CÁCH THỨC NHỮNG CỬ CHỈ ĐƠN SƠ CHẠM ĐẾN CHÂN TRỜI ĐỨC TIN
Suy niệm Chúa nhật XIII Thường niên B
Kn 1,13-2,24; Tv 30; 2 Cr 8,7-15; Mc 5,21-43
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ Americamagazine.org
Một vài tình tiết trong Kinh thánh thường gần gũi hơn với kinh nghiệm sống của chúng ta như hai trình thuật trong bài Tin mừng kể về bé gái 12 tuổi sắp chết và người phụ nữ bị bệnh 12 năm đang cần được chữa lành. Máccô đã ghép hai câu chuyện và tường thuật chúng cùng một lúc.
Một điều thú vị trong đoạn Tin mừng, đó là Đức Giêsu được gọi là “Thầy” trong khi thực tế, Ngài lại được trình bày rõ nét hơn như một người chữa lành. Thực ra, hai câu chuyện chữa lành khác nhau đang được kể cùng một lúc. Mở đầu tường thuật, ông Giairô, một người cha tuyệt vọng, và cũng là vị trưởng hội đường, đến gặp Đức Giêsu với lời van xin cụ thể cho người con gái đang gặp nguy cấp. “Xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống” (Mc 5,23). Hơn bất kỳ Tin mừng nào, Máccô thường xuyên thuật lại việc chạm – “đặt tay” – để chữa lành (x. Mc 6,5; 7,32-35; 8,23 và 16,18). Việc đặt tay chẳng phải là một việc gì kỳ diệu lớn lao nhưng lại là một hành vi bình thường và được Đức Giêsu thường xuyên sử dụng cho sứ vụ chữa lành cũng như phục hồi trong Nước Thiên Chúa.
Thoạt nhìn, các bài đọc dường như tập trung vào khả thể về sự sống sau khi chết: như việc con gái 12 tuổi của ông Giairô qua đời. “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” (Mc 5,35). Đức Giêsu làm cho cô bé “sống lại” (tỉnh lại) chứ không “phục sinh”.
Trong thế giới cổ đại, phục sinh là một niềm tin lạ thường nơi suy nghĩ chung của con người về đời sống sau khi chết. Việc một ít người nổi trội có thể sống tiếp sau khi chết là một niềm tin tôn giáo có thể chấp nhận được. Những gì xảy đến cho người dân bình thường vẫn còn là một điều gì đó mơ hồ, nhất là trong truyền thống Do Thái. Vào giai đoạn sau trong Kinh thánh, như trong bài đọc I trích sách Khôn Ngoan, ý tưởng về sự bất tử dành cho tín hữu bình dân sống một đời công chính đã thu hút sự chú ý: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn” (Kn 2,23). Theo Tân ước, đây là điểm gây nên nhiều tranh cãi giữa nhóm Phariêsu, những người tin vào sự phục sinh của thân xác và linh hồn, với nhóm Sađốc, những người không tin vào sự sống đời sau.
Không nghi ngờ gì, việc chữa lành cô bé 12 tuổi mang những yếu tố về sự phục hồi và những gợi ý về sự phục sinh, tuy nhiên điều này cũng không làm lu mờ yêu cầu đặt tay để được chữa lành qua cái chạm. Điều này được củng cố với việc trình bày một câu chuyện khác xen vào. Một người phụ nữ bị bệnh xuất huyết 12 năm chạm vào áo Đức Giêsu với hy vọng tình trạng hiện tại của mình sẽ có tiến triển hơn. Cái chạm của bà thể hiện một sự tuyệt vọng bên trong để được khỏe lại. Điều này cũng mang đến một căng thẳng bất ngờ trong đoạn Tin mừng khi Đức Giêsu đang trên đường đến chữa bệnh cho con gái ông Giairô. “Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” (Mc 5,30). Qua một cử chỉ đơn giản vươn ra chạm vào, không có gì nổi trội, cho thấy bà đã đủ tin vào Đức Giêsu. Bà đã tin và đã được chữa lành khỏi bệnh. Đức Giêsu nhìn thấy đức tin của bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con” (Mc 5,34).
Khi Máccô đan xen hai câu chuyện chữa lành này, tập trung vào cái chạm đơn sơ hay việc đặt tay, người ta có thể nhận ra Đức Giêsu cũng kết hợp vai trò của Ngài vừa là thầy dạy vừa là người chữa lành. Vì trong việc chữa lành thường xuyên của mình, Đức Giêsu dạy về nhận thức sâu xa của đức tin thông qua những cử chỉ đơn giản như nắm tay người bệnh. Các môn đệ đang cố gắng để hiểu rằng sứ vụ chữa lành của thầy mình cùng lúc được gắn kết với những nghi vấn lớn hơn về sự sống sau khi chết. Điều mà Đức Giêsu đã nói với ông Giairô cũng là điều Ngài nói với các môn đệ của mình khi xưa cũng như bây giờ: “Đừng sợ, hãy cứ tin” (Mc 5,36).
Cầu nguyện
Chúng ta có thể nhớ lại một hành vi tử tế đơn sơ nào đó đã làm trong tuần qua?
Làm thế nào để chúng ta có thể vươn ra chạm vào áo Đức Giêsu?
Nỗi sợ có lấn át đức tin trong đời sống của chúng ta không?