Khởi đầu Mùa Chay bằng cuộc đối thoại phản tỉnh với Thiên Chúa

Thứ bảy - 17/02/2024 09:21  262
KHỞI ĐẦU MÙA CHAY BẰNG CUỘC ĐỐI THOẠI PHẢN TỈNH VỚI THIÊN CHÚA
 
Victor Cancino, S.J.
Chúa nhật I Mùa Chay Năm B

Về những bài đọc Kinh Thánh được dùng trong các Chúa nhật Mùa Chay, Giáo hội đã chọn những bản văn có nhiều tầng giải thích. Một số bài đọc có những chủ đề sẽ được tiếp tục trong các bài đọc của những tuần kế tiếp, trong khi có các Chúa nhật khác thì mỗi bài đọc sẽ đóng góp một cách nào đó vào một chủ đề hoặc ý tưởng tổng quát cho riêng Chúa nhật đó. Chẳng hạn, các bài đọc Chúa nhật tuần này bắt đầu với ý tưởng về giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Chủ đề này sẽ được tiếp tục vào tuần tới khi chúng ta nghe đọc về giao ước của Thiên Chúa với Ápraham, nhưng các bài đọc Chúa nhật này vẫn có chiều sâu và cái nhìn sâu sắc riêng.

Các trình thuật về giao ước mang một số yếu tố mà tự thân chúng có ý nghĩa, đặc biệt là “dấu chỉ” của giao ước mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Các tác giả Kinh thánh cũng nhận thấy ý nghĩa thiêng liêng trong những yếu tố không liên quan đến giao ước, như bối cảnh tự nhiên và các nhân vật trong câu chuyện. Khi các bài đọc nối kết những chủ đề và ý tưởng này lại với nhau, chúng ta có thể nghe thấy “những cuộc đối thoại bên trong” sâu sắc hơn trong Kinh Thánh. Chính từ những đối thoại này mà các truyền thống tâm linh và thần học của Giáo hội đã hình thành.

Hãy xem cảnh mở đầu đầy kịch tính của bài đọc I: Nước lũ rút xuống và Thiên Chúa thiết lập một hệ sinh thái mới trên trái đất và một giao ước mới với ông Nôê và các con ông. Thiên Chúa phán: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này và với mọi sinh vật ở với các ngươi” (St 9, 9-10). Giao ước này thậm chí còn bao gồm tất cả các loài động vật sống sót trong tàu với Nôê. Khởi đầu Mùa Chay với lời nhắc nhớ về sự cam kết ban đầu của Thiên Chúa đối với nhân loại thúc đẩy chúng ta đào sâu sự hiểu biết về giao ước độc nhất mà Thiên Chúa đã thiết lập với mỗi người chúng ta. Các giao ước trong Kinh Thánh là do sáng kiến của Thiên Chúa, và chúng không lệ thuộc vào sự trung tín của con người. Con người có thể thất bại trong việc trung thành với giao ước, nhưng Thiên Chúa lại luôn gìn giữ mối tương quan với con người.

Giao ước của Thiên Chúa được đề cập rõ đến năm lần chỉ trong bài đọc I. Giao ước mang một dấu chỉ, một biểu tượng nhắc nhở các thế hệ tương lai về lòng trung tín của Thiên Chúa. Thiên Chúa phán: “Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là giao ước giữa Ta với cõi đất” (St 9, 13). Sự hiện diện của cầu vồng trong hoặc sau cơn bão có thể là điềm báo đẹp đẽ và thơ mộng khó quên về bầu trời trong xanh đang tới. Thiên Chúa đã chọn hình ảnh đẹp đẽ này từ thiên nhiên như một lời nhắc nhở vĩnh viễn về sự hiện diện của Ngài trên trái đất. Sức mạnh của dấu chỉ này vẽ nên hình ảnh và lời hứa không thể xóa nhòa trong tâm trí người đọc. Đây là một tác phẩm nghệ thuật thu hút người có đức tin suy ngẫm sâu sắc hơn về ý nghĩa của nó. Chính một dấu chỉ như vậy là làm nảy sinh sự suy tư. Những giao ước vững bền nhất là những giao ước được tái lập nhiều lần.

Bài Tin mừng,  tuy ngắn gọn và có bối cảnh rất khác biệt, nhưng lại đưa ra suy tư riêng về các chủ đề giao ước này. Khác với nạn hồng thủy thời ông Nôê, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của mình ở những nơi khô hạn nhất: “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa” (Mc 1, 12). Hoang địa và mặt nước có cùng một đặc điểm quan trọng. Mỗi hình ảnh trình bày một chân trời rộng lớn có thể gợi lên câu hỏi: Từ đây, chúng ta sẽ đi đâu? Trong Kinh thánh, hoang địa là nơi người ta phải đối mặt với những thực tại hiện sinh. Hoang địa có thể là ẩn dụ của nhiều điều, nhưng trước hết nó là nơi thử thách. Trong trường hợp này, nó là biểu tượng thích hợp cho Mùa Chay, là thời gian thử thách với câu hỏi rõ ràng: Giao ước của chúng ta với Thiên Chúa tiến triển đến đâu?

Thoạt nhìn, bài đọc II trích Thư thứ nhất của Thánh Phêrô có thể để lại cho người ta nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Tác giả mô tả Chúa Giêsu như một người, sau khi chết, nói chuyện với “các vong linh bị giam cầm, tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Nôê đóng tàu” (1 Pr 3, 19). Trích dẫn này tập hợp các tài liệu từ câu chuyện về Nephilim (St 6, 1-4), về Nôê (St 6, 5 – 9, 29) và các truyền thống bên ngoài Thư quy như những truyền thống được lưu giữ trong Sách Enoch. Tác giả hiểu ra nạn hồng thủy thời ông Nôê và những truyền thống cổ xưa khác như là những sự kiện giải thích cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. “Nước đó là hình bóng làm phép rửa nay cứu thoát anh em. Nhờ phép rửa này, không phải là anh em được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cầu xin Thiên Chúa ban cho mình một lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô” (1 Pr 3, 21). Đây là một ví dụ điển hình về việc một tác giả Kitô giáo đầu tiên suy tư về Kinh thánh và truyền thống để hiểu được cảm nghiệm về Đức Kitô hằng sống. Đối với các môn đệ ngày nay, đây là một ví dụ điển hình về việc “tự nhận thức” về Kinh thánh, hoặc việc Kinh thánh mời gọi độc giả ngày càng đi sâu hơn vào mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Các bài đọc Chúa Nhật I Mùa Chay là một lời nhắc nhớ hãy bắt đầu Mùa Chay bằng cuộc trò chuyện phản tỉnh với Thiên Chúa như một cách để canh tân giao ước của chúng ta với Ngài. Mùa Chay không phải là việc loại bỏ bụi bẩn khỏi cuộc sống của chúng ta, mà là một cách để đến gần Thiên Chúa với lương tâm trong sáng, đồng thời tin tưởng rằng sự Phục sinh của Chúa Giêsu đã thiết lập giao ước với chúng ta trên nền tảng vững chắc, an toàn trước bất kỳ trận hồng thủy tiềm tàng nào.

CẦU NGUYỆN
Điều gì đang mời gọi chúng ta bước vào Mùa Chay cách sâu sắc hơn?
Chúng ta phải làm gì để chuẩn bị cho cuộc hành trình Mùa Chay này?
Ai hoặc điều gì sẽ giúp chúng ta trên hành trình này?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập166
  • Máy chủ tìm kiếm65
  • Khách viếng thăm101
  • Hôm nay23,462
  • Tháng hiện tại702,597
  • Tổng lượt truy cập52,871,545

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây