Suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi - Lm. Xuân Hy Vọng
Thứ năm - 23/05/2024 05:12
779
CHÚA BA NGÔI: MẦU NHIỆM CAO VỜI, NHƯNG GẦN GŨI DƯỜNG BAO!
“Tôi không biết tôi xuất hiện với thế giới như thế nào, nhưng đối với tôi, tôi giống như một cậu bé chơi đàn trên bãi biển và thỉnh thoảng thích thú vì tìm thấy một viên sỏi bóng loáng hơn hoặc một vỏ sò xinh đẹp hơn thường gặp, trong khi đại dương bao la của chân lý chưa khám phá vẫn còn trải ra trước mắt tôi”. Đây là lời nhận xét của Isaac Newton, một nhà toán học và khoa học lừng danh, khi về cuối đời, ông đã thổ lộ chính kiến cá nhân ông về những thành tựu phát minh mà ông đã cống hiến cho thế giới và cho đời.
Hôm nay, chúng ta cùng với Mẹ Giáo Hội mừng kính trọng thể Lễ Chúa Ba Ngôi, một Mầu Nhiệm cao cả, cùng đích của mọi mầu nhiệm. Cũng giống như Isaac Newton, chúng ta chỉ là những đứa bé chơi đùa trên bãi biển, khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta hiểu được mầu nhiệm cao vời này, thì chắc hẳn chúng ta chỉ mới bắt đầu mà thôi.
Đã là con người, chúng ta muốn biết mọi sự, muốn giải thích toàn bộ sự việc, muốn tháo gỡ mọi vấn nạn, muốn thấu hiểu nguyên do trong mọi biến cố, sự kiện cuộc sống; tuy nhiên, sống với mầu nhiệm lại là một điều lý thú. Như Albert Einstein đã nói: “Kinh nghiệm đẹp nhất chúng ta có thể có được là kinh nghiệm về điều mầu nhiệm.” Và cả khi có đức tin, các mầu nhiệm mà tâm trí ta không thể suy thấu vẫn còn tồn tại, vì chăng con người chúng ta không thể thấy toàn bộ đời sống, đúng như lời Van Gogh thốt lên rằng: “Trên trần gian này, chúng ta chỉ nhìn thấy một nửa bán cầu mà thôi.”
Như vậy, phải chăng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi quá xa vời đến nỗi lòng trí, tâm hồn con người chúng ta không thể cảm nhận được sao? Thưa, chắc chắn là không. Quả thật, mầu nhiệm ‘Một Chúa Ba Ngôi’ cao vời khôn thấu, nhưng lại rất gần gũi với đời sống thiêng liêng, tu đức và đức tin của mỗi chúng ta. Đơn cử ví dụ: mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh giá ‘Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần’, mỗi khi đọc kinh Sáng Danh, mỗi khi bắt đầu và kết thúc giờ cầu nguyện, trước và sau khi làm việc, dừng bữa, và nhất là khi tham dự Bàn tiệc Thánh Thể (Thánh Lễ)…Tuy vượt trên trí khôn con người, nhưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi lại rất gần gũi như thể hơi thở của chúng ta. Chúng ta sống, cảm nghiệm với Chúa Ba Ngôi mỗi giây phút, mỗi thời khắc, mỗi giai đoạn cuộc đời.
Ngoài ra, chúng ta còn cảm nghiệm và học hỏi nhiều nhân đức nơi Chúa Ba Ngôi, con xin chia sẽ cùng với cộng đoàn ít nhất ba điều sau đây:
Tuy Ba nhưng là Một: Khi đến công trình tạo dựng trời đất, muôn loài và con người, chúng ta thường hình dung đến công việc chuyên biệt của Chúa Cha; Ngôi Hai xuống thế làm người, chịu khổ nạn, Phục sinh cứu độ nhân trần; và Ngôi Ba, Chúa Thánh Thần ngự xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, hướng dẫn, dạy dỗ, giải thích cho các Tông Đồ, cho Giáo Hội hết tất cả những lời giảng dạy của Đức Giê-su Ki-tô. Thế nhưng, Ba Ngôi luôn cùng chung tay thực hiện tất cả các công trình từ tạo thiên lập địa cho đến thời viên mãn. Tuy Ba Ngôi nhưng là Một Chúa, và tuy là Một Chúa, nhưng Ba Ngôi vẫn không đánh mất bản thể riêng biệt của mình, như lời Thánh Phao-lô chào mỗi cộng đoàn tín hữu ngày xưa, mà ngày nay, đó là lời chào của vị chủ tế trong mỗi Thánh lễ gửi đến cộng đoàn phụng vụ “Nguyện xin ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (x. 2Cr 13, 13).
Hiệp Nhất chứ không Chia Rẽ: tình hiệp nhất này phát xuất từ tình yêu xâu thẳm mà Chúa Cha dành cho Chúa Con, và đáp trả lại tình yêu ấy, Chúa Con đã vâng phục, yêu thương, làm sáng danh Chúa Cha. Chúa Cha và Ngôi Hai Con Một Người yêu nhau cùng tận, hiệp nhất cùng tận, và tình yêu ấy chính là Chúa Thánh Linh, hoa quả của sự hiệp nhất sâu xa của Chúa Cha và Chúa Con. Lời Chúa trích trong sách Đệ Nhị Luật “Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác” (Đnl 4, 39), và sách Xuất Hành cũng rất xác thực “Thiên Chúa là Đấng thống trị, từ bi, và nhân hậu” (x. Xh 34, 4b-6), từ ‘Thiên Chúa’ ở đây nghĩa là Ba Ngôi Thiên Chúa – Ba Ngôi hiệp nhất, kết hiệp nên một trong mọi chương trình, kế hoạch yêu thương dành cho muôn loài, muôn vật, đặc biệt chương trình cứu chuộc con người bất toàn, bất xứng, tội lỗi chúng ta.
Đồng Nhất chứ không Đồng bộ hoặc đồng hoá: chúng ta có câu: “chín người, mười ý”. Mỗi khi tập trung hội họp, làm việc chung với nhau, con người chúng ta thường đề cao cá nhân hơn là cùng nhau đồng lòng, đồng sức làm việc! Hơn nữa, tuy chúng ta làm việc đồng bộ, mặc đồng phục, chưa chắc chúng ta có cùng chung con tim, cùng chung tinh thần; tệ hơn, khi chúng ta có ý muốn đồng hoá tư tưởng người khác theo lối suy nghĩ mà bản thân mình cho là tiêu chuẩn, hoàn toàn đúng đắn. Trái lại, Thiên Chúa Ba Ngôi ‘làm việc không ngơi nghỉ’, chăm sóc cho công trình do tay Người tạo nên. Đứng trước sự khước từ, ngoảnh mặt làm ngơ, chống đối, phạm tội,... của loài người sa ngã, Người hằng yêu thương, mời gọi, và chẳng bao giờ bỏ mặc chúng ta “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người...” (Ga 3, 16). Trước khi Chúa Giê-su về trời, Người trao lệnh truyền “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19). Hơn nữa, sau khi Chúa Giê-su lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, Thiên Chúa vẫn tiếp tục đồng hành với chúng ta như lời Người đã phán hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Tuy Ba Ngôi khác nhau, nhưng luôn đồng tâm, nhất trí đồng hành với con người chúng ta, với Mẹ Giáo Hội trải qua biết bao thăng trầm thách thức của thế gian.
Ước gì chúng ta luôn khắc sâu trong tâm khảm mình mỗi khi làm dấu Thánh Giá trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mỗi khi tham dự Thánh Lễ, biết ý thức, cảm nghiệm sâu xa tình thương Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta, đã hiến mạng sống mình và còn đồng hành với chúng ta cho đến ngày tận thế. Vì vậy, cùng với Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta dốc quyết sống hiệp nhất, hy sinh, vị tha và cùng đồng lòng, nhất trí xây dựng cộng đoàn, gia đình, giáo xứ mà trung tâm điểm đó là Chúa Ba Ngôi. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng