Giải đáp thắc mắc hôn nhân - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ tư - 10/07/2019 22:59  2137
 GIẢI ĐÁP THẮC MẮC HÔN NHÂN

I- GIÁO LÝ HÔN NHÂN, DỰ TÒNG

1. Không thừa nhận chứng chỉ giáo lý
 
Hỏi:
Một số cha sở không thừa nhận chứng chỉ giáo lý hôn nhân hay dự tòng, bắt học viên phải học lại hoặc học thêm mới cho kết hôn. Cha sở đó có xử sự hợp lý không?
 
Giải Đáp:
Dường như ta cho là cha sở khó tính hay xử sự bất hợp lý. Tuy nhiên, cũng phải xác nhận là một số nơi cấp chứng chỉ giáo lý không nghiêm chỉnh, không tiến hành kiểm tra cẩn thận, không thực tập đời sống đức tin cho dự tòng. Dó đó học viên không biết được một số điểm giáo lý căn bản, không thể có đức tin và sống đạo. Ví dụ, hãy thử xem học viên dự tòng có biết cách xét mình và biết cách xưng tội không, có thuộc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh không; xem các nơi dạy giáo lý có nhận thấy rằng người tân tòng sau Rửa Tội và kết hôn chỉ đi nhà thờ được mấy hôm và đặc biệt là chẳng bao giờ đi xưng tội hay không. Những trường hợp cha sở không thừa nhận chứng chỉ giáo lý nhiều khi là rất đúng đắn.
Giải pháp cần thiết là các nơi dạy giáo lý phải được phép chính thức của Đấng Bản Quyền và đào tạo có chất lượng.
Cha sở có được những nơi ấy dạy giáo lý giúp thì rất là biết ơn, vì đỡ cho mình một công việc khá vất vả. Lẽ nào các ngài lại phi bác!
 
2- Học giáo lý dự tòng ngắn hạn
 
Hỏi:
Dạ thưa Cha!
Vậy bây giờ bạn đời của con đi học giáo lý và theo đạo Thiên Chúa thì Cha sở chỗ con  có quyền chấp nhận và đồng ý làm phép cưới cho chúng con không ạ.
Và nếu như đi học giáo lý thì bạn đời của con có được học đơn giản và ít hơn đựơc không ạ. Vì bạn đời của con không biết Tiếng Việt và Tiếng Anh nên để hiểu hết và nắm rõ thì là rất khó..
Mong Cha cho con lời khuyên.
Con cảm ơn Cha
 
Giải đáp:
Người muốn theo đạo phải qua thời gian dự tòng ít là 6 tháng (đôi khi rút xuống còn 3 tháng), không những để học giáo lý mà còn để có được và sống đức tin. Vì vậy, không thể chấp nhận rút ngắn, trừ trường hợp nguy tử hay vì lý do nghiêm trọng nào đó. Việc ảnh xin học đạo với thời gian ngắn hầu như là không được.
Tốt nhất là anh ấy xin học đạo cho đủ thời gian dự tòng ở quốc gia của ảnh.
 
3- Học giáo lý hôn nhân ngắn hạn
 
Hỏi:
Năm nay con 27 tuổi. Con đã học giáo lý hôn nhân rồi. Bây giờ con dẫn người yêu con ra học giáo lý hôn nhân để tiến hành đến hôn nhân. Người yêu con học được 1 tháng nhưng Cha xứ nơi con dậy giáo lý dự tòng. Vậy cha cho con hỏi. Làm thế nào để Cha xứ nơi con dậy giáo lý hôn nhân cho con và trong thời gian ngắn (vì bố mẹ anh ấy lại chuẩn bị đi nước ngoài và có rất ít thời gian ở đây). Theo đúng ý Cha xứ thì phải học 5 tháng. Vậy thời gian học xong thì lúc đó chúng con lại không thể tổ chức đám cưới. Trong khi con là người công giáo, con đã học xong rồi. Và anh ấy có được phép học cấp tốc không ạ. Cha giải thích giúp con ! Con cảm ơn Cha.
 
Giải đáp:
Cần phân biệt giáo lý hôn nhân và giáo lý dự tòng. Nếu là giáo lý dự tòng thì phải học trong thời gian tương đối đầy đủ để huấn luyện đức tin. Nếu là giáo lý hôn nhân thì có thể được thực hiện trong thời gian ngắn, vài buổi hoặc vài tuần, tùy theo sự thẩm định của cha sở.
Tuy nhiên, thường thì cha sở không có giờ để dạy riêng nhiều ngày. Nếu dạy một vài buổi thì ngài sợ trách nhiệm dạy không chu đáo. Vậy, con trình với cha sở để ngài liệu tìm được một thầy, một sơ hoặc một giáo lý viên, dạy giáo lý hôn nhân giúp con được hay không.
Ngoài ra, nếu cha sở con quá cẩn thận, hoặc không có giờ hoặc không tìm được người dạy, thì con có thể liên hệ với cha sở nơi anh ấy cư ngụ để giúp giáo lý hôn nhân cho anh ấy trong thời gian ngắn và cử hành tại giáo xứ anh ấy ở, vì cha sở ở đó có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về hôn nhân trong xứ ngài.
 

II- NGĂN TRỞ HÔN NHÂN KHÁC ĐẠO, MIỄN CHUẨN
 
1- Phép chuẩn hôn nhân khác đạo, được hay không?
 
Hỏi:
Thưa Cha, theo như Luật Công Giáo thì có thể xin làm phép chuẩn để tiến hành hôn lễ cho Hôn nhân khác đạo. Nhưng khi xin được làm phép chuẩn các Cha lại không đồng ý, dù không có ngăn trở khác.
 
Giải đáp:
Khi bị mắc một ngăn trở tiêu hôn như ngăn trở khác đạo, họ máu… tín hữu có thể xin miễn chuẩn ngăn trở này để được kết hôn. Ở trong Giáo phận, thẩm quyền ban là Đấng Bản Quyền (ĐGM, cha Tổng Đại Diện, cha Đại Diện GM). Ngài có thể ban miễn chuẩn khi có lý do chính đáng. Trong trường hợp con nếu cha sở thấy không có lý do chính đáng thì (tuy ngài không có thẩm quyền ban) ngài có thể góp ý với Đấng Bản quyền là không ban miễn chuẩn.
Được miễn chuẩn hay là không thì còn tùy vào quy định riêng của mỗi giáo phận. Ví dụ như một số Giáo phận có quy định là không chuẩn hôn nhân khác đạo đối với hôn nhân có người ngoại quốc hay người lương từ một giáo phận khác. Một số giáo phận khác lại dễ dàng cho chuẩn. Sự khác biệt như vậy là không trái với quy tắc của luật, vì Giáo Luật vẫn để cho Đấng Bản Quyền có quyền lãnh đạo tùy theo hoàn cảnh của mỗi địa phương.
 
2- Xin miễn chuẩn hôn nhân khác đạo ở giáo xứ, giáo phận khác
 
Hỏi:
Con và người yêu con yêu nhau được 3 năm, chúng con cùng làm việc tại Sài Gòn. Người yêu con bên Phật Giáo và gia đình không cho theo Đạo Công Giáo, chúng con đã học Giáo Lý Hôn Nhân. Chúng con về quê con xin Cha Xứ xin thực hiện Phép Chuẩn, thì Cha Xứ nói là Cha không xin thực hiện Phép Chuẩn. Vậy cho con hỏi Cha Xứ làm như vậy có đúng với luật Hội Thánh không ạ?
- Sau đó, con có xin Cha Xứ ở địa phận Sài Gòn để xin Phép Chuẩn thì được Cha đồng ý, với điều kiện là có giấy giới thiệu từ Cha Xứ quê con, nhưng Cha Xứ vẫn không đồng ý.
- Giả sử Tòa Giám Mục địa phận quê con không châp nhận yêu cầu xin Phép Chuẩn của con, thì con có thể nhờ Tòa Giám Mục địa phận Sài Gòn giúp đỡ không ạ?
 
Giải đáp:
Cha xứ nếu vẫn làm theo ý hay quy định của Đấng Bản Quyền về sự miễn chuẩn hôn nhân khác đạo trong giáo phận, thì việc ngài không cho chuẩn là vẫn hợp luật.
Nếu cha sở quê con không chấp nhận cho chuẩn thì con có thể xin miễn chuẩn và cử hành lễ cưới tại giaó xứ khác, miễn là đã tạm trú ở nơi đó được một tháng trở lên. Vậy thì cha sở ở Sài Gòn, nơi con tạm trú, có quyền, có thể nhận cử hành chứng hôn cho con.
Cha sở ở Sài Gòn sẽ phải lập hồ sơ, thực hiện tiến trình xin chuẩn ở Bản Quyền Sài Gòn và điều tra hôn phối. Giấy giới thiệu của cha xứ quê con là cần thiết, con phải xin. Tuy nhiên, khi cha sở quê con không chịu cấp giấy giới thiệu và ngay cả không chịu rao theo giấy của cha Sài Gòn gởi rao thì cha sở ở Sài Gòn vẫn có thể cử hành hôn phối một cách hữu hiệu và hợp luật. Cha sở quê con chỉ có thể góp ý hay cung cấp thông tin trở ngại cho việc kết hôn cho cha sở ở Sàigòn được biết chứ không có quyền quyết định là cho hay không cho kết hôn (xem bài Cẩm Nang: Năng Quyền Chứng Hôn). Năng quyền chứng hôn và trách nhiệm chứng hôn thuộc về cha sở nơi cử hành, tức là cha sở ở Sài Gòn nếu ngài chấp nhận chứng hôn cho các con.
 
3- Kết hôn khác đạo với người ngoại quốc
 
Hỏi:
Con vừa mới đăng ký kết hôn với người nước ngoài ngoại đạo. Nhưng khi vào xin Cha sở để được đăng ký kết hôn khác đạo (vì bạn đời của con không biết tiếng việt và tiếng anh nên không thể học giáo lý và theo đạo) cha sở không cho phép . Vậy bây giờ con phải làm sao để được giáo hội công nhận. Chúng con hiện tại bên đời đã đăng ký kết hôn rồi nhưng bên đạo lại không đồng ý . Con đang rất khổ sở. xin cha hướng dẫn giúp con
 
Giải đáp:
Khác đạo là một ngăn trở tiêu hôn. Quyền miễn chuẩn ngăn trở này thuộc Đấng bản Quyền, tức là Đức Giám Mục, cha Tổng Đại Diện, cha Đại Diện Giám Mục. Mặt khác, cũng tùy theo quy định của Giáo phận là có ban miễn chuẩn khác đạo cho trường hợp kết hôn với người ngoại quốc hay không. Một số giáo phận có quy định không ban miễn chuẩn, có lẽ  vì thấy quá khó khăn trong việc điều tra tình trạng thong dong của người ngoại quốc.
Ngoài ra, khi ban ơn miễn chuẩn Đấng Bản quyền phải thấy có lý do chính đáng và vì lợi ích các linh hồn.
Cha chỉ có thể cho những thông tin tổng quát như vậy. Việc mục vụ hôn nhân khác đạo tùy thuộc vào Đức Giám Mục địa phương và cha sở.
 
4- Kết hôn trước khi đăng ký theo luật quốc gia
 
Hỏi:
Thưa Cha, con và hôn phu con chuẩn bị hoàn tất hồ sơ định cư theo diện hôn thê không đăng ký kết hôn tại Việt Nam mà phải đăng ký kết hôn tại Mỹ. Trong thời gian đợi lãnh sự quán gọi phỏng vấn con có đăng ký học giáo lý hôn nhân tại nhà thờ Chúa Cứu thế tp. HCM nhưng hôn phu con đang vừa học vừa làm nên không thể học giáo lý hôn nhân tại Mỹ. Hôn phu con là việt kiều ngoại đạo nhưng đồng ý vào nhà thờ để làm lễ cưới. Vậy thưa Cha, con có thể xin làm phép cưới ở trong nhà thờ tại Việt Nam không ạ và nếu như không thể làm phép cưới thì con có thể xin làm phép chuẩn không ạ? Hiện tại con rất rối trong việc xin phép làm lễ cưới. Con rất mong Cha giải đáp những khúc mắc của con. Con cảm ơn Cha.
 
Giải Đáp:
Về chuẩn hôn nhân khác đạo, trên nguyên tắc là có thể Đấng Bản Quyền cho chuẩn khi thấy có lý do chính đáng. Một số giáo phận có quy định không chuẩn hôn nhân khác đạo khi bên lương là người ngoại quốc hay ở tỉnh khác, vì khó mà điều tra được tình trạng thong dong của người ấy. Ngoài ra, Giáo luật đòi phải xin phép Đấng Bản quyền địa phương khi không thể kết hôn theo luật dân sự. Vì vậy, hầu hết các giáo phận Việt Nam chỉ cho kết hôn sau khi đôi bạn đã đăng ký và được chấp nhận của chính quyền địa phương. Đòi hỏi này lại càng phải thực thi nghiêm chỉnh hơn đối với kết hôn với người ngoại quốc.
Cha đề nghị con tổ chức tiệc đám hỏi hay đính hôn ở Việt Nam để trình diện với bà con bạn bè. Sau này qua Mỹ rồi thì có thể kết hôn ở nhà thờ bên Mỹ, cùng đạo nếu ảnh theo đạo, hay khác đạo nếu ảnh không theo. Hoặc, lúc đó con xin cha sở bên Mỹ gởi hồ sơ hôn nhân của con đã đầy đủ về cho cha sở bên Việt Nam để cử hành lễ cưới tại Việt Nam. Cha sở Việt Nam khi có đầy đủ hồ sơ, bảo đảm không có gì ngăn trở thì các cha sẽ dễ dàng nhận cử hành hôn phối.
 
III- NGĂN TRỞ DÂY HÔN PHỐI, HỌ MÁU, CON NUÔI…
 
1- Đã có sống chung nhưng chưa kết hôn
 
Hỏi:
Người Công Giáo đã có sống chung trước, có con nhưng chưa có kết hôn. Nay muốn kết hôn mới thì có được không?
 
Đáp:
Người Công Giáo, chưa có kết hôn theo luật đạo, thì chưa vướng dây hôn phối nên có thể kết hôn mới theo Giáo luật. Tuy nhiên, cha sở phải điều tra cho rõ là có đúng như vậy không. Ngài có quyền từ chối nếu thấy có hồ nghi. Khi có hồ nghi, con liên hệ với tòa án hôn phối giáo phận để được điều tra và xác nhận đó chỉ là cuộc sống chung, hay chỉ có kết hôn dân sự.
Nếu con còn mắc những nghĩa vụ tự nhiên do cuộc phối hợp trước, đối với bên kia (phân chia tài sản, nợ nần...) hoặc đối với con cái (nuôi dưỡng...), thì cha sở cần phải xin phép Đấng Bản quyền địa phương trước khi chứng hôn (đ. 1071).
Bản Quyền thường chỉ cho phép khi đã chu toàn nghĩa vụ tự nhiên. 

 
2- Ngăn trở họ máu
 
Hỏi:
Dạ thưa cha con có họ hàng ngang đến đời con là đời thứ 4 luật giáo hội chúng con có được lấy nhau không thưa cha?
 
Đáp:
Họ máu hàng ngang bậc (đời) thứ 4, tương đương anh em chú bác hay cậu dì, có ngăn trở tiêu hôn. Đến bậc thứ năm mới hết ngăn trở, tức là có thể kết hôn với con của anh em họ chú bác hay cô dì. Tuy nhiên ngăn trở họ máu có thể được miễn chuẩn, trừ anh em ruột. Nên xem Cẩm Nang, mục ngăn trở họ máu hay huyết tộc ở trang giaoluatconggiao.com để biết cách tính bậc hay đời và các chi tiết khác.
 
3- Họ thiêng liêng, cha mẹ đỡ đầu
 
Hỏi:
 Mẹ con đỡ đầu 1 người con gái của người khác cho con hỏi con có thể lấy người con gái mà mẹ con đỡ đầu được không?
 
Giải đáp:
Chỉ trong Bí tích Rửa tội mà thôi, giữa người đỡ đầu và người được đỡ đầu được hình thành họ thiêng liêng qua việc đỡ đầu.
Bộ Giáo luật cũ, ban hành năm 1917, qui định mối liên hệ họ hàng thiêng liêng giữa người được rửa tội và người đỡ đầu là có ngăn trở tiêu hôn.
Bộ Giáo Luật mới, 1983 hiện hành, đã hủy bỏ ngăn trở tiêu hôn và cấm hôn đối với họ thiêng liêng này. Vì vậy con có thể kết hôn với người con thiêng liêng của cha hay mẹ.
 
4- Kết hôn với con nuôi
 
Hỏi:
 Mẹ con nhận nuôi người con gái của người khác, con có thể lấy người con gái đó được không?
 
Giải đáp:
Đối với việc nhận con nuôi, bộ luật mới 1983 chỉ quy định ngăn trở tiêu hôn đối với họ pháp lý, được hình thành qua việc nhận con nuôi được pháp lý công nhận (x. đ. 1094), được gọi là "họ pháp tộc".
"Họ pháp tộc", gây ngăn trở tiêu hôn hàng dọc 1 bậc, nghĩa là giữa cha mẹ và con nuôi; và hàng ngang 2 bậc, nghĩa là giữa con nuôi và con ruột.
Tuy nhiên, nếu mới chỉ nhận con nuôi qua miệng hay văn bản dân sự mà không có sự công nhận của chính quyền theo luật quốc gia hay giáo quyền trong luật giáo hội thì không tạo thành "họ pháp tộc", không gây ngăn trở tiêu hôn.
 
IV- THỂ THỨC KẾT HÔN, PHÉP GIAO
 
1- Kết hôn ngoài nhà thờ, phép giao
 
Hỏi:
Thưa cha, con là con gái có đạo năm nay con 27 tuổi,con và bạn con quen nhau đã 5 năm và giờ tụi con có ý định kết hôn với nhau,con cũng đã nói với anh và gia đình anh về việc đạo ai nấy giữ,nhưng gia đình anh là Phật gốc nên không đồng ý cho anh vô nhà thờ làm phép chuẩn khác đạo. Giờ con phải làm sao ạ? Tụi con có thể làm phép chuẩn khác đạo tại địa điểm nào ngoài nhà thờ không ạ? Với lại nếu tụi con không vô nhà thờ thì nhà con có bị mất phép thông công và bà con có đạo không đi dự lễ cưới gia tiên của tụi con không ạ? Con cám ơn cha!
 
Giải đáp:
Cần phân biệt kết hôn: trong nhà thờ, ngoài nhà thờ, ngoài luật đạo.
Kết hôn trong nhà thờ lại có hai dạng: trong Thánh Lễ và ngoài Thánh Lễ. Kết hôn ngoài Thánh Lễ, ở Việt Nam gọi là "phép giao".
Kết hôn khác đạo thường được làm trong nhà thờ nhưng ngoài Thánh Lễ. Đây vẫn là một kết hôn theo luật Công Giáo. Trong trường hợp con nêu ra thì cha Sở có thể cử hành nghi thức kết hôn theo Giáo Luật tại một nơi thích hợp khác ngoài nhà thờ mà ngài không cần xin phép Đấng Bản Quyền Địa Phương (đ. 1118#3).


 
2- Kết hôn ngoài luật đạo, có bị phạt không?
 
Hỏi:
Kết hôn ngoài luật đạo, cha mẹ, người dự tiệc cưới có bị phạt không?
 
Giải đáp:
Cha mẹ, anh em, bạn bè… đứng ra tổ chức hay tham dự đám cưới ngoài luật đạo có bị phạt cấm xưng tội rước lễ (6 tháng?)  hay không thì còn tùy vào quy định riêng của mỗi Giáo phận. Con nên hỏi thăm cha sở cho rõ hơn về khoản phạt vạ này.
Có Giáo Phận không có quy định phạt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cho phép. Khi ta làm điều tội hay cộng tác vào điều tội, hoặc gây ra cớ vấp phạm, ta đều phải chịu trách nhiệm với Chúa. Vì vậy, tuy Giáo phận không phạt, ta cũng phải suy xét theo lương tâm để nên làm hay không.


3- Khi nào thì chỉ được làm phép giao?

Hỏi:
Khi nào thì chỉ được làm phép giao?

Giải đáp:
Phép giao cũng là một cử hành kết hôn nhưng được làm ngoài Thánh Lễ. Những trường hợp chỉ được làm phép giao có thể là:
- Kết hôn khác đạo;
- Đã có cuộc sống chung công khai như vợ chồng trước kết hôn, vì có thể gây scandal, nhất là khi đã có con cái. Vì vậy ta thấy các cha sở khi hợp thức hóa một hôn phối thường chỉ làm phép giao.

 
4- Làm tiệc đính hôn

Hỏi:
Con có thể làm tiệc đính hôn trước ở Việt Nam rồi sau đó qua Mỹ mới xin chuẩn hôn nhân khác đạo và kết hôn được không?
 
Đáp:
Con có thể làm tiệc đính hôn mà không có ngăn cản nào. Nên công bố rõ ràng cho bà con bạn bè đây là tiệc đính hôn chứ không phải tiệc cưới. Cũng nên biết, Giáo Luật điều 1062 quy định sự đính hôn không buộc phải tiến tới kết hôn.
Điều 1062
§1. Lời hứa hôn đơn phương hoặc song phương, gọi là đính hôn, được chi phối bởi luật riêng do Hội Đồng Giám Mục ấn định, dựa theo phong tục và luật dân sự, nếu có.
§2. Lời hứa hôn không phát sinh tố quyền đòi phải cử hành hôn nhân, nhưng phát sinh tố quyền đòi đền bù thiệt hại theo mức độ đã gây ra

5- Làm đám cưới dân sự trước

Hỏi:
 Gia đình con và con muốn làm bên phép đạo xong mới cưới nhưng nếu như thế thì mất ngày đẹp theo như gia đình phía bên bạn con. Nhà bạn con có đưa ra để nghị là đồng ý cưới sau khi làm phép đạo nhưng xin dạm ngõ trước và có xin dâu làm đơn giản chỉ có 2 nhà nhưng chỉ về thắp hương ông ba tổ tiên xong rồi về (lấy ngày). Vậy con muốn hỏi cha nếu như làm theo ý nhà bạn con thì như vậy gia đình con có bị mắc tội không ạ? Mong nhận hồi âm sớm từ cha. con cám ơn cha!

Đáp:
Đôi khi bên lương muốn kết hôn theo ngày đã định, với những lý do khác nhau, và thường là đã định ngày tốt xấu. Việc này nên trình và xin cha sở dàn xếp sao cho ổn thỏa cả hai bên. Nếu dàn xếp không được có thể đi tới giải pháp là làm tiệc đính hôn rồi mỗi bên trở về nhà mình.
Trong trường hợp của con, có thêm phần xin dâu cho có hình thức thì cũng phải xin ý kiến cha sở. Cha sở tùy theo hoàn cảnh và giải pháp mục vụ của giáo xứ riêng ngài để cho phép hay không.

 
V- ĐẶC ÂN THÁNH PHAOLÔ
 
1- Không được hưởng đặc ân Thánh Phaolô

Hỏi:

Bạn con là người ngoại đạo và đã từng ly dị với một người cũng là ngoại đạo, tuy nhiên bạn còn đang theo học giáo lý tân tòng và đã được rửa tội. Con và bạn con có đưởng hưởng đặc ân Phaolô (hay đặc ân Phê rô) để kết hôn không?  Cha sở nơi con đã thông báo trên nhà thờ là không được phép cho dù bạn con có quay trở lại đạo, con thật sự rất hoang mang!

Đáp:
Theo nguyên tắc Giáo Luật, một người lương đã kết hôn với người lương mà nay theo đạo và đã chia tay với người lương kia, thì có thể hưởng đặc ân thánh Phaolô để kết hôn công giáo.
Đây là một nguyên tắc giáo luật, cha sở cứ theo đó mà tiến hành. Nếu ngài thấy có những khó khăn, như không thể thẩm vấn bên người lương kia… thì ngài mới xin phép Đấng Bản Quyền để xin chuẩn thẩm vấn. Cha sở hay Đấng Bản Quyền khi có trở ngại sẽ xét từng trường hợp một, chứ không thể ra quy định chung là không cho hưởng đặc ân. Vì vậy con cần gặp cha sở hay Đấng bản Quyền để hỏi cho rõ thông báo đó có ý nghĩa thế nào, vì con có thể hiểu lầm việc thông báo.
Con cũng có thể xin cha sở nơi anh ấy cư ngụ và cử hành tại giáo xứ đó, hoặc tương tự, một cha sở nào khác chịu giúp cử hành tại giáo xứ của ngài.

Cũng nên biết người theo đạo để hưởng đặc ân thời Thánh Phaolô là người tân tòng (đã được rửa tội). Vì để bảo vệ cho đời sống đức tin cho tân tòng nên Thánh Phaolô mới cho phép tháo cởi hôn nhân cũ nếu bên lương kia muốn chia tay. Ngày nay, ta áp dụng luật có phần dễ dãi là cho phép cho trường hợp người lương muốn tiến kết hôn rồi mới theo đạo, chứ người ấy chưa phải đã là tân tòng. Do đó, theo tinh thần của đặc ân, người lương phải được học đạo đủ thời gian cần thiết để được đào luyện, thực tập sống đức tin; không được học đạo gấp gáp và cho rửa tội như một hình thức và cho kết hôn. Để tránh sự lạm dụng đó, Đấng Bản Quyền vẫn có thể ra điều kiện người lương học đạo thời gian lâu dài hoặc phải được Rửa Tội và đã chứng tỏ sống đạo tốt qua một thời gian nào đó trước khi cho kết hôn.


2- Cha sở đòi gặp người bên lương
 
Hỏi:
Con là người ngoại đạo con đã có kết hôn với người cũng ngoại đạo,và chúng con đã ly hôn. Nay con muốn kết hôn với người Công giáo nhưng không được thưa Cha.
Con đã học xong giáo lý dự tòng và giáo lý hôn nhân,con cũng đã lãnh bi tích rửa tội. Nhưng con về nơi giáo xứ của bạn trai con thì Cha xứ ở đây không đồng ý cho chúng con xin rao và làm lễ hôn phối. Vì con đã có hôn nhân trước nên Cha không đồng ý. Thưa Cha đã hơn 1 tháng nay con đi lên xin Cha ở đây nhưng vẫn không được. Cha ở đây bắt buộc con phải đi tìm người chồng cũ của con cho Cha gặp thì cha mới xem xét cho con. 


Đáp:

Việc con đã học giáo lý dự tòng và đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, để kết hôn theo đặc ân Thánh Phaolô thì không có gì trái luật.
Tuy nhiên, các cha sợ sự gian dối vì không biết gì về chồng cũ của con, mà theo Giáo luật các cha phải hỏi (thẩm vấn, interpellatio) anh ấy một số điều. Các cha có thể xin miễn hỏi khi thấy hỏi cũng vô ích hoặc không thể nào hỏi được. Tuy nhiên các cha chỉ xin Bản Quyền miễn hỏi khi không có nghi ngờ.
Nghi ngờ có thể là:
- Con bỏ chồng chứ chồng con không có ý định chia tay?
- Chồng cũ của con cũng đã theo đạo?
- Liệu con đã có kết hôn Công giáo với người ấy không, hay chỉ có kết hôn người lương? Vì giả thiết chồng con có thể có đạo, hoặc con đã theo đạo khi kết hôn rồi, nay lại giả bộ theo đạo lần thứ hai để kết hôn.
Vậy nếu không tìm được anh ấy, thì con cũng phải tìm cách chứng minh, như có giấy ly dị, kể lại câu chuyện kết hôn, cha mẹ, anh em, con của con, hàng xóm, viên chức... đến gặp cha sở để trình bày.
Khi còn hồ nghi thì cha sở sẽ không dám cho kết hôn theo đặc ân Thánh Phaolô như trong trường hợp con.


VI- RỐI HÔN PHỐI, LY DỊ TÁI HÔN

1- Người lương trong gia đình rối hôn phối muốn theo đạo
 
Hỏi:
Người Công giáo đã ly dị nay tái hôn với người lương. Nay người lương ao ước được gia nhập đạo và được rửa tội. Phải làm sao?
 
Đáp:
Hiện nay hầu như các giáo phận đều không cho người lương đang sống rối hôn phối với người có đạo được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Trước mắt họ vẫn có thể xin gia nhập và học giáo lý dự tòng và hưởng quy chế của người dự tòng. Họ có thể đọc kinh dự lễ, nhưng chưa được Rửa tội, chưa được lãnh nhận các bí tích khác. Nếu có chết bất ưng thì họ cũng được coi là được Rửa tội bằng lửa và được làm nghi thức an táng.
Tôi có đề nghị các Đấng Bản Quyền xem xét và mở rộng vấn đề này, để cho họ được Rửa Tội trong một số hoàn cảnh hay điều kiện nào đó. Tuy nhiên phải chờ các Đức Giám Mục giáo phận quyết định riêng cho từng giáo phận của ngài. Xem bài tại: http://giaoluatconggiao.com/bi-tich/de-dong-hanh-bien-phan-va-hoi-nhap-su-yeu-duoi-voi-cac-tin-huu-trong-tinh-trang-hon-nhan-bat-hop-luat-theo-amoris-laetitia-jb-le-ngoc-dung-178.html
 

VII- THÁO GỠ HÔN PHỐI, HÔN NHÂN VÔ HIỆU
 
1- Xin gỡ hôn phối

Hỏi:
Con muốn gỡ hôn phối nhưng làm cách nào để gỡ?

Đáp:
Con lên trang giaoluatconggiao.com để tìm hiểu sơ khởi về án lý và thủ tục. Về án lý, xem bài Tổng quát những án lý vô hiệu hôn nhân, tại địa chỉ http://giaoluatconggiao.com/toa-an-hon-phoi/tong-quat-nhung-an-ly-vo-hieu-cua-hon-nhan-16.html. 
Để được nhận đơn con phải nằm trong tình trạng là có lý do hay nền tảng tiêu hôn, được nói trong bài này, như kết hôn vì sợ hãi, lừa gạt… Sau đó con hỏi thăm cha sở để biết số điện thoại của cha thẩm phán, phụ trách tòa án của giáo phận. Con hỏi ngài hay người phụ trách để được hướng dẫn. Theo luật, ngài chỉ chấp nhận đơn xin xử vụ án khi thấy hôn nhân đã tan vỡ không thể cứu chữa dược nữa và phải có một nền tảng nào đó khiến hôn nhân có thể bị vô hiệu, chứ không phải là nhận bất cứ đơn xin nào.
Có điều hạn chế là hiện nay các tòa án giáo phận tại Việt Nam đang còn thiếu nhân sự chuyên môn nên việc tiếp nhận hồ sơ và xử án chưa tiến hành mạnh mẽ được.

2- Tháo gỡ hôn nhân khác đạo

Hỏi:
Chồng của cô ấy là người công giáo, cô ấy là người lương và chỉ kết hôn với chuẩn khác đạo, nghĩa là, đạo ai người đó giữ. Hiện nay cô ấy muốn kết hôn với con là Công Giáo và cô ấy chịu theo đạo. Trường hợp như vậy thì cô ấy có được gỡ hôn phối trước không?
 
Giải đáp:
Một  kết hôn giữa người lương và có đạo đã được chuẩn ngăn trở khác đạo đã tạo thành một dây hôn phối vĩnh viễn. Nó tạo thành ngăn trở tiêu hôn cho hôn nhân sau. Việc theo đạo sau đó của cô người lương này cũng không làm cho dây hôn phối bị tiêu hủy. Do đó, dù người cô người lương này theo đạo cũng không thể kết hôn mới.
 
Tuy nhiên, dây hôn phối này có thể được Đức Giáo Hoàng tháo gỡ qua việc ngài ban Đặc ân Đức Tin (in Favorem Fidei, xem huấn thị của Tòa Thánh tại: http://giaoluatconggiao.com/VAN-KIEN/huan-thi-ve-giai-go-hon-phoi-nho-dac-an-duc-tin-30.html) Ở Việt Nam được biết là chưa có Giáo phận nào đã bắt đầu xúc tiến việc xin đặc ân này. Lý do là vì thủ tục khá phức tạp, phải qua giai đoạn điều tra tương tự như vụ án hôn phối để xem có thỏa mãn những yêu cầu Tòa Thánh đòi hỏi không. Văn bản gởi qua Tòa Thánh phải viết bằng tiếng Anh hay Pháp, Ý...
Nguyên việc giải quyết các vụ án hôn phối để đáp ứng nhu cầu chính đáng của tín hữu Việt Nam, các Tòa án hôn phối hiện nay còn chưa có đủ nhân sự và khả năng để đáp ứng. Vì vậy, việc xin Đức Giáo Hoàng đặc Ân Đức Tin để giải gỡ hôn phối này ở Việt Nam chưa được thực hiện.

 
VIII- ĐỜI SỐNG LUÂN LÝ TÍNH DỤC
 
1- Dùng dụng cụ trợ giúp tình dục
 
Hỏi:
Tôi là một dự tòng, đang theo học giáo lý hôn nhân.
Trong giáo lý hôn nhân có dạy, quan hệ vợ chồng phải dựa trên sự khiết tịnh.
Tôi là một người trẻ, ảnh hưởng nhiều lối sống hiện đại, và sắp tiến đến hôn nhân gia đình. Tôi xin phép được hỏi, nếu trong chuyện quan hệ vợ chồng, mục đích quan trọng là sự kết hợp vợ và chồng thành 1 để duy trùy nòi giống, nhưng nếu trong lúc quan hệ, vợ chồng có được phép sử dụng những vật dụng như gel, máy rung massage..( nhưng chỉ trong chừng mực nhất định chứ ko lạm dụng và thô bạo) vì đôi khi vợ chồng cũng cần những điều mới lạ. Xin phép hỏi như vậy có phạm tội không.
 
Giải đáp:
Hành vi tình dục trong đời sống vợ chồng, sự khoái lạc và sự sinh sản của nó là điều Thiên Chúa - Đấng Tạo Hóa dựng nên. Nó là tốt đẹp chứ không xấu xa. Tuy nhiên, đối với con người thì cần sự khiết tịnh nữa.
Sự khiết tịnh vợ chồng khó mà diễn tả hết ý nghĩa, nhưng luôn có nét chính yếu là tôn trọng nhân phẩm của mình cũng như người bạn đời, không coi người kia như sự vật để thỏa mãn tình dục của mình. Người này không được ép buộc người kia làm những hành vi trái ý muốn họ. Nguyên tắc là vợ chồng phải yêu thương, tôn trọng và trao ban cho nhau chính bản thân mình.
Việc dùng những phương tiện để trợ giúp hành vi tình dục thêm hoàn hảo là không có tội. Tất nhiên khi đi quá mức độ thì có tội. Mức độ này như thế nào là do tự lương tâm mình phán xét về sự tôn trọng chính bản thân mình cũng như tôn trọng người bạn đời. Ngoài tội luân lý còn phải xét đến tội làm hại sức khỏe cho mình hay cho người bạn đời, cho thai nhi nữa.
 
2- Sống chung, không quan hệ tình dục
 
Hỏi:
Con và bạn gái con sắp cưới. Trước lúc cưới ít tháng thì tụi con có ở chung với nhau, nhưng không có quan hệ tình dục mà có ý giữ gìn cho nhau, như vậy có mắc tội không thưa cha?
 
Giải đáp:
Xét về nguyên tắc luân lý thì con không có tội. Tuy nhiên, về mặt mục vụ, sự sống chung ngoài hôn nhân sẽ gây cớ vấp phạm (scandal) nên các cha sở có thể chế tài như là không cho con được rước lễ hoặc không cho cử hành đám cưới trong nhà thờ mà chỉ làm phép giao, trừ khi sự sống chung là ở nơi xa, ít người biết, không gây scandal


3- Sống thử trước khi kết hôn

Hỏi:
Sống thử trước khi kết hôn có tội vạ gì không?

Đáp:
Sự kết hợp xác thịt ngoài hôn nhân hợp pháp, dù trước hay sau, đều được coi là tội trọng khách quan, cần phải tránh.
Nếu đang chung sống công khai như vợ chồng thì sẽ không được Rước Lễ. Khi đó, nếu hai người không có ngăn trở thì vẫn có thể tiến đến kết hôn theo luật đạo. Tuy nhiên vì có cuộc sống chung công khai, cha sở thường không cho cử hành kết hôn bình thường trong Thánh Lễ, chỉ làm phép giao, tức là cho kết hôn ngoài Thánh Lễ.

4- Tránh thai: bao cao su…

Hỏi:
Vợ chồng trong quan hệ sử dụng biện pháp tránh thai là bao cao su có tội nặng không. Và có được rước lễ nữa không?

Đáp:
Theo nguyên tắc luân lý, tránh thai trái tự nhiên đều có tội nặng. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh riêng biệt của từng cá nhân, tội có thể được giảm nhẹ hay không có tội do các áp lực: sức khỏe, nghèo đói, quá đông con…
Người tránh thai được giảm nhẹ hay không mắc tội là tùy theo lương tâm mình và chịu trách nhiệm với Chúa. Lương tâm người đó có quá phóng khoáng hay chân thực hay không, có tội hay phúc hay không, đều thuộc lãnh vực riêng của tâm hồn, của ơn Chúa, người ngoài không đoán xét được.
Người có lòng, chịu khó, cho sinh ra đời những đứa con, cho dù phải hy sinh khổ nhọc, luôn là người có phúc. Chúng ta đều kính phục những bậc cha mẹ đã sinh ra và giáo dục được nhiều người con. Chính những người con đó cũng cảm thấy cha mẹ đã có công ơn rất lớn, ít là đã cho mình ra đời, làm một con người.
Trái lại, hoặc chính cha mẹ ích kỷ không muốn mang nặng đẻ đau, hoặc chính xã hội, công ty... vì lợi nhuận của mình muốn áp chế sự sinh sản đều đi ngược lại với ý định Đấng Tạo Hóa. 
Nếu con cảm thấy hay ý thức mình có tội nặng thì phải ăn năn thống hối và xưng tội trước khi rước lễ.


IX- THỜ CÚNG ÔNG BÀ TỔ TIÊN, PHẬT

1- Thờ cúng ông bà tổ tiên
Hỏi:
Cho em hỏi, em là người công giáo, bạn gái em là người không theo đạo. Chúng em quyết định tiến tới hôn nhân. Bạn gái cũng quyết định theo đạo. Nhưng có một vấn đề là bạn gái em là con một. Sau này khi ba mẹ mất đi, có được làm lễ giỗ hay cúng không? Xin cảm ơn!

Đáp:
Những hình thức cúng giỗ tổ tiên, bái lạy trước bàn thờ tổ tiên để tỏ lòng thành kính đều được phép.
Người lương vẫn sợ rằng, theo đạo là bỏ ông bỏ bà. Thật ra, theo đạo mình lại càng thảo kính cha mẹ nhiều hơn, không chỉ lúc còn sống mà cả lúc đã qua đời. Có điều là, bên đạo thì có những phương thức khác nhau để cầu cho ông bà tổ tiên.
Người Công Giáo, vào ngày lễ giỗ ông bà cha mẹ, ngoài việc tổ chức đám giỗ lớn nhỏ tuy hoàn cảnh, còn thường xin áp dụng ơn Thánh lễ (xin Lễ), tức là Hy lễ cao trọng của Đức Giêsu Kitô, để cầu nguyện đặc biệt cho ông bà cha mẹ mình. Họ lại còn phải sống bác ái hy sinh, lập công đức, để cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.

2- Bái lạy trước bàn thờ Phật
Hỏi:
Con là người Công Giáo kết hôn với người Phật giáo. Trong ngày lễ tang hay lễ giỗ con phải bái lạy trước bàn thờ tổ tiên, nhưng bên trên đó lại có bàn thờ Phật. Vậy con có được bái lạy cả hai không?
Đáp:
Đức Phật không phải là bụt thần hay ma quỷ. Chúng ta tôn kính ngài như một vị thánh hiền. Khi Giáo Hội cho phép bái lạy trước bàn thờ tổ tiên, thì Hội Thánh cũng cho phép được bái lạy trước bàn thờ Phật. Tôi biết, đã có vị linh mục khi đi qua tượng Phật đã cúi đầu tôn kính.
Điều bị cấm là không được thờ lạy Phật như là Đấng Tối Cao, ngang hàng với Thiên Chúa và người Công Giáo cũng cần phải tránh để người ta hiểu lầm là mình chối đạo, theo Phật.
Trong phạm vi gia đình có người Phật giáo, mình nên có thái độ tôn trọng tín ngưỡng của người thân, đồng thời mình làm chứng cho sự hòa nhập, bao dung đại lượng của Thiên Chúa.
Công Đồng Vatican II công nhận trong các tôn giáo khác cũng có những chân lý. Các nhà thần học hiện nay cũng thấy ơn Cứu độ của Chúa Giêsu Kitô và hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi các tôn giáo khác.
Một đời sống bác ái yêu thương với lời cầu khẩn tha thiết để được cứu vớt, được khỏi bệnh… cho dù trước Đức Phật (người xin vẫn tin đó là Đấng Tối cao) vẫn có thể được chấp nhận. Chúng ta đừng giới hạn hoạt động hay ân sủng của Thiên Chúa chỉ trong Đạo.


3- Phản bội Đức Phật!
Hỏi:
Con là Đạo Phật, theo Đạo Thiên Chúa khi lấy chồng. Con thấy Đạo cũng tốt, nhưng sao con vẫn chưa thấy có đức tin. Xin cha giúp con.
Đáp:  
Dường như con còn có cảm thức rằng khi con theo Đạo, con đang phản bội lại Đức Phật, đấng mà con hằng tôn thờ. Thật ra, chẳng có sự phản bội nào đâu.
Trong nhân gian, người ta vẫn thường nói “Trời - Phật” đi đôi với nhau, chứ không phân biệt thành hai và đặt đối chọi nhau. Con thờ Thiên Chúa, cũng chính là con thờ Trời, thờ Đấng Tạo Hóa, Đấng dựng lên muôn loài. Cách riêng trong đạo Công Giáo, ông Trời đã tỏ mình ra cho nhân loại để nói lên tình yêu thương và chăm sóc của Ngài đối với loài người và kêu gọi loài người yêu thương nhau. Tất cả những điều đó được ghi chép trong Kinh Thánh.
Con vẫn có thể tôn thờ Chúa và đồng thời cũng tôn kính Đức Phật như một vị thánh.

 
 
Nguồn: giaoluatconggiao.com

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập139
  • Máy chủ tìm kiếm51
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay24,161
  • Tháng hiện tại678,675
  • Tổng lượt truy cập52,847,623

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây