Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, Năm B
Anh chị em rất thân mến, Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay thật ý nghĩa vì qua ơn soi dẫn của Lời Chúa, một lần nữa giúp chúng ta nhìn lại và phản tỉnh về tương quan cũng như cách sống của chúng ta với Thiên Chúa và tương quan giữa ta với anh chị em của mình. Mang thân phận con người, có lẽ khi nghe, suy nghĩ và chiêm niệm về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta thường nghĩ ngay đến rằng: Vì đây là mầu nhiệm, vã lại đây là mầu nhiệm cao siêu nhất, thế nên, chúng ta không thể nào suy nghĩ và hiểu cho thấu đáo được với trí óc hạn hẹp của mình. Thật đúng như vậy, vì ngay cả Thánh Augustinô, vị thánh nỗi danh về suy tư những mầu nhiệm cao siêu và những điều về thần học cũng phải thốt lên rằng: “Với tài sức và trí khôn của con người chúng ta thì thật là điên rồ khi con suy tưởng về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi và muốn hiểu biết về Ngài”.
Nhưng thưa ACE, qua ý nghĩa của Lời Chúa trong Lễ Chúa Ba Ngôi, hay mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi hôm nay, với tấm lòng khiêm tốn đơn sơ, với lòng tin tưởng và phó thác vào ơn Chúa, phần nào, chúng ta hiểu được thánh ý của Chúa muốn dạy chúng ta. Đó chính là: Sự hiệp nhất trong tình yêu thương. Hay là: Hãy trở nên một trong tình yêu thương, hãy trao ban và hãy kiến tạo mối tình yêu thương đó.
Nói đến yêu thương và hiệp nhất nên một, nếu ACE thích thú học hay muốn trải nghiệm với tiếng Nhật, chúng ta sẽ gặp từ này: “愛し合い phiên âm và đọc là: ai-si-ai” nghĩa tiếng Việt thì là: “Yêu Thương” nhưng trong Hán Việt thì nó có ý nghĩa là: “Luyến Ái”. Thiết nghĩ, khi suy niệm về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi thì chử “ai-si-ai”, hay “luyến ái” sẽ biểu hiện rõ hơn ý nghĩa của mầu nhiệm. Vì trong Ba Ngôi Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Thần sẽ là một sự liên kết mật thiết, hiệp nhất thành một và sự hiệp nhất đó chính là mối tình yêu thương đích thực.
Để giải thích thêm sự giống nhau và không thể tách rời trong mầu nhiệm này: Thiết nghĩ ai trong chúng ta cũng biết hình tam giác đều. Nó có ba cạnh bằng như nhau và liên kết thành một tam giác. Khi nhìn vào tam giác đều, thì người ta không còn quan tâm đến mỗi cạnh, nhưng chỉ nghĩ đến một tam giác duy nhất mà thôi. Thêm một ví dụ khác, ai cũng biết các loại “cafe 3 trong 1” của Việt Nam, Nescafe, hay Vinacafe… Khi pha “cafe 3 trong 1” này người ta không quan tâm đâu là cafe, là đường hay kem sữa nữa, vì nó đã hòa quyện vào nhau, mà khi thiếu đi một trong 3 thứ thì hương vị và sự hấp dẫn của nó sẽ không còn. Để cụ thể hơn: Khi nói đến gia đình thì người ta nghĩ ngay đến đó chính là sức sống và tình yêu được liên kết và tạo nên giữa cha, mẹ và con cái. Chữ gia đình trong tiếng Anh: “Family” thật là ý nghĩa, vì khi chúng ta tách các chữ cái ra và dùng nó cho những chữ cái đầu để tạo nên một câu mới thì nó sẽ là: “Father And Mother I Love You”. Thật vậy, khi nói đến gia đình thì không thể thiếu bất cứ thành phần nào và đặc biệt là không thể thiếu sự liên kết hiệp nhất và trao ban của tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Trong mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cũng vậy. Đây chính là sự tôn vinh và đề cao giá trị của sự liên kết nên một trong “Gia Đình Thiên Chúa” và sự trao ban tình yêu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Một điều thú vị mà Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy vui mừng và hân hoan trong ngày Lễ hôm nay đó là: Trong mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi có cả gia đình nhân loại chúng ta. Vì Chúa Giêsu đã hứa dạy: “Ta sẽ ở cùng ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Đức Kitô Giêsu là đầu của toàn thể nhân loại là Anh Cả trong liên kết đức tin, chúng ta là chi thể là anh chị em với Ngài. Như vậy, nhờ và qua Chúa Giêsu Kitô, bây giờ trong “Gia đình Một Chúa Ba Ngôi” có sự tồn tại của mỗi một người chúng ta. Nhưng phải làm thế nào để chúng ta biết được chúng ta có được liên kết và hiện hữu trong mầu nhiệm hiệp nhất và yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi hay không? “Ai nghe và thực thi Lời Chúa thì sẽ là anh chị em và là Mẹ Chúa”. Như vậy, ai nghe và thực thi Lời Chúa thì trong liên kết đức tin, thì chúng ta sẽ gọi Thiên Chúa là Cha; chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa, chúng ta được thuộc về gia đình yêu thương và hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vậy liệu rằng, chúng ta có muốn liên kết vào và hiện hữu trong gia đình yêu thương và hiệp nhất của Thiên Chúa hay không?
Nhờ mẫu gương tuyệt hảo, nhờ lời chuyển cầu và sự phù hộ của Mẹ Maria, xin Chúa ban ơn, thôi thúc và đốt lửa yêu mến lên trong lòng chúng con, để nhờ đó chúng con được “luyến ái” được “ai-si-ai” được liên kết-hiệp nhất nên một trong tình yêu thương với Thiên Chúa và với tất cả ACE của mình. Amen.