GIÁO HỘI CÓ GIỐNG ĐÁM ĐÔNG TỪNG TUÔN ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU KHÔNG?
Victor Cancino, S.J.
Chúa nhật VI Thường niên B.
Lv 13,1-46, 1Cr 10,31–11,1, Mc 1,40-45.
Trong chương đầu của Tin mừng Marcô, Chúa Giêsu xuất hiện với đặc sủng, sức thu hút và quyền năng. Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên, họ lập tức bỏ nghề nghiệp và gia đình để theo Người (Mc 1,16-20). Khi thần ô uế nói chuyện với Người, Người khiến nó phải im lặng và trục xuất nó khỏi người bị ám (Mc 1,26). Trong bài Tin mừng, ngay cả một căn bệnh ngoài da cũng phải biến mất trước sự hiện diện của Chúa Giêsu. Người phong nói với Chúa Giêsu: “Nếu ngài muốn, ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Sau đó, thánh sử Marcô đưa ra một nhận định quan trọng: “Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: ‘Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh’”. (Mc 1,40-41).
Thương xót là một yếu tố mới trong trình thuật của Marcô. Chúa Giêsu không chỉ chữa lành và trừ quỷ nhờ quyền năng của Chúa Cha, Người còn có một con tim biết chạnh lòng trước thân phận con người. Đoạn Tin mừng Chúa nhật tuần này là trường hợp đầu tiên nhưng cũng không phải là trường hợp cuối cùng kể về việc Chúa Giêsu chạnh lòng thương. Ngoài Mc 1,40, Chúa Giêsu còn chạnh lòng thương đám đông đói khát theo Người vào hoang địa (Mc 6,34; 8,2) và thương xót gia đình của một cậu bé mắc bệnh động kinh vì bị thần ô uế ám (Mc 9,22).
Hành động của Chúa Giêsu thiết lập một khuôn mẫu rõ ràng: Khi những trường hợp và hoàn cảnh tuyệt vọng nhất được đưa đến cho Người, Người đáp lại không chút do dự. Ngay cả những người có hoàn cảnh khiến người khác sợ hãi và bị coi là “ô uế” cũng khiến ngài động lòng và giúp đỡ. Mặc dù trong lời nói của mình, Chúa Giêsu tiếp tục hành động theo quan niệm xã hội này (“hãy thanh sạch”), nhưng trong việc làm của mình, Chúa Giêsu đã phá vỡ chúng. Con tim biết chạnh lòng của Chúa Giêsu đã vượt qua mọi điều kiện xã hội mà Người có thể đã học được về những thứ như “thanh sạch” và “ô uế”.
Người bệnh phong sau khi được sạch đã rao truyền tin mừng về Chúa Giêsu khắp nơi, và bất cứ nơi nào Chúa Giêsu đi đến đều có đám đông tụ tập. Thánh Marcô kể lại rằng dân chúng đông đến nỗi “Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người” (Mc 1,45). Những đám đông tụ tập quanh Chúa Giêsu, với bệnh tật, bị thần ô uế ám và tội lỗi cần được tha thứ, về bản chất, đã hình thành nên Giáo hội nguyên thủy.
Thánh sử Marcô củng cố “giáo hội của những người tuyệt vọng” này không chỉ để kể lại lịch sử sứ vụ của Chúa Giêsu mà còn để thách đố các cộng đoàn giáo hội vào thời của ngài phải biết thực thi những nỗ lực tương tự. Khi chúng ta đọc những đoạn Tin mừng này nhiều thế kỷ sau, Marcô đưa ra cho chúng ta một thách thức tương tự: Những người trong cộng đoàn của chúng ta ngày nay có giống đám đông đã tuôn đến với Chúa Giêsu nhiều thế kỷ trước không? Hay chúng ta đã nhượng bộ trước những ý tưởng xã hội gây chia rẽ khiến những người tuyệt vọng phải tránh xa? Khi các cộng đoàn giáo hội của chúng ta giống với cộng đoàn quy tụ quanh Chúa Giêsu, chúng ta có thể yên tâm rằng trái tim của Người vẫn sống động và đập giữa chúng ta.
CẦU NGUYỆN
Cộng đoàn giáo hội của chúng ta hành động thế nào để chữa lành những người đang tìm kiếm sự giúp đỡ?
Lòng thương xót có vai trò gì trong cuộc sống của chúng ta hiện nay?
Chúng ta phản ứng thế nào với những người mà xã hội đã lãng quên?