Sáng 19/9, ĐTC đã tiếp 80 tham dự viên Hội nghị do Hiệp hội Giáo luật của các Giáo hội Đông phương tổ chức. Tham dự Hội nghị này có các chuyên viên của các Giáo hội Công giáo Đông phương, Giáo hội Chính thống và các Giáo hội Đông phương cổ.
Nhận định về đóng góp của Hiệp hội này cho việc đối thoại đại kết, ĐTC nói: “Chúng ta có thể học được bao nhiêu điều từ nhau trong tất cả các lĩnh vực của đời sống giáo hội: thần học, kinh nghiệm thiêng liêng và phụng vụ, hoạt động mục vụ và giáo luật”.
Vai trò của giáo luật đối với đối thoại đại kết
ĐTC cũng khẳng định rằng giáo luật có vai trò quan trọng đối với đối thoại đại kết, vì theo ĐTC, các cuộc đối thoại thần học được các Giáo hội thực hiện đều có bản chất thần học và chiều kích giáo luật, vì giáo hội học diễn tả ra qua các tổ chức và luật Giáo hội. Do đó, “giáo luật không chỉ trợ giúp cho đối thoại đại kết mà còn có chiều kích thiết yếu”.
ĐTC đưa ra ví dụ về “công nghị” – hành trình cùng nhau suy tư, lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần. Khi nói về các thể chế và tiến trình được thành lập của Giáo hội, tính công nghị này thể hiện chiều kích đại kết của giáo luật. Một đàng, chúng ta có cơ hội học hỏi từ kinh nghiệm “công nghị” của các truyền thống khác, đặc biệt là các Giáo hội Đông phương. Đàng khác nó là cách Giáo hội Công giáo hiểu rằng “tính công nghị” quan trọng đối với mối quan hệ của Công giáo với các hệ phái Kitô giáo khác.
ĐTC kết luận: “Dựa trên di sản giáo luật chung của thiên niên kỷ thứ nhất, cuộc đối thoại thần học hiện tại giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống chính xác là để tìm kiếm một sự hiểu biết chung về quyền tối thượng và tính công nghị và mối quan hệ của hai Giáo hội này để phục vụ sự hiệp nhất của Giáo hội”.
Hồng Thủy - Vatican
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn