Tu chỉnh Hội đồng Mục vụ Giáo xứ theo Giáo Luật
Vấn đề đặt ra là có nên thay đổi những tên cũ và cơ cấu của các tổ chức “Hội đồng Giáo xứ”, “Hội đồng Quý chức”… thành tên “Hội đồng Mục vụ Giáo xứ” (Consilium pastorale paroeciale) cho hợp với Bộ Giáo luật 1983 không.
Từ năm 2012, Ủy ban Giáo dân đã cố gắng biên soạn bản “Gợi ý cho một quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ”. Sau đó một số Giáo Phận cũng đã bắt đầu ban hành Nội quy, Quy chế với tên mới là “Hội đồng Mục vụ Giáo xứ”. Ví dụ như:
- Nội quy Hội đồng mục vụ giáo xứ, Giáo phận Phan Thiết (2014)
- Quy chế Hội đồng mục vụ giáo xứ, Tổng Giáo phận Tp. HCM (2015);
- Quy chế Hội đồng mục vụ giáo xứ, Giáo phận Phú Cường (2016);
- Quy chế Hội đồng mục vụ giáo xứ, Giáo phận Vinh (2018);
- Quy chế Hội đồng mục vụ giáo xứ, Giáo phận Cần Thơ (2018, thử nghiệm 4 năm);
Một số Giáo phận cũng đã bắt đầu thử dùng tên mới “Hội đồng Mục vụ giáo xứ”, nhưng chưa ban hành quy chế mới.
Đa số Giáo phận vẫn giữ tên quen thuộc là “Hội đồng giáo xứ”, “Ban hành giáo”
Giaó phận Kontum còn giữ tên “Ban Chức việc giáo xứ”.
Đặc biệt là Giáo phận Vĩnh Long còn giữ những tên gọi đặc trưng của Địa phận Đàng Trong ngày xưa, với văn bản:
Điều lệ Quới chức Giáo phận Vĩnh Long (2005), trong đó còn dùng danh xưng Trùm, Câu, Biện, Giáp.
Giáo phận Ban Mê Thuột vẫn giữ lại hai cơ quan rất khác lạ, ghi trong Quy chế Giáo xứ ở bản tu chỉnh 2016 (bản cũ 1974), điều 4: “Đại Hội đồng Giáo xứ (ĐHĐGX) tức cơ quan quyết định; Hội đồng Giáo xứ (HĐGX) tức cơ quan chấp hành”.
Cần nhận biết là các Ban, Hội đồng, cơ quan… đó đã xuất hiện từ xa xưa và đặc thù tại các Giáo hội địa phương, trên thế giới hay tại Việt Nam, với các cấu hình và tên gọi khác nhau. Những tổ chức này đã hiện hữu từ lâu, trước Công Đồng Vatican II và trước khi được quy định trong bộ Giáo luật 1983 (đ. 536).
Vì đã xuất hiện tự phát, riêng biệt do nhu cầu truyền giáo, mục vụ... từ lâu trước, các tổ chức đó tất nhiên có thể không giống với cấu trúc và ngay cả vai trò, chức năng của HĐMVGX xuất hiện sau, được định trong Giáo Luật năm 1983. Chắc là có những điểm giống và rất tích cực cần phải phát huy thêm, nhưng cũng có những điểm không còn phù hợp. Việc đổi tên cho phù hợp Giáo luật cũng cần phải đổi mới hay điều chỉnh lại cơ cấu Hội đồng cho tương ứng.
Để giúp cho việc soạn thảo hay tu chỉnh các bản quy chế của HĐMVGX, trước tiên chúng ta cần cần khảo sát lại sự hình thành HĐMVGX từ các tổ chức đã có từ trước Công đồng Vatican II. Sau đó, dựa theo các quy định Giáo luật, cần phân định lại các phần căn bản trong cấu trúc tổ chức và vai trò nhiệm vụ của Hội đồng.
1. Vài nét về lịch sử hình thành HĐMVGX
Chúng ta sẽ khảo lược về sự hình thành HĐMVGX ở nói chung ở Giáo hội phổ quát và cách riêng ở Giáo Hội địa phương Việt Nam.
1.1. Giáo Hội phổ quát
1.1.1. Trước Công Đồng Vaticano II
Từ trước thời Công đồng Vatican II, trong những giáo phận, giáo xứ ở Âu châu cũng thường đã có những tổ chức, bao gồm cả giáo dân, để quản trị, bảo tồn những di sản, tài sản, đồ phụng vụ thánh, như là fabbriceria; và những tổ chức nhằm thúc đẩy đời sống đạo qua những hoạt động tông đồ và bác ái, dạy giáo lý như confraternite; ở Ba Lan có comitati parrocchiali hoặc sorveglianze ecclesiali với quyền về tài chính; ở Áo có commissioni parrocchiali.
Vào thời Đức Giáo Hoàng Pio XI và Pio XII, Công giáo Tiến hành (Azione Cattolica) gồm các hội đoàn, hiệp hội thể hiện vai trò tông đồ giáo dân được quan tâm. Hai ngài phát khởi và tái tổ chức Công giáo Tiến hành, mang lại nhiều hiệu quả trong việc huấn luyện và đưa giáo dân vào tham gia vào đời sống Giáo Hội. Tổ chức này, với những cách thức giáo dân hợp tác với hàng giáo sĩ, được coi là những khởi điểm hay những chuẩn bị cho sự hình thành HĐMVGX sau này.
Tuy nhiên, những tổ chức Công giáo Tiến hành này không thể đồng hóa với HĐMVGX, vì chúng còn hạn hẹp trong phạm vi hoạt động Tông đồ của giáo dân trong các đoàn thể, hiệp hội, chưa biểu trưng cho sự hiệp thông và góp phần vào công việc mục vụ thuộc cơ cấu điều hành giáo phận hay giáo xứ.
1.1.2. Chuẩn bị Công Đồng
Đến thời tiền chuẩn bị Công Đồng Vaticano II (1962), có vài đề nghị bàn về sự tham gia của giáo dân vào việc điều hành thuộc cơ cấu Giáo phận, giáo xứ. Trong số những đề nghị đó, chỉ có thể kể: những “Hội đồng giáo dân” (Consigli laicali) hay những Ủy ban (Comittati), để lắng nghe những ý kiến của giáo dân, không chỉ về vấn đề tài chính mà còn về đời sống đạo. Những tổ chức này chỉ có quyền tư vấn.[1]
Đến giai đoạn chuẩn bị Công Đồng, Ủy ban về các Giám mục và cai quản Giáo phận (Commissione sui Vescovi e il governo delle diocesi) có nhiệm vụ bàn thảo phần canh tân thực tiễn mục vụ. Riêng về giáo xứ, có những bản thảo kế tiếp nhau:
Bản thảo (mẫu) thứ nhất, được thấy trong bản Schema Praecipua de animarum cura quaestiones, mời gọi các Giám mục cho các cha sở thiết lập trong các giáo xứ “Hội đồng giáo xứ” (Consilium paroeciale), được hình thành gồm cha sở, các cha phó, các bề trên dòng tu đang hoạt động trong giáo xứ, những vị lãnh đạo Công giáo tiến hành (Azione Cattolica) và những giáo dân, chỉ với quyền tư vấn, với mục đích giúp đở cha sở trong những hoạt động của giáo xứ và trong vấn đề tài chính, và khích lệ tín hữu cộng tác trong công việc tông đồ và kinh tế.[2] (Bản mẫu thứ nhất này đã gợi lên những điểm giống với HĐMVGX ở bộ Giáo Luật sau này.)
Bản thảo (mẫu) thứ hai sau đó, thấy trong Schema De cura animarum, là kết quả của thảo luận của Ủy ban chuẩn bị trung ương (Commissione centrale preparatoria, 3-5-1962), thì khác với bản thứ nhất, xác định những nhiệm vụ của một hội đồng mục vụ một cách chung chung, bao gồm tất cả những hoạt động trong giáo xứ. Trong số thành viên, không đề cập đến các bề trên dòng tu, trong khi chỉ rõ những chủ tịch của những hiệp hội các giáo xứ (sodalizi parrocchiali) và những cha phó trợ giúp (vicari cooperatori). Mẫu thứ hai này vẫn ấn định vị chủ tịch là cha sở nhưng không nói gì về vấn đề tư vấn. Điểm đáng lưu ý của bản này là nói đến liên kết thân hữu trong những hoạt động tông đồ, đánh giá cao những sáng kiến hữu ích và những thực hiện.[3]
Bản thứ hai này được dự định trình lên các Nghị phụ công đồng để thảo luận và biểu quyết.
Tuy nhiên, Công đồng không chú ý nhiều đến Hội đồng mục vụ giáo xứ. Bản văn thứ hai, soạn thảo của cuối cùng trong bản Schema De cura animarum, được đặt trong phần Phụ lục (31-1-1963) không được bàn luận bởi Công đồng và bị loại bỏ tất cả (23-1-1964).[4]
Công Đồng, ngược lại, chỉ chú ý bàn thảo đến Hội đồng Mục vụ Giáo phận. Sắc lệnh Christus Dominus số 27 kêu gọi:
“Tha thiết mong ước rằng mỗi giáo phận nên thành lập một Hội đồng mục vụ, do chính Giám Mục giáo phận làm chủ tịch, và thành phần là giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân được tuyển chọn đặc biệt. Nhiệm vụ của Hội đồng là thăm dò những gì liên hệ tới công việc mục vụ, cân nhắc và đưa ra những kết luận thực tế về những việc đó”.
Đến đây, chúng ta có thể thắc mắc tại sao Công Đồng đã không chú ý nhiều đến HĐMV giáo xứ mà chỉ chú ý đến bàn thảo đến HĐMV giáo phận với chức năng nghiên cứu và tư vấn cho giáo phận.
Để giải thích, cần thấy một cách tổng quát rằng, Công Đồng đang thực hiện sự đổi mới lớn lao về rất nhiều phương diện trong Giáo Hội. Sự đổi mới nào cũng cần được xem xét kỹ lưỡng với nhiều bàn luận thuận nghịch khác nhau, trong khi các chủ đề cần bàn thì quá nhiều. Vì vậy, cần phải giới hạn lại một số vấn đề.
Hơn nữa, Công đồng, theo chức năng của mình, đưa ra những Hiến chế, Sắc lệnh, Tuyên ngôn, vốn là những giáo thuyết, những quy định, hướng dẫn… tương đối là căn bản, phổ quát. Phần chi tiết và thực hiện cụ thể như thế nào sẽ được các cơ quan giáo triều Roma khai triển và quy định sau này. Theo chiều hướng đó, HĐMVGX mới được các nhà lập pháp quy định ở Bộ Giáo luật 1983 sau này.
Đối với HĐMVGX, chúng ta còn thấy có những điểm khó mà bàn luận và quyết định trước khi Công Đồng kết thúc, nghĩa là, trước khi có những Hiến chế, Sắc lệnh, Tuyên ngôn của Công Đồng chỉ dẫn, cách riêng về vấn đề lãnh đạo trong Giáo Hội và vai trò của người giáo dân trong sinh hoạt Giáo hội. Thật khó mà định liệu được một HĐMVGX có sự tham gia tích cực của giáo dân vào trong cơ cấu của Giáo Hội, khi mà chưa có Sắc Lệnh chỉ dẫn liên hệ như Apostolicam Actuositatem, Lumen Gentium, Christus Dominus, Ad Gentes… làm nền tảng.
Ta thấy, cả hai mô hình về HĐMVGX mà các Ủy ban chuẩn bị Công Đồng muốn đưa ra bàn thảo đều có đặc điểm là ấn định vị chủ tịch của Hội đồng là cha sở. Điều này mang ý nghĩa rằng HĐMVGX là một tổ chức thuộc hệ thống dưới quyền điều hành trực tiếp của thẩm quyền Giáo Hội, mà đây là cha sở. Nó khác với những tổ chức có sẵn trong Giáo Hội từ xa xưa, có vị đứng đầu riêng có thể là tu sĩ hay linh mục nào đó, hay không nhất thiết vị đứng đầu phải là cha sở. Các tổ chức này có sự độc lập hay tự quyết nào đó, như là các phong trào, hội đoàn, hiệp hội, Công Giáo tiến hành… fabbriceria, confraternite…
Các mô hình tổ chức ở Việt Nam, như Ban Hành Giáo, Ban Quý Chức, Hội Đồng Giáo xứ… thấy rõ là đều có một ông đứng đầu, ít là trên danh nghĩa, là ông Trùm, ông Câu, ông Chánh Trương, ông Chủ tịch…. được coi như là một cơ cấu đứng bên cạnh cha sở. Liệu Công Đồng có chấp nhận bàn luận về mô hình này không?
Có lẽ là không, vì có nhiều khía cạnh chưa được minh giải cho hợp với giáo thuyết và truyền thống của Giáo hội: Chức năng nhiệm vụ của Hội Đồng đích thực là gì (tư vấn hay hoạt động tông đồ, giúp đở hay cai quản giáo xứ…?) và như thế nào, có gì giống, có gì khác với các tổ chức đã có, đang hoạt động trong Giáo hội, có quyền tự lập không…; Hội đồng có phải gồm những đại diện của giáo dân không, nói lên tiếng nói của giáo dân không; mức độ quyền hạn Hội đồng thì như thế nào; Hội Đồng có quyền biểu quyết hay quyết định không…?
1.1.3. Công Đồng Vaticano II
Bản thảo về HĐMVGX đã không được các nghị phụ thảo luận và bị loại bỏ. Hệ quả là, Công Đồng Vatican II, đã không minh nhiên đưa ra một mẫu nhất định hay tên gọi cho một tổ chức hay hội đồng nào cho giáo xứ. Tuy nhiên, Công đồng đã chỉ dạy về vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội. Những hướng dẫn này đã giúp cho nhà lập pháp sau này nghiên cứu và quy định về việc thiết lập HĐMVGX, cụ thể ở Bộ Giáo luật 1983. Các văn bản của Công Đồng có liên quan đến HĐMV, được kể như sau:
a- Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục, Christus Dominus, số 27
“Tha thiết mong ước rằng mỗi giáo phận nên thành lập một Hội đồng mục vụ, do chính Giám mục giáo phận làm chủ tịch, và thành phần là giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân được tuyển chọn đặc biệt. Nhiệm vụ của Hội đồng là thăm dò những gì liên hệ tới công việc mục vụ, cân nhắc và đưa ra những kết luận thực tế về những việc đó”.
Thực ra, Sắc lệnh này trực tiếp nói đến việc thiết lập HĐMV giáo phận. Tuy nhiên cũng được coi là nguồn từ Công Đồng của HĐMV giáo xứ sau này.
b- Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân, Apostolicam Actuositatem, số 26
Sắc lệnh về Tông Đồ giáo dân thúc đẩy việc thiết lập những hội đồng cố vấn gồm các giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân để cùng cộng tác và giúp Giáo Hội trong việc tông đồ, rao giảng Tin Mừng và bác ái xã hội, ở nhiều cấp độ khác nhau, như giáo xứ, liên giáo xứ, liên giáo phận…:
Trong mỗi giáo phận, phải hết sức liệu sao cho có những hội đồng (consilia) gồm các giáo sĩ, tu sĩ cùng cộng tác thích hợp với giáo dân để giúp cho hoạt động tông đồ của Giáo Hội hoặc trong lãnh vực Phúc Âm hóa và thánh hóa, hoặc trong lãnh vực từ thiện bác ái, xã hội hay các hoạt động khác. Những hội đồng này có thể giúp phối hợp hoạt động của các hiệp hội và tổ chức của giáo dân đang khi vẫn tôn trọng bản chất riêng và quyền tự trị của chúng.
Nếu có thể, cũng nên thiết lập những hội đồng như thế ở cấp độ giáo xứ, liên giáo xứ, liên giáo phận và ngay cả trên bình diện quốc gia hay quốc tế.
Điểm đáng chú ý là Sắc lệnh đã đề cao vai trò giáo dân, cho họ được cộng tác với giáo sĩ, tu sĩ, trong những hội đồng, về nhiều mặt khác nhau: rao giảng Tin Mừng, thánh hóa, tông đồ, bác ái xã hội… Tuy nhiên, về cấu hình của tổ chức, Sắc lệnh chỉ nêu ra một cách rất là tổng quát: “những hội đồng” (consilia), ở nhiều cấp độ khác nhau, không ấn định riêng một Hội Đồng Mục vụ cấp Giáo phận hay Giáo xứ, và ngay cả còn nói đến cấp quốc gia, quốc tế. Trong khi đó ở Sắc lệnh Christus Dominus số 27 lại nói rõ đến Hội Đồng Mục vụ ở cấp Giáo phận.
b- Hiến chế Giáo Hội, Lumen Gentium, số 37
Hiến chế Giáo Hội, Lumen Gentium, số 37, liên quan nhiều đến việc tư vấn. Hiến chế nhìn nhận khả năng hiểu biết, chuyên môn của giáo dân và cho thấy đôi khi giáo dân có bổn phận phải bày tỏ ý kiến của mình cho chủ chăn về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo Hội. Tuy nhiên họ luôn phải luôn có lòng tuân phục tôn kính các vị lãnh đạo trong Giáo Hội. Về phần chủ chăn có chức thánh:
“các ngài phải nhìn nhận và nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội, các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, tin cẩn giao phó cho họ những công tác để họ phục vụ Giáo Hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động; hơn nữa, các ngài cũng nên khuyến khích họ tự đảm lấy trách nhiệm”.
c- Sắc lệnh về hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội, Ad Gentes, số 30
Sắc lệnh Truyền giáo, Ad Gentes, số 30, khuyên lập hội đồng mục vụ, nhưng quy hướng về mục đích truyền giáo, rao giảng Tin Mừng, trong đó có giáo dân tham gia cộng tác. Tuy nhiên Sắc lệnh chỉ nói cách tổng quát cho các hội đồng, không ấn định riêng cho HĐMVGX
“Giám mục nếu có thể, thiết lập Hội đồng Mục vụ, trong đó giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đều được tham gia qua những đại biểu được tuyển chọn. Ngoài ra, phải lo liệu để hoạt động tông đồ không chỉ giới hạn cho những người đã tòng giáo, nhưng phải dành một phần nhân lực và vật lực tương đương vào việc rao giảng Tin Mừng cho những người ngoài Kitô giáo”.
1.2. Các tổ chức tương tự tại Việt Nam
Giáo Hội Việt Nam đã trãi qua thời gian truyền giáo lâu dài, khởi đi từ thế kỷ 16. Đầu tiên chỉ gồm những Hạt Đại diện Tông Tòa, được cai quản bởi các Giám mục Đại diện Tông Tòa. Giáo dân Việt Nam, từ ban đầu, được truyền giáo và theo đạo, đã hình thành từng nhóm nhỏ và phát triển dần dần thành những giáo họ. Họ cũng đã phải trãi qua những giai đoạn không có linh mục, bị cấm cách, bị bách hại. Để có thể duy trì và thăng tiến đời sống đạo, một số tổ chức đã được hình thành trong giáo họ, giáo xứ, thích ứng với hoàn cảnh riêng biệt, không giống với các nước Âu Châu, nơi Giáo hội đã trưởng thành.
1.2.1. Giai đoạn 1670-1880
Tác giả Peter Tâm Thành trong bài “Tìm hiểu Hội đồng Giáo xứ” đã cho thấy Việt Nam từ xưa, với văn hóa Việt Nam, “mỗi họ, gia tộc đều có hội đồng gia tộc, gồm các ông trùm – trưởng tộc, lo việc quản trị của hương hỏa, nhà thờ họ, bàn thờ, tủ thờ, sổ gia phả – thế phả và các đồ dùng tế tự”. Khi số người theo đạo Công Giáo gia tăng, họ thường sống thành từng nhóm lớn, một họ hay một làng. Do tinh thần gia tộc và làng xã cao họ lập thành những “họ đạo” và bầu ra “các trùm họ” để coi sóc “họ đạo”. Các trùm họ lo việc phụng tự kinh nguyện, bảo trì phát triển cơ sở vật chất và các hoạt động tông đồ... Trong thời gian thiếu vắng linh mục các ông trùm có vai trò quan trọng trong việc điều hành các họ đạo.
Công đồng Dinh Hiến (Phố Hiến) ngày 14-2-1670, do Đức Cha Lambert de la Motte triệu tập, chia địa phận Đàng Ngoài làm 9 "xứ" để giao cho 9 thầy giảng vừa tiến chức linh mục (dưới quyền 3 linh mục thừa sai). Mỗi xứ có một thầy giảng làm trưởng ban tài chính, nhưng do "cha xứ" chịu trách nhiệm với địa phận; trong các họ đạo vẫn do các trùm họ tự điều hành (x. Peter Tâm Thành). Điều 21 của Công đồng (tất cả 34 điều khoản) cho cho thấy ông Trùm trưởng, phụ giúp các linh mục và thầy giảng trong việc mục vụ:
“ Các linh mục, Thày giảng và Trùm trưởng phải khuyên giáo dân theo và giữ con đường hẹp của Tin Mừng, khuyến khích họ suy niệm về cuộc khổ nạn và sự chết của Đức Kitô, nhất là trong các ngày lễ trọng" (x. Nguyễn Thế Thoại, Công Giáo trên quê hương Việt Nam, 2001, Tr 161).
2.2. Giáo hội Đàng trong, 1880-1968
Cũng theo tác giả Tâm Thành, Công đồng Sài Gòn 1880 đã thiết lập bên cạnh Hội đồng Trùm họ một nhóm "biện việc" được tổ chức theo mẫu Conseil de fabrique (Hội Đồng Thành Phố) của Giáo hội Pháp. Dưới thời Pháp thuộc, các "biện việc", có thể được thuê lo việc quản lý tài sản các họ đạo duới quyền cha sở, để tránh sự can thiệp của các xã trưởng vào tài sản nhà thờ.
Tuy nhiên, tư liệu mang tính lịch sử chính thức về tổ chức tiền thân của HĐMV giáo xứ của Giáo hội Đàng trong, phải kể đến là tập “Chức Sở Mục Lệ” (của Đức cha Colombert, Giám mục Sài Gòn, 1884) mà sau này các Giáo phận, như Vĩnh Long cũng căn cứ vào đó để soạn ra bản Điều lệ. Ngay trong những số điều lệ đầu tiên của Bản Điều lệ Ban Quới chức này của Giáo Phận Vĩnh Long năm 2005 (gồm 32 điều), đã hầu như lấy lại 4 điều lệ đầu tiên trong quyển “Chức Sở Mục Lệ” (gồm có 69 điều).[5] Tư liệu này rất quý giá, cho thấy cách sơ lược về nguồn gốc và tổ chức tiền thân của Hội đồng mục vụ giáo xứ tại Giáo hội Việt Nam như sau:
ĐIỀU 1: BAN QUỚI CHỨC (Ban Chức việc) là một tổ chức đặc thù của Hội Thánh Việt Nam, đã có mặt trong các Họ Nhà Thờ và cộng tác trong các sinh hoạt từ thế kỷ thứ 17, sau quyết định của Công Nghị Hải Phố (Hội An) năm 1672, do Đức Cha Lambert de la Motte triệu tập, với sự tham dự của 10 linh mục và 80 thầy giảng.
• BAN QUỚI CHỨC được phổ biến ở Địa phận Tây Đàng Trong (1924), được Công đồng Hà Nội công nhận có hiệu quả cao (1943), được thi hành ở các Địa Phận Nam Việt và Quy Nhơn (1953);
• BAN QUỚI CHỨC đã được tôi luyện bằng các cơn bắt đạo; đã cung ứng cho Hội Thánh hoàn vũ 6 vị thánh Quới Chức trong số 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam.
-ĐIỀU 2 : Thành phần BAN QƯỚI CHỨC gồm có:
TRÙM - CÂU - BIỆN.
Ông Trùm: là người đứng đầu ban Quới chức, người có uy tín và có khả năng qui tụ người khác.
Ông Câu: là người cộng tác với Ông Trùm, để đốc xuất công việc.
Ông Biện: là người đứng đầu một địa sở, một sở biện.
Tùy theo Họ đạo lớn hay nhỏ mà có 1 hay 2 ông Trùm, có 2 hay 4 ông Câu, và nhiều ông (bà) Biện
ĐIỀU 3 : BAN THƯỜNG VỤ QUỚI CHỨC là những Chức Việc được tuyển chọn để điều hành Họ đạo, dưới quyền điều khiển của Cha sở và thường xuyên giải quyết những vấn đề đã được quyết định sẵn. Ban Thường Vụ gồm có: ông Trùm, ông Câu, ông Biện Thư Ký, ông Biện Thủ Quỹ.
ĐIỀU 4: BAN QUỚI CHỨC được đặt thường xuyên dưới sự hướng dẫn, cố vấn và điều khiển của Cha sở, nhằm mục đích động viên tất cả mọi người trong Họ đạo phát triển không ngừng về các mặt: HỌC ĐẠO, SỐNG ĐẠO và TRUYỀN ĐẠO.
1.2.3. Giáo Hội Đàng ngoài, 1900-1954
Công đồng Kẻ Sở năm 1900 và 1912, tuy có vài thay đổi, vẫn duy trì tổ chức thầy giảng và trùm họ.
Các Thầy giảng giữ vai trò quan trọng trong việc mục vụ giáo họ, giáo xứ: tổ chức đọc kinh, sắp đặt trong nhà thờ và nhà xứ, lo việc mục vụ và bác ái. Các thầy giảng có thể được giao phó quản trị tài sản địa phận duới quyền cha quản lý, tài sản Nhà Đức Chúa Trời dưới quyền cha xứ.
Sau năm 1954, do thiếu các linh mục và thầy giảng, HĐGX dần dần tự lo việc tổ chức và quản trị giáo xứ.
2. Quy định Giáo luật về HĐMVGX
Bộ Luật 1983 quy định về Hội đồng mục vụ ở hai cấp, giáo phận và giáo xứ. Chúng ta hãy nhìn qua về HĐMV ở cấp giáo phận và sẽ tập trung khảo sát nhiều hơn ở cấp giáo xứ.
2.1. Hội đồng Mục vụ Giáo phận
Chiếu theo Công Đồng Vaticanô II, Giáo luật quy định về HĐMV với một số yếu tố căn bản về quyền thiết lập, chức năng, nhiệm vụ, thành phần và quyền hạn của Hội Đồng, được thấy ở bốn điều: 511- 514. Hai điều 511 và 512 quan trọng nhất, cần khảo sát nhiều hơn:
Điều 511
Trong mỗi Giáo Phận, tùy theo hoàn cảnh mục vụ đòi hỏi (suadeant), phải thiết lập (constituatur) một Hội Đồng mục vụ; Hội Đồng này, dưới quyền Giám Mục, nghiên cứu, thẩm định và đưa ra những kết luận thực tiễn về những gì liên quan tới hoạt động mục vụ trong Giáo Phận.
Điều 512
§1 Hội Đồng mục vụ gồm những Kitô hữu đang hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, hoặc là giáo sĩ, hoặc là thành viên của các tu hội thánh hiến, và nhất là giáo dân; tất cả đều được chỉ định theo thể thức do Giám Mục Giáo Phận ấn định (CD 27).
§2. Các Kitô hữu được đề cử vào Hội Đồng mục vụ phải được tuyển chọn cách nào để họ thật sự đại diện cho toàn thể phần dân Chúa tạo thành Giáo Phận, xét theo các miền khác nhau trong Giáo Phận, xét theo hoàn cảnh xã hội và nghề nghiệp, và xét theo phần đóng góp hoặc riêng rẽ hoặc chung với người khác trong hoạt động tông đồ.
§3. Chỉ nên đề cử vào Hội Đồng mục vụ những Kitô hữu trổi vượt về đức tin vững vàng, về hạnh kiểm tốt và về sự khôn ngoan (CIO 273).
HĐMV giáo phận có nhiệm vụ tư vấn, chu toàn qua việc sự nghiên cứu đóng góp ý kiến của những người thuộc những thành phần khác nhau, ở những miền khác nhau, hoàn cảnh xã hội khác nhau. Vì vậy, phải chọn thế nào để các thành viên có thể đại điện cho các thành phần “giáo sĩ, thành viên của các tu hội thánh hiến, và nhất là giáo dân".
Về cơ quan “tư vấn mục vụ” của Giáo phận, thì Giáo luật cũng đã đòi hỏi Giám mục phải thiết lập Hội đồng linh mục (Consilium presbyterale), đại diện cho linh mục đoàn, hoạt động như một nghị viện (đ. 495). Từ Hội đồng linh mục này, Giám mục bổ nhiệm, ít là 6 người, tối đa 12 người để thiết lập Ban tư vấn (Collegium consultorum).
HĐMVGP được xem như một cơ quan tư vấn thứ hai cho Giám mục Giáo phận, mở rộng ra đến nhiều thành phần dân Chúa, ra ngoài phạm vi hàng linh mục. Cả hai Hội đồng này đều được luật định là chỉ có quyền tư vấn mà thôi (đ. 500§2, 514§1).
HĐMVGP có thể có những góp ý thiết thực và có thể đề nghị một chương trình mục vụ thực tiễn giúp Đức Giám Mục Giáo phận. Chính Giám Mục, tùy nhu cầu tham vấn, và chỉ có ngài mới có quyền triệu tập và chủ tọa HĐMV (đ. 514§1). Luật buộc phải triệu tập một năm ít là một lần (đ. 514§2).
HĐMVGP, bổ túc cho Hội Đồng Linh mục, giúp Giám mục có được những sáng kiến, những chương trình mục vụ đi sát với tình trạng thực tế hơn, nhờ qua những đóng góp ý kiến của nhiều thành phần dân Chúa, của những nhà nghiên cứu về các lãnh vực khác nhau trong xã hội: Truyền giáo, bác ái xã hội, giáo dục, kinh tế…
Các Hội Đồng trên, chiếu theo chức năng riêng, chỉ có nhiệm vụ tư vấn, không có nhiệm vụ cộng tác vào hoạt động mục vụ, như truyền giáo, thực hiện công tác bác ái xã hội… Nếu các thành viên có hoạt động mục vụ thì họ thực thi dưới một danh nghĩa khác.
Chúng ta có thể đặt vấn đề: “Ban mục vụ” trong các Giáo phận Việt Nam hiện nay như Ban Kinh Thánh, Ban Phụng vụ, Ban Bác ái xã hội, Ban di dân, Ban Giới trẻ… được Giám mục thiết lập, trao cho một vài linh mục phụ trách, để giúp việc mục vụ trong phạm vi giáo phận, có phải là HĐMV giáo phận hay không?
Nếu xem xét cấu trúc và nhiệm vụ của các ban thì thấy rằng, tập hợp các ban mục vụ này không tạo thành một HĐMV giáo phận như Giáo luật quy định. Các ban chuyên đảm nhận những công việc thuộc một lãnh vực chuyên biệt trong giáo phận, đáp ứng nhu cầu mục vụ theo từng lãnh vực riêng rẽ, chứ không chuyên về nhiệm vụ của HĐMV như Giáo luật nói (đ. 511). Các ban mục vụ trên, đảm trách “hoạt động mục vụ” thuộc Giáo phận, chứ không đảm trách việc “tư vấn mục vụ”.
2.2. Sự thiết lập HĐMVGX
2.2.1. Quy định Giáo Luật
Công Đồng Vatican II đã minh nhiên khuyên thiết lập HĐMV giáo phận (Christus Dominus, số 27) chứ không minh nhiên nói đến HĐMV giáo xứ. Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân, Apostolicam Actuositatem, số 26 cũng chỉ nói đến các hội đồng một cách tổng quát, chỉ nhấn mạnh đến sự cộng tác của giáo dân vào hoạt động của Giáo hội: truyền giáo, tông đồ, bác ái xã hội…
Thật ra, như đã khảo sát ở phần trên, các tổ chức tự phát để thực hiện việc tông đồ, bác ái xã hội hay giúp đở các cha sở… trong đó giáo dân tham gia cũng đã xuất hiện trong Giáo Hội từ trước thời Công Đồng Vaticfan II, như fabbriceria, confraternite; comitati parrocchiali, commissioni parrocchiali… Ở Việt Nam có Hội đồng Giáo xứ, Ban Hành giáo, Hội Đồng quý chức…
Mãi đến năm 1983, bộ Giáo luật mới quy định về HĐMV ở cấp giáo xứ, nhưng chỉ ở một điều khoản.
Điều 536
§1 Nếu Giám Mục Giáo Phận xét thấy thuận lợi, sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội Đồng Linh Mục, thì phải thiết lập trong mỗi giáo xứ một Hội Đồng mục vụ, do cha sở đứng đầu, trong Hội Đồng này, các Kitô hữu cùng với những người tham gia vào trách nhiệm mục vụ trong giáo xứ chiếu theo giáo vụ của họ, phải giúp sức vào hoạt động mục vụ.
§2. Hội đồng mục vụ chỉ có quyền tư vấn và được điều hành theo các quy tắc do Giám Mục Giáo Phận thiết lập.
Bản gốc La tinh:
Can. 536 - § 1. Si, de iudicio Episcopi dioecesani, audito consilio presbyterali, opportunum sit, in unaquaque paroecia constituatur consilium pastorale, cui parochus praeest et in quo christifideles una cum illis qui curam pastoralem vi officii sui in paroecia participant, ad actionem pastoralem fovendam suum adiutorium praestent.
§ 2. Consilium pastorale voto gaudet tantum consultivo et regitur normis ab Episcopo dioecesano statutis.
2.2.2. Quyền thiết lập HĐMVGX
Giáo luật trao cho Giám mục giáo phận quyền thành lập HĐMVGX: “Nếu Giám Mục Giáo Phận xét thấy thuận lợi, sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội Đồng Linh Mục, thì phải thiết lập trong mỗi giáo xứ một Hội Đồng mục vụ" (đ. 536§1).
Câu hỏi được đặt ra là Giám mục có bị buộc hay chỉ được khuyên nên lập HĐMVGX.
Động từ Latin constituatur (thiết lập) ở passive subjunctive, chỉ một mệnh lệnh, một chỉ thị “phải” hay “cần thiết phải” làm, nhưng mức độ bắt buộc thì không nghiêm ngặt.
Động từ ở passive subjunctive trong bản dịch Giáo Luật hiện nay vẫn thường dịch là “phải”, ví dụ:
- Giám Mục phó cũng như Giám Mục phụ tá, được nói đến ở điều 403 §2. phải được Giám Mục Giáo Phận đặt (constituatur) làm Tổng Đại Diện (đ. 406§l).
- Trong mỗi Giáo Phận, Giám Mục Giáo Phận phải đặt (constituatur) một Tổng Đại Diện (đ. 475§1).
- Mỗi giáo xứ phải có (habertur) một Hội Đồng kinh tế (đ. 537).
Đối với việc thiết lập Hội đồng kinh tế giáo xứ, bản văn Việt ngữ đã dùng chữ “phải có” để diễn tả ý nghĩa động từ habertur ở thể passive subjunctive. Cũng vậy, đối với HĐMVGX, động từ constituatur được dịch là “phải thiết lập”, chứ không dịch là “nên thiết lập”.
Cách hành văn của Giáo luật cho thấy đây là một điều khoản đòi hỏi phải thiết lập HĐMVGX nhưng lại tùy thuộc vào điều kiện. Khi không đủ điều kiện, Giáo luật tất nhiên không đòi buộc phải làm. Trái lại, khi có điều kiện thuận lợi và sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội Đồng Linh Mục, Giáo luật đòi Giám mục “phải” thiết lập HĐMV giáo xứ, chứ không để ngài tùy theo ý muốn hay sở thích.
Ngoài những nguyên tắc cơ bản Giáo Luật đã quy định, Giáo hội cũng ban cho Giám mục giáo phận quyền thiết lập thêm những quy tắc điều hành khác: “và được điều hành theo các quy tắc do Giám Mục Giáo Phận thiết lập” (đ. 536§2).
Vì vậy, mỗi Giám mục giáo phận có thể thiết lập hay phê chuẩn những nguyên tắc điều hành HĐMVGX riêng biệt cho giáo phận mình. Các quy chế của HĐMVGX của các giáo phận có thể khác nhau, nghĩa là, không nhất thiết là phải thống nhất giống như nhau. Tùy theo hoàn cảnh địa phương: văn hóa, xã hội, kinh tế… mỗi Giám mục giáo phận có thể linh động quy định những quy tắc khác nhau cho HĐMVGX, miễn là vẫn giữ những quy tắc chung của Giáo luật.
2.2.3. Chức năng nhiệm vụ HĐMVGX
a- Tư vấn và cộng tác hoạt động mục vụ
HĐMVGX có hai nhiệm vụ: 1) tư vấn cho cha sở, và 2) giúp đở cha sở về việc chăm sóc mục vụ trong giáo xứ.
Nếu đối chiếu HĐMV giáo xứ với giáo phận về chức năng nhiệm vụ thì thấy cả hai đều có nhiệm vụ tư vấn cho vị chủ chăn, nhưng cũng có nét khác nhau. Trong HĐMV giáo phận, các thành viên hầu như chỉ có nhiệm vụ “tư vấn”. Nhiệm vụ của HĐMV giáo xứ lại nói đến sự tham gia vào hoạt động mục vụ, là “phải giúp sức vào hoạt động mục vụ" (ad actionem pastoralem fovendam suum adiutorium praestent).[6]
Như vậy, HĐMV giáo xứ được Giáo Hội trao thêm nhiệm vụ giúp cha sở trong công việc mục vụ, chứ không chỉ giúp tư vấn mục vụ. Khi đặt thêm nhiệm vụ, các nhà lập pháp phải dựa trên những giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Thư luân lưu của Bộ Giáo sĩ, ngày 25-1-1973 nói rằng không có gì “ngăn cản thiết lập những hội đồng có cùng bản chất và chức năng [như HĐMV giáo phận], thuộc giáo xứ hay giáo miền”.[7] Directory ngày 31-5-1973, Bộ Các Giám Mục đã kêu gọi thiết lập các HĐMV giáo xứ và có chỉ dẫn: “trong đó người giáo dân, theo các nhiệm vụ trao cho họ, tham dự vào HĐMV và đảm nhận những công việc mục vụ riêng của họ” (số 179).
Sau khi Bộ Luật đã ấn định về HĐMVGX, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn hậu thượng HĐGM, ngày 30-12-1988, bàn về Kitô hữu giáo dân, Christifideles laici, nhấn mạnh đến việc thiết lập và phát triển các HĐMV: “Sự tham gia của các giáo dân vào những hội đồng này có thể đẩy mạnh sự tư vấn và sự cộng tác – mà trong một số trường hợp có tính quyết định- sẽ được áp dụng ở một cách thức lớn mạnh hơn” (EV 11/1707).
Số 26 của Huấn thị “Linh mục, mục tử và người lãnh đạo của cộng đoàn giáo xứ”, năm 2002, của Bộ Giáo sĩ, chỉ dẫn:
Trách vụ căn bản của hội đồng như vậy là phục vụ, ở mức thiết chế, cộng tác theo trật tự của tín hữu trong sự phát triển của hoạt động mục vụ vốn là riêng của các linh mục […] . HĐMV được nhìn nhận trong bối cảnh sự liên hệ phục vụ lẫn nhau giữa cha sở và các tín hữu.”
b- Chỉ có quyền tư vấn
HĐMVGX phục vụ như một cơ quan với quyền tư vấn chứ không là cơ quan lập luật hay ra những quy định... Hội đồng này chú trọng đến việc thi hành nhiệm vụ hơn là điều hành.
Tuy nhiên, xu hướng muốn có quyền điều hành của tập thể giáo dân, hay quyền dân chủ, luôn muốn nổi lên. Vấn đề được đặt ra là giáo dân, đại diện cho một cộng đoàn giáo dân, có quyền lãnh đạo không?
Ví dụ, một Bề trên của dòng nữ (theo pháp lý cũng thuộc hàng một giáo dân chứ không phải giáo sĩ) có quyền lãnh đạo hay không; hoặc ông chủ tịch Ban Thường vụ HĐGX hay Ban thường vụ HĐGX có quyền lãnh đạo không? HĐMVGX có phải là những đại diện của giáo dân để nói lên tiếng nói của họ hay thể hiện quyền quyết định dân chủ của họ không?
Giáo Luật dựa vào truyền thống và giáo thuyết của Công Đồng Vatican II (xem. LG 33; AA 24) đã xác định chỉ các người có chức thánh (thuộc hàng giáo sĩ) mới có quyền lãnh đạo và giáo dân chỉ có thể cộng tác vào quyền ấy. Giáo luật đã quy định rõ điều này:
Điều 129
§l. Những người có năng cách giữ quyền lãnh đạo trong Giáo Hội, là quyền do thiên định và cũng được gọi là quyền tài phán, chiếu theo quy tắc luật định, là những người đã lãnh nhận chức thánh.
§2. Các giáo dân có thể cộng tác vào việc hành sử quyền này, chiếu theo quy tắc của luật (christifideles laici ad normam iuris cooperari possunt).
Khi tham gia “cộng tác” (cooperari) hoạt động mục vụ, vì vậy, các thành viên trong HĐMVGX vẫn dưới quyền của cha sở. Họ được kêu mời đóng góp ý kiến, nhưng không có quyền quyết định: “Hội đồng mục vụ chỉ có quyền tư vấn" (đ. 536§2).
Huấn Thị của Tòa Thánh, ngày 15-8-1997 về Những câu hỏi liên quan đến sự cộng tác của những tín hữu không có chức thánh trong Thừa tác vụ thánh của các tư tế đã kể ra HĐMVGX và HĐ Kinh tế giáo xứ là những cơ cấu thể hiện sự cộng tác của giáo dân trong Giáo Hội. Huấn thị nhấn mạnh ở mục 5 số 3 rằng:
Chính cha sở chủ trì (preside) HĐMVGX. Sẽ là vô hiệu, và vì vậy là coi như là không có và vô ích, tất cả những kết luận (hoặc quyết định) bởi HĐMVGX mà không có sự chủ trì của cha sở hoặc sự tập họp nào trái với ý muốn của ngài.
Huấn thị “Linh mục, mục tử và người lãnh đạo của cộng đoàn giáo xứ”, năm 2002, của Bộ Giáo sĩ, số 26 cũng chỉ dẫn:
Vì vậy, không được coi HĐMV như là một cơ quan thay cho cha sở trong việc lãnh đạo giáo xứ, hoặc như là, dựa trên ý kiến của đa số, kiềm hãm việc lãnh đạo giáo xứ của cha sở”.
Tuy nhiên, về phần cha sở, khi ngài dùng những hình thức bỏ phiếu, tham khảo ý kiến, thường là có mục đích đi tìm sự đúng đắn với sự đồng thuận mang tính Giáo Hội (Consensus Ecclesiae). Vì vậy, ngài không nên quyết định ngược lại ý kiến của đa số thành viên của HĐMVGX, nhất là khi họ nhất trí, nếu không có lý do nghiêm trọng đã cân nhắc cẩn thận trước mặt Chúa (đ. 127§2). Cha sở phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về quyết định đi ngược lại với ý kiến nhất trí của các thành viên.
2.2.4. Cơ cấu HĐMVGX
a- Cha sở, chủ tịch HĐMVGX
HĐMVGX do cha sở đứng đầu, nghĩa là cha sở là chủ tịch (president) của Hội Đồng này; như tương tự, Giám mục giáo phận là chủ tịch của HĐMV giáo phận.
Các bản quy chế ở Việt Nam hiện nay hầu như đều đặt một giáo dân làm chủ tịch Hội đồng giáo xứ, Ban hành giáo, Hội đồng quý chức… với tên gọi khác nhau, như ông Chủ tịch hoặc ông Câu, ông Chánh trương, ông Trùm…
Như đã khảo sát, những tổ chức cũ như Hội đồng giáo xứ, Ban quý chức… được hình thành từ trước Bộ Giáo luật 1983, trong trong bối cảnh Việt Nam dưới thời đang được truyền giáo, giáo họ hay giáo xứ chưa được thành lập hoặc chưa hoặc không có được cha sở, đặc biệt trong thời bị cấm cách. Các hội đồng hay các ban này cần có một vị đứng đầu là giáo dân là ông Trùm, ông Chủ tịch… để điều hành, để có thể tự tồn tại và phát triển.
Nay Giáo Hội Việt Nam đã trưởng thành, cần cập nhật theo mẫu tổ chức HĐMVGX theo Giáo luật, có cha sở làm chủ tịch hội đồng.
Chủ tịch HĐMVGX là giáo dân?
Nếu ta vẫn cứ đặt một giáo dân làm chủ tịch HĐMVGX, sẽ có những bất hợp lý hay không phù hợp, có thể kể như sau:
Về lý do pháp lý, nếu HĐMVGX có một vị đứng đầu ngoài cha sở, thì sẽ được coi là một tổ chức hay cơ quan tách biệt, đứng bên cạnh cha sở. Điều này cũng có nghĩa là cha sở đứng bên ngoài HĐMVGX.
Khi vị đứng đầu đó là giáo dân thì HĐMVGX cũng dễ bị hiểu lầm là một tổ chức hay cơ quan đại diện cho giáo dân giáo xứ, có người đứng đầu đại diện cho dân.
Huấn Thị của Tòa Thánh, ngày 15-8-1997 ở mục 5 số 3 nói rằng:
“Chính cha sở chủ trì (preside) HĐMVGX. Sẽ là vô hiệu […] kết luận (hoặc quyết định) bởi HĐMVGX mà không có sự chủ trì của cha sở”.
Theo Huấn thị này thì mọi cuộc họp nếu không có sự chủ trì (preside) của cha sở là vị chủ tịch (president) thì cuộc họp vô hiệu hay không có giá trị.
Cũng sẽ là bất hợp lý khi HĐMVGX lại có hai vị đứng đầu hay chủ tịch (president), một là cha sở và một là giáo dân.
Tương tự ở cấp giáo phận, chính Giám mục giáo phận là vị đứng đầu hay là Chủ tịch của Hội đồng linh mục, Ban tư vấn, HĐMV giáo phận. Các hội đồng và các ban này đều không có một vị chủ tịch riêng khác, ngoài Giám mục.
Xét về phẩm trật hay danh dự, nếu đặt một giáo dân làm chủ tịch HĐMVGX thì các thành viên khác như cha phó, các linh mục khác, các bề trên các cộng đoàn dòng tu… đều là cấp dưới của ông chủ tịch giáo dân! Điều này thực khó mà chấp nhận!
Tuy nhiên, chúng ta, cũng thấy rõ là sẽ gặp một khó khăn rất lớn nếu phải bãi bỏ việc giáo dân làm chủ tịch HĐMVGX, vì chức chủ tịch này vốn đã in sâu trong tập tục hay truyền thống lâu đời.
Để dung hòa hay để cập nhật dần dần, đề nghị là vẫn có thể giữ những tên gọi “ông Chủ tịch”, “ông Trưởng ban”… nhưng bỏ đi cụm từ bổ túc theo sau là “HĐMVGX”, thay vào đó bằng cụm từ “Ban Thường Vụ” hay “Ban Thường vụ HĐMVGX”. Điều này có nghĩa là một giáo dân chỉ có thể đứng đầu Ban Thường vụ, chứ không phải là đứng đầu cả HĐMVGX.
Ví dụ, trong các văn bản (quy chế, văn thư, chứng thư, văn bằng…) hay giao tiếp, thay vì viết hay gọi “ông Chủ tịch HĐMVGX” thì viết hay gọi là “ông Trưởng Ban thường vụ”. Ví dụ, trong bằng khen thưởng cho giáo dân không được viết chức vụ “Chủ Tịch HĐMVGX”, chỉ nên viết là “Trưởng Ban Thường vụ HĐMVGX”.
Trong giao tiếp, cũng có thể chấp nhận gọi tắt là “ông Trưởng Ban”, “ông Chủ tịch”, “ông Trùm”, “ông Chánh trương”… như thói quen cũ, nhưng được hiểu là vị đứng đầu của “Ban thường vụ” hay một ban nào đó trong HĐMVGX mà thôi.
b- Các thành phần
HĐMVGX, vì có chức năng nhiệm vụ là tư vấn và giúp cha sở chăm sóc việc mục vụ giáo xứ, nên phải được đảm nhận từ các thành phần khác nhau trong giáo xứ. Họ có thể có mang tính đại diện nào đó nhưng không phải là những đại biểu hay đại diện cho giáo xứ hay giáo dân.
Giáo luật quy định HĐGX, ngoài cha sở là vị đứng đầu, bao gồm 2 thành phần chính (đ. 536§1):
1- “Những người tham gia vào trách nhiệm mục vụ trong giáo xứ chiếu theo giáo vụ của họ” (qui curam pastoralem vi officii sui in paroecia participant).
2- “Các Kitô hữu" (christifideles) tức là những người tin vào Đức Kitô, bao gồm cả giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân.
Lưu ý là, trong cả hai thành phần trên, Giáo luật không chỉ định riêng thành phần giáo sĩ (clericus) hay giáo dân (laicus).
Những người đang thi hành chức vụ hay giáo vụ (offficium ecclesiasticum) là ai?
Giáo luật định, đó là những người được thẩm quyền Giáo hội bổ nhiệm vào một chức vụ mà được thiết lập một cách bền vững hoặc do ý định của Thiên Chúa hay của Giáo Hội để được thi hành nhằm một mục đích thiêng liêng” (đ. 145§1). Những người này có thể kể là giáo sĩ, như cha sở, cha phó, cha tuyên úy, cha quản nhiệm nhà thờ; hay giáo dân , như Bề trên cộng đoàn dòng tu nữ, giám đốc cơ sở giáo dục hay từ thiện Công giáo… đang hoạt động mục vụ trong Giáo xứ (in paroecia).
Dưới đây xin nêu ra các thành phần được ghi trong vài quy chế ở Ý, đi sát với Giáo luật nhiều hơn, để tham khảo:
1)- HĐMVGX trong giáo phận Roma, theo quy chế năm 1994, bao gồm:
- Cha sở, Chủ tịch, người thiết lập HĐMVGX;
- Các cha phó;
- Các linh mục cộng tác;
- Các cha quản nhiệm các nhà thờ;
- Các phó tế;
- Một thành viên của Hội đồng kinh tế;
- Các đại diện cho giáo dân mà cộng tác trong nhiều công việc khác nhau của giáo xứ;
- Các đại diện cho những dòng tu, những hiệp hội và những đoàn thể thuộc giáo hội trong địa hạt giáo xứ;
- Các thành viên khác được bầu chọn hay do cha sở tuyển chọn từ một nhóm hay, cách riêng từ những người có thể góp phần năng lực của họ.
2)- HĐMVGX thuộc giáo phận Patti, theo quy chế năm 2008, bao gồm:
A- Những thành viên do giáo vụ (ex-officio):
- Cha sở, triệu tập và chủ tọa Hội Đồng
- Các linh mục và phó tế cư ngụ và hoạt động trong giáo xứ
- Các Bề trên dòng tu nam hay nữ trong địa hạt giáo xứ
- Các người phụ trách những vùng mục vụ (Zone pastorali)
- Thư ký, hoặc một thành viên, của Hội đồng kinh tế giáo xứ
B- Những thành viên được bầu chọn:
- Những người phụ trách ban Mục vụ giáo xứ
- Một đại diện cho những tờ Messagero;
- Một đại diện cho những hội đoàn, đoàn thể được Giám mục phê chuẩn và hoạt động trong giáo xứ;
- Một đại diện cho ban lễ hội;
- Vài thành viên khác được chọn và chỉ định bởi cha sở.
3)- HĐMV của giáo xứ S. Spirito trong giáo phận Imola, theo quy chế năm 2011, bao gồm:
A- Các thành viên theo luật (di diritto),
- Cha sở - Chủ tịch HĐMNGX; các cha phó; các linh mục và các thầy phó tế phục vụ mục vụ trong giáo xứ;
- Chủ tịch hội Công Giáo tiến hành giáo xứ (Azione Cattolica Parrocchiale);
- Chủ tịch Nhà Mục vụ giáo xứ (President dell'Oratorio parrocchiale)[8];
- Thư ký của Hội đồng kinh tế giáo xứ;
- Chị phụ trách trường mầm non (coordinatrice della Scuola dell’Infanzia);
- Người phụ trách giao tiếp liên lạc với bên ngoài (báo chí, trang mạng, phòng văn hóa và truyền thông giáo phận);
B- Thành viên giáo dân (laici)
Gồm 15 người, được bầu chọn và được cha sở chuẩn nhận. Danh sách đưa ra để bầu chọn bao gồm:
- Danh sách Giáo lý viên: gồm tất cả Giáo lý viên, bầu chọn 2 người
- Những danh sách của Công giáo tiến hành (Azione Cattolica), gồm 4 danh sách nhỏ và bầu chọn tất cả là 6 người:
- Danh sách những nhà giáo dục, bầu chọn 1 người
- Danh sách sinh hoạt viên của giới trẻ thanh thiếu niên (Animatori Giovani e Giovanissimi), bầu chọn 1 người
- Danh sách người lớn tuổi (aldulti), bầu chọn 2 người
- Danh sách giới trẻ thanh thiếu niên [14-40 tuổi] (Giovani e Giovanissimi), bầu chọn 2 người;
- Danh sách ban phụng vụ và cầu nguyện, bầu chọn 2 người;
- Danh sách nhóm tình nguyện viên (lo việc vệ sinh, bếp núc và những phục vụ khác thuộc thiện ích môi trường nhà thờ nhà xứ…), bầu chọn 2 người;
- Danh sách nhóm bác ái Caritas, bầu chọn 2 người;
- Danh sách thuộc nhà mục vụ (Oratorio), bầu chọn 1 người;
Chúng ta thấy các thành phần hay thành viên trong HĐMVGX trong các bản quy chế trên có đặc điểm:
- Được chia làm hai phần. Phần thứ nhất là những thành viên theo luật hay theo giáo vụ (thường là linh mục tu sĩ), là phần đương nhiên được đưa vào HĐMVGX. Phần thứ hai gồm những giáo dân được bầu chọn.
- Những giáo dân được bầu chọn thường là các chủ tịch, các trưởng, các phụ trách hay đại diện của các ban trong Giáo xứ, như ban phụng vụ, thánh nhạc, giáo lý, bác ái xã hội… và của các hiệp hội hay đoàn thể mà được gọi chung là Công giáo tiến hành.
Nhìn về Việt Nam hiện nay, các Hội Đồng Giáo xứ, ban Quý Chức... thường chỉ gồm các thành viên là giáo dân được bầu chọn, thiếu vắng những thành viên theo luật hay theo giáo vụ, như cha sở, cha phó, các linh mục khác, bề trên dòng tu, giám đốc cơ sở Công Giáo… đang hoạt động trong giáo xứ.
Phần thiếu vắng các thành viên theo luật đó ở Việt Nam, cần được bổ xung, nếu muốn thành lập một HĐMVGX đúng nghĩa Giáo luật.
Việc đưa vào này, bổ túc rất lớn cho vai trò tư vấn của HĐMVGX vốn còn coi nhẹ ở Việt Nam, vì chúng ta thường chỉ chú trọng đến những hoạt động giúp đở mục vụ thực tiễn. Sự bổ túc này sẽ nâng cao được sự hiệp thông cộng tác giữa giáo dân, các linh mục và tu sĩ, cùng với các cơ quan tổ chức đang hoạt động mục vụ truyền giáo, bác ái xã hội… Trong giáo xứ, nhờ đó, tránh được những tiêu cực, phát sinh từ sự cách biệt hay đối chọi lẫn nhau giữa giáo dân và các tổ chức, cộng đoàn khác.
3. Cập nhật theo Giáo Luật
Giám mục giáo phận có thể vẫn giữ cơ cấu cũ với tên cũ, dựa trên nguyên tắc là ngài chưa thấy thuận lợi để thiết lập HĐMVGX, như Giáo luật đã nêu ra: “Nếu Giám Mục Giáo Phận xét thấy thuận lợi, sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội Đồng Linh Mục, thì phải thiết lập trong mỗi giáo xứ một Hội Đồng mục vụ" (đ. 536#1). Và hơn nữa, ngài còn có quyền thiết lập những quy tắc điều hành cho các cơ cấu đó (đ. 536#2).
Tuy nhiên, rõ là khi thấy điều kiện được thuận lợi và sau khi tham khảo ý kiến Hội Đồng linh mục, Giám mục phải thiết lập HĐMVGX.
Như đã khảo sát ở trên, để cập nhật cần sửa đổi lại một số điều:
a- Lấy tên mới là HĐMVGX
Đổi tên hiện hành đã dùng từ xưa: Hội đồng Giáo xứ, Hội đồng quý chức, ban hành giáo…thành “HĐMVGX”.
b- Bổ túc thành phần đang có chức vụ hay giáo vụ
Việc cập nhật hóa theo Giáo Luật cần bổ khuyết thành phần đang đảm nhận giáo vụ như cha phó, linh mục đang hoạt động trong giáo xứ, bề trên dòng tu, giám đốc Caritas… vào trong HĐMVGX.
Nên xếp đa số thành phần mới này vào ban tư vấn, mỗi năm chỉ họp chung toàn thể HĐMVGX 1 hoặc 2 lần, trong khi ban thường vụ thì họp thường xuyên hơn, khoảng 1-2 tháng 1 lần, với sự chủ tọa của cha sở và sự phụ giúp của cha phó.
c- Cha sở là chủ tịch của HĐMVGX
Đổi danh vị: ông chủ tịch, ông Trùm, ông Câu… sang thành “Trưởng ban Thường vụ HĐMVGX” trong các văn bản như Quy chế HĐMVGX, các chứng nhận, bằng khen… Ví dụ:
Ông Phêrô Nguyễn Văn A
Chức vụ: Trưởng ban Thường Vụ HĐMVGX
Việc cập nhật như trên cũng khá đơn giản, không gây một xáo trộn lớn trong sinh hoạt: Thêm vào HĐMVGX một số vị đang có giáo vụ trong giáo xứ và đổi cách gọi ông chủ tịch sang thành ông Trưởng ban Thường vụ HĐMVGX.
Lm JB. Lê Ngọc Dũng
[1] Cf. Luận án tiến sĩ của Leszek Rojowski, I Consigli pastorali parrocchiali: Dal Concilio Vaticano II alle sue attuazioni, Pontificia Università Lateranense, Roma 2001, pp. 14-24.
[2] «Parochis suis commendet Episcopus ut ad unitatem, sensum et amorem Ecclesiae paroeciaeque fovendum, constituant cum vicariis cooperatoribus, supeioribus religiosorum operam in paroecia navantium et praesidibus Actionis Catholicae et praecipuorum operum laicalium Consilium Paroeciale, cuius erit parochum voto tantum consultivo adiuvare in iis quae ad opera complementaria paroeciae, ad res oeconomicas, atque ad aposotolicam et oeconomicam cooperationem fidelium excitandum et ordinandum praestent»: Acta et documenta Concilio Oecumenico Vaticano II apparando, Typis Poliglottis Vaticanis (1960-1969), Series II (praeparatoria), volumen III, pars I, p. 316.
[3]«[Consilium paroeciale]. Quotiescumque rerum adiuncta id requirere videntur, parochus Consilium cogat, ex praesidibus constans sodalitiorum paroecialium, cui intersint vicarii cooperatores, eique praesit, ut fraterne collata opera, utiliora incepta perpendant atque et effectum deducant, quae ad paroeciam spectant». Schemata Constitutionum et Decretorum ex quibus argumenta in Concilio disceptanda seligentur. Series III. Typis Poliglottis Vaticanis, 1962, p. 119.
[4] Cf. G. Alberigo (diretto da), Storia del Concilio Vaticano II. Volume II. La formazione della coscienza conciliare ottobre 1962- settembre 1963, Il Mulino, Bologna 1996, pp. 407 ss., 483 ss.
[5] Xem bài “Ban Quới Chức Họ Búng Xưa” tại http://xubung.blogspot.com/2012/12/ban-quoi-chuc-ho-bung-xua.html.
[6] Bản dịch Việt ngữ hiện hành:
§1 Nếu Giám Mục Giáo Phận xét thấy thuận lợi, sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội Đồng Linh Mục, thì nên thiết lập trong mỗi giáo xứ một Hội Đồng mục vụ, do cha sở đứng đầu, trong Hội Đồng này, các Kitô hữu cùng với những người tham gia vào trách nhiệm mục vụ của giáo xứ, chiếu theo chức vụ của họ, phải góp phần cổ vũ sinh hoạt mục vụ.
Chữ “cổ vũ” có nghĩa là tác động đến tinh thần làm cho hăng hái hoạt động, ví dụ: cổ vũ cho đội nhà, cổ vũ tinh thần. Khi dịch như vậy, nói đến tác động khích lệ từ bên ngoài, nhấn mạnh đến tinh thần, bỏ mất ý nghĩa của sự cộng tác hay phụ giúp cha sở bằng những hành động thực tiễn để đẩy mạnh việc mục vụ của giáo xứ.
[7] Cf. BEAL J.P. et alii, New Commentary on the Code of Canon Law, Paulist Press, New York 2000, 709.
[8] Oratorio (cũng gọi là trung tâm giáo xứ, trung tâm giới trẻ), theo nghĩa hiện đại, là một ngôi nhà dành cho việc mục vụ giới trẻ của Giáo hội Công giáo, nơi các sinh hoạt viên giáo dục và hướng dẫn thiếu nhi (https://it.wikipedia.org/wiki/Oratorio_(centro_giovanile).
Nguồn: giaoluatconggiao.com