ĐỨC TIN CÓ NẰM TRONG XƯƠNG TỦY CỦA CHÚNG TA KHÔNG?
Victor Cancino, S.J.
Chúa nhật II Mùa Chay Năm B.
St 22,1-18; Tv 116; Rm 8,31-34; Mc 9,2-10
Chúa nhật II Mùa Chay tiếp tục nêu bật các chủ đề (motif) của các bài đọc Chúa nhật tuần trước. Dù có một số nét tương đồng, nhưng lăng kính thần học từ các bài đọc tuần này lại trình bày một nét độc đáo riêng biệt. Trong bài đọc I trích từ sách Sáng thế mà trọng tâm là sự đáp trả của Abraham trước vị Thiên Chúa đòi buộc ông hiến tế người con duy nhất là Isaac. Việc dự kiến hiến dâng này trên đỉnh núi Moria cho thấy một “khung cảnh giao ước” giống như những khung cảnh trong các bài đọc tuần trước, có “cảnh quan riêng biệt” và “cuộc đối thoại nội tâm trong Thánh kinh” xoay quanh hy tế. Những motif này xuất hiện trong mỗi bài đọc Chúa nhật tuần này và có thể củng cố việc cầu nguyện của chúng ta trong Mùa Chay.
Như Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa vào Chúa nhật tuần trước, bài đọc I tuần này trình bày một khung cảnh thử thách khác của Thiên Chúa. Thiên Chúa nói với Abraham: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 22,2). Khung cảnh cầu vồng trên vùng nước mênh mông được miêu tả vào tuần trước là một hình ảnh mạnh mẽ nhắc nhớ giao ước với Noê. Khung cảnh Chúa nhật tuần này cũng sinh động không kém, nhưng với một lý do khác. Ở đây, tác giả trình bày việc xây dựng một yêu cầu hiến tế và nắm bắt được kịch tính của việc người cha có thể phải hiến tế con mình. Cảnh tượng này tạo nên một hình ảnh sống động đọng lại trong trí tưởng tượng của chúng ta, dù không thoải mái.
Những hành vi hiến tế làm nên cơ cấu tôn giáo – xã hội của thời cổ đại; lễ tế càng tốn kém thì lời thỉnh cầu lên trời cao càng chân thành. Việc hiến tế con người vào thời của Abraham có lẽ hiếm có và cực đoan, nhưng cũng không phải điều hoàn toàn xa lạ. Theo trực giác, vào thời Abraham, ý tưởng dành thời gian để tạo nên một “của lễ với chủ ý” là yếu tố cấu thành trong việc thực hành tôn giáo nhằm giúp định hướng đời sống. Một ví dụ điển hình về lễ vật có chủ ý là việc Salomon hiến tế 22.000 con bò và 120.000 con chiên trong lễ cung hiến Đền thờ Đức Chúa (1V 8,63). Châm ngôn thời cổ đại có lẽ là “uy quyền lớn thì của lễ toàn thiêu phải lớn”. Đây là một thế giới hoàn toàn xa lạ với chúng ta. Ngày nay chúng ta nói cha mẹ hy sinh cho con cái chứ không phải hy sinh con cái mình. Việc dự kiến hiến tế Isaac có vẻ không phù hợp đối với tâm thức thời nay.
Nhưng tín hữu thời nay học được gì qua câu chuyện của Abraham? Abraham, được gọi là “cha của những kẻ tin”, trải qua thử thách ở hai mức độ khác nhau. Đầu tiên, ông phải tin rằng Thiên Chúa-Đấng yêu cầu ông dâng lễ toàn thiêu (holocaust) là đứa con duy nhất của mình là Đấng không làm điều ác hay lừa dối. Thứ đến, ông phải tin tưởng vào lời hứa ban đầu của Thiên Chúa – là dòng dõi của ông sẽ đông như sao trên trời – vẫn sẽ xảy ra một cách nào đó dù không có Isaac (x St, 17,4). Đức tin như thế nằm sâu vào trong xương tủy mỗi người. Không có đức tin này thì hành động hiến tế dù có tốn kém cũng sẽ thiếu động năng cần thiết để thực hiện. Thiên Chúa thề với Abraham rằng: “Vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời” (St 22,16 – 17). Giao ước đã được đổi mới. Thế giới quan về việc hiến tế của Abraham không phải là của thời đại chúng ta, thế nhưng nhu cầu tin lời Thiên Chúa hứa về một sự phát triển sinh nhiều hoa trái của một kế hoạch thần linh lớn hơn vẫn luôn đúng cho hôm nay như đã ứng nghiệm với Abraham, người cha của đức tin.
Khung cảnh bài Tin mừng một lần nữa diễn ra trên núi, nơi Chúa Giêsu biến hình trước mặt các môn đệ (Mc 9,2). Bối cảnh Chúa nhật trước bắt đầu với sa mạc giờ đã chuyển sang đỉnh núi cao. Kinh Thánh luôn xác định những nơi cao như là nơi Thiên Chúa mặc khải. Như thể người ta có thể tiếp cận sự hiện diện thần linh bằng cách leo lên núi, nghĩa là người ta có thể cố gắng để chạm tới sự gần gũi của Thiên Chúa. Nơi vùng nước và sa mạc mênh mông gợi lên một cuộc hành trình hướng tới một chân trời xa lạ, việc leo núi là một hành động táo bạo của một người đang tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa. Môsê đã viết lời Chúa trên núi Sinai và Abraham nghe tiếng Chúa gọi trên núi Moria; Cũng vậy, Chúa Giêsu lên núi cao để mặc khải Thiên Chúa của Israel cho các môn đệ của Người.
Trong bài Tin mừng, Thiên Chúa mặc khải sự hiện diện thần linh nơi căn tính của Chúa Giêsu. Từ đám mây có tiếng phán rằng “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mc 9,7). Thần học Thánh kinh thường trình bày một mối căng thẳng giữa sự hiện diện của Thiên Chúa và vị trí của con người: Trong khi sự hiện diện thần linh có thể dễ dàng đi xuống với nhân loại, thì cũng đúng là đôi khi những người tin hướng lên trên để cố gắng tiếp cận sự hiện diện thần linh của Thiên Chúa. Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu đã sẵn sàng bắt đầu hành trình trong sa mạc rộng lớn, trong khi Chúa nhật này các bài đọc nhắc nhở chúng ta rằng đôi khi cần phải can đảm leo lên núi cao để chứng kiến sự mặc khải của Thiên Chúa.
Trong bài đọc II, khi viết thư cho giáo đoàn Rôma, thánh Phaolo đang đấu tranh với ý tưởng rằng Thiên Chúa “không dung tha chính Con mình” (Rm 8,32). Vì mục đích cuộc sống của Kitô hữu và để hiểu vai trò hy sinh của người môn đệ, Phaolô thêm một câu để làm mọi thứ rõ ràng hơn. Thánh Phaolô nói: [Ai sẽ kết án họ?] “Chẳng lẽ Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang chuyển cầu cho chúng ta?” (Rm 8,34). Với cách sắp đặt ngôn từ tài tình, vị Tông đồ Dân Ngoại ám chỉ đến cuộc đời và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng “đã sống lại” như niềm hy vọng của đời sống Kitô hữu. Mọi hy tế được thực hiện, ngay cả khi dẫn đến cái chết, đều chỉ có ý nghĩa dưới ánh sáng của Thiên Chúa hằng sống, Đấng làm cho kẻ chết sống lại. Ngay cả các môn đệ cũng cần phải suy ngẫm về chân lý tối hậu này, “Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.” (Mc 9, 10).
Dường như việc Abraham suýt hiến tế con trai mình không phải là điều cốt yếu nhất để suy ngẫm vào Chúa nhật tuần này. Có lẽ, điều đáng quan tâm là niềm tin vào một tương lai đầy hy vọng ngay cả khi tràn ngập những thông điệp cho rằng thế giới đang đổ vỡ. Điều này đòi hỏi một niềm tin sâu xa trong xương tủy của mỗi người.
CẦU NGUYỆN
Đức tin của chúng ta có quan trọng đến mức giống như Abraham, để chúng ta có thể cảm nhận trong xương tủy mình không?
Trong Mùa Chay này, chúng ta có thể đến nơi nào để nhắc nhở bản thân về sự hiện diện của Thiên Chúa?
Làm thế nào chúng ta có thể cầu nguyện tốt hơn từ một nơi hy vọng mang lại sự sống trong Mùa Chay này?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (20/02/2024)