SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN: TRÁNH KIỂU “QUEN QUÁ HÓA NHÀM”
Ed 2,2-5; Tv 123; 2 Cr 12,7-10; Mc 6,1-6
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ Americamagazine.org
Các bài Tin mừng trong những Chúa nhật trước đã tập trung vào Đức Giêsu như một người làm phép lạ. Chẳng hạn như hai trình thuật về việc Ngài dẹp yên biển cả (Mc 4,35-41) và làm cho con gái ông Giairô sống lại (Mc 5,21-43). Chúa Nhật XIV Thường niên chuyển sự chú ý của chúng ta từ các phép lạ đến một tình tiết nhỏ trong trình thuật khi tập trung vào việc nhìn nhận Đức Giêsu như vị mục tử đích thực của Israel. Có cùng một câu hỏi được nêu lên trong cả ba Chúa Nhật: Liệu Đức Giêsu có đủ phẩm chất để lãnh đạo người dân Galilê? Mỗi Chúa nhật sẽ mang đến một câu trả lời và suy tư khác nhau.
Các bài đọc Chúa nhật XIV cho thấy việc chống đối những người đại diện Thiên Chúa là hiện tượng thường thấy trong Kinh thánh. Ngôn sứ Êdêkien cảm thấy bản thân bị khước từ vì sứ điệp của ông bị người nghe ngó lơ. “Hỡi con người, Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân nổi loạn phản nghịch Ta, chúng và cha ông chúng vi phạm giao ước của Ta cho đến ngày nay. Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng” (Ed 2,3-4). Trong khi tất cả các ngôn sứ trong Kinh thánh đối phó với sự cứng lòng như nhau từ các thính giả của mình, thì Êdêkien lại trải qua kinh nghiệm đau khổ cụ thể. Ông được xem như người đầu tiên rao giảng bên ngoài Israel, trên vùng đất dân ngoại (587 tCN) với hy vọng ngăn chặn được việc Giêrusalem sụp đổ tổng thể cả về mặt thể chế lẫn thiêng liêng.
Bài Tin mừng nói về việc Chúa Giêsu trở về quê nhà giữa gia đình họ hàng thân thuộc ở Nadaret. Gia đình Ngài không thật sự tin và bước theo Ngài như một Môsê mới cho dân tộc. Họ vô tình nêu ra những thông tin rất con người và tầm thường có ý hạ giá danh tiếng trước người anh em họ hàng nổi tiếng của mình như là một người làm phép lạ. “Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” (Mc 6,3).
Ngày nay, việc xác định Chúa Giêsu là “thợ mộc” quá phổ biến đến nỗi người ta gần như dễ dàng coi Đức Giêsu là thợ mộc đã học nghề từ cha mình, bác thợ mộc Giuse. Thế nhưng, thuật ngữ Hy Lạp được dùng ở đây cõ lẽ được dịch chính xác hơn là “nhà xây dựng,” theo lối dùng từ cổ xưa. Họ hàng thân thuộc của Đức Giêsu cảm thấy bị xúc phạm vì “nhà thầu bình thường” của họ không hiểu sao lại trở nên một người vĩ đại trong cộng đoàn. Với họ, Đức Giêsu chỉ là một người thợ bình thường.
Trước thái độ ngờ vực của những người hàng xóm, Đức Giêsu đã đáp lại bằng cụm từ thường hay bị hiểu lầm. Ngài nói với họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình” (Mc 6,4). Đó là một thành ngữ thông dụng gần giống như thành ngữ “Bụt nhà không thiêng” (quen quá hóa nhờn). Điểm chính yếu không phải là tập trung vào việc liệu Chúa Giêsu có phải là một ngôn sứ đích thực hay không. Đó không phải là câu hỏi mà Tin Mừng trình bày ở điểm này trong trình thuật. Nhưng đó là tập trung vào những người bà con thân thuộc của Đức Giêsu, những người quá gần gũi với Ngài từ khi lớn lên đến nỗi không thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa ở trong và quanh Ngài. Họ hiện thân cho câu Tin mừng trước đó, “[họ] nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu” (Mc 4,12).
Tất cả những điều này không phải để phủ nhận mối dây thân thuộc tự nhiên của Đức Kitô. Thực ra, trong văn hóa Kinh thánh, cũng như nhiều nơi hiện nay trên thế giới, gia đình vẫn là nhân tố thiết yếu mang lại niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống con người. Tuy nhiên bài Tin mừng đã làm mới lại vị thế của gia đình và mối dây nối kết gia đình vào trong Nước Thiên Chúa. Chính việc lắng nghe và đáp lại Lời Chúa cũng như những sứ giả mang Tin mừng đã định nghĩa gia đình trong Nước Trời. Đó là lý do tại sao vịnh gia lại có thể xướng lên “Như mắt của những người tỳ nữ nhìn vào tay các vị chủ bà, mắt chúng tôi cũng nhìn vào Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi như thế, cho tới khi Người thương xót chúng tôi” (Tv 122,2). Đó là một tâm tình sẽ được thể hiện đầy đủ vào Chúa nhật tuần sau, khi các môn đệ được sai đi thi hành sứ vụ.
Cầu nguyện
Chúng ta có thể nhớ lại khoảng thời gian đã từng đánh giá sai người thân của mình không?
Chúng ta có thấy mình thuộc về gia đình Nước Thiên Chúa?
Trong cuộc sống của mình, có nơi nào mà chúng ta dễ xem thường vì đã quá thân quen?