Biết nghỉ ngơi và quan tâm đến thế giới
Suy niệm Chúa nhật XII Thường niên B
G 38,1-11; Tv 107; 2 Cr 5,14-17; Mc 4,35-41
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ americamagazine.org
Tin mừng Chúa nhật XII Thường niên B kể lại việc Đức Giêsu dẹp yên bão tố, gợi lên ba chủ đề (motif) trong Kinh thánh: bão tố, nỗi sợ hãi của các môn đệ trên biển và giấc ngủ.
Bão tố là thế lực mạnh mẽ và áp đảo của thiên nhiên. Không có gì lạ thường khi hình ảnh này được Kinh thánh nói đến nhằm gợi lên một điều gì đó “bất thường”. Trong bài đọc I, cơn gió lốc tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa-Đấng đang nói với ông Gióp đau khổ. “Từ cơn gió lốc, Chúa đáp lời Gióp” (G 38,1). Điều này rõ ràng trái ngược với bài Tin mừng tuần trước trong đó bão tố tượng trưng cho thế lực chống đối Thiên Chúa. Cơn bão cũng có thể được xem như công cụ của Thiên Chúa, giống như trường hợp dấu lạ Giôna, khi gặp phải một trận cuồng phong trong lúc đang cố né tránh sứ vụ của mình. Ở mỗi trường hợp trên, cơn bão chỉ ra một thời khắc mặc khải của Thiên Chúa, khi thì cho biết kế hoạch Ngài muốn, khi thì tỏ lộ chính sự hiện diện của Ngài. Rõ ràng khi dẹp yên sóng biển, Đức Giêsu cũng đã thoáng mặc khải bản tính thần linh của mình. Điều này thể hiện rõ qua phản ứng sửng sốt của các môn đệ, “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?” (Mc 4,41).
Là một mô típ trong Kinh thánh, nỗi sợ của các môn đệ trên biển xuất hiện trong bài Tin mừng hôm nay, trong đó diễn tả các ông khiếp sợ trước sóng gió biển cả. Những môn đệ vốn là ngư phủ này đang âu lo sợ hãi trước “cơn bão kinh hoàng” khiến nước tràn vào thuyền. Các ông đánh thức Đức Giêsu và quở trách Người: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” (Mc 4,38). Có lẽ với cảnh này, tác giả muốn độc giả suy gẫm về lời than trách này như đã được mọi thế hệ tín hữu đặt ra. Điều đáng chú ý là bối cảnh tổng thể này được sắp xếp thật giống với câu chuyện của Giôna trên biển, người thường được xem là hình ảnh báo trước của Đức Giêsu. Giôna gặp phải một trận cuồng phong và các thủy thủ đi cùng ông khiếp đảm. Trong câu chuyện này, ông cũng ngủ trong khi thuyền sắp chìm. Ông làm dịu biển cả bằng cách bất đắc dĩ hy sinh tính mạng của mình trong khi Đức Giêsu chỉ cần phán bằng lời: “Hãy im đi, hãy lặng đi!”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ” (Mc 4,39).
Mô típ phổ biến thứ ba được tìm thấy trong bài Tin mừng là giấc ngủ. Đức Giêsu đang ngủ say; Máccô thậm chí còn để ý đến hình ảnh Ngài dựa gối mà ngủ. Ở Tin mừng tuần trước, Đức Giêsu trình bày về dụ ngôn Nước Thiên Chúa tự lớn lên cách âm thầm trong khi người ta “ngủ” suốt đêm (Mc 4,27). Hình ảnh giấc ngủ ở đây mang vẻ tích cực. Đôi khi hình ảnh này là trung tính hoặc là một lối nói ám chỉ đến cái chết. Chẳng hạn như trong tường thuật Đức Giêsu phục sinh một bé gái đã chết, Ngài bảo: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó” (Mc 5,39). Tuy nhiên, cũng có những lần khác, giấc ngủ có thể ám chỉ đến tinh thần uể oải hoặc lười nhác, như khi các môn đệ thân cận nhất với Đức Giêsu khó lòng tỉnh thức trong lúc Thầy mình - Đấng Messia đang đau buồn sầu khổ trong vườn dầu (Mc 14,37-41).
Làm sao đọc và chú giải việc Đức Giêsu nhanh chóng ngủ say trong khi con thuyền sắp chìm? Một cách giải thích đó là nhận ra nhu cầu cần được nghỉ ngơi, một khía cạnh của con người. Đức Giêsu có thể thực sự mệt mỏi vì sự đòi hỏi không ngừng nghỉ của sứ vụ mình. Ở một cấp độ sâu sắc hơn, giấc ngủ của Đức Giêsu và hai mô típ còn lại trong Tin mừng mang đến một sự tương phản rõ rệt với câu chuyện của ông Giôna. Không như vị ngôn sứ xưa, Đức Giêsu thực sự quan tâm đến hệ quả. Điều mà Ngài đã hỏi các môn đệ khi xưa cũng là điều Ngài hỏi chúng ta hôm nay: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” (Mc 4,40). Theo lối kể của Máccô, các môn đệ sẽ phải vật lộn với giáo huấn của Đức Giêsu bao lâu Thầy còn ở với họ. Các ông sẽ tiếp tục chiến đấu với đức tin của mình cho đến khi gặp được Đức Giêsu Phục sinh, một cuộc chiến sẽ được làm nổi bật qua bài Tin mừng tuần sau. Ước mong bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta, như chính Đức Giêsu đã từng mời gọi các môn đệ, tiến đến một đức tin lớn mạnh hơn, và khơi lên trong chúng ta một đức tin và lòng nhiệt thành mới.
Cầu nguyện
Chúng ta có nghe thấy tiếng Đức Giêsu giữa những cơn bão cuộc đời?
Trong lúc khó khăn, sự hiện diện của Thiên Chúa đã tự tỏ lộ như thế nào trong cộng đoàn của chúng ta?
Liệu đức tin của chúng ta có đủ mạnh để giúp mình cảm thấy bình an trước cơn giông tố sắp xảy đến?