). Thật là một đòn mạnh cho Phêrô khi đang từ “đá tảng” của Hội thánh trở thành Satan! Các bài đọc Tin mừng này đưa ra một cái nhìn rõ ràng về những thất vọng mà Phêrô gặp phải trong vai trò môn đệ của mình.
Giêrêmia và Phêrô thấy vơi bớt nỗi thất vọng khi tiếp tục hành trình. Là “tôi tớ Chúa” không phải lúc nào cũng có chỉ dẫn rõ ràng và điều này có thể khiến một người cảm thấy như đang vấp ngã trong cuộc sống, hoặc thậm chí bị đẩy đến thất vọng. Thực ra, chính cái nhìn sâu sắc của Giêrêmia đã giúp chúng ta cầu nguyện bằng những bài đọc Lời Chúa này. Người đầy tớ trung tín có thể cảm thấy thất vọng, nhưng cuối cùng, những kẻ chống lại Thiên Chúa mới là những kẻ sẽ phải chiến đấu, “Những kẻ bắt bớ tôi sẽ vấp ngã,” vị ngôn sứ khi ở độ tuổi trưởng thành hơn nói, “chúng sẽ không thắng được”. Phải trải qua thời gian vì “vở kịch” ơn gọi mới được bộc lộ ra. Như thế, cần sự tín thác.
CẦU NGUYỆN
Chúng ta có thể tự do thoải mái thảo luận về lý do khiến mình thất vọng với Chúa?
Đâu là nỗi thất vọng cụ thể hiện nay chúng ta có thể nhận ra và đưa vào lời cầu nguyện?
Thời gian và khoảng cách giúp chúng ta có cái nhìn giống như Chúa như thế nào?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (30/8/2023)